PHẦN MỀM NEOCALC.VN TRONG QUẢN LÝ TRẺ SƠ SINH TỪ 34 TUẦN TUỔI THAI NGHI NHIỄM KHUẨN HUYẾT SỚM

PHẦN MỀM NEOCALC.VN TRONG QUẢN LÝ TRẺ SƠ SINH TỪ 34 TUẦN TUỔI THAI NGHI NHIỄM KHUẨN HUYẾT SỚM

TẠI BỆNH VIỆN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Nguyễn Thị Hoàng Oanh1, Nguyễn Thu Tịnh2

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: nhiễm khuẩn huyết sớm là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Các hướng dẫn điều trị dựa vào yếu tố nguy cơ của bà mẹ hoặc triệu chứng lâm sàng của trẻ không đặc hiệu; dẫn đến tỷ lệ sử dụng kháng sinh không cần thiết ở những trẻ khoẻ mạnh khá cao, gây lãng phí chi phí điều trị.

Mục tiêu:1) so sánh tỷ lệ khuyến cáo kháng sinh theo công cụ dự đoán NEOS của Kaiser điều chỉnh với hướng dẫn CDC 2010 ở trẻ sơ sinh 34 tuần tuổi thai nghi nhiễm khuẩn huyết sớm; 2) ước tính chi phí điều trị.

Phương pháp nghiên cứu: tiến cứu. Trẻ sơ sinh 34 tuần tuổi thai được sanh ra từ bà mẹ có yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn huyết sớm hoặc trẻ sau sanh – 12 giờ tuổi có triệu chứng lâm sàng liên quan nhiễm khuẩn huyết tại khoa sản và khoa nhi bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu từ 01/11/2021 đến 30/04/2022. Quan sát và ghi nhận đặc điểm bà mẹ, lâm sàng của trẻ, chẩn đoán, khuyến cáo điều trị. Kiểm định sự khác biệt giữa 2 tỷ lệ khuyến cáo kháng sinh theo công cụ và theo hướng dẫn CDC 2010 bằng phép kiểm chi bình phương. Ngoại kiểm phần mềm NeoCalc.vn và ước tính chi phí điều trị

Kết quả: 99 trẻ thoả tiêu chuẩn được chọn vào. Tất cả đều có kết quả cấy máu âm tính. Trong đó, 14/99 (14,1%) trẻ được chẩn đoán có khả năng nhiễm khuẩn huyết sớm. Sử dụng tỷ lệ hiện mắc 16/1.000 trẻ sanh sống, công cụ khuyến cáo kháng sinh cho 42/99 (42,2%) trẻ, hướng dẫn CDC 2010 khuyến cáo kháng sinh cho 74/99 (74,8%) trẻ, không có trường hợp bị công cụ bỏ sót. Chi phí điều trị trung bình cho 1 đợt điều trị nhiễm khuẩn huyết/1 trẻ là 10.207.000đ.

Kết luận: sử dụng công cụ dự đoán NEOS điều chỉnh giúp giảm sử dụng kháng sinh cho 32,6% trẻ một cách an toàn so với hướng dẫn CDC 2010; giúp tránh lãng phí chi phí điều trị cho những trẻ khoẻ mạnh bị chỉ định kháng sinh không cần thiết.

Từ khoá: nhiễm khuẩn huyết sơ sinh, Neo Calc.vn

Viết tắt: AAP:American Academy of Pediatrics, CDC: Center for Disease Control and Prevention, CRP: C-Reactive Protein, GBS: Group B Streptoccoccus, IAP: Intrapartum Antibiotic Prophylaxis, NEOS: Neonatal Early Onset Sepsis, NICE: Nationtal Institude for Health and Care Excellence.

1Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu; 2 Trường ĐHYD Thành Phố Hồ Chí Minh Tác giả liên lạc: BSCK2. Nguyễn Thị Hoàng Oanh.

ĐT: 0918798068. Email: [email protected] ABSTRACT

NEOCALC.VN SOFTWARE IN THE MANAGEMENT OF NEWBORNS FROM 34 WEEKS OF GESTATION SUSPECTED OF EARLY ONSET SEPSIS

AT NGUYEN DINH CHIEU HOSPITAL

Nguyen Thi Hoang Oanh, Nguyen Thu Tinh Background: Early-onset sepsis in newborns is a common disease in newborns. Treatment guidelines are based on non-specific maternal risk factors or clinical symptoms; Therefore, the rate of unnecessary antibiotic use in healthy newborns is high,

causing waste of treatment costs.

Objective: 1) compare rates of antibiotic recommendation according to the 2010 CDC vesus the adjusted early onset sepsis calculator in newborns ≥ 34 weeks of gestation age with suspected early sepsis. 2) estimate the cost of treatment.

Methods: prospective. Newborns ≥ 34 weeks gestational age were born to mothers with risk factors for early-onset sepsis or newborns with clinical onset from postnatal to 12 hours of age at the Obstetrics and Pediatrics Department of Nguyen Dinh Chieu Hospital from November 1, 2021 to April 30, 2022. Observed and recorded maternal features, clinicals, diagnoses, treatment recommendations. Chi square was used to determine the difference between treatment recommendations of NEOS calculator and the CDC 2010 guideline. Externally validation NeoCalc.vn software and estimated treatment costs.

Results: 99 newborns who met the criteria to be selected for the study. All had negative blood culture results. In which, 14/99 (14,1%) newborns were diagnostic

probable early onset sepsis. Using an incidence rate of 16/1.000 live births, the early onset sepsis calculator recommended antibiotics for 42/99 (42,2%) newborns. the CDC 2010 guideline recommended antibiotics for 74/99 (74,8%) newborns. The average treatment cost for 1 course of treatment early onset sepsis/1 newborn is 10.207.000VND Conclusions: Using the adjusted neonatal-onset sepsis calculator safely reduced antibiotic use for 32,6% of newborns compared to the CDC 2010 guideline; and effectively avoiding wasting treatment costs for healthy newborns who are used

antibiotics unnecessarily.

Keywords: Neonatal early onset sepsis, app Neo Calc

Abbreviation: AAP: American Academy of Pediatrics, CDC: Center for Disease Control and Prevention, CRP: C-Reactive Protein, GBS: Group B Streptoccoccus, IAP: Intrapartum Antibiotic Prophylaxis, NEOS: Neonatal Early Onset Sepsis, NICE: Nationtal Institude for Health and Care Excellence.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhiễm khuẩn huyết sơ sinh sớm (NEOS) là bệnh thường gặp và là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai sau các biến cố sanh non1. Năm 2019, Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đưa ra hướng dẫn về việc quản lý nhiễm khuẩn huyết sơ sinh sớm cho những trẻ từ 35 tuần tuổi thai2. Trong đó, AAP khuyến cáo 3 cách tiếp cận: 1) dựa vào phân loại nguy cơ, 2) dựa vào nguy cơ đa biến (công cụ dự đoán NEOS của Kaiser), 3) dựa vào lâm sàng. Chúng ta có thể sử dụng một trong ba cách tiếp cận, miễn phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Tuy nhiên, không có một nguy cơ hoặc triệu chứng lâm sàng nào có đủ độ nhạy, độ đặc hiệu giúp cho chẩn đoán3. Hậu quả là nhiều trẻ sơ sinh khoẻ mạnh bị phơi nhiễm kháng sinh không cần thiết hoặc bỏ sót những trẻ cần thiết phải điều trị kháng sinh4. Mặt khác, trước tình hình thực tiễn, chi phí cho việc điều trị ngày càng gia tăng. Do đó, việc ước tính lợi ích kinh tế cần thiết được quan tâm. Điều quan trọng là làm sao hạn chế sử dụng kháng sinh không cần thiết vừa mang lại lợi ích về điều trị và tránh lãng phí cho các chi phí điều trị không cần thiết.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cách tiếp cận dựa vào nguy cơ đa biến theo công cụ dự đoán NEOS của Kaiser đem lại hiệu quả giảm sử dụng kháng sinh quá

tay một cách an toàn5. Để lựa chọn cách tiếp cận phù hợp cho đơn vị, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục đích: 1) đánh giá xem việc sử dụng công cụ có thật sự hiệu quả giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh một cách an toàn cho trẻ so với hướng dẫn CDC 2010 đang được đơn vị chúng tôi áp dụng hay không?. Từ đó, đánh giá hiệu quả kinh tế của việc áp dụng công cụ trong thực hành lâm sàng.

Mục tiêu nghiên cứu: 1) so sánh tỷ lệ khuyến cáo kháng sinh của công cụ dự đoán NEOS điều chỉnh so với hướng dẫn CDC 2010 ở trẻ ≥ 34 tuần tuổi thai nghi nhiễm khuẩn huyết sớm. 2) ước tính chi phí điều trị.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thực hiện tiến cứu từ 01/11/2021 đến 30/04/2022, tại khoa sản và khoa nhi của bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Đối tượng được chọn từ những trẻ sơ sinh có tuổi thai từ 34 tuần trở đi. Chúng tôi tiến hành chọn mẫu không ngẫu nhiên, lấy mẫu lần lượt. Tiêu chuẩn chọn mẫu:1) trẻ được sanh ra từ bà mẹ có một trong các yếu tố nguy cơ (bất kể triệu chứng lâm sàng của trẻ): sốt (≥ 380C), viêm màng ối (chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ), GBS (+), IAP < 4 giờ, vỡ ối ≥ 18 giờ; Hoặc 2) trẻ xuất hiện triệu chứng lâm sàng liên quan nhiễm khuẩn huyết trong vòng 12 giờ tuổi sau sanh (bất kể nguy cơ của bà mẹ). Tiêu chuẩn loại trừ: 1) trẻ sanh ra từ bà mẹ chưa qua chuyển dạ, 2) mẹ dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến trẻ (nhóm thuốc gây nghiện), 3) sanh mổ gây mê nội khí quản, 4) trẻ dị tật bẩm sinh, 5) chuyển viện trong thời gian nghiên cứu, 6) người đại diện hợp pháp của trẻ không đồng ý tham gia.

Định nghĩa biến số: Phân nhóm lâm sàng6 dựa theo định nghĩa của Kuzniewicz và cộng sự gồm: bệnh, nghi ngờ, khoẻ. Chẩn đoán7: “nhiễm khuẩn huyết” khi cấy máu dương tính, “có khả năng nhiễm khuẩn huyết” khi trẻ có cấy máu âm tính và có ≥ 3 triệu chứng lâm sàng hoặc ≥ 2 triệu chứng lâm sàng kết hợp CRP > 10 mg/l, “không nhiễm khuẩn huyết” khi cấy máu âm tính và trẻ khoẻ. Điều trị: theo hướng dẫn CDC 20108 (biến số kết cục) khuyến cáo kháng sinh khi trẻ có bất kỳ triệu chứng lâm sàng liên quan nhiễm khuẩn huyết hoặc được sanh ra từ bà mẹ nghi ngờ hoặc chẩn đoán viêm màng ối; theo công cụ Kaiser6 (biến số kết cục) khuyến cáo kháng sinh khi trẻ thuộc nhóm “bệnh” hoặc xác suất mắc nhiễm khuẩn huyết sớm hậu lâm sàng/1.000 trẻ sanh sống ≥ 3. Công cụ

được coi là bỏ sót khi không khuyến cáo kháng sinh hoặc xét nghiệm kết hợp theo dõi sát lâm sàng cho những trẻ có chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn huyết hoặc có khả năng nhiễm khuẩn huyết sớm.

Qui trình thực hiện: những can thiệp trên trẻ được chỉ định theo phác đồ điều trị tại đơn vị (dựa theo hướng dẫn của CDC 2010): Sau khi chọn đối tượng, chúng tôi sử dụng phiếu thu thập thông tin được biên soạn sẵn, để thu thập thông tin gồm: 1) đặc tính của bà mẹ: tuổi thai, nhiệt độ cao nhất của mẹ, thời gian vỡ ối, tình trạng GBS, loại và thời gian sử dụng kháng sinh trước sanh; 2) thông tin của trẻ: phân nhóm lâm sàng, CRP, cấy máu, chẩn đoán sau cùng; 3) khuyến cáo điều trị. Mỗi đối tượng chúng tôi thu thập thông tin về khuyến cáo điều trị thực tế và giả định; thực tế là điều trị mà trẻ đang được chỉ định (theo hướng dẫn của CDC 2010); giả định là dựa vào truy cập công cụ Kaiser thu được (và không áp dụng thực tế trên đối tượng); Để thu thập được thông tin về chỉ định điều trị (giả định) của công cụ dự đoán NEOS Kaiser, chúng tôi gặp khó khăn khi nhập thông tin vào công cụ https://neonatalsepsiscalculator.kaiserpermanente.org, công cụ định dạng sẵn tỷ lệ hiện mắc từ 0,1/1.000 – 4/1.000 trẻ sanh sống. Tuy nhiên, tỷ lệ hiện mắc theo thống kê của đơn vị chúng tôi trong năm 2021 là 16/1.000 trẻ sanh sống; với tỷ lệ này không có sẵn, chúng tôi sử dụng excel viết lại công cụ theo hướng dẫn của Puopolo và cộng sự9 với mục đích điều chỉnh điểm chặn 𝛽0 cho phù hợp tỷ lệ hiện mắc của chúng tôi (mỗi tỷ lệ hiện mắc khác nhau sẽ tương ứng điểm chặn 𝛽0 khác nhau) (xem thông tin bổ sung). Sau khi thiết lập công thức excel với phần điều chỉnh điểm chặn, chúng tôi nhập thông tin và ghi nhận khuyến cáo điều trị cho từng đối tượng với tỷ lệ hiện mắc 16/1.000 trẻ sanh sống. Trên cơ sở công thức excel, chúng tôi tiến hành thiết lập phần mềm trực tuyến http://neocalc.vn và ngoại tuyến Neo Calc trên App store (IOS) hoặc CH Play (Android).

Ngoại kiểm phần mềm NeoCalc.vn và ước tính hiệu quả về chi phí điều trị.

Dữ liệu thu thập được phân tích bằng SPSS 20.0. Các biến số liên tục được trình bày dưới dạng trung bình ± độ lệch chuẩn (mean ± SD) nếu phân phối chuẩn; hoặc trình bày dạng trung vị (bách phân vị 25th và 75th) (median [25th;75th] nếu không có phân phối chuẩn. Dùng phép kiểm Shapiro Wilk để đánh giá phân phối chuẩn (p ≥ 0,05) hay

không chuẩn (p < 0,05). Các biến số không liên tục được trình bày dưới dạng tần số n (tỷ lệ, %). Kiểm định sự khác biệt của tỷ lệ kháng sinh theo công cụ Kaiser và theo hướng dẫn CDC 2010 bằng phép kiểm chi bình phương, nếu có một ô có tần số < 5 chúng tôi dùng phép kiểm Fisher’s exact. Ngưỡng có ý nghĩa của suy luận thống kê dựa vào giả thuyết H0 là giá trị p < 0,05. Nghiên cứu được thực hiện sau khi được thông qua và chấp thuận của Hội đồng đạo đức bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre theo quyết định số 3549/GCN-HĐĐĐ ngày 31/10/2021.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đặc điểm dân số nghiên cứu

99 trẻ thoả tiêu chuẩn được chọn vào, trong đó 2/3 là trẻ đủ tháng. Có 20 bà mẹ GBS (+), 79 bà mẹ GBS “không rõ”; 39/79 bà mẹ viêm màng ối lâm sàng; 13/79 bà mẹ có thời gian vỡ ối ≥ 18 giờ; IAP > 4 giờ có 22 bà mẹ, còn lại 77 bà mẹ có IAP < 4 giờ. Có 50/99 trẻ có triệu chứng lâm sàng, triệu chứng gặp nhiều nhất là không dung nạp sữa (36/99) và suy hô hấp cần hỗ trợ oxy (35/99). Không có trẻ nào có cấy máu dương tính, 14 trẻ được chẩn đoán có khả năng nhiễm khuẩn huyết sớm.

So sánh tỷ lệ khuyến cáo kháng sinh của công cụ Kaiser điều chỉnh với hướng dẫn CDC 2010 thời điểm 0 – 12 giờ sau sanh

Vào thời điểm tiếp nhận ban đầu (sau sanh – 12 giờ tuổi), công cụ khuyến cáo kháng sinh ít hơn hướng dẫn của CDC 2010 có ý nghĩa thống kê (p=0,000) (bảng 1).

Bảng 1: so sánh tỷ lệ khuyến cáo kháng sinh của công cụ Kaiser điều chỉnh so với hướng dẫn CDC 2010. N=99, số liệu được trình bày dưới dạng n (%)

Công cụ Kaiser

điều chỉnh

Hướng dẫn CDC 2010 Tổng p
Kháng sinh Không kháng sinh
Kháng sinh 40 (40,4) 2 (2,0) 42 (42,4)
Không kháng sinh 34 (34,4) 23 (23,2) 57 (57,6) 0,000
Tổng 74 (74,8) 25 (25,2) 99 (100)

*Chi bình phương

Quan sát trẻ từ 0 – 12 giờ sau sanh đến khi có chẩn đoán sau cùng, còn lại 14 trẻ tiếp tục được sử dụng kháng sinh với chẩn đoán có khả năng nhiễm khuẩn huyết sớm.

Trong đó, hướng dẫn CDC 2010 đã khuyến cáo kháng sinh ngay từ đầu cho 14/14 trẻ; công cụ khuyến cáo 13/14 trẻ, còn lại 1 trẻ công cụ khuyến cáo xét nghiệm và theo dõi sát lâm sàng mỗi 4 giờ.

Ngoại kiểm phần mềm NeoCalc.vn, app Neo Calc

Ngoại kiểm phần mềm NeoCalc.vn trên 68 trẻ có tuổi thai ≥ 34 tuần tuổi thai, được sanh ra từ bà mẹ có một trong các nguy cơ gồm: sốt hoặc viêm màng ối (chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ), GBS (+), thời gian vỡ ối ≥18 giờ, IAP < 4 giờ; hoặc những trẻ sau sanh – 12 giờ tuổi có biểu hiện lâm sàng liên quan nhiễm khuẩn huyết. Khi sử dụng tỷ lệ hiện mắc 16/1.000 trẻ sanh sống, kết quả có 34 trẻ được chỉ định kháng sinh, 34 trẻ còn lại không kháng sinh.

Ước tính chi phí

Ước tính chi phí trung bình cho 1 trẻ nhiễm khuẩn huyết sớm là 10.207.000đ/1 đợt điều trị (bảng 2).

Bảng 2: Ước tính chi phí điều trị, số ngày nằm viện trung bình cho các trẻ có chỉ định nhập viện, chích kháng sinh (N=34)

Tổng số ngày điều trị của 34 trẻ chích kháng sinh 414 ngày
Số ngày điều trị trung bình cho 1 đợt điều trị /trẻ 414/34 (12,176 ngày/trẻ)
Tổng chi phí điều trị của 34 trẻ 347.062.000đ
Chi phí điều trị trung bình cho 1 đợt điều trị /1 trẻ 347.062.000/34=10.207.000đ/1đợt

điều trị /trẻ

Chi phí điều trị trung bình cho 1 ngày/trẻ 10.207.000/12,176=

838.346đ/ngày/trẻ

BÀN LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy, công cụ dự đoán NEOS điều chỉnh giúp giảm 32,6% tỷ lệ kháng sinh so hướng dẫn CDC 2010. Kết quả này phù hợp kết luận của tổng quan hệ thống về hiệu quả giảm chỉ định kháng sinh quá tay của công cụ so với các hướng dẫn đang được áp dụng hiện nay (CDC 20108, AAP5, NICE10)5. Tất cả đều cho thấy kết quả thấp hơn có ý nghĩa của công cụ so với các hướng dẫn trên trong chỉ định kháng sinh.

Xét về tính an toàn, chúng tôi xét trên 14 trẻ được chẩn đoán có khả năng nhiễm khuẩn huyết sớm. Hướng dẫn CDC 2010 khuyến cáo kháng sinh ngay từ đầu cho 14/14 trẻ. Công cụ khuyến cáo kháng sinh cho 13/14 trẻ, 1 trẻ công cụ khuyến cáo xét nghiệm

và theo dõi sát lâm sàng trong 4 giờ. Trẻ này được sanh ra từ bà mẹ chẩn đoán viêm màng ối lâm sàng với triệu chứng không dung nạp sữa và lừ đừ kéo dài > 72 giờ, cấy máu âm tính và CRP là 56,84 mg/L. Đây là tình huống thường gặp trên thực hành lâm sàng: 1) trẻ sanh ra từ bà mẹ viêm màng ối lâm sàng, theo CDC sẽ được chỉ định kháng sinh mặc dù trẻ không triệu chứng. Viêm màng ối lâm sàng là 1 chẩn đoán khó đạt được do tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Việc chẩn đoán mang tính chủ quan của các bác sĩ sản khoa, khiến những đứa trẻ sanh ra bị chỉ định kháng sinh quá tay mặc dù trẻ không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Cụ thể, trong nghiên cứu của chúng tôi có 39 trẻ sanh ra từ bà mẹ viêm màng ối lâm sàng thì 34/39 trẻ được loại trừ nhiễm khuẩn huyết, ngưng kháng sinh sau 48 giờ và xuất viện an toàn. Tương tự, trong nghiên cứu của N Money và cộng sự trên những trẻ sanh ra từ mẹ viêm màng ối, cho thấy việc khuyến cáo không kháng sinh trên những trẻ không có triệu chứng của các bà mẹ này là an toàn11; 2) triệu chứng lâm sàng đơn thuần như không dung nạp sữa hoặc không dung nạp đường hoặc lừ đừ đều không đặc hiệu. Theo công cụ những trẻ này không thuộc nhóm “bệnh” hoặc “nghi ngờ”, khuyến cáo điều trị sẽ phụ thuộc vào nguy cơ của bà mẹ, nếu nguy cơ đủ cao thì công cụ sẽ khuyến cáo xét nghiệm và theo dõi. Ngược lại, hướng dẫn CDC lại chỉ định kháng sinh cho những trẻ này. Đây là sự khác biệt trong định nghĩa lâm sàng nhiễm khuẩn huyết sớm của hướng dẫn CDC và công cụ. Điều này nhận thấy trong nghiên cứu của chúng tôi, với 36 trẻ không dung nạp sữa thì có 22 trẻ khoẻ mạnh, còn lại 14 trẻ có khả năng nhiễm khuẩn huyết có ≥ 2 triệu chứng cùng lúc. Như vậy, nếu vì 1 triệu chứng không dung nạp sữa đơn thuần để chỉ định kháng sinh thì đã quá tay 36 trẻ khoẻ mạnh.

Câu hỏi đặt ra liệu với những trẻ lâm sàng không rõ ràng thì việc chỉ định kháng sinh ngay hay trì hoãn kháng sinh bằng cách xét nghiệm kết hợp theo dõi sát lâm sàng và sẽ chỉ định kháng sinh khi lâm sàng không cải thiện hoặc diễn biến xấu hơn thì lựa chọn nào là phù hợp?. So với hướng dẫn CDC 2010 khuyến cáo kháng sinh cho 76 trẻ để bao gồm 14 trẻ có khả năng nhiễm khuẩn huyết hoặc theo công cụ khuyến cáo kháng sinh cho 42 trẻ bao gồm 13/14 trẻ có khả năng nhiễm khuẩn huyết và 1 trẻ khuyến cáo xét nghiệm kết hợp theo dõi sát lâm sàng mỗi 4 giờ thì lựa chọn nào mang lại lợi ích điều trị và lợi ích kinh tế tốt hơn?.

Ngoại kiểm phần mềm NeoCalc.vn, app Neo Calc

Ngoại kiểm phần mềm NeoCalc.vn, app Neo Calc trên 68 trẻ từ bà mẹ có nguy cơ hoặc trẻ có biểu hiện lâm sàng trong 12 giờ sau sanh. Nếu theo hướng dẫn của CDC 2010, tất cả 68 trẻ này sẽ được chỉ định kháng sinh, nhưng áp dụng app Neo Calc chỉ có 34 trẻ được điều trị bằng kháng sinh. Như vậy, app Neo Calc đã giúp giảm 50% số trẻ sử dụng kháng sinh so hướng dẫn CDC 2010. 34/68 (50%) trẻ đã tránh được việc nhập viện để điều trị kháng sinh không cần thiết; tất cả được nằm với mẹ, theo dõi lâm sàng và xuất viện an toàn.

Ước tính hiệu quả chi phí

Với 34 trẻ nằm viện tốn 347.062.000đ cho 414 ngày điều trị. Tính trung bình sẽ tốn 10.207.000đ/12,176 ngày điều trị (1 đợt). Điều này có thể hiểu, với 1 trẻ chỉ định kháng sinh quá tay, chúng ta đã lãng phí 10.207.000đ. Việc giảm sử dụng kháng sinh không cần thiết, đã mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí cho đơn vị.

Nghiên cứu của chúng tôi bị hạn chế trong việc xác định trẻ nhiễm khuẩn huyết sớm. Chúng tôi không có mẫu cấy máu dương tính khiến cho chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn huyết không đạt được, không có tiêu chuẩn vàng để so sánh. Tuy nhiên, chúng tôi sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng theo N Modi với độ đặc hiệu tương đương cấy máu dương tính và độ nhạy tốt hơn thì tiêu chuẩn này có thể chấp nhận được7.

KẾT LUẬN

Công cụ dự đoán NEOS hiệu chỉnh (phần mềm NeoCalc.vn) có thể được áp dụng một cách an toàn. Việc áp dụng công cụ giúp giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh không cần thiết, từ đó giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ tiếp cận ban đầu, việc theo dõi sát diễn tiến lâm sàng tiếp theo vô cùng quan trọng để tránh bỏ sót trẻ và kịp thời nhận ra được thời điểm diễn biến lâm sàng để chỉ định kháng sinh kịp thời, hợp lí. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Liu L, Oza S, Hogan D, et al (2016), “Global, regional, and national causes of under-

5 mortality in 2000–15: an updated systematic analysis with implications for the Sustainable Development Goals”, The Lancet;388(10063):3027-3035.

  1. Puopolo KM, Lynfield R, Cummings JJ (2019), ” Management of Infants at Risk for Group B Streptococcal Disease”, Pediatrics, Aug;144(2):e20191881.
  2. Flidel‐ Rimon O, Galstyan S, Juster‐ Reicher A, Rozin I, Shinwell ES (2012), “Limitations of the risk factor based approach in early neonatal sepsis evaluations”, Acta paediatrica;101(12):e540-e544.
  3. Kiser C, Nawab U, McKenna K, Aghai ZH (2014), “Role of guidelines on length of therapy in chorioamnionitis and neonatal sepsis”, Pediatrics;133(6):992-998.
  4. Achten NB, Klingenberg C, Benitz WE, et al (2019), “Association of use of the neonatal early-onset sepsis calculator with reduction in antibiotic therapy and safety: a systematic review and meta-analysis”, JAMA pediatrics;173(11):1032-1040.
  5. Escobar GJ, Puopolo KM, Wi S, et al (2014), “Stratification of risk of early-onset sepsis in newborns≥ 34 weeks’ gestation”, Pediatrics;133(1):30-36.
  6. Modi N, Doré CJ, Saraswatula A, et al (2009), “A case definition for national and international neonatal bloodstream infection surveillance”, Archives of Disease in Childhood-Fetal and Neonatal Edition;94(1):F8-F12.
  7. Verani JR, McGee L, Schrag SJ (2010), “Prevention of perinatal group B streptococcal disease: revised guidelines from CDC, 2010”, Department of Health and Human Services, Centers for Disease Control.
  8. Puopolo KM, Draper D, Wi S, et al (2011), “Estimating the probability of neonatal early-onset infection on the basis of maternal risk factors”. Pediatrics;128(5):e1155.
  9. Paul SP, Khattak H, Kini PK, Heaton PA, Goel N (2022), “NICE guideline review: neonatal infection: antibiotics for prevention and treatment (NG195)”, Arch Dis Child Educ Pract Ed, Aug;107(4):292-297.
  10. Money, N., et al (2017), “Anti-microbial stewardship: antibiotic use in well- appearing term neonates born to mothers with chorioamnionitis”, Journal of Perinatology 37.12: 1304-1309.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *