Hướng dẫn dùng sữa non sớm cho trẻ bệnh và trẻ đẻ non trong NICU

  1. Giới thiệu

– Sữa non là sữa mẹ đầu tiên được tạo thành trong vài ngày đầu sau sinh. Sữa non giàu yếu tố miễn dịch, chất chống nhiễm khuẩn và yếu tố tăng trưởng như: Immunoglobulin A, các cytokin, các lysozyme, lactoferrin, yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF). Ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non, các tác nhân dinh dưỡng cùng với các chemokine này bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng, kích thích sự phát triển của hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch.

– Sữa non của các bà mẹ đẻ non giàu yếu tố miễn dịch hoạt động hơn sữa non của các bà mẹ sinh đủ tháng. Khi dùng trực tiếp lên niêm mạc miệng, sữa non sẽ đem lại nhiều lợi ích như: kích thích sự phát triển của hệ thống hạch bạch huyết vùng hầu họng, hấp thu các yếu tố bảo vệ qua niêm mạc miệng tạo ra sự đáp ứng miễn dịch, như hàng rào ngăn chặn sự tích tụ vi khuẩn trên niêm mạc miệng và kích thích sự phát triển đường tiêu hóa.

– Trẻ đẻ non có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn muộn và viêm ruột hoại tử. Những bệnh này có thể dẫn đến tử vong, tăng tỷ lệ mắc bệnh và kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, hậu quả tồi tệ ở những trẻ còn sống. Sử dụng sữa non trong những ngày đầu sau sinh là an toàn, khả thi, dự phòng nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử và viêm phổi thở máy.

– Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những trẻ sơ sinh được mẹ gửi sữa non trong những ngày đầu sau sinh có tỷ lệ bú mẹ kéo dài hơn những trẻ khác.

– Sử dụng sữa non chăm sóc miệng nhằm cung cấp các lợi ích của sữa mẹ cho tất cả trẻ sơ sinh bị bệnh và sơ sinh đẻ non – những trẻ không thể ăn đường miệng và thậm chí có thể sử dụng với những trẻ bệnh nặng, thở máy và suy dinh dưỡng. Sữa non được đưa vào miệng trẻ bằng bơm tiêm hoặc ngón tay đeo găng (găng tay không cao su). Trẻ không nuốt được sữa nhưng sữa sẽ thấm qua niêm mạc miệng

– Hướng dẫn này đưa ra quy trình an toàn và hiệu quả cho việc sử dụng sữa non để chăm sóc miệng cho trẻ sơ sinh bệnh và trẻ đẻ non. Hướng dẫn này có thể dùng cùng với các hướng dẫn khác về việc cho ăn và chăm sóc miệng cho trẻ.

 

  1. Mục đích

– Để trẻ bệnh và trẻ đẻ non nhận được sữa non của mẹ mình sớm nhất có thể. – Gồm có:

. Trẻ < 34 tuần phải nằm ở NICU

. Bất cứ trẻ nào phải nằm tại NICU mà không ăn đường miệng: trẻ cần hỗ trợ hô hấp, liệu pháp hạ thân nhiệt, trẻ trước/sau phẫu thuật mà chống chỉ định ăn đường miệng (hở thành bụng bẩm sinh, teo thực quản, rò thực quản, tắc ruột,…)

 

  1. Những trẻ không chăm sóc miệng bằng sữa non của mẹ

– Những trẻ có chống chỉ định dùng sữa của mẹ (ví dụ: mẹ HIV,…)

– Những trẻ có thể ăn sữa non đường miệng ngay sau sinh

 

  1. Quy trình

– Tất cả những bà mẹ đang mang thai có tiên lượng đứa trẻ sau sinh sẽ cần sữa non sớm ngay sau sinh cần được giải thích về vắt sữa sớm sau sinh và lợi ích của sữa non.

 *Mẹ cần được khuyến cáo, hướng dẫn vắt sữa sau sinh càng sớm càng tốt ( trước 6 giờ sau sinh) lý tưởng nhất là trong 1-2 giờ đầu sau sinh. Việc này nên đưa vào tư vấn trước sinh hay bất cứ nơi nào có thể.

*Vắt sữa bằng tay ( hoặc máy vắt sữa) mỗi 2.5-3 giờ sau đó, dù không có sữa, trong thời gian 15-20 phút.

-Khuyến khích mẹ xuống thăm con tại NICU càng sớm càng tốt ( giúp sữa về sớm)

– Sau khi vắt có sữa non (dù chỉ vài ml) cũng cần gửi sớm tới NICU

– Nên sử dụng sữa non chăm sóc miệng ngay khi có, lý tưởng nhất là trong vòng 2h đầu sau sinh.

– Chỉ nên sử dụng sữa non của chính mẹ trẻ

– Thứ tự sữa non ưu tiên:

  1st: sữa non mới vắt

  2nd: sữa non để ngăn mát

  Tránh dùng sữa đông đá do các chất trong sữa bị giảm hoạt tính/bất hoạt khi sữa đông đá

– Các bước thực hiện:

  1. Cung cấp cho các bà mẹ lọ đựng vô khuẩn/bơm tiêm vô khuẩn 1ml-3ml để đựng sữa non. Tùy vào lượng sữa non để chọn dụng cụ đựng sữa. Nhãn dán phải ghi rõ: tên trẻ sơ sinh, PID, ngày tháng năm sinh và ngày giờ vắt sữa.
  2. Đeo găng tay sạch, lấy tối đa 0.3ml sữa non vào bơm tiêm vô khuẩn 1ml, đóng nắp và dán nhãn có đầy đủ thông tin (tên trẻ sơ sinh, PID, ngày tháng năm sinh và ngày giờ vắt sữa). Tại giường bệnh của trẻ cần kiểm tra đối chiếu thông tin trên bơm tiêm với thông tin tại hồ sơ của trẻ.
  3. Chăm sóc miệng theo hướng dẫn
  4. Mở nắp bơm tiêm vô khuẩn, đưa đầu bơm tiêm vào sâu khóe miệng bên phải hướng ra sau về phía hầu họng của trẻ, bơm 0.15ml sữa non một cách từ từ. 0.15ml sữa non còn lại làm tương tự với khóe miệng bên trái.

Cách khác: lấy tối đa 0.15ml sữa non vào ngón tay đeo găng tay không latex, đưa nhẹ nhàng vào khóe miệng bên phải hướng ra sau về phía hầu họng của trẻ, xoa đều sữa non vào nướu. Lặp lại tương tự với bên trái.

Không sử dụng gạc vì gạc sẽ thấm sữa non -> giảm lượng sữa trẻ hấp thụ

  1. Tránh hút mũi miệng trong vòng 30 phút sau đó.
  2. Theo dõi các dấu hiệu, chỉ số của trẻ trong suốt quá trình làm.
  3. Lặp lại quy trình mỗi 3h trong tối đa 48h.
  4. Nếu thừa sữa non -> có thể cho trẻ ăn qua sonde dạ dày.
  5. Ghi lại quy trình vào hồ sơ của trẻ.
  6. Khi trẻ bắt đầu ăn đường miệng, nên cho trẻ bú trước rồi ăn sonde. Lượng trẻ bú được cần ghi nhận riêng.
  7. Ghi lại bất cứ biểu hiện bất thường nào vào hồ sơ của trẻ.
  8. Khuyến khích sự tham gia của cha mẹ trẻ vào quá trình chăm sóc miệng bằng sữa non. Điều dưỡng có thể dạy và giám sát họ chăm sóc miệng cho trẻ theo 1 trong 2 cách trên.

 

  1. Thông tin cho cha mẹ trẻ

– Cha mẹ trẻ cần được hướng dẫn bằng lời nói, văn bản về những lợi ích của sữa non đối với trẻ. Tốt nhất là trước khi bà mẹ sinh.

– Khuyến khích bà mẹ vắt sữa non sau sinh càng sớm càng tốt, ít nhất 8 lần/ngày.

– Giải thích với cha mẹ trẻ rằng thể tích sữa non ban đầu vắt ra được rất ít.

 

  1. Nguồn tài liệu dịch: Guidelines: Early administration of Buccal Colostrum to sick and premature infants admitted to the NNU (NHS)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *