Danh mục: Kháng sinh

  • Nebcin

    Hãng xản xuất

    Eli Lilly

    Thành phần

    Tobramycin sulfate

    Dạng bào chế

    Dung dịch tiêm 80 mg/2 ml : hộp 1 ống 2 ml
    Biệt dược khác

    Tobramicina ibi (IBI Pharma) ống tiêm 100mg/2ml, 150mg/ 2ml

    Lyrasil (Pymepharco) ống 80 mg/2 ml

    Tobramycin (Actavis) ống 80 mg/2 ml

    Dược lực
    Tobramycin là kháng sinh họ aminoglycoside, tan trong nước, trích từ nấm Streptomyces tenebrarius. Nebcin dạng tiêm, là một dung dịch nước vô trùng, trong suốt, không màu, dùng đường tiêm.
    Tobramycin có công thức hóa học (C18H37N5O9)2.5H2SO4. Trọng lượng phân tử: 1425,39.
    Tobramycin tác động bằng cách ức chế quá trình tổng hợp protein trong tế bào vi khuẩn. Các thử nghiệm in vitro chứng tỏ tobramycin là kháng sinh diệt khuẩn.
    Tobramycin có hiệu quả trên đa số các chủng vi khuẩn sau đây, cả trên nhiễm trùng lâm sàng và in vitro (xem Chỉ định)
    Vi khuẩn hiếu khí gram dương: Staphylococcus aureus
    Vi khuẩn hiếu khí gram âm: Citrobacter sp, Enterobacter sp, Escherichia coli, Klebsiella sp, Morganella morganii, Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Providencia sp, Serratia sp.
    Aminoglycoside có tác động yếu trên hầu hết vi khuẩn gram dương, gồm Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae, và enterococci.
    Mặc dù phần lớn các chủng enterococci đề kháng in vitro, tuy nhiên vài chủng trong nhóm này còn nhạy cảm. Các nghiên cứu in vitro cho thấy một aminoglycoside kết hợp với một kháng sinh có tác động lên sự tổng hợp thành tế bào sẽ có tác dụng hiệp đồng trên một số chủng enterococci. In vitro, kết hợp penicillin G và tobramycin có tác dụng hiệp đồng diệt khuẩn trên một số chủng Enterococcus faecalis. Tuy nhiên, sự kết hợp này không có tác dụng hiệp đồng trên các vi khuẩn tương tự, thí dụ Enterococcus faecium. Đặc điểm trên không thể dùng để đoán trước tính nhạy cảm. Kháng sinh đồ và các thử nghiệm về tính hiệp đồng kháng sinh cần được chú trọng.
    Có thể có đề kháng chéo giữa các aminoglycoside.
    Dược động học
    Tobramycin được hấp thu nhanh sau khi tiêm bắp. Tobramycin đạt được nồng độ đỉnh trong huyết thanh sau khi tiêm bắp khoảng 30-90 phút. Sau một liều tiêm bắp 1 mg/kg, nồng độ tối đa trong huyết thanh lên đến 4 mcg/mL, nồng độ có thể đo được kéo dài đến 8 giờ. Nói chung, nồng độ điều trị trong huyết thanh khoảng từ 4 đến 6 mcg/mL. Khi truyền tĩnh mạch trong vòng 1 giờ, nồng độ trong huyết thanh tương tự như tiêm bắp. Nebcin hấp thu qua đường tiêu hóa rất kém.
    Ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường, trừ trẻ sơ sinh, Nebcin không bị tích tụ trong huyết thanh khi được dùng 8 giờ một lần. Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy thận và trẻ sơ sinh, nồng độ kháng sinh trong huyết thanh thường cao hơn và duy trì trong thời gian dài hơn. Vì vậy, liều dùng cho các bệnh nhân này nên được điều chỉnh cho phù hợp (xem Liều lượng).
    Sau khi dùng qua đường tiêm, chỉ một phần nhỏ thuốc được chuyển hóa mà thôi, phần lớn tobramycin được thải trừ qua sự lọc cầu thận. Độ thanh thải ở thận tương tự như độ thanh thải của creatinine nội sinh. Các nghiên cứu về siêu lọc cho thấy gần như không có gắn kết với protein huyết thanh. Ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường, 84% liều dùng xuất hiện trong nước tiểu trong 8 giờ, và lên đến 93% trong 24 giờ.
    Nồng độ đỉnh trong nước tiểu từ 75 đến 100 mcg/mL sau khi tiêm bắp một liều duy nhất 1 mg/kg. Sau một vài ngày điều trị, lượng tobramycin được bài tiết trong nước tiểu tăng gần đến liều dùng hàng ngày. Khi chức năng thận suy giảm, sự bài tiết Nebcin bị chậm lại, và sự tích tụ thuốc có thể tạo ra nồng độ độc trong máu.
    Thời gian bán hủy trong huyết thanh ở người bình thường là 2 giờ. Thời gian bán hủy tỉ lệ nghịch với độ thanh thải creatinine, và nên điều chỉnh thời biểu liều dùng theo mức độ suy thận (xem Liều lượng). Ở bệnh nhân được thẩm phân, có thể 25-70% liều dùng có thể được thải trừ, tùy thuộc vào thời gian và cách thẩm phân.
    Tobramycin có thể được tìm thấy trong mô, dịch cơ thể sau khi tiêm thuốc. Nồng độ thuốc trong mật và phân thường thấp, điều này cho thấy thuốc bài tiết qua mật rất ít. Sau khi tiêm, nồng độ tobramycin trong dịch não tủy thấp. Nồng độ này phụ thuộc liều dùng, tốc độ thâm nhập thuốc, mức độ viêm màng não. Thuốc cũng được tìm thấy trong đàm, dịch màng bụng, hoạt dịch, dịch ổ áp-xe. Thuốc có thể đi qua màng nhau. Nồng độ thuốc tại vỏ thận cao gấp nhiều lần so với nồng độ bình thường trong huyết thanh.
    Probenecid không ảnh hưởng đến sự vận chuyển của tobramycin ở ống thận.
    Chỉ định
    Nebcin được chỉ định cho các nhiễm trùng nghiêm trọng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm trong các bệnh lý sau đây :
    – Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn do P. aeruginosa, E. coli, và Klebsiella sp.
    – Nhiễm trùng đường hô hấp dưới do P. aeruginosa, Klebsiella sp, Enterobacter sp, Serratia sp, E. coli và S. aureus (các chủng tạo và không tạo penicillinase).
    – Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nặng (viêm màng não) do các vi khuẩn nhạy cảm.
    – Nhiễm trùng trong ổ bụng, gồm viêm phúc mạc, do E. coli, Klebsiella sp, và Enterobacter sp.
    – Nhiễm trùng da, xương và cấu trúc da do P. aeruginosa, Proteus sp, E. coli, Klebsiella sp, Enterobacter sp, và S. aureus.
    – Nhiễm trùng đường tiết niệu có biến chứng và tái phát do P. aeruginosa, Proteus sp (indole dương và âm tính) E. coli, Klebsiella sp, Serratia sp, S. aureus, Providencia sp, và Citrobater sp.
    Các aminoglycoside, bao gồm Nebcin, không được chỉ định sử dụng trong nhiễm trùng đường tiết niệu giai đoạn đầu không biến chứng, trừ khi vi khuẩn gây bệnh không còn nhạy cảm với các kháng sinh ít độc tính hơn. Nebcin có thể được chỉ định trong nhiễm trùng tụ cầu nặng, khi có chống chỉ định của penicillin hoặc các thuốc ít độc hơn, và khi kết quả kháng sinh đồ và chẩn đoán lâm sàng cho thấy nên dùng Nebcin.
    Nên nuôi cấy vi khuẩn trước và trong khi điều trị để phân lập và định danh vi khuẩn gây bệnh, và để đánh giá tính nhạy cảm với tobramycin. Nếu kết quả kháng sinh đồ cho thấy vi khuẩn gây bệnh đề kháng với tobramycin, nên chọn cách điều trị khác. Có thể bắt đầu sử dụng Nebcin trước khi có kết quả kháng sinh đồ ở bệnh nhân nghi ngờ nhiễm trùng gram âm nặng đe dọa tính mạng, gồm cả những bệnh nhân có chỉ định dùng kết hợp penicillin hoặc cephalosporin với aminoglycoside. Sau đó, dựa vào kết quả kháng sinh đồ, mức độ trầm trọng của nhiễm trùng, và các yếu tố bổ sung quan trọng khác đã được bàn trong phần Thận trọng lúc dùng để quyết định có tiếp tục sử dụng Nebcin hay không.
    Chống chỉ định
    Mẫn cảm với bất kỳ một aminoglycoside nào là một chống chỉ định của tobramycin. Tiền sử mẫn cảm hoặc có những phản ứng độc nặng đối với các aminoglycoside có thể cũng là chống chỉ định với bất kỳ aminoglycoside nào, vì có nhạy cảm chéo giữa các thuốc trong nhóm.
    Chú ý đề phòng
    Nên xét nghiệm máu và nước tiểu trong quá trình điều trị, như đã được khuyến cáo trong phần Thận trọng khi xử dụng. Theo dõi calcium, magnesium và sodium trong huyết thanh.
    Trong khi điều trị nên đo định kỳ nồng độ đỉnh và nồng độ cặn trong huyết thanh, không nên để nồng độ đỉnh vượt quá 12 mcg/mL trong thời gian dài. Nồng độ cặn tăng cao (trên 2 mcg/mL) chứng tỏ thuốc tích tụ trong mô. Sự tích lũy thuốc, tuổi cao, và liều tăng dần là những yếu tố góp phần gây độc tính trên tai và thận. Rất cần thiết theo dõi sát nồng độ trong huyết thanh ở bệnh nhân có chức năng thận suy giảm.
    Đã có báo cáo có dị ứng chéo giữa các aminoglycoside.
    Dược động học thay đổi ở bệnh nhân bỏng diện rộng có thể làm giảm nồng độ aminoglycoside huyết thanh, vì vậy khi điều trị bằng Nebcin cho những bệnh nhân như vậy cần phải đo nồng độ huyết thanh để xác định liều dùng thích hợp.
    Ở bệnh nhân cao tuổi chức năng thận có thể giảm, nhưng không biểu hiện rõ ở những kết quả xét nghiệm thường qui như BUN hay creatinine huyết thanh. Nên xác định độ thanh thải creatinine vì sẽ chính xác hơn. Cần theo dõi thật chặt chẽ chức năng thận khi điều trị với aminoglycoside ở các bệnh nhân này.
    Tỉ lệ độc trên thận gia tăng khi dùng đồng thời aminoglycoside và cephalosporin đã được báo cáo.
    Thận trọng lúc dùng
    Nên theo dõi bệnh nhân chặt chẽ khi kê đơn Nebcin và các aminoglycoside khác, vì các thuốc này có khả năng gây độc trên tai và thận.
    Độc tính thần kinh, có thể biểu hiện bởi triệu chứng độc tính trên thính giác và trên tiền đình. Tổn thương về thính giác thường không hồi phục, ở cả hai bên, có thể một phần hay toàn phần. Tổn thương dây thần kinh số 8 và độc tính trên thận xảy ra phần lớn do dùng aminoglycoside ở bệnh nhân có sẵn tổn thương thận, hoặc có chức năng thận bình thường nhưng dùng thuốc trong thời gian dài hơn hoặc liều cao hơn chỉ định. Những biểu hiện khác của độc tính trên thần kinh có thể gồm : tê, cảm giác da bị châm chích, cơ co rút, chứng co giật. Nguy cơ điếc do aminoglycoside càng tăng khi nồng độ đỉnh và nồng độ cặn trong huyết thanh càng cao. Tổn thương ốc tai có thể không có các triệu chứng báo trước độc tính trên dây thần kinh số 8, và trường hợp điếc hai bên, một phần hay toàn phần, có thể tiếp tục tiến triển sau khi ngừng thuốc.
    Những biểu hiện rõ ràng của độc tính trên thận, xuất hiện sau khi ngưng điều trị một vài ngày hiếm khi xảy ra. Độc với thận do aminoglycoside thường có thể hồi phục.
    Tránh dùng đồng thời hay kế tiếp với các kháng sinh gây độc thần kinh và/hoặc độc với thận khác, đặc biệt là các aminoglycoside khác (thí dụ amikacin, streptomycin, neomycin, kanamycin, gentamicin và paromomycin), cephaloridine, viomycin, polymyxin B, colistin, cisplatin, vancomycin. Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ bao gồm tuổi cao, mất nước.
    Không nên dùng đồng thời aminoglycoside với thuốc lợi tiểu mạnh, như acid ethacrynic, furosemide. Bản thân một số thuốc lợi tiểu cũng gây độc cho tai, và việc sử dụng thuốc lợi tiểu đường tĩnh mạch làm tăng độc tính của aminoglycoside do thay đổi nồng độ kháng sinh trong huyết thanh và mô.
    Lúc có thai
    Aminoglycoside có thể gây hại bào thai khi dùng cho phụ nữ có thai. Thuốc đi qua nhau thai. Đã có báo cáo về điếc bẩm sinh cả hai tai không hồi phục ở các trẻ em có mẹ dùng streptomycin trong thai kỳ. Tác dụng phụ nghiêm trọng trên bà mẹ, bào thai, trẻ sơ sinh khi điều trị cho phụ nữ có thai bằng các aminoglycoside khác chưa được báo cáo. Nếu tobramycin được dùng trong thai kỳ hay bệnh nhân thụ thai trong thời gian dùng tobramycin, nên báo trước cho bệnh nhân về khả năng gây độc cho bào thai.
    Tác dụng ngoại ý
    Độc tính trên thần kinh : Tác dụng phụ trên nhánh tiền đình và nhánh thính giác của dây thần kinh số 8 đã được ghi nhận, đặc biệt ở các bệnh nhân dùng liều cao hoặc dùng kéo dài, các bệnh nhân trước đó đã dùng thuốc gây độc trên tai, và các bệnh nhân mất nước. Các triệu chứng bao gồm : chóng mặt, choáng váng, ù tai, tiếng gầm trong tai, mất thính lực. Lãng tai thường không hồi phục, biểu hiện ban đầu là giảm khả năng nghe âm sắc cao. Tobramycin và gentamicin sulfat tương tự nhau về độc tính trên tai.
    Độc tính trên thận : Thay đổi chức năng thận, biểu hiện bằng gia tăng BUN, NPN, creatinin huyết thanh, thiểu niệu, trụ niệu, tăng protein niệu đã được báo cáo, đặc biệt ở bệnh nhân có tiền sử suy thận mà thời gian điều trị kéo dài hơn hoặc dùng với liều cao hơn chỉ định. Tác dụng phụ trên thận có thể xảy ra cả ở các bệnh nhân lúc đầu có chức năng thận bình thường.
    Các nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu trên súc vật thí nghiệm đã được tiến hành để so sánh độc tính trên thận của tobramycin và gentamicin. Trong một vài nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu trên súc vật, tobramycin ít gây độc với thận hơn nhiều so với gentamicin. Trong một vài nghiên cứu lâm sàng khác lại không thấy sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ gây độc trên thận giữa tobramycin và gentamicin. Các tác dụng phụ có thể liên quan đến Nebcin đã được báo cáo, gồm : thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, sốt phát ban, viêm da tróc vảy, ngứa, mày đay, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, ngủ lịm, đau nơi tiêm, lú lẫn, mất định hướng.
    Các bất thường trên xét nghiệm có thể liên quan đến Nebcin bao gồm : tăng transaminase huyết thanh (AST [SGOT], ALT [SGPT]), tăng LDH và bilirubin huyết thanh, giảm calcium, magnesium, natri, kali trong huyết thanh, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu và tăng bạch cầu ái toan.
    Liều lượng và cách dùng
    Nebcin có thể dùng tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch. Liều giống nhau cho cả tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Nên xác định thể trọng bệnh nhân trước khi điều trị để tính liều chính xác. Nên đo cả nồng độ đỉnh và nồng độ tồn lưu (xem Thận trọng lúc dùng, và Chú ý đề phòng)
    Bệnh nhân có chức năng thận bình thường :
    – Người lớn nhiễm trùng nặng : 3 mg/kg/ngày, chia làm 3 liều bằng nhau, dùng mỗi 8 giờ (xem Bảng 1).
    – Người lớn nhiễm trùng đe dọa tính mạng : có thể dùng đến 5 mg/kg/ngày, chia làm 3 hoặc 4 liều bằng nhau (xem Bảng 1). Nên giảm xuống còn 3 mg/kg/ngày ngay khi lâm sàng cho phép. Để tránh nồng độ trong máu quá cao gây tăng độc tính, liều dùng không nên vượt quá 5 mg/kg/ ngày, trừ khi có theo dõi nồng độ trong huyết thanh (xem Thận trọng lúc dùng, và Chú ý đề phòng).
    Bảng 1. Bảng hướng dẫn liều dùng cho người lớn có chức năng thận bình thường (liều dùng mỗi 8 giờ)
    * Áp dụng cho tất cả dạng trình bày của Nebcin, trừ dạng tiêm cho trẻ em.

    Trọng lượng Liều thông thường cho các NK nặng 1 mg/kg mỗi 8 giờ (Tổng liều : 3 mg/kg/ngày) Liều tối đa cho các NK đe doạ tính mạng (giảm liều càng sớm càng tốt) 1,66 mg/kg/8h (Tổng liều : 5 mg/kg/ngày)  
    kg Lb mg/liều mL/liều* mg/liều mL/liều
    mỗi 8 giờ mỗi 8 giờ        
    120 264 120 3 200 5
    115 253 115 2,9 191 4,75
    110 242 110 2,75 183 4,5
    105 231 105 2,6 175 4,4
    100 220 100 2,5 166 4,2
    95 209 95 2,4 158 4
    90 198 90 2,25 150 3,75
    85 187 85 2,1 141 3,5
    80 176 80 2 133 3,3
    75 165 75 1,9 125 3,1
    70 154 70 1,75 116 2,9
    65 143 65 1,6 108 2,7
    60 132 60 1,5 110 2,5
    55 121 55 1,4 91 2,25
    50 110 50 1,25 83 2,1
    45 99 45 1,1 75 1,9
    40 88 40 1 66 1,6

    – Trẻ em : 6-7,5 mg/kg/ngày, chia 3-4 liều bằng nhau (2-2,5 mg/kg/ mỗi 8 giờ hoặc 1,5 – 1,89 mg/kg/mỗi 6 giờ).
    – Trẻ sơ sinh dưới 1 tuần tuổi, đẻ non hay đủ tháng : có thể dùng đến 4 mg/kg/ngày, chia làm 2 liều bằng nhau, mỗi 12 giờ.
    Chỉ nên điều trị trong thời gian ngắn, thông thường là 7-10 ngày. Thời gian có thể lâu hơn trong các nhiễm trùng có biến chứng, khó điều trị. Trong trường hợp này, nên theo dõi chức năng thận, thính giác và tiền đình, vì độc tính trên thần kinh dễ xảy ra khi điều trị lâu hơn 10 ngày.
    Bệnh nhân có tổn thương chức năng thận
    Nếu có thể nên theo dõi nồng độ tobramycin trong huyết thanh trong thời gian điều trị.
    Sau liều tải 1 mg/kg, các liều kế tiếp phải được điều chỉnh, giảm liều với khoảng cách dùng mỗi 8 giờ, hoặc với liều bình thường nhưng khoảng cách dài hơn. Cả hai biện pháp này được đề nghị khi không thể đo trực tiếp nồng độ tobramycin trong huyết thanh, mà dựa trên độ thanh thải creatinine hay nồng độ creatinine huyết thanh, vì các giá trị này có liên quan với thời gian bán hủy của tobramycin. Khi áp dụng thời biểu liều dùng dựa theo một trong hai phương pháp trên, nên kết hợp với theo dõi trên lâm sàng thật cẩn thận, và nên được điều chỉnh khi cần thiết. Không áp dụng hai phương pháp này khi đang tiến hành thẩm phân cho bệnh nhân.
    Giảm liều với khoảng cách 8 giờ : Khi độ thanh thải creatinine không quá 70 mL mỗi phút, hoặc khi biết trị số creatinine huyết thanh, có thể xác định liều dùng bằng cách nhân liều bình thường trong Bảng 1 với số phần trăm của liều bình thường ở biểu đồ kèm theo đây.
    Một cách hướng dẫn khác sơ bộ để ước lượng liều dùng mỗi 8 giờ (ở bệnh nhân có trị số creatinine máu ổn định) là chia liều bình thường cho trị số creatinine huyết thanh của bệnh nhân.
    Liều bình thường với khoảng cách dùng kéo dài : Nếu không tính được độ thanh thải creatinine, và tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể tính được thời gian cách nhau giữa các liều dùng thuốc (tính bằng giờ) theo liều trong Bảng 1 bằng cách nhân nồng độ creatinine huyết thanh cho 6.
    Liều dùng cho bệnh nhân béo phì : Có thể tính bằng phép cộng trọng lượng ước đoán bình thường của bệnh nhân, với trọng lượng thừa 40% so với trọng lượng bình thường để tính liều dùng mg/kg.
    Tiêm bắp : Có thể tiêm Nebcin bằng cách rút một lượng thuốc vừa đủ trực tiếp từ lọ thuốc, hoặc dùng loại ống tiêm có sẵn thuốc.
    Tiêm tĩnh mạch : Đối với người lớn lượng dịch pha thường là 50-100 mL (sodium chloride 0,9%, dextrose 5%). Đối với trẻ em, lượng dịch pha giảm tương ứng. Thông thường, thời gian truyền từ 20-60 phút. Không nên truyền nhanh hơn 20 phút vì nồng độ đỉnh trong huyết thanh vượt quá 12 mcg/mL (xem Thận trọng lúc dùng).
    Không nên trộn Nebcin với các thuốc khác, nên dùng riêng rẽ dựa theo liều lượng và đường dùng đã được khuyến cáo.
    Trước khi dùng, nên quan sát kỹ lọ thuốc để phát hiện các tính chất bất thường hay thay đổi màu sắc, khi dung dịch và lọ cho phép.
    Quá liều
    Dấu hiệu và triệu chứng : Dấu hiệu và triệu chứng khi dùng quá liều tobramycin phụ thuộc vào liều đã dùng, chức năng thận, tình trạng dịch thể, tuổi tác, và có dùng đồng thời các thuốc có độc tính tương tự hay không. Độc tính có thể xảy ra trên các bệnh nhân dùng trên 10 ngày, người lớn dùng trên 5 mg/kg/ngày, trẻ em dùng liều trên 7,5 mg/kg/ngày, bệnh nhân bị giảm chức năng thận nhưng không có điều chỉnh liều dùng phù hợp.
    Độc trên thận do aminoglycoside tương ứng chặt chẽ với diện tích vùng nằm dưới đường cong của biểu đồ biểu diễn nồng độ huyết thanh so với thời gian. Độc với thận dễ xảy ra hơn nếu nồng độ tồn lưu trong máu không thấp hơn 2 mcg/mL. Độc tính trên thận tỉ lệ thuận với nồng độ trung bình trong máu. Những bệnh nhân dễ có nguy cơ bị hoại tử cấp ống thận bao gồm: bệnh nhân cao tuổi có chức năng thận bất thường, đang dùng những thuốc có tác dụng phụ gây độc với thận khác, hoặc giảm thể tích tuần hoàn. Quá liều aminoglycoside gây ra độc tính trên thính giác và tiền đình. Độc tính này xảy ra khi điều trị trên 10 ngày, ở bệnh nhân có chức năng thận bất thường, bệnh nhân mất nước, bệnh nhân có dùng đồng thời thêm các thuốc khác gây độc trên thính giác. Bệnh nhân có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, hoặc có thể bị choáng váng, chóng mặt, ù tai, mất khả năng nghe các âm sắc cao. Các dấu hiệu, triệu chứng độc trên tai có thể chỉ bắt đầu xuất hiện sau khi ngưng thuốc một thời gian dài.
    Nghẽn thần kinh cơ hoặc liệt hô hấp có thể xảy ra sau khi dùng các aminoglycoside. Nghẽn thần kinh cơ, suy hô hấp, liệt hô hấp kéo dài xảy ra phổ biến hơn ở bệnh nhân có kèm bệnh nhược cơ nặng hay bệnh Parkinson. Liệt hô hấp kéo dài cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân dùng decamethonium, tubocurarine, hoặc succinylcholine. Nếu xảy ra nghẽn thần kinh cơ, có thể điều trị bằng muối calcium, nhưng cũng có thể cần đến sự hỗ trợ của máy thở.
    Nếu bệnh nhân uống tobramycin, độc tính sẽ ít xảy ra hơn do aminoglycoside hấp thu kém qua đường tiêu hóa.
    Điều trị : Khi nghi ngờ bị quá liều, hãy gọi đến Trung tâm kiểm soát độc chất trong vùng để biết được những thông tin mới nhất về điều trị quá liều. Sở dĩ có khuyến cáo này là vì, nói chung, thông tin về điều trị trường hợp quá liều có thể thường hay thay đổi và như thế thông tin sẽ mới hơn trong toa thuốc. Khi điều trị quá liều, lưu ý đến khả năng bị quá liều nhiều loại thuốc, tương tác giữa các thuốc, dược động học bất thường của bệnh nhân. Khởi đầu điều trị quá liều tobramycin gồm bảo đảm thông đường thở, cung cấp oxy và thông khí tốt. Bắt đầu ngay các biện pháp hồi sức nếu liệt hô hấp xảy ra.
    Các bệnh nhân dùng quá liều tobramycin, có chức năng thận bình thường, nên được bù dịch đầy đủ để duy trì lượng nước tiểu 3-5 mL/kg/giờ. Theo dõi cẩn thận tình trạng cân bằng dịch thể, độ thanh thải creatinine, nồng độ tobramycin huyết tương cho đến khi nồng độ tobramycin huyết thanh xuống dưới 2 mcg/mL.
    Những bệnh nhân có thời gian bán hủy thuốc dài hơn 2 giờ hoặc có chức năng thận bất thường có thể cần đến biện pháp điều trị tích cực hơn. Ở những bệnh nhân này, có thể có chỉ định lọc máu.

  • Streptomycine

    Mã ATC

    A07A A04, J01G A01
    Loại thuốc

    Kháng sinh nhóm aminoglycosid.
    Thuốc độc bảng B
    Thành phần

    Streptomycine

    Bột pha tiêm lọ 1 g

    Dược lý và cơ chế tác dụng
    Streptomycin là kháng sinh nhóm aminoglycosid có tác dụng diệt khuẩn, bằng cách ngăn cản quá trình tổng hợp bình thường protein của vi khuẩn.
    Phổ kháng khuẩn của streptomycin bao gồm vi khuẩn Gram âm hiếu khí và một số vi khuẩn Gram dương; streptomycin không có tác dụng với vi khuẩn yếm khí. Streptomycin có hoạt tính đặc biệt chống M. tuberculosis và M. bovis. Streptomycin cũng có hoạt tính chống một số vi khuẩn Gram dương và Gram âm hiếu khí như: Brucella, Francisella tularensis, Yersinia pestis, Calymmatobacterium granulomatis, Escherichia coli, Proteus spp., Aerobacter aerogenes, Klebsiella pneumoniae, Enterococci faecalis, Streptococcus viridans, Haemophylus ducreyi, Haemophylus influenza.
    Các chủng trực khuẩn Gram âm và cầu khuẩn Gram dương kháng streptomycin đã xuất hiện, làm hạn chế áp dụng điều trị của streptomycin. Nhiều chủng thường nhạy cảm với streptomycin nhưng sau vài ngày hoặc vài tuần điều trị đã trở nên kháng. Hầu hết các chủng Pseudomonas aeruginosa kháng streptomycin. Hiện nay streptomycin được dùng phối hợp cùng các thuốc chống lao khác để điều trị bệnh lao.
    Dược động học
    Một giờ sau khi tiêm bắp 1 g streptomycin (dạng muối sulfat), nồng độ đỉnh huyết tương đạt khoảng 25 – 50 microgam/ml và giảm dần khoảng 50% sau 5 – 6 giờ. Streptomycin phân bố vào hầu hết các mô và dịch cơ thể. Nồng độ đáng kể trong dịch màng phổi và hang lao. Streptomycin thấm qua màng nhau thai, nồng độ ở dây rốn tương đương trong máu mẹ. Một lượng nhỏ streptomycin thải trừ vào sữa, nước bọt và mồ hôi. Khoảng 20 – 30% streptomycin liên kết với protein huyết tương. Streptomycin thải trừ qua lọc cầu thận; ở người bệnh có chức năng thận bình thường khi dùng liều 600 mg streptomycin có khoảng 29 – 89% thải trừ nguyên dạng ra nước tiểu trong 24 giờ. Bất kỳ một sự suy giảm chức năng lọc cầu thận nào đều dẫn đến giảm thải trừ thuốc và làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương và trong các tổ chức. Khoảng 1% thuốc thải trừ qua mật.
    Chỉ định
    Streptomycin được dùng kết hợp với các thuốc chống lao khác trong điều trị lao. Streptomycin cũng được dùng kết hợp với các thuốc kháng khuẩn khác trong điều trị bệnh do Mycobacteria khác gây ra kể cả u hủi.
    Streptomycin được dùng trong điều trị bệnh tularemia, dịch hạch. Hầu hết các nhà lâm sàng cho rằng streptomycin là thuốc được lựa chọn để điều trị cả hai bệnh này.
    Streptomycin phối hợp với tetracyclin hoặc doxycyclin trong điều trị bệnh Brucella và phối hợp với tetracyclin hoặc sulfonamid để điều trị bệnh sổ mũi ngựa (nhiễm khuẩn Mallomyces mallei).
    Streptomycin dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống nhiễm khuẩn khác để điều trị u hạch bẹn và hạ cam (granuloma inguinale và chancroid).
    Streptomycin phối hợp với penicilin G hoặc ampicilin thường có hiệu quả trong điều trị viêm màng trong tim do Enterococcus và Streptococcus. Streptomycin cũng được dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống nhiễm khuẩn khác trong điều trị lậu. Tuy nhiên, streptomycin chỉ được dùng trong nhiễm khuẩn lậu do chủng nhạy cảm với streptomycin và khi những aminosid khác hoặc những thuốc chống nhiễm khuẩn khác không hiệu quả hoặc chống chỉ định.
    Chống chỉ định
    Mẫn cảm với streptomycin hoặc với các aminoglycosid khác (mẫn cảm chéo).
    Bệnh nhược cơ.
    Thận trọng
    Khởi đầu và định kỳ làm test kích thích nóng lạnh ở tai và kiểm tra thính lực khi điều trị bằng streptomycin dài ngày. Khi có biểu hiện ù tai, đánh trống tai hoặc cảm giác điếc ở tai cần thiết phải kiểm tra thính lực hoặc kết thúc đợt điều trị hoặc cả hai.
    Cẩn thận với người dùng streptomycin để tránh phản ứng mẫn cảm ở da thường xuất hiện vào tuần thứ 2 và 3. Cũng như mọi chế phẩm tiêm bắp, chỉ tiêm streptomycin vào những cơ lớn và cẩn thận để giảm thiểu khả năng gây thương tổn thần kinh ngoại biên.
    Hết sức thận trọng để chọn liều thích hợp với người bệnh suy thận. Với người tăng urê huyết trầm trọng, một liều đơn có thể tạo nồng độ thuốc cao trong máu vài ngày và có thể tích lũy gây độc trên tai. Khi điều trị dài ngày bằng streptomycin, kiềm hóa nước tiểu có thể giảm thiểu hoặc ngăn ngừa kích ứng thận.
    Trẻ em không được dùng streptomycin vượt quá liều đã khuyến cáo, vì đã gặp hội chứng ức chế thần kinh trung ương ở trẻ dùng quá liều.
    Trong điều trị bệnh hoa liễu như bệnh u hạch bẹn hoặc hạ cam, nếu nghi ngờ có kèm theo giang mai, phải thực hiện một số xét nghiệm thích hợp như thử nghiệm soi xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen trước khi bắt đầu điều trị và thực hiện kiểm tra huyết thanh hàng tháng, trong ít nhất 4 tháng.
    Cũng như các kháng sinh khác, dùng thuốc này có thể gây phát triển các vi sinh vật không nhạy cảm, kể cả nấm. Nếu có bội nhiễm, phải thực hiện liệu pháp thích hợp.
    Thời kỳ mang thai
    Streptomycin gây thương tổn bào thai ở người mang thai, vì streptomycin qua nhau thai rất nhanh, vào tuần hoàn thai nhi và dịch nước ối; nồng độ thuốc ở các mô này thường ít hơn 50% nồng độ trong huyết thanh mẹ.
    Vài trường hợp được thông báo về độc tính trên tai của streptomycin ở trẻ em do mẹ đã điều trị lao bằng streptomycin; trẻ sơ sinh bị điếc với phản xạ ốc tai – mi mắt âm tính. Ngoài thương tổn đối với dây thần kinh số 8, không có những dị tật bẩm sinh khác do dùng streptomycin gây nên. Dùng streptomycin ở 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây điếc ở trẻ.
    Thời kỳ cho con bú
    Streptomycin thải qua sữa mẹ với lượng nhỏ. Tuy nhiên, streptomycin được hấp thu kém qua đường tiêu hóa, nên không thấy thông báo có vấn đề ở trẻ đang bú.
    Tác dụng không mong muốn (ADR)
    Cũng như các aminoglycosid khác, ADR quan trọng nhất là độc với tai, do tổn thương dây thần kinh ốc tai và tổn thương dây tiền đình gây chóng mặt, chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ, phản ứng quá mẫn và hiếm khi gây độc cho thận.
    Thường gặp, ADR > 1/100
    Tai: Khả năng độc đối với tiền đình ở trẻ em cao hơn người lớn. Ở người bệnh có chức năng thận bình thường, yếu tố chủ yếu liên quan đến độc tính là liều dùng hàng ngày và tổng liều điều trị trong một thời gian nhất định. Khoảng 30% tai biến trên tiền đình xảy ra khi dùng liều 1 g/ngày trong 4 tháng, 5 – 15% trường hợp suy giảm khả năng nghe. Không nên dùng streptomycin quá 60 g tức 60 liều trong 2 tháng điều trị.
    Chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ: Rối loạn thị lực (gặp ở 50% trường hợp), dị cảm (thường xảy ra quanh mồm và cũng có ở các vùng khác trên mặt và tay), viêm dây thần kinh ngoại biên.
    Phản ứng dị ứng: Ngoại ban da (xảy ra ở 5% người bệnh 7 – 9 ngày sau mũi tiêm đầu tiên), ban đỏ, sốt, mày đay, phù Quincke, tăng bạch cầu ưa eosin.
    Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    Thần kinh và giác quan: Mất khứu giác một phần hoặc toàn bộ (sau điều trị một thời gian dài), viêm rễ thần kinh, viêm tủy và những biến chứng thần kinh khác.
    Chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ: Ức chế hô hấp.
    Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    Thần kinh và giác quan: Mất tập trung tinh thần nhất thời.
    Dị ứng: Hội chứng Stevens – Jonhson, thiếu máu tan máu, suy thận, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ huyết cầu…
    Hướng dẫn cách xử trí ADR
    Khi thấy xuất hiện ADR, thì ngừng ngay điều trị bằng streptomycin.
    Vì không có thuốc giải độc đặc hiệu, nên xử trí quá liều và phản ứng độc của streptomycin là điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Các biện pháp gồm:
    Thẩm tách thận nhân tạo hoặc thẩm tách màng bụng để loại streptomycin ở người suy thận.
    Dùng thuốc kháng cholinesterase, muối calci, hoặc dùng liệu pháp hỗ trợ hô hấp bằng máy, điều trị chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ, gây yếu cơ hô hấp và ức chế hoặc liệt hô hấp (ngừng thở).
    Liều lượng và cách dùng
    Streptomycin sulfat chỉ được dùng tiêm bắp sâu vào vùng cơ lớn. Ở người lớn, vị trí tiêm thích hợp nhất là phần tư mông trên – ngoài hoặc mặt giữa – bên cơ đùi hoặc cơ delta.
    Chỉ tiêm vào cơ delta khi cơ này phát triển tốt như ở một số người lớn và trẻ lớn và phải thận trọng khi tiêm để tránh tổn hại dây thần kinh quay. Không được tiêm bắp vào vùng dưới và 1/3 giữa cánh tay. Cũng như tất cả những khi tiêm bắp, phải hút để tránh tiêm vô ý vào một mạch máu. Phải thay đổi vùng tiêm.
    Ðiều trị lao và các bệnh do Mycobacteria khác:
    Không được dùng đơn độc streptomycin. Khi dùng hàng ngày trong một phác đồ điều trị lao, chỉ tiêm streptomycin trong vài tháng đầu, còn những thuốc khác vẫn phải tiếp tục cho hết liệu trình. Liều thường dùng ở người lớn là 1 g/ngày hoặc 15 mg/kg/ngày. Với trẻ em, liều 10 mg/kg. Ở người cao tuổi, dùng liều thấp hơn tùy theo tuổi, chức năng thận và chức năng dây thần kinh số 8. Liều giới hạn tới 10 mg/kg/ngày, tối đa là 750 mg/ngày cho người cao tuổi. Khi dùng liệu pháp gián cách, liều thường dùng ở người lớn và trẻ em là 12 – 18 mg/kg (tối đa là 1,5 g), 2 – 3 lần/tuần.
    Streptomycin thường được tiêm bắp mỗi ngày một lần.
    Bệnh tularemia:
    Liều thường dùng ở người lớn là 1 – 2 g/ngày, chia thành 2 liều nhỏ, tiêm trong 7 – 14 ngày hoặc cho đến khi người bệnh hết sốt trong 5 – 7 ngày.
    Bệnh dịch hạch:
    Liều thường dùng ở người lớn là 2 g/ngày (30 mg/kg), chia 2 lần; tối thiểu tiêm trong 10 ngày. Liều trẻ em là 30 mg/kg/ngày, chia 2 – 3 lần; trong 10 ngày.
    Bệnh Brucella:
    Phối hợp với tetracyclin hoặc doxycyclin. Liều thường dùng ở người lớn là 1 g, 1 hoặc 2 lần mỗi ngày trong tuần đầu và 1 lần/ngày trong ít nhất 1 tuần tiếp theo. Liều trẻ em trên 8 tuổi: 20 mg/kg/ngày (tối đa 1 g/ngày), trong 2 tuần. Nếu dùng phối hợp streptomycin với cotrimoxazol thì ít nhất phải tiêm streptomycin trong 2 tuần đầu điều trị.
    Viêm màng trong tim do Streptococcus nhạy cảm với penicilin (nhóm viridans).
    Khi phối hợp với penicilin, liều streptomycin thường dùng ở người lớn là 1 g, mỗi ngày 2 lần trong 1 tuần, sau đó là 500 mg, mỗi ngày 2 lần cho tuần tiếp theo. Người bệnh trên 60 tuổi dùng liều 500 mg, mỗi ngày 2 lần, trong 2 tuần.
    Viêm màng trong tim do Enterococcus:
    Phối hợp với penicilin, liều streptomycin thường dùng ở người lớn là 1 g, mỗi ngày 2 lần, trong 2 tuần, sau đó dùng liều 500 mg, mỗi ngày 2 lần trong 4 tuần. Nếu nhiễm độc tai, có thể phải ngừng streptomycin trước khi hoàn thành liệu trình 6 tuần.
    Nhiễm khuẩn vừa và nặng do các vi khuẩn nhạy cảm: Liều streptomycin thường dùng ở người lớn là 1 – 2 g/ngày, phân liều cách nhau 6 – 12 giờ/lần, tổng liều không quá 2 g/ngày. Trẻ em có thể dùng 20 – 40 mg/kg/ngày, phân liều cách nhau 6 – 12 giờ/lần.
    Khi có thể, phải giám sát thường xuyên nồng độ đỉnh và đáy của streptomycin trong huyết thanh và điều chỉnh liều để duy trì nồng độ mong muốn trong huyết thanh. Nồng độ đỉnh và đáy trong huyết thanh không được vượt quá 40 – 50 microgam/ml và 5 microgam/ml.
    Với người suy thận:
    Nồng độ đỉnh trong huyết thanh không được quá 20 – 25 microgam/ml. Nếu không xác định được nồng độ thuốc trong huyết thanh, thì có thể điều chỉnh liều dựa trên hệ số thanh thải creatinin. Liều nạp ban đầu được khuyến cáo là 1 g, các liều sau được gợi ý như sau:
    Hệ số thanh thải Liều lượng
    creatinin (ml/phút)
    50 – 80 7,5 mg/kg cho 24 giờ.
    10 – 50 7,5 mg/kg cho 24 – 72 giờ.
    <10 7,5 mg/kg cho 72 – 96 giờ.
    Tương tác thuốc
    Ðộc tính với thính giác tăng lên nếu dùng streptomycin cùng với acid ethacrynic, furosemid, manitol và có thể các thuốc lợi tiểu khác.
    Tương kỵ
    Streptomycin tương kỵ với acid và kiềm.

  • Kanamycin meiji

    Hãng xản xuất

    Meiji Seika

    Phân phối

    CT TNHH DP Thiên Thảo

    Mã ATC

    A07A A08, J01G B04, S01A A24.
    Loại thuốc

    Kháng sinh nhóm aminoglycosid.

    Thành phần

    Kanamycine sulfate

    Dạng bào chế

    Bột pha tiêm 1g : hộp 10 lọ
    Dược lực
    Tác động :

    Kanamycin là kháng sinh nhóm aminoglycoside, sản sinh bởi Streptomyces kanamyceticus. Thuốc có tác động trên vi khuẩn gram dương, gram âm và hiệu quả trong điều trị nhiều loại nhiễm trùng và bệnh lao.
    Vi sinh học :
    Tác động kháng khuẩn : Kanamycin có tác động kháng vi khuẩn gram dương, gram âm và Mycobacterium tuberculosis. Thuốc cũng được chứng minh hiệu quả đối với Staphylococcus đa kháng thuốc, E.coli và Klebsiella sp.
    Dược lý lâm sàng
    Các kết quả các thử nghiệm lâm sàng so sánh và thử nghiệm mở trên lâm sàng, bao gồm 3089 trường hợp được tổng kết như sau :
    Hiệu quả lâm sàng : Thuốc đạt hiệu quả 82-100% trong nhiễm trùng đường hô hấp, như viêm phế quản, viêm phổi và ho gà ; 82-91% trong nhiễm trùng đường tiết niệu như viêm bàng quang, viêm thận-bể thận, việm niệu đạo và lậu ; 75% trong viêm phần phụ tử cung ; 80% trong nhọt độc, viêm tấy, chốc ; 83-97% trong viêm vú, viêm hạch bạch huyết, viêm xương tủy ; 80-100% trong viêm amiđan, viêm tai giữa ; 82-87% trong nhiễm trùng hậu phẫu và các nhiễm trùng khác.
    Phản ứng phụ: Trong 11224 trường hợp từ các viện nghiên cứu trên thế giới, các phản ứng phụ có biểu hiện trong 2252 trường hợp (20,1%). Các phản ứng phụ thường gặp là :
    Giảm thính lực (8,3%), tổn thương thần kinh (0,1%), suy thận (1,4%), suy gan (0,2%), rối loạn tiêu hóa (2,3%), đau và chai nơi tiêm (1,8%), nổi mẩn (0,5%) và tăng bạch cầu ái toan (0,7%).
    Dược động học
    Hấp thu và đào thải : Khi tiêm bắp kanamycin ở người lớn khỏe mạnh với liều duy nhất 0,5 g hoặc 1 g, nồng độ đỉnh trong máu đạt được sau 1 giờ với các chỉ số lần lượt là 28 mcg/ml và 43,1 mcg/ml, sau đó nồng độ giảm xuống dần dần. Khoảng 77% liều dùng được đào thải trong nước tiểu trong vòng 6 giờ.
    Độc tính cấp

    Nhiễm độc bán cấp và mãn tính : Khi tiêm bắp kanamycin với liều 100 mg/kg ngày 1 lần ở chó (trừ ngày thứ bảy và chủ nhật) trong vòng 6 tháng; không thấy bất thường gì trong các xét nghiệm máu, nước tiểu và chức năng gan thận hoặc trong các mô cơ thể ở nhóm dùng 100 mg/kg. Tuy nhiên, trong nhóm dùng 200 mg/kg có xuất hiện tiểu đạm và tiểu máu trong vòng 2-3 tuần và có giảm PSP và tăng NPN.
    Chỉ định
    Các vi khuẩn nhạy cảm : Staphylococcus, Neisseria gonorrhoeae, Escherichia coli, Mycobacterium tuberculosis, các dòng nhạy cảm với kanamycin của Streptoccocus pneumoniae, Proteus sp, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Klebsiella sp.
    Các bệnh được chỉ định : Nhọt độc, viêm tấy, chốc. Viêm vú, viêm hạch bạch huyết, viêm xương tủy. Viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi, ho gà. Viêm thận bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tử cung và phần phụ, lậu. Viêm tai giữa. Nhiễm trùng thứ phát sau vết thương, bỏng và phẫu thuật. Lao phổi và lao ngoài phổi.
    Chống chỉ định
    Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với kháng sinh nhóm aminoglycoside như streptomycin, kanamycin, gentamycin và fradiomycin hay bacitracin.
    Thận trọng lúc dùng
    Lưu ý :

    Nên tránh dùng kanamycin cho các bệnh nhân sau : bệnh nhân có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị điếc do dùng streptomycin hoặc do nguyên nhân khác. Đặc biệt thận trọng khi bắt buộc phải dùng thuốc cho các bệnh nhân này.
    Thận trọng :
    Bệnh nhân suy thận. Bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh nhân dinh dưỡng kém hoặc bệnh nhân đang dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Bệnh nhân có tổng trạng suy kiệt (Nên theo dõi sát do có thể xảy ra nguy cơ thiếu vitamin K).
    Lúc có thai và lúc nuôi con bú
    Trẻ sơ sinh có thể bị tổn thương dây thần kinh số 8 ; do đó thuốc này chỉ nên sử dụng cho phụ nữ có thai hay nghi ngờ có thai khi hiệu quả điều trị mong muốn cao hơn bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra.
    Nên tránh cho con bú trong thời gian điều trị, do kanamycin qua được sữa mẹ.
    Tương tác thuốc
    Do kanamycin làm tăng khả năng độc thận các dịch truyền thay thế máu như dextrans, nên tránh dùng chung với các dịch trên.
    Việc ức chế hô hấp do phong toả thần kinh cơ có thể xảy ra, do đó cần đặc biệt thận trọng khi dùng với thuốc vô cảm hoặc thuốc giãn cơ.
    Nên tránh kết hợp với thuốc lợi tiểu quai như ethacrynic acid và furosemide, do khả năng tăng độc tính lên thận và tai.
    Nên tránh kết hợp với các thuốc gây độc thận và độc tai, như vancomycin, capreomycin và enviomycin, do khả năng tăng độc tính lên thận và tai.
    Nên tránh kết hợp với các thuốc gây độc thận, như ciplastin, carboplatin, cyclosporin và amphotericin B, do khả năng tăng độc tính lên thận.
    Tác dụng ngoại ý
    Hệ thần kinh : tổn thương dây thần kinh số 8, gây ra các triệu chứng như ù tai, giảm nghe và chóng mặt (do tổn thương tiền đình) có thể xảy ra ; do đó, nên theo dõi chặt chẽ. Nên ngưng thuốc khi có các triệu chứng trên xảy ra. Đặc biệt thận trọng khi bắt buộc phải dùng thuốc.
    Thận : hiếm khi có các bệnh thận nặng, suy thận cấp có thể xảy ra, do đó cần theo dõi sát bao gồm các xét nghiệm định kỳ. Nếu có gì bất thường, nên ngưng thuốc và thay thế bằng trị liệu thích hợp. Hiếm khi : phù, tiểu đạm, tiểu máu, rối loạn điện giải kali có thể xảy ra.
    Sốc : nên theo dõi sát, dù triệu chứng sốc hiếm khi xảy ra. Ngưng thuốc và thay thế bằng trị liệu thích hợp khi có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, hạ huyết áp .v.v. xảy ra.
    Quá mẫn : ngưng thuốc nếu có phản ứng quá mẫn như nổi mẩn xảy ra. Khi cần dùng thuốc lại (trong bệnh lao), cần làm giải cảm ứng.
    Thiếu vitamin : hiếm khi gây thiếu vitamine K (giảm prothrombin máu, dễ chảy máu.v.v.) và thiếu vitamin B (viêm lưỡi, viêm miệng, chán ăn, viêm thần kinh v.v.).
    Một số tác dụng ngoại ý khác : nhức đầu, tê môi có thể xảy ra.
    Liều lượng và cách dùng
    Liều dùng :

    Điều trị bệnh lao :
    Người lớn : liều thường dùng 2 g kanamycin tiêm bắp chia ra lần (sáng và tối), 2 lần mỗi tuần. Hoặc dùng liều 1 g ngày 1 lần trong 3 ngày/tuần. Thuốc có thể dùng tại chỗ khi cần thiết.
    Bệnh nhân lớn tuổi (> 60 tuổi), 0,5-0,75 g dùng 1 lần.
    Nên giảm liều ở trẻ em và bệnh nhân nhẹ ký.
    Nói chung, thuốc này nên được dùng phối hợp với các thuốc kháng lao khác.
    Các nhiễm trùng khác :
    Liều thường ngày ở người lớn 1-2 g kanamycin tiêm bắp, chia ra 1-2 lần. Trẻ em: 30-50 mg/kg thể trọng/ngày tiêm bắp, chia ra 1-2 lần. Thuốc có thể dùng tại chỗ khi cần thiết.
    Liều có thể được điều chỉnh tùy theo tuổi bệnh nhân và mức độ triệu chứng.
    Lưu ý khi sử dụng :
    Khi tiêm bắp, nên tuân theo các thận trọng sau để tránh tác dụng phụ cho mô và thần kinh :
    – Không tiêm ở vị trí có dây thần kinh.
    – Không tiêm lập lại cùng một chỗ tiêm. Thận trọng đặc biệt khi tiêm cho trẻ sơ sinh, trẻ sinh non và trẻ bú mẹ, trẻ nhũ nhi.
    – Khi bệnh nhân bị đau nhiều hoặc có chảy máu ngược lên tại nơi tiêm, nên rút kim ra ngay và tiêm nơi khác.
    – Không nên trộn với các thuốc khác khi tiêm.
    – Tránh dùng liên tục, dùng kéo dài.
    – Sát trùng lọ thuốc bằng bông tẩm cồn.
    Tác động ức chế thần kinh cơ và liệt hô hấp có thể xuất hiện, dù aminoglycoside được dùng bằng đường nào, nhất là khi bệnh nhân đang dùng thuốc vô cảm hoặc thuốc giãn cơ hay bệnh nhân đang được truyền lượng nhiều máu chống đông bằng citrate.
    Dung dịch pha kanamycin sulphate phải trong suốt và không màu. Dung dịch hiếm khi có màu nhẹ và thường không gây hại khi sử dụng.
    Bảo quản
    Tránh trộn chung với các thuốc khác vì kanamycin có thể gây nhuộm màu hay mất hiệu lực.
    Sau khi pha thuốc nên dùng ngay, nếu khoậng phải bảo quản ở nhiệt độ phòng.
    Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng

  • Gentamicin

    Hãng xản xuất

    B.J. Pharma

    Phân phối

    Tenamyd – Canada

    Mã ATC

    D06A X07, J01G B03
    Loại thuốc

    Kháng sinh nhóm aminoglycosid
    Thành phần

    Gentamicin sulphate

    Dạng bào chế

    Dung dịch tiêm 40 mg/ml : ống 1 ml, hộp 10 ống,
    Dung dịch tiêm 80 mg/2 ml : ống 1 ml, hộp 10 ống
    Dược lý và cơ chế tác dụng
    Gentamicin sulfat là một kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid có tác dụng diệt khuẩn qua ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn. Phổ diệt khuẩn của gentamicin thực tế bao gồm các vi khuẩn hiếu khí Gram âm và các tụ cầu khuẩn, kể cả các chủng tạo ra penicilinase và kháng methicilin.
    Gentamicin ít có tác dụng đối với các khuẩn lậu cầu, liên cầu, phế cầu, não mô cầu, Citrobacter, Providencia và Enterococci. Các vi khuẩn kỵ khí bắt buộc như Bacteroides, Clostridia đều kháng gentamicin.
    Trong những năm gần đây, thế giới quan tâm nhiều đến sự kháng thuốc đối với gentamicin. Ở Việt Nam các chủng E. aerogenesKlebsiella pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh đều đã kháng gentamicin. Nhưng gentamicin vẫn còn tác dụng với H. influenzae, Shigella flexneri, tụ cầu vàng, S. epidermidis đặc biệt Staphylococcus saprophyticus, Salmonella typhi và E. coli.
    Dược động học
    Gentamicin không được hấp thu qua đường tiêu hóa. Gentamicin được sử dụng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Ðối với người bệnh có chức năng thận bình thường, sau khi tiêm bắp 30 đến 60 phút liều 1 mg/kg thể trọng, nồng độ đỉnh huyết tương đạt được khoảng 4 microgam/ml, giống như nồng độ sau tiêm truyền tĩnh mạch. Thuốc ít gắn với protein huyết tương. Gentamicin khuếch tán chủ yếu vào các dịch ngoại bào và khuếch tán dễ dàng vào ngoại dịch tai trong.
    Nửa đời huyết tương của gentamicin từ 2 đến 3 giờ, nhưng có thể kéo dài ở trẻ sơ sinh và người bệnh suy thận. Gentamicin không bị chuyển hóa và được thải trừ (gần như không thay đổi) ra nước tiểu qua lọc ở cầu thận. Ở trạng thái ổn định có ít nhất 70% liều dùng được bài xuất ra nước tiểu trong 24 giờ và nồng độ trong nước tiểu có thể vượt quá 100 microgam/ml. Tuy vậy, gentamicin tích lũy với một mức độ nào đó ở các mô của cơ thể, nhất là trong thận.
    Vì khoảng cách giữa liều điều trị và liều gây độc của gentamicin tương đối nhỏ, do đó đòi hỏi phải có sự theo dõi cẩn thận. Hấp thu gentamicin qua đường tiêm bắp có thể bị hạn chế ở người bệnh nặng như trong tình trạng sốc, sự tưới máu giảm, hoặc ở người bệnh tăng thể tích dịch ngoại tế bào, hoặc giảm độ thanh thải của thận bao gồm cả cổ trướng, xơ gan, suy tim, suy dinh dưỡng, bỏng, bệnh nhày nhớt và có thể trong bệnh bạch cầu.

    Chỉ định
    – Các trường hợp nhiễm khuẩn gram (-) nhạy cảm với gentamicin nhất là trong các biểu hiện thuộc thận và đường tiểu.
    – Gentamicin phối hợp với một kháng sinh khác có thể chỉ định trong các biểu hiện nhiễm khuẩn bởi các khuẩn nhạy cảm ở thận, đường tiểu và sinh dục, nhiễm khuẩn huyết và nội mạc tiêm, màng não (kèm theo điều trị tại chỗ), hệ hô hấp và ngực, hệ tiêu hóa, thần kinh trung ương, xương khớp, da và phần mềm.
    Chống chỉ định
    – Dị ứng với kháng sinh nhóm aminoglycosid.
    – Suy thận nặng.
    – Chứng nhược cơ.
    – Tiền sử giảm thính lực.
    Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng
    – Ở bệnh nhân đã có những bất thường thuộc tiền đình – thính giác.
    – Do độc tính của thuốc trên thận và trên thính giác. Nếu suy thận, chỉ dùng thuốc khi tối cần thiết và phải điều chỉnh liều lượng theo hệ số thanh thải creatinin, đồng thời kiểm tra chức năng thận và thính giác và hàm lượng thuốc trong huyết thanh.
    Tương tác thuốc
    Tránh phối hợp gentamicin với thuốc lợi tiểu mạnh, với các chất gây độc thính giác và chất gây độc thận.
    Tác dụng ngoại ý
    Tính độc thận: Suy thận xảy ra khi dùng liều thuốc quá cao, hoặc điều trị dài ngày, trong trường hợp có tổn thương thận với các rối loạn, huyết – động và khi phối hợp với chất độc thận.
    Liều lượng và cách dùng
    Tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Thời gian điều trị thông thường là 7 đến 10 ngày.
    Trường hợp nhiễm trùng nặng, có thể lâu hơn, nhưng phải kiểm tra chức năng thận, tiền – đình và thính giác.
    Trường hợp chức năng thận bình thường:
    Người lớn: 2 đến 3 ống gentamicin 80mg mỗi ngày, tiêm bắp 2 hay 3 lần.
    Trẻ lớn (25-40 kg thể trọng): 2 đến 3 ống gentamicin 40mg mỗi ngày, tiêm bắp 2 hay 3 lần.
    Nhi khoa: Sơ sinh từ 0-10 ngày: 2mg/kg thể trọng, 12 giờ 1 lần.
    Nhũ nhi từ 10 ngày – 12 tháng: 1,5mg/kg, 8 giờ 1 lần.
    Trẻ em từ 1 tuổi trở lên: 1mg/kg, 8 giờ 1 lần.
    Trường hợp suy thận:
    Phải kiểm tra các chức năng thận, chức năng tiền đình và thính giác, thực hành các phân tích về thanh thải creatinin và điều chỉnh cách dùng và liều lượng gentamicin để có hiệu quả điều trị thích hợp.

    Cách điều chỉnh liều theo nồng độ creatinin huyết thanh: Có thể giữ liều duy nhất 1 mg/kg và kéo dài khoảng cách giữa các lần tiêm. Tính khoảng cách (tính theo giờ) giữa 2 lần tiêm bằng cách nhân trị số creatinin huyết thanh (mg/lít) với 0,8; hoặc có thể giữ khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 8 giờ, nhưng giảm liều dùng. Trong trường hợp này, sau khi tiêm 1 liều nạp là 1 mg/kg, cứ 8 giờ sau lại dùng 1 liều đã giảm bằng cách chia liều nạp cho một phần mười (1/10) của trị số creatinin huyết thanh (mg/lít).
    Bảo quản
    Nhiệt độ phòng 15-30°C.

  • Amiklin

    Hãng xản xuất

    Bristol-Myers Squibb

    Thành phần

    Amikacine sulfate

    Dạng bào chế

    Bột pha tiêm 250 mg : hộp 10 lọ bột + 10 ống dung môi 2 ml,
    Bột pha tiêm 500 mg : hộp 10 lọ bột + 10 ống dung môi 4 ml,
    Dung dịch tiêm dùng trong nhi khoa 50 mg/ml : hộp 20 lọ 1 ml
    Biệt dược khác

    Selemycin (Medochemie) lọ tiêm 250mg/2ml, 500mg/2ml

    Opekacin (O.P.V. Pharm) lọ tiêm 100mg/2ml, 500mg/2ml

    Ita-medkacin (Fisiopharma) lọ tiêm 500mg/ 2ml

    Unidikan (United Pharm) lọ tiêm 500mg/ 2ml

    Dược lực
    Amikacine là kháng sinh thuộc họ aminoside.
    Hoạt tính kháng khuẩn:
    Phân loại mức độ nhạy cảm, trung gian hay đề kháng của vi khuẩn đối với một kháng sinh dựa vào nồng độ kháng sinh: nhạy cảm ≤ 8 mg/l, đề kháng > 16 mg/l.
    Mức độ đề kháng của kháng sinh thay đổi tùy theo khu vực địa lý và thời gian đối với một số loài. Do đó cần nắm thêm những thông tin về mức độ đề kháng của kháng sinh ở tại khu vực, nhất là trong điều trị những nhiễm trùng nặng. Các dữ liệu dưới đây chỉ nhằm cho biết khuynh hướng chung về mức độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh này.
    Vi khuẩn nhạy cảm:
    – Vi khuẩn hiếu khí Gram+: corynebacterium, Listeria monocytogenes, Nocardia asteroides, staphylococcus meti-S.
    – Vi khuẩn hiếu khí Gram-: acinetobacter (chủ yếu là Acinetobacter baumannii), Branhamella catarrhalis, campylobacter, Citrobacter freundii, Citrobacter koseri, Enterobacter aerogenes (20-40 %), Enterobacter cloacae, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, klebsiella (0-20 %), Morganella morganii, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Providencia rettgerii, Providencia stuartii, Pseudomonas aeruginosa (5-20 %), salmonella, serratia (5-15 %), shigella, yersinia.
    – Các loài khác: mycobacteries.
    Vi khuẩn nhạy cảm trung bình (trong thử nghiệm in vitro cho kết quả nhạy cảm trung gian):
    – Vi khuẩn hiếu khí Gram-: pasteurella.
    Vi khuẩn đề kháng:
    – Vi khuẩn hiếu khí Gram+: enterocoques*, staphylococcus meti-R**.
    – Vi khuẩn hiếu khí Gram-: Alcaligenes denitrificans, burkholderia, flavobacterium sp, Stenotrophomonas maltophilia, streptococcus.
    – Vi khuẩn kị khí: các chủng vi khuẩn kị khí tuyệt đối.
    – Các loài khác : chlamydia, mycoplasmes, rickettsies.
    * Trong một số chỉ định, amikacine có thể được sử dụng phối hợp, nhất là với các bêtalactamines (trong điều trị nhiễm trùng máu, viêm màng trong tim). Tuy nhiên, phối hợp không có tác dụng khi vi khuẩn streptocoques, enterocoques) đề kháng cao với amikacine (30-80% chủng).
    ** Tỉ lệ đề kháng với meticilline vào khoảng 30-50% các staphylocoques và thường xảy ra ở bệnh viện.
    Dược động học
    Amikacine là kháng sinh được sử dụng bằng đường tiêm.
    Phân phối :
    – Amikacine khuếch tán nhanh sau khi tiêm.
    – Ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường, tiêm bắp 7,5 mg/kg (500 mg ở người lớn) sẽ cho nồng độ đỉnh trong huyết thanh là 20 mcg/ml sau khi tiêm 1 giờ.
    – Dùng liều 7,5 mg/kg bằng cách truyền tĩnh mạch liên tục trong 30 phút sẽ cho nồng độ trong huyết thanh là 38 mcg/ml khi kết thúc đợt truyền.
    – Ở người tình nguyện khỏe mạnh, truyền tĩnh mạch liên tục với liều 15 mg/kg trong 30 phút sẽ cho nồng độ trong huyết thanh khoảng 77 mcg/ml khi kết thúc đợt truyền và đạt khoảng 47 mcg/ml và 1 mcg/ml tương ứng với 1 giờ và 12 giờ sau đó.
    – Ở bệnh nhân lớn tuổi có thanh thải créatinine trung bình là 64 ml/phút, truyền tĩnh mạch liên tục với liều 15 mg/kg trong 30 phút sẽ cho nồng độ trong huyết thanh là 55 mcg/ml khi kết thúc đợt truyền và đạt khoảng 5,4 mcg/ml và 1,3 mcg/ml tương ứng với 12 giờ và 24 giờ sau đó.
    – Nhiều nghiên cứu dùng đa liều cho thấy không có hiện tượng tích lũy ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường khi dùng liều một lần mỗi ngày từ 15 đến 20 mg/kg.
    – Thời gian bán hủy trong huyết thanh trung bình là 2 giờ.
    – Thể tích phân phối biểu kiến là 24 lít tương ứng 28% trọng lượng cơ thể.
    – Sau khi tiêm, amikacine khuếch tán nhanh trong cơ thể :
    – khoảng 10 đến 20% nồng độ trong huyết thanh qua màng não bình thường, và có thể tăng lên đến 50% khi màng não bị viêm ;
    – amikacine cũng được tìm thấy trong khoang bụng, trong dịch màng phổi, trong dịch tiết phế quản với nồng độ trị liệu (10 đến 20% nồng độ trong huyết thanh) ;
    – thuốc khuếch tán qua nhau thai ở mức độ quan trọng. Khoảng 20% nồng độ amikacine trong máu mẹ được tìm thấy trong máu của bào thai và trong nước ối ;
    – tỉ lệ kết dính với protéine dưới 10%.
    Bài tiết :
    – Amikacine chủ yếu được đào thải qua thận dưới dạng có hoạt tính. Trên 90% liều dùng được tìm thấy trong nước tiểu trong 24 giờ.
    Một liều 7,5 mg/kg sẽ cho một nồng độ khoảng 800 mcg/ml trong nước tiểu trong 6 giờ.
    – Bên cạnh sự đào thải qua nước tiểu, một phần rất nhỏ amikacine cũng được đào thải qua mật.
    Chỉ định
    Nhiễm trùng do vi khuẩn Gram âm được xác định là nhạy cảm, nhất là ở các nhiễm trùng thận và đường tiết niệu.
    Có thể phối hợp aminoside với một kháng sinh khác trong một số trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm dựa vào các dữ liệu vi khuẩn học, đặc biệt trong các biểu hiện nhiễm trùng ở thận, hệ tiết niệu và sinh dục, nhiễm trùng huyết và viêm nội tâm mạc, viêm màng não (có thể hỗ trợ thêm bằng liệu pháp tại chỗ), nhiễm khuẩn hô hấp, ngoài da (nhiễm trùng da ác tính do Staphylocoque ở mặt), nhiễm khuẩn ở khớp.
    Chống chỉ định
    – Dị ứng với kháng sinh họ aminoglycoside.
    – Nhược cơ.
    – Phối hợp với một kháng sinh khác cũng thuộc họ aminoside : xem Tương tác thuốc.
    Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng
    Nhóm aminoside có độc tính trên thận và tai, do đó cần phải thận trọng khi sử dụng :
    – trường hợp bệnh nhân bị suy thận, chỉ dùng amikacine khi thật cần thiết và cần điều chỉnh liều tùy theo độ thanh thải créatinine.
    – theo dõi chức năng thận và thính giác và kiểm tra thường xuyên nồng độ kháng sinh trong huyết thanh.
    – đối với bệnh nhân đã có rối loạn tiền đình và ốc tai, chỉ nên dùng amikacine sau khi đã cân nhắc lợi và hại.
    – tránh dùng thuốc lặp đi lặp lại và/hoặc kéo dài, đặc biệt ở người lớn tuổi.
    – cẩn thận khi phối hợp amikacine với thuốc lợi tiểu mạnh.
    – nếu có can thiệp phẫu thuật, cần báo cho chuyên viên gây mê hồi sức biết bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc này.
    Lúc có thai và lúc nuôi con bú
    Lúc có thai:

    Các thử nghiệm trên thú vật cho thấy có gây tổn thương ốc tai – tiền đình và chức năng thận trên nhiều loài.
    Trên lâm sàng, một vài trường hợp tổn thương ốc tai – tiền đình đã được ghi nhận đối với một số aminosides.
    Tóm lại, không khuyến cáo dùng thuốc này khi mang thai. Nếu phát hiện có thai khi đang dùng thuốc, không tuyệt đối phải phá thai mà phải thận trọng theo dõi các chức năng trước và sau khi sinh (tai, thận). Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng aminoside đường toàn thân, cần điều chỉnh liều theo trọng lượng và chức năng thận của bệnh nhân.
    Lúc nuôi con bú:
    Chưa có số liệu về bài tiết của aminoside qua sữa mẹ, nhưng hầu như là thấp.
    Sự hấp thu của thuốc này qua đường tiêu hóa của nhũ nhi đủ tháng là không đáng kể.
    Sự hiện diện của thuốc ở đường ruột của nhũ nhi đủ tháng có thể làm mất cân bằng hệ sinh khuẩn đường ruột, dẫn đến nhiễm candida, tiêu chảy. Ngoài ra còn tiềm tàng nguy cơ gây độc tính trên tai và thận.
    Tóm lại, nếu có chỉ định dùng thuốc, phải không được cho con bú mẹ.
    Tương tác thuốc
    Chống chỉ định phối hợp :
    – Phối hợp với một kháng sinh khác cũng thuộc họ aminoside : có nguy cơ tăng độc tính trên thận và tai.
    Không nên phối hợp :
    – Polymyxine (dạng tiêm) : cộng thêm độc tính trên thận. Chỉ phối hợp khi có sự giám sát chặt chẽ và kết quả kháng sinh đồ đòi hỏi cần phải phối hợp hai kháng sinh này.
    – Độc tố của Clostridium botulinum : aminoside có thể làm tăng tác dụng của độc tố của Clostridium botulinum. Nên sử dụng một kháng sinh khác.
    Thận trọng khi phối hợp :
    – Céfalotine : khả năng céfalotine làm tăng độc tính trên thận của aminoside còn đang được tranh cãi. Theo dõi chức năng thận.
    – Thuốc giãn cơ loại curare : tác dụng curare tăng khi kháng sinh được sử dụng bằng đường tiêm và/hoặc đường phúc mạc trước khi, trong khi hoặc sau khi sử dụng thuốc có tác dụng curare. Theo dõi mức độ của tác dụng curare vào cuối giai đoạn vô cảm.
    – Thuốc lợi tiểu quai (bumétanide và furosémide) : tăng nguy cơ gây độc tính trên thận và tai của aminoside (do thuốc lợi tiểu có thể gây mất nước dẫn đến suy thận chức năng).
    Có thể phối hợp nhưng cần theo dõi tình trạng nước của cơ thể, chức năng thận và chức năng ốc tai-tiền đình và nếu cần, kiểm tra nồng độ aminoside trong huyết tương.
    Lưu ý khi phối hợp :
    – Dùng các aminoside kế tiếp nhau : lưu ý nguy cơ độc tính trên tai do tích lũy thuốc (dùng qua đường tại chỗ hay đường toàn thân).
    – Amphotéricine B : có nguy cơ tăng độc tính trên thận.
    – Ciclosporine : créatinine huyết tăng cao hơn so với ciclosporine dùng một mình (do hiệp đồng độc tính trên thận).
    Tác dụng ngoại ý
    – Độc tính trên thận : suy thận sau khi sử dụng aminoside, trong đa số trường hợp, có liên quan đến việc dùng liều quá cao hoặc thời gian điều trị quá dài, tổn thương thận có từ trước, rối loạn huyết động hoặc phối hợp với các thuốc được biết là gây độc cho thận.
    – Độc tính trên tai : tổn thương do dùng aminoside dễ xảy ra khi dùng liều hàng ngày quá cao, thời gian điều trị kéo dài, có suy thận sẵn, nhất là suy thận chức năng ở người già, hay do phối hợp với các thuốc gây độc trên tai.
    – Phản ứng dị ứng nhẹ (phát ban, nổi mày đay), sẽ tự khỏi khi ngưng điều trị.
    Liều lượng và cách dùng
    Không tiêm tĩnh mạch trực tiếp
    .
    Có thể tiêm 1 lần/ngày đối với các trường hợp sau :
    – bệnh nhân dưới 65 tuổi.
    – bệnh nhân có chức năng thận bình thường.
    – khi thời gian điều trị không quá 10 ngày
    – không bị giảm bạch cầu đa nhân trung tính.
    – khi loại trừ được nhiễm khuẩn Gram dương.
    – đối với nhiễm khuẩn Gram âm (ngoại trừ Pseudomonas và Serratia).
    Trong trường hợp khác, thì tiêm 2 lần/ngày.
    Tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch trong vòng 30 đến 60 phút (sau khi hòa tan trong dung dịch đẳng trương NaCl hoặc glucose với nồng độ 500 mg/200 ml) :
    – Liều thông thường :
    Người lớn/Trẻ em/Trẻ còn bú : 15 mg/kg/ngày, chia làm 1 đến 3 lần ở người lớn và trẻ em.
    – Nhiễm trùng nặng :
    Người lớn : tối đa 1,5 g/ngày, và tối đa 15 g cho một đợt trị liệu.
    Tiêm dưới da : 15 mg/kg/ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần.
    Tiêm trong cột sống : 0,5 mg/kg, tiêm một lần mỗi 48 giờ ; tiêm lặp lại 3 hoặc 4 lần, sau khi đã vô khuẩn hóa dịch não-tủy.
    Suy thận : 7,5 mg/kg ở lần tiêm đầu tiên ; tiêm lặp lại với khoảng cách thời gian giữa 2 lần tiêm được tính như sau :
    T’ = 3 T½ (T½ = 0,3 x créatinine huyết tính theo mg/l).
    Tương kỵ
    Tránh pha amikacine trong cùng một chai với thuốc khác, nhất là với kháng sinh họ bêta-lactamine.
    Quá liều
    Trong trường hợp quá liều hay có phản ứng ngộ độc, thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc giúp đào thải nhanh Amiklin.
    Bảo quản
    – Sau khi pha với dung môi thích hợp, dung dịch Amiklin ổn định trong 12 giờ ở nhiệt độ phòng và trong 10 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh.
    – Amiklin ổn định trong 24 giờ khi pha trong các dung dịch NaCl 0,9%, glucose đẳng trương 5%, glucose 10%.

  • Vancomycin

    Hãng xản xuất

    Abbott

    Thành phần

    Vancomycine HCl

    Dạng bào chế

    Bột pha tiêm 1 g : hộp 10 lọ,
    Bột pha tiêm 500 mg : hộp 10 lọ
    Biệt dược khác

    Vancocin cp (Eli Lilly) bột pha tiêm 0.5g

    Vancotex (Pharmatex) bột pha tiêm 0.5g, 1g

    Tamiacin (Pymepharco) bột pha tiêm 0.5g, 1g

    Mô tả
    Vancomycin hydrochloride vô khuẩn, USP là một kháng sinh glycopeptide ba vòng dẫn xuất từ Nocardia orientalis (trước đây gọi là Streptomyces orientalis) và có công thức hóa học C66H75Cl2N9O24.HCl. Trọng lượng phân tử là 1.486 ; 500 mg chất cơ bản tương đương với 0,34 mmol và 1 g chất cơ bản tương đương với 0,67 mmol.
    Những lọ vô khuẩn có chứa 500 mg hoặc 1 g chất cơ bản là Vancomycin. Vancomycin hydrochloride dạng bột trắng nhờ dễ hòa tan. Có thể chứa axit hydrochloric và/hoặc hydroxide natri để điều chỉnh pH. Khi được tái tổ hợp trong nước vô khuẩn để tiêm, USP, thuốc trở thành một dung dịch trong suốt có pH khoảng 4,0 (2,5 đến 4,5).
    Dung dịch Vancomycin hydrochloride được tái tổ hợp với nước vô khuẩn để tiêm, USP không có chất kìm hãm vi khuẩn và chỉ dành để sử dụng như là thuốc tiêm liều duy nhất. Khi cần liều nhỏ hơn, phần không dùng nên bỏ đi. Trước khi dùng cần pha loãng hơn nữa.
    Dược lực
    Vi sinh học :
    Tác dụng diệt khuẩn của Vancomycin chủ yếu là do khả năng ức chế sự sinh tổng hợp vách tế bào. Ngoài ra, Vancomycin làm thay đổi tính thấm màng tế bào và sự sinh tổng hợp RNA của vi khuẩn. Không có đề kháng chéo giữa Vancomycin và những kháng sinh khác. Vancomycin có hoạt tính chống Staphylococci, gồm Staphylococcus aureus và Staphylococcus epidermidis (kể cả những chủng đề kháng Methicillin không đồng nhất) ; Streptococci, gồm Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae (kể cả những chủng đề kháng penicillin), Streptococcus agalactiae, nhóm viridans, Streptococcus bovis, và Enterococci (ví dụ Streptococcus faecalis) ; Clostridium difficile (ví dụ những chủng sinh độc tố bao hàm viêm đại tràng giả mạc) ; và Diphtheroids. Những vi sinh vật khác nhạy với Vancomycin trên thực nghiệm gồm Listeria monocytogenes, Lactobacillus species, Actinomyceses species, Clostridium species, và Bacillus species.
    Trên thực nghiệm, Vancomycin không có hoạt tính chống những trực khuẩn gram dương, mycobacteria, hoặc nấm.
    Tác dụng hiệp lực : Việc phối hợp Vancomycin và Aminoglycoside có tác dụng hiệp lực chống lại nhiều chủng S. aureus, Streptococci nonenterococcal nhóm D, enterococci, và Streptococcus species (nhóm viridans) trên thực nghiệm.
    Những thử nghiệm tính nhạy cảm bằng đĩa : Phương pháp chuẩn được Ủy ban Quốc gia về những chuẩn mực phòng xét nghiệm lâm sàng mô tả đã được đề nghị sử dụng đĩa để thử nghiệm tính nhạy cảm của Vancomycin. Nên biện luận những kết quả của các thử nghiệm tính nhạy cảm liều chuẩn duy nhất với đĩa Vancomycin hydrochloride 30 mcg theo tiêu chuẩn sau. Những vi khuẩn nhạy cảm tạo ra những vùng vô khuẩn có đường kính lớn hơn hoặc bằng 12 mm, cho biết vi khuẩn thử nghiệm chắc chắn đáp ứng với điều trị. Những vi khuẩn tạo ra những vùng có đường kính 10 hoặc 11 mm được xem là nhạy cảm trung gian. Những vi khuẩn trong phân loại này chắc chắn đáp ứng nếu nhiễm trùng hạn chế trong mô hoặc dịch mà nơi đó đạt được nồng độ kháng sinh cao. Những vi khuẩn đề kháng tạo ra những vùng có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 9 mm, cho biết nên chọn lựa trị liệu khác.
    Với phương pháp pha loãng đã được chuẩn hóa, một vi khuẩn cô lập được xem là nhạy cảm nếu giá trị MIC của Vancomycin bằng hoặc nhỏ hơn 4 mg/l. Những vi khuẩn được xem là đề kháng Vancomycin nếu MIC bằng hoặc lớn hơn 16 mg/l. Những vi khuẩn có giá trị MIC dưới 16 mg/l nhưng lớn hơn 4 mg/l được xem là nhạy cảm trung gian.
    Những phương thức được chuẩn hóa cần phải sử dụng những vi khuẩn chứng trong phòng xét nghiệm. Những đĩa Vancomycin 30 mcg phải cho những vùng có đường kính từ 15 đến 19 mm đối với S. aureus ATCC 25923. Cũng với những phương pháp pha loãng chuẩn, những phương thức pha loãng cần phải sử dụng những vi sinh vật chứng trong phòng xét nghiệm. Bột Vancomycin chuẩn phải cho những giá trị MIC trong giới hạn từ 0,5 mg/l đến 2 mg/l đối với S. aureus ATCC 29213. Đối với S. faecalis ATCC 29212, giới hạn MIC từ 1,0 đến 4,0 mg/l.
    Dược động học
    Vancomycin hấp thu kém khi dùng đường uống ; thuốc được dùng tiêm mạch để điều trị nhiễm trùng toàn thân. Tiêm bắp rất đau. Ở những đối tượng có chức năng thận bình thường, truyền tĩnh mạch nhiều lần liều 1 g Vancomycin (15 mg/kg) trong 60 phút tạo nên nồng độ trung bình trong huyết tương khoảng 63 mg/l ngay khi ngưng truyền, nồng độ trung bình trong huyết tương khoảng 23 mg/l sau khi truyền 2 giờ, và nồng độ trung bình trong huyết tương khoảng 8 mg/l sau khi ngưng truyền 11 giờ. Truyền nhiều lần liều 500 mg trong 30 phút tạo nên nồng độ trung bình trong huyết tương khoảng 49 mg/l sau khi ngưng truyền, nồng độ trung bình trong huyết tương khoảng 19 mg/l sau khi truyền 2 giờ, và nồng độ trung bình trong huyết tương khoảng 10 mg/l sau khi truyền 6 giờ. Nồng độ Vancomycin trong huyết tương khi dùng nhiều lần cũng tương tự với nồng độ trong huyết tương khi dùng liều duy nhất.
    Thời gian bán hủy đào thải trung bình của Vancomycin trong huyết tương từ 4 đến 6 giờ ở những đối tượng có chức năng thận bình thường. Trong 24 giờ đầu, khoảng 75% liều Vancomycin đã dùng được thải trừ trong nước tiểu do sự lọc cầu thận. Độ thanh thải trung bình trong huyết tương khoảng 0,058 l/kg/giờ, và độ thanh thải trung bình của thận khoảng 0,048 l/kg/giờ. Rối loạn chức năng thận làm chậm đào thải Vancomycin. Ở những bệnh nhân suy thận nặng, thời gian bán hủy đào thải trung bình là 7,5 ngày. Hệ số phân khối từ 0,3 đến 0,43 l/kg. Chuyển hóa của thuốc không rõ. Khoảng 60% liều Vancomycin trong màng bụng khi dùng qua đường thẩm phân phúc mạc được hấp thu ngấm vào máu sau 6 giờ. Khi tiêm Vancomycin vào phúc mạc liều 30 mg/kg đạt được nồng độ trong huyết thanh khoảng 10 mg/l. Vancomycin không dễ dàng bị loại bỏ qua đường thẩm phân phúc mạc hoặc lọc máu : không có báo cáo nào về độ thanh thải Vancomycin khi truyền máu. Độ thanh thải Vancomycin toàn thân và thận có thể giảm ở những người lớn tuổi.
    Khoảng 55% Vancomycin kết hợp protein huyết thanh, đo bằng phương pháp siêu âm lọc ở nồng độ Vancomycin trong huyết thanh từ 10 đến 100 mg/l. Sau khi tiêm Vancomycin hydrochloride tĩnh mạch, nồng độ ức chế đạt được trong màng phổi, màng tim, màng bụng, và hoạt dịch ; trong nước tiểu ; trong dịch thẩm phân màng bụng và trong mô tiểu nhĩ. Vancomycin hydrochloride thực sự không khuếch tán qua màng não bình thường để vào dịch não tủy ; nhưng khi màng não bị viêm, sự thấm qua dịch não tủy xảy ra.
    Chỉ định
    Vancomycin hydrochloride đuợc chỉ định để điều trị những trường hợp nhiễm trùng trầm trọng gây ra do những chủng Staphylococci đề kháng methicillin nhạy cảm với thuốc (đề kháng b-lactam). Thuốc được chỉ định cho những bệnh nhân dị ứng penicillin, cho những bệnh nhân không thể dùng những thuốc khác hoặc không đáp ứng với thuốc khác, kể cả penicillin hoặc cephalosporin, và cho những trường hợp nhiễm trùng những vi khuẩn nhạy cảm với Vancomycin nhưng đề kháng với những kháng sinh khác. Vancomycin hydrochloride được chỉ định điều trị khởi đầu khi nghi ngờ Staphylococci đề kháng methicillin, nhưng sau khi có những số liệu về tính nhạy cảm, nên điều chỉnh trị liệu cho phù hợp. Vancomycin hydrochloride có hiệu quả trong điều trị viêm nội tâm mạc do tụ cầu. Hiệu lực của thuốc còn được ghi nhận trong những nhiễm trùng khác do Staphyloccoci, kể cả nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng xương, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, và nhiễm trùng da và cấu trúc của da. Khi nhiễm tụ cầu khu trú và có mủ, kháng sinh được sử dụng hỗ trợ cho những phương pháp phẫu thuật thích hợp.
    Vancomycin hydrochloride được báo cáo là hiệu quả khi sử dụng đơn thuần hoặc phối hợp với một Aminoglycoside trong viêm nội tâm mạc do S. viridans hoặc S. bovis. Đối với viêm nội tâm mạc do Enterococci (ví dụ S. faecalis), Vancomycin hydrochloride được báo cáo là chỉ có hiệu quả khi phối hợp với một Aminoglycoside.
    Vancomycin hydrochloride được báo cáo là hữu hiệu trong điều trị viêm nội tâm mạc do diptheroid. Vancomyciin hydrochloride được sử dụng thành công khi phối hợp với rifampin, một aminoglycoside, hoặc cả hai trong viêm nội tâm mạc có van giả phục hình giai đoạn sớm do S. epidermidis hoặc diptheroid.
    Nên lấy những mẫu cấy vi khuẩn để cách ly và định danh vi khuẩn gây bệnh và xác định tính nhạy cảm của chúng với Vancomycin hydrochloride.
    Vancomycin hydrochloride dạng tiêm có thể được sử dụng đường uống để điều trị viêm đại tràng giả mạc liên quan kháng sinh do C. difficile. Chưa chứng minh được hiệu quả của việc sử dụng đơn thuần Vancomycin hydrochloride dạng tiêm trong chỉ định này. Vancomycin hydrochloride dùng đường uống không hiệu quả đối với những loại nhiễm trùng khác.
    Mặc dù chưa thực hiện được những nghiên cứu có nhóm chứng về hiệu quả lâm sàng, nhưng Vancomycin tiêm mạch được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ đề nghị sử dụng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc do vi khuẩn ở những bệnh nhân dị ứng penicillin vó bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh van tim hậu thấp hoặc bệnh van tim mắc phải khi những bệnh nhân này cần trải qua những thủ thuật về nha hoặc những thủ thuật đường hô hấp trên.
    Lưu ý : Khi lựa chọn kháng sinh để phòng ngừa viêm nội tâm mạc do vi khuẩn, bác sĩ hoặc nha sĩ nên nghiên cứu toàn bộ thông tin chung của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ.
    Chống chỉ định
    Vancomycin hydrochloride chống chỉ định trên những bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với kháng sinh này.
    Chú ý đề phòng
    Tiêm thẳng tĩnh mạch nhanh (ví dụ trong khoảng vài phút) có thể gây hạ huyết áp quá mức và hiếm gặp hơn, ngừng tim.
    Nên sử dụng Vancomycin hydrochloride dưới dạng dung dịch pha loãng truyền trong khoảng thời gian không dưới 60 phút để tránh những phản ứng do truyền nhanh. Thông thường ngưng truyền, những phản ứng này sẽ ngừng ngay lập tức. Độc tính trên tai có thể xảy ra trên những bệnh nhân dùng Vancomycin hydrochloride. Độc tính này có thể thoáng qua hoặc lâu dài. Hầu hết đuợc báo cáo trên những bệnh nhân được cho liều quá cao, tiềm tàng mất khả năng nghe, hoặc dùng đồng thời với một kháng sinh khác cũng độc tai, như aminoglycoside. Vancomycin nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân suy thận vì nguy cơ độc tính tăng đáng kể do nồng độ trong máu cao, kéo dài.
    Phải điều chỉnh liều lượng của Vancomycin hydrochloride ở những bệnh nhân rối loạn chức năng thận (xem phần Thận trọng lúc dùng, Liều lượng và Cách dùng).
    Thận trọng lúc dùng
    Chung :

    Nồng độ trong huyết thanh có ý nghĩa lâm sàng đã được báo cáo trong một số bệnh nhận đang được điều trị viêm đại tràng giả mạc do C. difficile sau khi uống nhiều liều Vancomycin.
    Để giảm đến mức tối thiểu nguy cơ độc tính trên thận khi điều trị những bệnh nhân có bệnh thận tiềm tàng hoặc những bệnh nhân sử dụng đồng thời một aminoglycoside, nên thực hiện việc theo dõi chức năng thận nhiều lần và đặc biệt là cẩn thận khi áp dụng những chế độ liều lượng thích hợp bên dưới (xem Liều lượng và Cách dùng).
    Thử nghiệm nhiều lần về chức năng thính giác có thể hữu ích để giảm đến mức tối thiểu nguy cơ độc tính trên tai.
    Giảm bạch cầu trung tính có hồi phục đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng Vancomycin hydrochloride (xem Tác dụng ngoại ý). Những bệnh nhân sẽ dùng Vancomycin hydrochloride lâu dài hoặc dùng đồng thời với những thuốc có thể gây giảm bạch cầu trung tính nên theo dõi định kỳ số lượng bạch cầu.
    Vancomycin hydrochloride kích thích mô và phải được cho bằng cách sử dụng một đường tĩnh mạch an toàn. Đau, dễ nhạy cảm, và hoại tử xảy ra khi tiêm bắp Vancomycin hydrochloride hoặc khi thoát mạch do sơ ý. Viêm tắc tĩnh mạch có thể xảy ra, tần suất và độ nặng có thể được giảm đến mức tối thiểu bằng cách truyền thuốc chậm như một dung dịch pha loãng (2,5 đến 5 g/l) và thay đổi những vị trí tiêm truyền.
    Có những báo cáo về tần suất những sự kiện liên quan đến việc tiêm truyền (gồm hạ huyết áp, đỏ mặt, ban đỏ, mề đay, và ngứa) tăng khi sử dụng đồng thời với những thuốc gây vô cảm khác. Có thể giảm đến mức tối thiểu những sự kiện liên quan đến việc tiêm truyền bằng cách sử dụng Vancomycin hydrochloride truyền 60 phút trước khi gây vô cảm.
    Tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng Vancomycin tiêm vào não thất (đường cột sống hoặc trong não thất) chưa được đánh giá. Cần phải theo dõi cẩn thận khi sử dụng tại chỗ hoặc toàn thân đồng thời với/hoặc theo sau những thuốc độc thần kinh và/hoặc độc thận khác, như amphotericin B, các aminoglycoside, bacitracin, polymyxin B, colistin, viomycin, hoặc cisplatin.
    Sử dụng ở trẻ em : Xác định nồng độ Vancomycin mong muốn trong huyết thanh ở những trẻ sinh non và trẻ nhỏ có thể cần thiết. Ở trẻ em, việc sử dụng đồng thời Vancomycin với những thuốc gây vô cảm có thể gây ban đỏ và đỏ mặt giống histamine (xem Tác dụng ngoại ý).
    Sử dụng ở người lớn tuổi : Sự suy giảm tự nhiên độ lọc cầu thận theo tuổi có thể làm nồng độ Vancomycin trong huyết thanh tăng nếu không điều chỉnh liều. Nên điều chỉnh chế độ liều lượng Vancomycin ở những bệnh nhân lớn tuổi (xem Liều lượng và Cách dùng).
    Lúc có thai và lúc nuôi con bú
    Lúc có thai :

    Những công trình nghiên cứu về khả năng sinh sản của súc vật với Vancomycin hydrochloride chưa được thực hiện. Người ta cũng không biết Vancomycin hydrochloride có gây nguy hiểm cho thai hay không khi được sử dụng cho người phụ nữ có thai hoặc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Chỉ nên sử dụng Vancomycin hydrochloride cho phụ nữ có thai khi thật sự cần thiết.
    Lúc nuôi con bú :
    Người ta không biết thuốc có được tiết ra qua sữa mẹ hay không. Vì nhiều thuốc được tiết qua sữa mẹ, nên thận trọng khi sử dụng Vancomycin hydrochloride cho phụ nữ cho con bú. Người ta không chắc rằng trẻ bú sữa mẹ có thể hấp thu một lượng Vancomycin đáng kể qua đường tiêu hóa bình thường.
    Tác dụng ngoại ý
    Những sự kiện liên quan đến tiêm truyền : Trong lúc hoặc ngay sau khi truyền nhanh Vancomycin hydrochloride, bệnh nhân có thể bị những phản ứng dạng phản vệ, gồm hạ huyết áp, thở rít, khó thở, mề đay, hoặc ngứa. Truyền nhanh có thể gây đỏ da nửa trên cơ thể (“cổ đỏ”) hoặc đau và co thắt cơ ngực và lưng. Những phản ứng này thường hết trong vòng 20 phút nhưng có thể kéo dài nhiều giờ. Những sự kiện như thế hiếm xảy ra nếu Vancomycin hydrochloride được cho truyền chậm khoảng 60 phút. Trong những nghiên cứu ở những người tình nguyện bình thường, những sự kiện liên quan đến tiêm truyền không xảy ra khi Vancomycin hydrochloride được cho với tốc độ bằng hoặc ít hơn 10 mg/phút.
    Độc thận : Nhiều trường hợp nồng độ creatinine máu hoặc BUN trong huyết thanh tăng ở những bệnh nhân dùng Vancomycin hydrochloride đã được báo cáo. Đa số những trường hợp này xảy ra ở những bệnh nhân được cho đồng thời với aminoglycoside hoặc ở những người có rối loạn chức năng thận tồn tại từ trước. Khi ngừng Vancomycin hydrochloride, đa số bệnh nhân sẽ hết tăng azot máu.
    Độc tai : Nhiều trường hợp mất thính giác liên quan đến việc sử dụng Vancomycin hydrochloride đã được báo cáo. Hầu hết những bệnh nhân này bị rối loạn chức năng thận, mất thính giác tồn tại từ trước, hoặc trị liệu đồng thời với những thuốc độc tai. Chóng mặt, choáng váng và ù tai được báo cáo hiếm gặp.
    Tạo máu : Giảm bạch cầu trung tính có hồi phục, thường bắt đầu xuất hiện một hoặc nhiều tuần sau đợt điều trị với Vancomycin hydrochloride hoặc sau tổng liều lớn hơn 25 g, đã được báo cáo trên nhiều bệnh nhân. Giảm bạch cầu trung tính phục hồi nhanh chóng ngay khi ngừng Vancomycin hydrochloride. Giảm tiểu cầu hiếm gặp.
    Các phản ứng phụ khác : Hiếm khi xảy ra, những bệnh nhân bị phản vệ, sốt do thuốc, run, và phát ban đã được báo cáo do dùng Vancomycin hydrochloride.
    Liều lượng và cách dùng
    Những bệnh nhân có chức năng thận bình thường :

    Người lớn : Liều tiêm mạch thường dùng hàng ngày là 2 g chia thành 500 mg mỗi 6 giờ hoặc 1 g mỗi 12 giờ. Mỗi liều nên được cho trong khoảng thời gian ít nhất là 60 phút. Những yếu tố cơ địa khác, như tuổi hoặc béo phì, có thể cần phải điều chỉnh liều thường dùng mỗi ngày.
    Trẻ em : Tổng liều Vancomycin hydrochloride tiêm mạch mỗi ngày đựoc tính trên cơ sở 40 mg cho mỗi kg cân nặng, có thể chia hoặc pha vào nhu cầu dịch trong 24 giờ của trẻ. Mỗi liều nên được cho trong một khoảng thời gian ít nhất 60 phút.
    Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh : Ở trẻ nhỏ và sơ sinh, tổng liều tiêm mạch mỗi ngày có thể thấp hơn. Ở cả hai trường hợp trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, liều khởi đầu được đề nghị là 15 mg/kg, sau đó là 10 mg/kg mỗi 12 giờ cho trẻ sinh một tuần tuổi và mỗi 8 giờ cho trẻ trên một tháng tuổi. Theo dõi chặt chẽ nồng độ Vancomycin trong huyết thanh ở những bệnh nhân này.
    Tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng Vancomycin tiêm vào não thất (đường cột sống hoặc trong não thất) chưa được đánh giá.
    Những bệnh nhân suy chức năng thận và lớn tuổi : Việc điều chỉnh liều phải đựoc thực hiện ở những bệnh nhân suy chức năng thận. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, việc giảm liều có thể cần phải nhiều hơn mong đợi vì chức năng thận giảm. Đo nồng độ Vancomycin trong huyết thanh có thể hữu ích điều trị tốt, nhất là ở những bệnh nhân bệnh nặng kèm theo chức năng thận thay đổi. Nồng độ Vancomycin trong huyết thanh có thể được xác định bằng phương pháp định lượng vi sinh học, định lượng miễn dịch phóng xạ, định lượng miễn dịch huỳnh quang phân cực, định lượng miễn dịch huỳnh quang, hoặc phép ghi sắc ký lỏng cao áp.
    Nếu có thể đo hoặc ước lượng độ thanh lọc creatinin một cách chính xác, liều lượng cho hầu hết những bệnh nhân suy thận có thể được tính toán theo bảng dưới đây. Liều lượng Vancomycin hydrochloride tính bằng mg mỗi ngày khoảng 15 lần độ lọc cầu thận tính bằng ml/phút :
    Nên dùng liều khởi đầu dưới 15 mg/kg ngay cả ở những bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến trung bình.

    Liều lượng Vancomycin cho những bệnh nhân suy chức năng thận

    Độ thanh lọc creatinin (ml/phút) Liều Vancomycin (mg/24 giờ)
    100 1.545
    90 1.390
    80 1.235
    70 1.080
    60 925
    50 770
    40 620
    30 465
    20 310
    10 155

    Bảng này không có giá trị đối với những bệnh nhân suy thận chức năng. Đối với những bệnh nhân như thế, nên cho liều khởi đầu 15 mg/kg cân nặng để đạt được nồng độ trị liệu trong huyết thanh ngay lập tức. Liều cần để duy trì nồng độ hằng định là 1,9 mg/kg/24 giờ. Vì liều duy trì thích hợp cho từng người là từ 250 đến 1.000 mg, nên một liều có thể cho cách khoảng nhiều ngày tốt hơn là dùng thuốc mỗi ngày ở những bệnh nhân có suy thận rõ. Ở những bệnh nhân vô niệu, một liều 1.000 mg được đề nghị cho mỗi 7 đến 10 ngày.
    Chỉ khi biết nồng độ creatinin trong huyết thanh, có thể sử dụng công thức sau để tính độ thanh lọc creatinin (dựa trên giới, cân nặng, và tuổi bệnh nhân). Độ thanh lọc creatinin được tính (ml/phút) chỉ là giá trị ước lượng. Nên đo độ thanh lọc creatinin ngay sau đó.
    Nam :
    Cân nặng (kg) x (140 – tuổi tính theo năm)72 x nồng độ creatinin huyết thanh (mg/dl)
    Nữ : 0,85 x giá trị trên.
    Creatinin huyết thanh phải thể hiện tình trạng chức năng thận ổn định. Nếu không thì trị số ước lượng của độ thanh lọc creatinin không có giá trị. Như thế độ thanh lọc được tính toán cao hơn độ thanh lọc thực sự ở những bệnh nhân có những điều kiện : (1) đặc trưng bởi chức năng thận giảm, như choáng, suy tim nặng, hoặc thiểu niệu ; (2) không có mối tương quan bình thường giữa khối lượng cơ và toàn bộ trọng lượng cơ thể, như những bệnh nhân béo phì hoặc những bệnh nhân có bệnh gan, phù, báng bụng ; và (3) đi kèm tình trạng suy nhược, suy dinh dưỡng, hoặc không hoạt động.
    Tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng Vancomycin tiêm vào não thất (đường cột sống hoặc trong não thất) chưa được đánh giá.
    Truyền ngắt quãng là phương pháp dùng được đề nghị.
    Pha chế và Tính bền :
    Ngay khi sử dụng, tái tổ hợp bằng cách thêm hoặc 10 ml nước vô khuẩn vào lọ 500 mg hoặc 20 ml nước vô khuẩn vào lọ 1 g bột Vancomycin khô, vô khuẩn. Pha loãng hơn nữa là cần thiết.
    Sau khi tái tổ hợp, những lọ này có thể giữ trong tủ lạnh 14 ngày mà không mất hiệu lực đáng kể.
    Dung dịch được tái tổ hợp có 500 mg Vancomycin phải được pha loãng với ít nhất 100 ml dung môi. Dung dịch được tái tổ hợp có 1 g Vancomycin phải được pha loãng với ít nhất 200 ml dung môi. Liều lượng mong muốn được pha loãng theo cách này nên được sử dụng truyền tĩnh mạch trong một thời gian ít nhất là 60 phút.
    Tương hợp với những thuốc khác và những dịch truyền tĩnh mạch khác : những dung dịch được pha loãng với Dextrose 5 % hoặc Sodium Chloride 0,9% có thể bảo quản trong tủ lạnh 14 ngày mà không mất hiệu lực đáng kể. Những dung dĩch được pha loãng với những dịch sau có thể bảo quản trong tủ lạnh 96 giờ :
    – Dịch truyền Dextrose 5% và Sodium Chloride 0,9% USP
    – Lactated Ringer, USP
    – Lactated Ringer và Dextrose 5%, USP
    – Normosol *- M và Dextrose 5%
    – Isolyte * E
    Dung dịch Vancomycin có pH thấp và có thể không ổn định về mặt vật lý khi trộn với những hợp chất khác.
    Những sản phẩm thuốc đang tiêm nên kiểm tra kỹ bằng mắt xem có cặn và mất màu trước khi dùng, vào bất cứ lúc nào có thể được.
    Việc sử dụng thuốc đường uống :
    Tổng liều thường dùng hàng ngày ở người lớn trong viêm đại tràng giả mạc do C. difficile là 500 mg đến 2 g chia 3 hoặc 4 lần trong 7 đến 10 ngày. Tổng liều thường dùng hàng ngày ở trẻ em là 40 mg/kg cân nặng chia 3 hoặc 4 lần. Tổng liều hàng ngày không nên quá 2 g. Liều thích hợp có thể được pha với 1 oz nước và cho bệnh nhân uống. Thuốc đã được pha loãng có thể cho qua ống thông mũi dạ dày. Có thể thêm sirô có mùi thơm thường dùng để cho dễ uống.
    Quá liều
    Nên điều trị nâng đỡ cùng với duy trì độ lọc cầu thận. Vancomycin thải trừ rất ít qua thẩm phân. Lọc máu với Amberlite XAD-4 resin được ghi nhận có hiệu quả hạn chế.

  • Teicon

    Hãng sản xuất

    Dong Kook Pharm

    Mã ATC

    J01X A02
    Loại thuốc

    Kháng sinh glycopeptid.
    Thuốc độc bảng B

    Thành phần

    Teicoplanin 200mg

    Dạng bào chế

    Lọ bột pha tiêm + ống dung môi (nước cất pha tiêm)

    Dược lý và cơ chế tác dụng
    Teicoplanin là kháng sinh glycopeptid dùng để điều trị các nhiễm khuẩn Gram dương hiếu khí và yếm khí nặng. Thuốc là hỗn hợp của 5 thành phần có cấu trúc tương tự nhau do Actinoplanes teicomyceticus sản sinh ra. Teicoplanin có cấu trúc hóa học, cơ chế tác dụng, phổ tác dụng và đường thải trừ (thải trừ chủ yếu qua thận) tương tự vancomycin.
    Teicoplanin ức chế tổng hợp vỏ tế bào và chỉ có tác dụng chống vi khuẩn Gram dương; teicoplanin là một kháng sinh dự trữ nên phải được dùng hạn chế. Thuốc chỉ được dùng để chữa những bệnh nhiễm khuẩn nặng và tại bệnh viện chuyên khoa. Teicoplanin là thuốc diệt khuẩn mạnh đối với các chủng nhạy cảm, trừ cầu khuẩn đường ruột. Thuốc có tác dụng đối với tụ cầu nhạy cảm và kháng methicilin với nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) < 4 microgam/ml. MIC đối với Listeria monocytogenes, Corynebacterium spp., Clostridium spp., và cầu khuẩn kỵ khí Gram dương là từ 0,25 đến 2 microgam/ml. Streptococcus non – viridans (không viridans) và viridansStrep. pneumoniae, cầu khuẩn đường ruột bị ức chế bởi teicoplanin ở khoảng nồng độ từ 0,01 đến 1 microgam/ml. Tuy nhiên, không nên dùng teicoplanin để điều trị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn đó gây ra, trừ những trường hợp vi khuẩn đã kháng nhiều thuốc và gây bệnh toàn thân trầm trọng. Cần đặc biệt chú ý, một số chủng loạiStreptococcus cả loại coagulase âm tính và dương tính, cũng như cầu khuẩn đường ruột và một số vi khuẩn khác tự thân đã kháng vancomycin (ví dụ: Lactobacillus spp. và Leuconostoc spp.) thì cũng hoàn toàn kháng với teicoplanin.
    Cơ chế kháng teicoplanin của các chủng Streptococcus chưa rõ, nhưng kháng thuốc có thể xảy ra ở các chủng đã nhạy cảm trong quá trình điều trị trước đó. Cầu khuẩn đường ruột kháng vancomycin theo kiểu van A thì cũng kháng teicoplanin, vì hai thuốc có cơ chế kháng thuốc giống nhau: Làm biến đổi đích tác dụng trên vỏ tế bào để các glycopeptid không liên kết được. Những chủng cầu khuẩn đường ruột kháng thuốc kiểu van B thường nhạy cảm với teicoplanin vì teicoplanin là một chất cảm ứng kém với các enzym chịu trách nhiệm biến đổi thành tế bào. Chủng van C của cầu khuẩn đường ruột nhạy cảm với teicoplanin nhưng thường lại không gây bệnh cho người.
    Hiệu lực của teicoplanin chống lại S. aureus được tăng cường bằng cách phối hợp với một aminoglycosid có tác dụng hiệp đồng (ví dụ: gentamicin 1 mg/kg, cách
    8 giờ, dùng 1 lần với những người bệnh có chức năng thận bình thường).
    Dược động học
    Teicoplanin được hấp thu nhanh, và nhiều từ các cơ và khoang phúc mạc, nhưng lại ít được hấp thu từ đường tiêu hóa. Phần lớn thuốc được thải trừ ở dạng không đổi qua lọc cầu thận. Ở người chức năng thận bình thường, nửa đời của pha đầu, thứ hai và cuối cùng tương ứng là 35 phút, 10 giờ và 87 giờ. Nửa đời của thuốc dài, nên cho phép dùng 1 liều/ngày. Thể tích phân bố ở giai đoạn ổn định là 0,86 lít/kg. Ðộ thanh thải là 0,0114 lít /giờ/kg và độ thanh thải thận là 0,0083 lít/giờ/kg. Teicoplanin liên kết cao với albumin trong huyết tương (tỷ lệ không kết hợp = 0,1) và trong các mô. Ðộ thanh thải thận giảm ở những người bệnh có suy thận. Teicoplanin vào trong dịch não tủy chậm và ít, nhưng vào hoạt dịch, dịch phổi và mô mềm tương đối nhanh và hiệu quả.
    Chỉ định
    Teicoplanin phải được dùng hạn chế, như một kháng sinh dự trữ, chỉ dành cho những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng đã bị kháng nhiều thuốc.
    Teicoplanin được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn Gram dương trầm trọng bao gồm viêm tủy xương, và viêm màng trong tim gây nên bởi Staphylococcus aureus nhạy cảm và kháng methicilin, Streptococcus, cầu khuẩn đường ruột (Enterococcus), viêm màng bụng liên quan đến thẩm tách phúc mạc và nhiễm khuẩn nặng do Staph.aureus; trong dự phòng viêm màng trong tim và phẫu thuật chỉnh hình có nguy cơ nhiễm các vi khuẩn Gram dương; trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn ở những người bệnh có giảm bạch cầu trung tính hoặc bị bệnh suy giảm miễn dịch. Có thể dùng teicoplanin thay thế cho vancomycin trong điều trị nhiễm khuẩn Gram dương nặng.
    Chống chi định
    Quá mẫn với teicoplanin.
    Thận trọng
    Nên dùng thận trọng teicoplanin với người bệnh quá mẫn với vancomycin vì quá mẫn chéo có thể xảy ra. Ðã gặp giảm tiểu cầu khi dùng teicoplanin, đặc biệt với liều cao hơn liều thường dùng. Nên định kỳ kiểm tra huyết học, gan, thận trong quá trình điều trị.
    Cần kiểm tra chức năng tai, thận khi điều trị lâu dài cho người bệnh suy thận và chỉnh liều nếu cần.
    Thời kỳ mang thai
    Kinh nghiệm lâm sàng trong điều trị cho người mang thai còn ít. Nghiên cứu trên động vật không thấy những biểu hiện về quái thai. Tuy nhiên do kinh nghiệm lâm sàng hạn chế, teicoplanin chỉ được dùng cho người mang thai trong những trường hợp thật cần thiết.
    Thời kỳ cho con bú
    Không có tài liệu về nồng độ teicoplanin trong sữa mẹ. Do đó trong khi điều trị, người mẹ nên ngừng cho con bú.
    Tác dụng không mong muốn (ADR)
    Tác dụng không mong muốn chủ yếu đã được biết, khi sử dụng teicoplanin, là ban da, gặp nhiều hơn khi dùng liều cao. Phản ứng quá mẫn, sốt do thuốc và giảm bạch cầu trung tính cũng đã được ghi nhận; cũng có khi gây điếc nhưng hiếm.
    Thường gặp, ADR > 1/100
    Toàn thân: Sốt.
    Da: Ban da.
    Khác: Ðau ở nơi tiêm.
    Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    Máu: Tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng tiểu cầu.
    Tuần hoàn: Viêm tĩnh mạch huyết khối.
    Hô hấp: Co thắt phế quản.
    Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy.
    Thần kinh trung ương: Ðau đầu, chóng mặt.
    Da: Ngứa, mày đay.
    Gan: Tăng transaminase và phosphatase kiềm.
    Niệu – sinh dục: Tăng creatinin huyết thanh.
    Cơ quan khác: Mất khả năng nghe.
    Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    Toàn thân: Phản ứng phản vệ.
    Máu: Giảm bạch cầu trung tính.
    Da: Hội chứng Lyell, tróc vảy.
    Hướng dẫn cách xử trí ADR
    Ở những trường hợp vừa và nặng, cần bổ sung dịch, chất điện giải và protein.
    Liều lượng và cách dùng
    Teicoplanin được tiêm tĩnh mạch, hoặc truyền tĩnh mạch chậm trên 30 phút hoặc tiêm bắp.
    Liều thường dùng là 400 mg, hoặc 6 mg/kg thể trọng tiêm tĩnh mạch trong ngày đầu, những ngày điều trị sau đó dùng 200 mg, hoặc 3 mg/kg, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Trong nhiễm khuẩn nặng hơn, tiêm tĩnh mạch 400 mg/12 giờ cho 3 liều đầu, sau đó dùng liều duy trì 400 mg/ngày. Ðôi khi dùng liều cao tới 12 mg/kg/ngày.
    Trẻ em trên 2 tháng tuổi: Tiêm truyền tĩnh mạch, 10 mg/kg/12giờ, cho 3 liều đầu tiên, sau đó dùng 6 mg/kg/ngày (những trẻ em nhiễm khuẩn nặng hoặc giảm bạch cầu trung tính dùng liều 10 mg/kg/ngày), những liều sau có thể dùng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp một lần mỗi ngày (nhưng tiêm tĩnh mạch thích hợp với trẻ em hơn).
    Trẻ sơ sinh: Truyền tĩnh mạch trong 30 phút, liều ban đầu 16 mg/kg, sau đó 8 mg/kg, một lần mỗi ngày.
    Trường hợp dự phòng trong phẫu thuật chỉnh hình: Tiêm tĩnh mạch 400 mg vào lúc gây cảm ứng trước gây mê.
    Người bệnh suy thận: Liều dùng cần được điều chỉnh. Chế độ điều trị như bình thường trong 3 ngày đầu, sau đó dùng 1/2 liều bình thường, ở người bệnh suy thận nhẹ (độ thanh thải creatinin giữa 40 – 60 ml/phút) và 1/3 liều bình thường, ở người bệnh có dấu hiệu nặng hơn (độ thanh thải creatinin dưới 40 ml/phút). Có thể lựa chọn cách dùng sau: Ðiều chỉnh bằng cách sử dụng liều bình thường nhưng cách 2 hoặc 3 ngày mới dùng một lần.
    Bệnh viêm màng trong tim: Nhìn chung có tác dụng tốt, nhưng có những kết quả hơi khác nhau khi dùng teicoplanin để điều trị viêm màng trong tim do nhiễm vi khuẩn Gram dương: liều dùng lên tới 14 mg/kg/ngày, hoặc cao hơn. Một nghiên cứu đã kết luận rằng để có kết quả điều trị, cần đạt được nhanh chóng nồng độ đỉnh trong huyết tương tới 40 – 50 microgam/ml. Liều độc nhất 400 mg, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch, có thể đủ để dự phòng viêm màng trong tim ở người bệnh chữa răng, nhưng không có tác dụng dự phòng ở người bệnh phẫu thuật tim.
    Tương tác thuốc
    Teicoplanin, khi phối hợp với các kháng sinh nhóm aminoglycosid, không làm tăng độc với thính giác hoặc thận. Vì vậy, teicoplanin phối hợp với gentamicin được dùng thay thế vancomycin và gentamicin trong dự phòng bệnh viêm màng trong tim.
    Ðộ ổn định và bảo quản
    Cần bảo quản những lọ teicoplanin đông khô ở nhiệt độ dưới 250C, tránh nóng và ánh sáng. Thuốc đã pha nên dùng ngay và loại bỏ phần còn thừa.
    Tương kỵ
    Các dung dịch teicoplanin và aminoglycosid tương kỵ khi trộn trực tiếp, vì vậy không được trộn lẫn trước khi tiêm.
    Quá liều và xử trí
    Teicoplanin không loại được bằng lọc máu. Ðiều trị triệu chứng khi quá liều. Không thấy có các triệu chứng hay xét nghiệm bất thường nào, mặc dù nồng độ cao của teicoplanin trong huyết tương lên tới 300 mg/lít.

  • Fosmicin

    Hãng xản xuất

    Meiji Seika

    Phân phối

    CT TNHH DP Thiên Thảo

    Thành phần

    Fosfomycin sodium

    Dạng bào chế

    Bột pha tiêm 1 g : hộp 10 lọ
    Bột pha tiêm 2 g : hộp 10 lọ
    Dược lực
    Hoạt động kháng khuẩn in vitro:

    Fosfomycin có tác dụng diệt khuẩn đối với các vi khuẩn gây bệnh gram dương và gram âm. Nó đặc biệt cá tác dụng mạnh chống lại các vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Proteus vulgaris, Serratia marcescens và các chủng Staphylococcus aureus và Escherichia coli kháng lại nhiều loại thuốc.
    Cơ chế tác dụng:
    Cách tác dụng của fosfomycin rất chuyên biệt. Nó được hấp thu vào tế bào của vi khuẩn ở nồng độ cao qua hệ thống vận chuyển chủ động và ức chế giai đoạn đầu của sự sinh tổng hợp peptit-polisacarit của thành tế bào. (Các loại thuốc kháng sinh -lactam ức chế gian đoạn cuối).
    Dược lý lâm sàng
    Kết quả của 3 cuộc thử nghiệm so sánh lâm sàng và lâm sàng mở rộng như sau:
    Mức độ công hiệu:
    – 37,5% (6/16 bệnh nhân) đối với bệnh nhiễm trùng máu và vi khuẩn máu.
    – 64,8% (107/165 bệnh nhân) đối với bệnh nhiễn trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.
    – 67,6% (213/315 bệnh nhân) đối với chứng viêm phúc mạc, viêm thận bể thận và viêm bàng quang.
    – 90,9% (30/33 bệnh nhân) đối với trường hợp viêm phần phụ của tử cung, 87,0% (47/54 bệnh nhân) đối với trường hợp viêm trong tử cung, 86,7% (13/15 bệnh nhân) đối với trường hợp viêm khoang chết của hố chậu, 66,7% (6/9 bệnh nhân) đối với trường hợp viêm mô cận tử cung và 100% (15/15 bệnh nhân) đối với trường hợp viêm tuyến Bartholin.
    Dược động học
    Nồng độ trong máu:

    Ở người lớn:
    Nồng độ trong huyết thanh và các thông số dược động học sau khi tiêm vào tĩnh mạch hoặc truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch của sản phẩm này như sau:
    * Chú ý nồng độ serum 30 phút sau khi sử dụng.

    Đối tượng N Liều dùng g (hàm lượng) Thể tích dung môi (ml) Thời gian sử dụng Nồng độ tối đa (mcg/ml) Thời gian bán hủy (giờ)
    Bệnh nhân người lớn 6 1 20 5 phút 74* 1,7
    Người lớn khỏe mạnh 3 1 200 1 giờ 87,3 1,5
    Người lớn khỏe mạnh 3 2 300 1 giờ 157, 3 1,8
    Người lớn khỏe mạnh 3 2 300 2 giờ 98,3 1,7

    Ở trẻ em:
    Trong số 4 em học sinh (cân nặng từ 20 đến 37kg, trung bình 28kg) được tiêm 1g thuốc hàm lượng vào tĩnh mạch trong 4 phút, nồng độ trong máu và thời gian bán hủy trung bình theo thứ tự là 93,8 đến 107mcg/ml và 1,3 giờ; 30 phút đến 1 giờ sau khi sử dụng thuốc.
    Mức độ gắn vào protein:
    Mức gắn với protein huyết thanh người là 2,16%, xác định bằng cân bằng thẩm tích.
    Nồng độ trong nước bọt:
    Trong 5 bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp, tiêm tĩnh mạch 1g Fosmicin sản sinh ra nồng độ trong nước bọt ở mức tối đa là 7,0mcg/ml 3 giờ sau khi tiêm thuốc.
    Chuyển hóa và thải trừ thuốc:
    Fosfomycin không chuyển hóa trong cơ thể và được thải trừ chủ yếu trong nước tiểu dưới dạng hoạt chất không biến đổi.
    Ba người lớn mạnh khỏe được truyền nhỏ giọt qua tĩnh mạch trong 1 giờ 1g (hàm lượng) hoặc truyền nhỏ giọt qua tĩnh mạch trong 2 giờ 2g (hàm lượng) chất fosfomycin sodium, lượng thu hồi lại được qua nước tiểu là từ 95 đến 99% trong vòng 10 đến 11 giờ đầu tiên sau khi kết thúc việc truyền nhỏ giọt qua tĩnh mạch.
    Chỉ định
    Được chỉ định cho các trường hợp nhiễm trùng sau đây do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với fosfomycin như Pseudomonas aeruginosa, Proteus vulgaris, Serratia marcescens và các chủng Staphylococcus aureus và Escherichia coli kháng nhiều loại thuốc: Nhiễm trùng huyết, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, rãn phế quản nhiễm trùng, viêm phổi, bệnh phổi có mủ, viêm màng phổi mủ, viêm phúc mạc, viêm thận – bể thận, viêm bàng quang, viêm phần phụ, nhiễm trùng trong tử cung, nhiễm trùng khoang chậu, viêm mô cận tử cung và viêm tuyến bartholin.
    Chú ý đề phòng:
    Theo nguyên tắc chung, thời gian sử dụng thuốc này cần được giới hạn trong thời hạn tối thiểu theo yêu cầu phương pháp chữa bệnh đối với từng bệnh nhân, sau khi xác định độ nhạy cảm của vi khuẩn với thuốc, nhằm tránh sự kháng thuốc của vi khuẩn.
    Thận trọng khi sử dụng Fosmicin trong những trường hợp:
    – Bản thân bệnh nhân hoặc người trong gia đình có tố bẩm mắc bệnh dị ứng như hen, phát ban, nổi mề đay.
    – Bệnh nhân bị thiểu năng gan (chứng thiểu năng gan có thể trầm trọng hơn).
    Một số lưu ý quan trọng:
    – Bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận để đề phòng nguy cơ bị sốc.
    – Chế phẩm này chứa 14,5 mEq Natri mỗi g (hàm lượng), do đó cần thận trọng khi dùng thuốc này cho các bệnh nhân cần giảm lượng Natri đưa vào cơ thể do suy tim, suy thận, cao huyết áp…
    Thận trọng lúc dùng:
    – Đường dùng: Chỉ được dùng sản phẩm này theo đường tĩnh mạch. Hơn nữa, trong mọi trường hợp có thể, nên dùng chế phẩm này bằng cách truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch.
    – Thận trọng khi điều trị: Cần biết rằng hiện tượng viêm tĩnh mạch và đau tĩnh mạch có thể xảy ra khi sử dụng chế phẩm này qua đường tĩnh mạch. Vì thế, cần lưu tâm đến vị trí tiêm, kỹ thuật áp dụng trong điều trị, tốc độ truyền dung dịch càng chậm càng tốt.
    – Các lưu ý khác: Trong trường hợp bệnh nhân phải điều trị dài ngày bằng thuốc này, nên định kỳ kiểm tra chức năng gan và thận cũng như làm các xét nghiệm máu.
    Những đối tượng đặc biệt:
    Người cao tuổi:
    Sản phẩm này được thải trừ chủ yếu qua thận.
    Các phản ứng phụ có thể xảy ra đối với người cao tuổi vì chức năng thận của họ thường đã suy giảm. Cần thận trọng khi dùng thuốc này cho các bệnh nhân cao tuổi, cần giảm lượng Natri đưa vào cơ thể do suy tim, suy thận, cao huyết áp…
    Trẻ em:
    Độ an toàn của thuốc đối với trẻ đẻ non và trẻ sơ sinh chưa được xác định.
    Lúc có thai và lúc nuôi con bú
    Vì độ an toàn của chế phẩm này đối với phụ nữ có thai chưa được xác định, có khuyến cáo không nên dùng thuốc này cho phụ nữ có thai hoặc nghi có thai.
    Tác dụng ngoại ý
    Kết quả theo dõi về độ an toàn của thuốc trong những năm sau khi chế phẩm được lưu hành trên thị trường được trình bày dưới đây. Đã nhận được báo cáo lâm sàng của 33.711 ca do thầy thuốc từ 2618 cơ sở chữa bệnh trong toàn quốc cung cấp. Trong 710 lần tác dụng phụ xảy ra ở 591 bệnh nhân (1,75%), các tác dụng phụ chủ yếu xảy ra như sau:

    Tác dụng phụ Số bệnh nhân
    Gan/ mật (tăng SGOT, SGPT…) 378
    Ngoài da (ban đỏ, ngứa, nổi mề đay…) 88
    Đường tiêu hóa (ỉa chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn…) 78
    Chuyển hóa và dinh dưỡng (Tăng AI-P, LDH, tăng natri huyết) 25
    Hệ mạch (ngoại trừ tim) (đau mạch, đỏ mặt) 15
    Toàn thân (sốt, cảm giác khó chịu…) 14
    Đường tiết niệu (rối loạn ở thận…) 10
    Hệ thần kinh trung ương và ngoại vi (giảm cảm giác) 7
    Hệ bạch cầu lưới nội mô (giảm bạch cầu…) 7

    Các phản ứng phụ đáng chú ý trong lâm sàng này:
    – Sốc: cần theo dõi kỹ bệnh nhân vì có thể xảy ra sốc (tần suất < 0,1%). Nếu có biểu hiện liên quan đến sốc hay có các triệu chứng như ngực hồi hộp, khó thở, sụt huyết áp, tím tái, nổi mề đay, khó chịu… cần phải ngừng ngay thuốc và có biện pháp điều trị thích hợp.
    – Viêm ruột kết nặng với phân có máu như viêm đại tràng màng giả (< 0,1%) có thể xuất hiện. Bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận và nếu xuất hiện hiện tượng đau bụng và ỉa chảy, cần ngừng ngay việc dùng thuốc và có biện pháp điều trị thích hợp.
    – Giảm huyết cầu toàn thể và chứng mất bạch cầu hạt (<0,1%) có thể xuất hiện. Bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận và nếu thấy các hiện tượng không bình thường, cần ngừng dùng thuốc và có biện pháp điều trị thích hợp.
    Các phản ứng phụ khác:
    * Theo dõi kỹ bệnh nhân, ngừng sử dụng sản phẩm và có biện pháp điều trị thích hợp nếu có hiện tượng bất thường trên xảy ra.

      từ 0,1 đến 5% dưới 1%
    Gan Rối loạn chức năng gan như tăng trị số GOT, GPT, AI-P, LDH, g-GTP, bilirubin Vàng da*
    Máu   Thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, mất bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin…
    Thận   Loạn chức năng thận, phù, tăng trị số BUN, protein-niệu, bất thường về điện giải…
    Đường tiêu hóa Ỉa chảy Viêm miệng, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn…
    Da Phát ban… Ban đỏ, nổi mề đay, cảm giác ngứa…
    Hô hấp   Ho, hen…
    Thần kinh   Tê liệt, chóng mặt và co giật (ở liều cao).
    Nơi tiêm Viêm tĩnh mạch Đau mạch…
    Tác dụng phụ khác   Đau đầu, khát, sốt, cảm giác khó chịu, đau ngực, có cảm giác ngực bị đè nặng, hồi hộp…

    Liều lượng và cách dùng
    Truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch:
    Liều thường dùng mỗi ngày fosfomycin dùng đường tĩnh mạch là 2 đến 4g (hàm lượng) cho người lớn và 100 đến 200mg (hàm lượng)/kg thể trọng cho trẻ em; truyền vào tĩnh mạch theo cách truyền nhỏ giọt. Liều nói trên chia làm 2 lần. Mỗi liều được hòa tan vào 100ml đến 500ml dịch truyền, thời gian truyền từ 1 đến 2 giờ.
    Tiêm tĩnh mạch:
    Liều dùng mỗi ngày cho người lớn và trẻ em cũng bằng liều truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch nhưng phải chia thành 2 đến 4 liều. Dung môi để hoà tan 1 đến 2g chế phẩm này là 20ml nước pha tiêm hoặc 20 ml dung dịch glucoza 5%. Thời gian tiêm tĩnh mạch phải thực hiện trong 5 phút hoặc hơn.
    Liều dùng nói trên có thể điều chỉnh theo tuổi bệnh nhân và theo triệu chứng bệnh nặng nhẹ.

  • Coly – Mycin

    Hãng sản xuất

    Pfizer

    Thành phần

    Colistin

    Loại thuốc

    Kháng sinh đa peptid
    Dạng bào chế
    Lọ bột pha tiêm 150mg (tương ứng 4,500,000 UI) x hộp 12 lọ

    Ống dung môi pha tiêm 2ml

    Dược lý và cơ chế tác dụng
    Colistin là thuốc kháng sinh nhóm polymyxin, thường dùng để điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn Gram âm, đặc biệt là các trường hợp nhiễm Pseudomonas aeruginosa (mặc dù hiện nay người ta thường dùng các kháng sinh khác ít độc hơn để điều trị nhiễm khuẩn toàn thân như các aminoglycosid, carboxypenicilin, ureidopenicilin, và cephalosporin). Phổ kháng khuẩn và cơ chế tác dụng của colistin cũng tương tự như của polymyxin B, nhưng dạng colistin sulfat thì có tác dụng hơi kém hơn, còn dạng colistin sulfomethat (colistin natri methan sulfonat) thì có tác dụng kém hơn polymyxin B nhiều. Các polymyxin có tác dụng diệt khuẩn ngay cả với tế bào ở trạng thái nghỉ, vì thuốc làm thay đổi tính thẩm thấu chọn lọc của màng tế bào. Nồng độ thuốc tối thiểu ức chế (MIC) phần lớn các loại vi khuẩn nhạy cảm là từ 0,01 đến 4 microgam/ml. Nồng độ có tác dụng đối với các chủng Pseudomonas aeruginosa nhạy cảm với thuốc thường thấp hơn 8 microgam/ml.
    Colistin tác dụng tại phổi chỉ giới hạn ở các vi khuẩn Gram âm: Pseudomonas aeruginosa, E. Coli, Klebsiella, Enterobacter, Salmonella, Shigella, Haemophillus, Bordetella pertussis, Pasteurella, Citrobacter, Acinetobacter (MIC = 0,25 – 1 microgam/ml). Chưa thấy nói đến vi khuẩn trở nên kháng thuốc theo cơ chế di truyền hay qua trung gian plasmid.
    Vi khuẩn kháng tự nhiên với colistin: Vi khuẩn Gram dương, cầu khuẩn Gram âm, Proteus, Providencia, Mycobacteria và vi khuẩn kỵ khí.
    Có kháng chéo với polymyxin B.
    Chú ý: Kháng thuốc ở Việt Nam: không có dữ liệu về kháng colistin ở Việt Nam. Nhưng theo Chương trình Giám sát Quốc gia về tình trạng kháng thuốc của một số vi khuẩn gây bệnh thường gặp thì P. aeruginosa – một trong những loại hay gặp nhất ở Việt Nam – đã kháng với hầu hết các kháng sinh thường dùng, trừ amikacin là còn có tỷ lệ nhạy cảm cao (tỷ lệ kháng thuốc: 10 – 53%). Việc chỉ định dùng kháng sinh trong các trường hợp nhiễm khuẩn da cần phải dựa vào kháng sinh đồ để tránh làm tăng tỷ lệ kháng thuốc của Pseudomonas aeruginosa đối với amikacin và các kháng sinh khác có thể còn có tác dụng.
    Dùng colistin sulfat uống để điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và dùng kết hợp với các thuốc khác để chống nhiễm khuẩn có chọn lọc đường tiêu hóa cho người bệnh được hồi sức cấp cứu. Sau khi uống, colistin phát huy tác dụng kháng sinh tại chỗ ở ruột; thuốc không ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn ruột ở trẻ em được nuôi dưỡng bình thường nhưng lại gây rối loạn nặng hệ vi khuẩn ruột ở trẻ được nuôi bằng đường tiêm truyền.
    Dùng colistin natri mesilat (methan sulfonat) tiêm để điều trị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn thận, nhiễm khuẩn đường niệu – dục do các vi khuẩn nhạy cảm với thuốc.
    Trong một số trường hợp cá biệt, dùng colistin tại chỗ để chữa viêm tai ngoài, bội nhiễm vết bỏng nông, vết loét ở chi dưới; đôi khi còn dùng colistin natri sulfomethat theo cách hít để điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, đặc biệt ở người bệnh bị xơ nang.
    Cũng giống như đối với bất kỳ kháng sinh nào khác, chỉ định dùng colistin phải dựa trên kháng sinh đồ.
    Dược động học
    Colistin sulfat và colistin natri sulfomethat được hấp thu rất kém ở đường tiêu hóa (chỉ khoảng 0,5%) và không được hấp thu qua da lành. Sau khi uống, thuốc đào thải qua phân dưới dạng không đổi. Sau khi tiêm bắp colistin natri sulfomethat từ 2 đến 3 giờ, thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương. In vivo, một tỷ lệ nhỏ colistin natri sulfomethat có thể bị thủy phân thành colistin. Colistin gắn lỏng lẻo vào các mô, song dạng sulfomethat thì không kết gắn. Colistin không qua hàng rào máu – não, và xuất hiện rất ít trong dịch nhãn cầu, dịch ổ khớp, dịch màng phổi.
    Nửa đời huyết tương là từ 2 – 3 giờ. Colistin sulfomethat đào thải chủ yếu nhờ quá trình lọc ở cầu thận dưới dạng không đổi hoặc dạng chuyển hóa. Trong vòng 24 giờ, có thể tới 80% liều thuốc đã tiêm xuất hiện trong nước tiểu. ở trẻ em thuốc đào thải nhanh hơn so với người lớn và thuốc đào thải chậm ở người bị suy giảm chức năng thận.
    Chỉ định
    Điều trị các bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính do các chủng nhạy cảm của trực khuẩn gram âm nhất định. Nó đặc biệt khi nhiễm trùng được gây ra bởi các chủng nhạy cảm của Pseudomonas aeruginosa. Thuốc đã được chứng minh lâm sàng có hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do khuẩn gram âm: Enterobacter aerogenes, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter.

    Kháng sinh này không được chỉ định cho các nhiễm trùng do để Proteus hoặc Neisseria.
    Coly Mycin M Parenteral có thể được sử dụng để bắt đầu điều trị trong các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng mà bị nghi ngờ là do khuẩn gram âm và trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn gram âm gây bệnh nhạy cảm.
    Dùng điều trị phối hợp với thuốc kháng sinh để điều trị các nhiễm khuẩn bệnh viện với các chủng vi khuẩn đa kháng và toàn kháng.

    Chỉ sử dụng khi không dùng được những thuốc khác trong các điều trị sau:

    + Nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn Gram âm: Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn thận, nhiễm khuẩn đường niệu – sinh dục do các vi khuẩn nhạy cảm (dùng theo đường tiêm).

    + Ðiều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp (hít colistin natri sulfomethat), đặc biệt ở người bệnh bị xơ nang.

    Chống chỉ định
    Người bệnh dị ứng với polymyxin.
    Trẻ em dưới 2 tháng tuổi.
    Người bị bệnh nhược cơ.
    Người bệnh bị suy thận nặng, người bệnh đang dùng thuốc khác độc đối với thận.
    Người bệnh gây mê có dùng hydroxydion (Viadril).
    Thận trọng
    Thuốc có thể gây ức chế thần kinh – cơ (liệt) ở người bệnh mắc bệnh phổi mạn tính, có thể dẫn đến tử vong do ngừng thở.
    Dùng thuốc dài ngày có thể dẫn đến phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm, đặc biệt Proteus.
    Phải giảm liều ở người bệnh suy chức năng thận.
    Nếu bôi thuốc trên một vùng da rộng bị tổn thương, thuốc có thể được hấp thu vào máu.
    Tuyệt đối không mang kính áp tròng trong suốt thời gian điều trị bằng colistin ở mắt.
    Thời kỳ mang thai
    Colistin có thể đi qua nhau thai, thuốc chỉ sử dụng trong thời kỳ mang thai khi lợi ích, tiềm năng vượt trội so với nguy hại có thể có đối với thai nhi.
    Thời kỳ cho con bú
    Colistin được bài tiết trong sữa. Mặc dù nồng độ thấp, nhưng có thể có ba vấn đề đối với trẻ bú mẹ: Biến đổi hệ vi khuẩn ở ruột, tác dụng trực tiếp trên trẻ và ảnh hưởng đến kết quả nuôi cấy nếu cần thiết phải làm khi có sốt phải khám toàn bộ. Không nên dùng trong thời kỳ cho con bú.
    Tác dụng không mong muốn (ADR)
    Khoảng 20% người bệnh dùng polymyxin bị các tác dụng có hại cho thận. Ngoài tác dụng phụ hay gặp nhất là hoại tử ống thận còn gặp cả viêm thận kẽ. Dùng thuốc liều cao, kéo dài, suy thận là các yếu tố dễ gây nguy cơ có hại cho thận. Các tổn thương thận do polymyxin gây ra thường hồi phục được nhưng cũng có trường hợp vẫn nặng lên sau khi đã ngừng dùng thuốc.
    Thường gặp, ADR > 1/100
    Phản ứng dị ứng: Sốt do thuốc. Cũng như các polymyxin khác, colistin kích ứng phế quản do có tác dụng gây giải phóng histamin. Phản ứng này có thể xảy ra rất nhanh và điều trị bằng thuốc gây giãn phế quản thì không có tác dụng.
    Hệ thần kinh (có tới 7% người bệnh có chức năng thận bình thường bị ảnh hưởng): Tê quanh môi, rối loạn vận mạch, hoa mắt.
    Tiết niệu: Suy thận hồi phục được.
    Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    Phản ứng dị ứng: Phát ban sần, tổn thương da.
    Hệ thần kinh: Mất điều hòa vận động, co giật, mất phương hướng, ngừng thở.
    Tại chỗ: Ðau tại chỗ tiêm.
    Hiếm gặp, ADR <1/1000
    Suy thận ( khi dùng liều > 10.000.000 đvqt/ngày) có thể phục hồi sau khi ngừng colistin.
    Kích ứng màng não (tiêm thuốc vào ống tủy).
    Ðiếc, tổn thương ốc tai (khi nhỏ thuốc qua màng nhĩ bị thủng).
    Gây ức chế thần kinh – cơ.
    Hướng dẫn cách xử trí ADR
    Cần theo dõi người bệnh để phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc thuốc. Khi đó, cần ngừng ngay thuốc.
    Ðiều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
    Hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh cân bằng điện giải nếu cần thiết …
    Liều lượng và cách dùng
    Liều thường dùng

    Người lớn và trẻ em (tiêm IV, IM): 2.5 – 5mg/kg/ngày, chia thành 2 – 4 liều nhỏ. Tiêm TM chậm từ 3 – 5 phút
    Ðiều chỉnh liều ở người bệnh suy thận cần căn cứ vào creatinin huyết hoặc hệ số thanh thải creatinin của người bệnh.

    Gợi ý sử dụng:
    Viêm màng não: Có thể tiêm colistin vào ống tủy.

    Trẻ em: 10.000 – 20.000 đơn vị quốc tế/ngày.

    Người lớn: 60.000 đvqt/ngày (bắt đầu bằng 20.000 đvqt, ngày thứ nhất và 40.000 đvqt ngày thứ hai).
    Colistin natri sulfomethat còn dùng tiêm dưới kết mạc và dùng để rửa bàng quang.
    Colistin natri sulfomethat và colistin sulfat cũng được dùng tại chỗ, thường là phối hợp với các kháng sinh khác để điều trị nhiễm khuẩn tai ngoài. Cần kiểm tra kỹ màng nhĩ trước khi cho nhỏ tai vì nếu màng nhĩ bị thủng thì colistin có thể gây ra tổn thương không phục hồi (điếc, rối loạn thăng bằng do tổn thương ốc tai…). Không được sử dụng tại chỗ quá 8 – 10 ngày để tránh bội nhiễm do các chủng kháng colistin.
    Tương tác thuốc
    Không dùng phối hợp colistin với cephalosporin hoặc kháng sinh aminoglycosid vì làm tăng nguy cơ gây tổn thương thận.
    Colistin tăng cường tác dụng ức chế thần kinh – cơ của các thuốc gây giãn cơ không khử cực (tubocurarin, fazidinium bromid…). Tác dụng này tăng khi kali huyết giảm hoặc nồng độ ion calci huyết thanh thấp. Các thuốc cholinergic (kích thích đối giao cảm) ít có tác dụng trong trường hợp này.
    Dùng đồng thời thuốc làm giảm nhu động ruột sẽ làm tăng hấp thu colistin.
    Ðộ ổn định và bảo quản
    Bảo quản thuốc trong lọ kín và tránh ánh sáng.
    Có thể sử dụng dạng sirô trong 8 ngày sau khi pha, nếu để ở nơi mát.
    Quá liều và xử trí
    Trường hợp uống quá liều: Gây nôn, rửa dạ dày, uống than hoạt.
    Ðiều trị triệu chứng và hỗ trợ tùy theo triệu chứng và mức độ nặng nhẹ.
    Nên thay máu nếu có điều kiện vì lọc máu và thẩm tách màng bụng không có tác dụng đào thải colistin.

  • KHÁNG SINH POLYPEPTID VÀ GLYCOPEPTID

    1. Kháng sinh Polypeptid

    1.1. Các Polymycin

    Chiết xuất từ Bacillus Polymyxa gồm các Polymycin A, B, C, D, E là các đa peptid rất độc với thận. Loại thường sử dụng là E: colistin, colimycine

    Cơ chế: là thuốc diệt khuẩn bằng cách gắn vào màng phospholipid của VK làm thay đổi cân bằng thẩm thấu.

    Phổ kháng khuẩn:

    É    Trực khuẩn Gram (-): Pseudomonas aeruginosa, E. Coli, Klebsiella, Enterobacter, Salmonella, Shigella, Haemophillus, Bordetella pertussis, Pasteurella, Citrobacter, Acinetobacter

    É    Các khuẩn kháng thuốc: Vi khuẩn Gram dương, cầu khuẩn Gram âm, Proteus, Providencia, Mycobacteria và vi khuẩn kỵ khí

    Dược động học

    É    Colistin sulfat và colistin natri sulfomethat được hấp thu rất kém ở đường tiêu hóa (chỉ khoảng 0,5%) và không được hấp thu qua da lành. Sau khi uống, thuốc đào thải qua phân dưới dạng không đổi. Sau khi tiêm bắp colistin natri sulfomethat từ 2 đến 3 giờ, thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương. In vivo, một tỷ lệ nhỏ colistin natri sulfomethat có thể bị thủy phân thành colistin. Colistin gắn lỏng lẻo vào các mô, song dạng sulfomethat thì không kết gắn. Colistin không qua hàng rào máu – não, và xuất hiện rất ít trong dịch nhãn cầu, dịch ổ khớp, dịch màng phổi.

    É    Thời gian bán thải là từ 2 – 3 giờ. Colistin sulfomethat đào thải chủ yếu nhờ quá trình lọc ở cầu thận dưới dạng không đổi hoặc dạng chuyển hóa. Trong vòng 24 giờ, có thể tới 80% liều thuốc đã tiêm xuất hiện trong nước tiểu. ở trẻ em thuốc đào thải nhanh hơn so với người lớn và thuốc đào thải chậm ở người bị suy giảm chức năng thận.

    Biệt dược: Colistin (Ben Venue Laboratories)

    1.2. Các thuốc khác

    Gồm có: Bacitracin và Tyrothricin

    Chỉ tác động lên VK gram (+)

    Rất độc nên chỉ dùng tại chỗ: thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi ngoài da, thuốc ngậm họng

    2. Các Glycopeptid.

    2.1. Vancomycin và Teicoplanin

    Kháng sinh có nguồn gốc từ Streptococcus orientalis.

    Cơ chế tác dụng: ức chế transglycosylase nên ngăn cản kéo dài và tạo lưới peptidoglycan. Vi khuẩn không tạo được vách nên bị ly giải. Vancomycin là kháng sinh diệt khuẩn. Tác dụng: chỉ diệt khuẩn gram (+): phần lớn các tụ cầu gây bệnh, kể cả tụ cầu tiết b lactamase  và kháng methicilin. Hiệp đồng với gentamycin và streptomycin trên enterococcus.

    Dược học: được hấp thu rất ít qua đường tiêu hóa nên chỉ được dùng điều trị viêm ruột kết giả mạc cùng với tetracyclin, clindamycin. Tiêm truyền tĩnh mạch, gắn với protein huyết tương khoảng 55%, thấm vào dịch não tuỷ 7- 30% nếu có viêm màng não, trên 90% thải qua lọc cầu thận (khi có viêm thận phải giảm liều). Thời gian bán thải khoảng 6 h.

    Biệt dược:

    É    Vancomycin: Vancomycin (Abbott), Vancocin (Eli Lilly)

    É    Teicoplanin: Teicon (Dong Kook Pharm)

    2.2. Fosfomycin

    Fosfomycin có tác dụng diệt khuẩn với các vi khuẩn gây bệnh gram dương và gram âm. Nó đặc biệt có tác dụng mạnh chống lại các vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Proteus vulgaris, Serratia marcescens và các chủng Staphylococcus aureus và Escherichia coli kháng nhiều loại thuốc.
    Cơ chế tác dụng của thuốc: fosfomycin được hấp thu vào tế bào của vi khuẩn ở nồng độ cao qua hệ thống vận chuyển chủ động và ức chế giai đoạn đầu của sự sinh tổng hợp peptid – polisacarit của thành tế bào.

    Biệt dược: Fosmicin (Meiji Seika)

    2.3. Các thuốc khác

    Gồm có: Acid Fusidic, Novobiocin

    Dùng làm làm thuốc bôi ngoài da, thuốc nhỏ mắt