BÀI 9: SINH LÝ TUYẾN YÊN.

 

I. ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC CHỨC NĂNG

– Tuyến yên là một tuyến nhỏ (1cm, 0,5-1g), nằm trong hố yên của xương bướm thuộc nền sọ.

Các thùy của tuyến yên:

+ Thùy trước có các tế bào chế tiết còn được gọi là thùy tuyến.

+ Thùy giữa ở người rất kém phát triển, thường được gộp chung vào thùy trước.

+ Thùy sau có các tế bào giống tế bào thần kinh đệm còn được gọi là thùy thần kinh.

Tuyến yên liên hệ mật thiết với vùng hạ đồi qua 2 đường:

+ Đường mạch máu:

  • Hệ thống cửa hạ đồi-yên (hệ cửa Popa-Fielding) nối vùng hạ đồi với thùy trước tuyến yên.
  • Các hormon giải phóng và ức chế của vùng hạ đồi sẽ theo đường này xuống tuyến yên kích thích hoặc ức chế bài tiết hormon thùy trước tuyến yên.

+ Đường thần kinh:

  • Bó sợi thần kinh hạ đồi-yên là bó thần kinh đi từ nhân trên thị và nhân cạnh não thất vùng hạ đồi đến thùy sau tuyến yên.
  • Các hormon ADH và oxytocin của vùng hạ đồi sẽ được vận chuyển theo đường này xuống dự trữ ở thùy sau tuyến yên

II. CÁC HORMON TUYẾN YÊN.

1. Hormon tăng trưởng. (GH)

– Bản chất: protein 191 acid amin, 1 chuỗi đơn, trọng lượng phân tử 22.005.

– Nguồn gốc: tế bào ưa acid thùy trước tuyến yên.

– Tác dụng: GH có mô đích là gan, nó sẽ kích thích gan bài tiết somatomedin (IGF: insulin-like growth factor).

+ Somatomedin tác dụng lên hầu hết tế bào trong cơ thể, làm phát triển kích thước và số lượng tế bào dẫn đến tăng kích thước và trọng lượng cơ thể.

– Trên xương: phát triển khung xương cả chiều dài và chiều dày do làm tăng tạo khung protein ở xương, tăng tốc độ sinh sản các tế bào sụn và tế bào tạo xương, tăng cốt hóa sụn liên hợp.

+ Trên chuyển hóa protein:

  • Tăng tổng hợp protein, đây là tác dụng quan trọng nhất của somatomedin.
  • Tác dụng này được thực hiện do tăng vận chuyển acid amin vào trong tế bào
  • Tăng quá trình sao mã ADN thành mRNA
  • Tăng quá trình dịch mã mARN ở ribosome, đồng thời giảm thoái hóa protein và acid amin.

+ Trên chuyển hóa glucid:

  • Tăng đường huyết do giảm sử dụng glucose để tạo năng lượng, giảm vận chuyển glucose vào trong tế bào (kháng insulin).
  • Tuy nhiên đường huyết thường không tăng quá cao do nó cũng làm tăng dự trữ glycogen trong tế bào.

+ Trên chuyển hóa lipid: tăng thoái hóa triglycerid dự trữ làm tăng acid béo trong máu. Các acid béo sẽ được oxy hóa ở mô để tạo năng lượng.

+ Tác dụng khác: kích thích tăng bài tiết insulin.

– Điều hòa bài tiết:

+ GHRH của vùng hạ đồi kích thích tuyến yên bài tiết GH. Trong khi GHIH của vùng hạ đồi ức chế tuyến yên bài tiết GH.

+ Somatomedin của gan gây feedback âm.

+ Dưới ảnh hưởng của GH, acid béo được sử dụng tạo năng lượng nhiều hơn glucid và protid do vậy đáp ứng tăng bài tiết GH thường xảy ra trong những trường hợp khẩn cấp (đói, hạ đường huyết, stress).

+ GH cũng được điều hòa bài tiết theo nhịp giờ và nhịp ngày đêm.

2. Hormon kích thích tuyến giáp. (TSH)

* Bản chất: glycoprotein, 2 chuỗi a và p, trọng lượng phân tử 28.000.

– Nguồn gốc: tế bào ưa base thùy trước tuyến yên.

– Tác dụng: mô đích là nang tuyến giáp.

+ Trên cấu trúc tuyến giáp: dinh dưỡng và phát triển nang tuyến giáp do làm tăng số lượng và kích thước tế bào nang giáp, tăng biến đổi tế bào nang giáp sang dạng bài tiết (dạng trụ) và tăng hệ thống mao mạch của tuyến.

+ Trên chức năng tuyến giáp: tăng T3, T4 trong máu do làm tăng hoạt động bơm iod, tăng bắt iod vào trong nang giáp, tăng gắn iod vào tyrosin và tăng phân giải thyroglobulin giải phóng T3, T4 vào máu.

– Điều hòa bài tiết:

+ TRH của vùng hạ đồi kích thích tuyến yên bài tiết TSH.

+ T3, T4 của tuyến giáp gây feedback âm.

3. Hormon kích thích tuyến vỏ thượng thận.(ACTH)

– Bản chất: polypeptid 39 acid amin, trọng lượng phân tử 5.000.

– Nguồn gốc: tế bào ưa base thùy trước tuyến yên.

– Mô đích: vỏ thượng thận.

– Tác dụng:

+ Trên lớp bó và lớp lưới của vỏ thượng thận: làm tăng sinh các tế bào đồng thời kích thích các tế bào tổng hợp và bài tiết cortisol.

+ Trên tế bào hắc tố: 13 acid amin đầu tiên của ACTH giống hormon MSH (melanocyte stimulating hormone).

  • Ở động vật bậc thấp (ếch, cóc…) thùy giữa phát triển bài tiết nhiều MSH tác dụng lên tế bào hắc tố, ở người do thùy giữa kém phát triển tác dụng này chủ yếu do ACTH đảm nhận.
  • Tác dụng của MSH và ACTH trên tế bào hắc tố là làm phân tán các hạt sắc tố ra bào tương tế bào gây sẫm màu da, không có mặt MSH và ACTH các hạt sắc tố sẽ tập trung quanh nhân tế bào làm da sáng màu hơn.

+ Trên não: ACTH có vai trò trong học tập, trí nhớ và hành vi.

– Điều hòa bài tiết:

+ CRH của vùng hạ đồi kích thích tuyến yên bài tiết ACTH.

+ Cortisol của vỏ thượng thận gây feedback âm.

+ Stress làm tăng bài tiết ACTH theo cơ chế feedback dương.

+ ACTH cũng được điều hòa bài tiết theo nhịp ngày đêm.

4. Kích dục tố.

– FSH (Follicle stimulating hormone, hormon kích thích nang trứng) LH (Luteinizing hormone, hormon kích thích hoàng thể)

– Bản chất: glycoprotein. FSH có 236 acid amin, trọng lượng phân tử 32.000; LH có 215 acid amin, trọng lượng phân tử 30.000.

– Nguồn gốc: tế bào ưa base thùy trước tuyến yên.

– Tác dụng: mô đích là tinh hoàn và buồng trứng.

+ Ở nam: FSH kích thích sự phát triển ống sinh tinh làm tăng sản sinh tinh trùng; LH kích thích phát triển tế bào Leydig (tế bào kẽ) gây bài tiết testosteron.

+ Ở nữ: FSH kích thích nang trứng phát triển; LH phối hợp với FSH làm phát

triển nang trứng đến chín và gây phóng noãn, kích thích tạo hoàng thể, kích thích tế bào hạt của nang trứng và hoàng thể bài tiết estrogen và progesteron.

– Điều hòa bài tiết:

+ GnRH của vùng hạ đồi kích thích tuyến yên bài tiết FSH và LH.

+ Testosterone, estrogen và progesterone gây feedback âm. Riêng vào thời điểm trước khi phóng noãn estrogen có tác dụng feedback dương.

+ Inhibin của nang trứng ức chế bài tiết FSH.

+ Ở nữ, FSH và LH được bài tiết thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.

5. Prolactin.

– Bản chất: protein 198 acid amin, trọng lượng phân tử 22.500.

– Nguồn gốc: tế bào ưa acid thùy trước tuyến yên.

– Tác dụng: mô đích là tuyến vú đã chịu tác dụng của estrogen và progesteron. Prolactin làm bài tiết sữa vào nang sữa nhưng không gây bài xuất ra ngoài.

– Điều hòa bài tiết:

+ PIH của vùng hạ đồi ức chế tuyến yên bài tiết prolactin.

+ Động tác mút vú của trẻ và sự gần gũi, tình cảm mẹ con sẽ kích thích bài tiết prolactin.

+ Dopamin bình thường ức chế, nhưng khi cho con bú lại kích thích bài tiết prolactin. TRH kích thích bài tiết prolactin.

+ Prolactin cũng được tiết theo chu kỳ trong 24 giờ với nồng độ cao nhất vào ban đêm rồi trở lại nhịp tiết ban ngày vào khoảng 6-8 giờ

III. CÁC HORMON HẬU YÊN.

1. Hormon chống bài niệu.(ADH: antidiuretic hormone, vasopressin)

– Bản chất: peptid 9 acid amin.

– Nguồn gốc: nhân trên thị vùng hạ đồi.

– Tác dụng:

+ Nồng độ sinh lý (thấp): chống bài niệu do tăng tái hấp thu nước ở ống lượn xa và ống góp.

+ Nồng độ cao: co mạch gây tăng huyết áp. Tác dụng tăng huyết áp mạnh hơn cả angiotensin II.

– Điều hòa bài tiết:

+ Áp suất thẩm thấu tăng gây tăng bài tiết ADH và ngược lại.

+ Thể tích máu giảm gây tăng bài tiết ADH và ngược lại.

2. Oxytocin.

– Bản chất: peptid 9 acid amin.

– Nguồn gốc: nhân cạnh não thất vùng hạ đồi.

– Tác dụng:

+ Trên tử cung: gây co tử cung mang thai đặc biệt lúc chuyển dạ.

+ Trên tuyến vú: bài xuất sữa ra ngoài do co các tế bào biểu mô cơ quanh nang tuyến sữa.

– Điều hòa bài tiết:

+ Kích thích cơ học núm vú (động tác mút, se đầu núm vú) gây tăng bài tiết oxytocin.

+ Căng thẳng tâm lý, rượu, thuốc lá giảm bài tiết oxytocin.

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *