Trang chủ

  • Benzyl Penicillin

    Mã ATC

    J01C E01, S01A A14.
    Loại thuốc

    Kháng sinh nhóm beta – lactam.
    Dạng bào chế

    Bột pha tiêm: 500 000 đơn vị, 1 triệu đơn vị.

    Dược lý và cơ chế tác dụng
    Benzylpenicilin hay penicilin G là kháng sinh nhóm beta – lactam. Là một trong những penicilin được dùng đầu tiên trong điều trị . Penicilin G diệt khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn. Tuy nhiên, tác dụng này bị giảm bởi penicilinase và các beta – lactamase khác. Penicilin G không bền trong môi trường acid, do đó không được hấp thu qua đường uống. Khả dụng sinh học theo đường uống chỉ đạt khoảng 15 – 30%. Do vậy, penicilin G chủ yếu được dùng đường tiêm và tốt nhất nên tiêm tĩnh mạch.
    Ðể kháng sinh có tác dụng điều trị , vấn đề quan trọng là phải duy trì được nồng độ thuốc trong huyết tương cao hơn nồng độ tối thiểu ức chế (MIC) các vi khuẩn. Penicilin G có tác dụng tốt với cầu khuẩn Gram dương, bao gồm cả các Streptococcus nhóm B. Giá trị MIC thường rất khác nhau, từ dưới 0,002 microgam/ml đến 0,1 microgam/ml, tùy thuộc vào loài vi khuẩn và mức độ nhạy cảm. Nói chung, các cầu khuẩn Enterococcus kém nhạy cảm và đôi khi kháng hoàn toàn. Các Pneumococcus cũng kháng penicilin G và các kháng sinh beta – lactam khác. Trước đây, penicilin G được cho rằng có tác dụng ức chế cả các cầu khuẩn Gram âm, như Meningococcus và Gonococcus với MIC thấp khoảng 0,03 microgam/ml. Nhưng tình trạng kháng thuốc lan tràn ở Việt Nam hiện nay làm cho penicilin G bị mất tác dụng trong một số trường hợp. Cho đến nay, Gonococcus gần như kháng penicilin G hoàn toàn do tạo beta – lactamase. Hiện tượng này là phổ biến ở cả khu vực Đông Nam Á.
    Nói chung, penicilin G có hiệu quả với Haemophilus influenzae tốt hơn penicilin V và ampicillin. Nhưng hiện tượng kháng thuốc phổ biến đối với H. influenzae do tạo ra beta – lactamase đã làm giảm hiệu quả của penicilin G đối với vi khuẩn này.
    Phần lớn các vi khuẩn kỵ khí khá nhạy cảm với penicilin G gồm Clostridium spp., Fusobacterium spp. và Actinomyces israelii, trừ Bacteroides fragilis. Ðiều quan trọng này cần được xem xét, vì với các nhiễm khuẩn kỵ khí, thường hay có khuynh hướng dùng ngay các kháng sinh chuyên dụng hơn, đáng ra là cần để dành cho những trường hợp thật cần thiết như điều trị nhiễm Bacteroides.
    Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mai) và những loài Treponema nhiệt đới khác thường nhạy cảm với penicilin G và penicilin G cũng có khả năng tác dụng với Leptospira và Actinomyces. Ngay cả những vi khuẩn gây ra độc tố như Corynebacterium diphtheriae, các vi khuẩn hoại thư, vi khuẩn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người như Cytocapnophagia canimorsis (bị nhiễm do chó cắn), cũng nhạy cảm với penicilin G.
    Sự kháng penicilin G có thể do vi khuẩn tạo ra penicilinase, được gọi là beta – lactamase. Ðây là kiểu kháng phổ biến của các vi khuẩn Staphylococcus aureus, Pseudomonas spp., Bacteroides fragilis, Escherichia coli và Proteus. Loại kháng này có thể được hạn chế bằng cách dùng kết hợp với những chất ức chế được beta – lactamase như acid clavulanic, tazobactam hoặc sulbactam.
    Penicilin G thường có tác dụng tốt với Streptococcus pyogenes (nhóm A), Streptococcus viridans, S. bovis và Staphylococcus aureus nhạy cảm với penicilin (tuy nhiên, sự nhạy cảm của Staphylococcus aureus với penicilin hiện nay đang bị giảm). Penicilin G dùng đơn độc không có tác dụng với nhiễm khuẩn nặng do Enterococcus như viêm màng trong tim.
    Với các Pneumococcus, cần lưu ý đặc biệt, do hiện nay các loài vi khuẩn Pneumococcus kháng penicilin G đã tăng lên. Các vi khuẩn nhạy cảm có MIC = 0,1 microgam/ml hoặc thấp hơn. Các vi khuẩn kháng trung bình thường có MIC = 0,1 – 2 microgam/ml và các loài kháng cao thì có MIC > 2 microgam/ml hoặc cao hơn. Những dòng kháng cao thường lại đa kháng với cả các thuốc khác chống Pneumococcus nên rất nguy hiểm. Sự kháng của Pneumococcus với penicilin là do có sự thay đổi của các protein liên kết penicilin (PBP). Tất cả các kháng sinh beta – lactam có tác dụng bằng cách liên kết với những protein này, nên dường như mọi kháng sinh nhóm này đều bị kháng. Các Pneumococcus kháng penicilin G thường kháng cả ampicilin, ticarcilin, piperacilin. Do sự kháng không phụ thuộc vào sự tạo beta – lactamase, nên việc sử dụng acid clavulanic hoặc các chất ức chế khác không có hiệu quả. Một số loài Pneumococcus kháng penicilin cũng kháng cephalosporin thế hệ III. Tuy nhiên, các dòng kháng trung bình thường nhạy cảm với các cephalosporin thế hệ II và III, còn một số kháng cao thì lại đa kháng với penicilin, erythromycin, clarithromycin, trimethoprim – sulfamethoxazol và tetracyclin. Tuy vậy, vancomycin tỏ ra nhạy cảm với đa số trường hợp Pneumococcus kháng penicilin.
    Việc điều trị viêm màng não gây ra bởi Pneumococcus hiện nay là một vấn đề tương đối khó khăn. Hướng dẫn điều trị, sự lựa chọn thuốc phải thay đổi theo các kết quả kháng sinh đồ ở Việt Nam. Theo chiều hướng kháng thuốc, và do khó duy trì nồng độ cao trong dịch não tủy, nên hiện nay penicilin G không được dùng để điều trị viêm màng não có mủ do Pneumococcus nữa. Với người bệnh có vi khuẩn kháng mức độ trung bình, cần thay thế bằng các cephalosporin thế hệ III như ceftriaxon hoặc cefotaxim. Với những vi khuẩn kháng cao, nên dùng vancomycin phối hợp với cephalosprin thế hệ III.
    Ðiều trị viêm màng não do Haemophilus influenzae loại B cũng phải xét đến sự kháng thuốc do vi khuẩn tạo beta – lactamase. Tình trạng này cũng khá phức tạp vì tỷ lệ kháng cloramphenicol cũng khá cao. Một số nghiên cứu cho thấy các cephalosporin thế hệ III, đặc biệt cefotaxim hoặc ceftriaxon cũng có hiệu quả như khi phối hợp penicilin và cloramphenicol. Do vậy, điều trị viêm màng não nhiễm khuẩn cho trẻ em cần tùy theo từng trường hợp nhưng không nên dùng cefuroxim.
    Viêm màng não do Neisseria vẫn thường được điều trị bằng penicilin G, nhưng hiện nay cũng đáng lo ngại, vì các vi khuẩn Meningococcus kháng penicilin G cao rất phổ biến. Sự kháng này là do giảm ái lực của penicilin với protein liên kết penicilin (PBP). Ý nghĩa lâm sàng của tình trạng này cần được thảo luận, vì có trường hợp người bệnh viêm màng não do các vi khuẩn đã kháng penicilin (in vitro) đã được chữa khỏi bằng penicilin G. Ceftriaxon thường được chọn làm thuốc đầu tiên thay thế penicilin G. Penicilin G có thể vẫn là một thuốc được chọn để điều trị nhiễm Neisseria meningitidis và Pasteurella multocida, nhưng không còn được dùng để điều trị Neisseria gonorrhoeae nữa.
    Dược động học
    Sự hấp thu benzylpenicilin thay đổi rất nhiều theo từng người bệnh. Benzylpenicilin vào máu nhanh sau khi tiêm bắp dạng muối tan trong nước và thường đạt được nồng độ cao nhất trong vòng 15 – 30 phút.
    Sau khi tiêm tĩnh mạch liều 3 g benzylpenicilin, nồng độ huyết tương cao nhất đạt được khoảng 300 – 400 microgam/ml. Thuốc phân bố nhanh và đào thải nhanh, làm giảm nồng độ xuống 40 – 50 microgam/ml trong vòng 1 giờ. Sau 4 giờ, nồng độ huyết tương giảm xuống còn 3 microgam/ml, cao hơn 10 – 100 lần phần lớn các giá trị MIC. Vì vậy, nên tiêm thuốc 4 – 6 giờ một lần, nhưng thực tế lâm sàng cho thấy nếu tiêm 8 giờ một lần vẫn đảm bảo đủ liều cho điều trị. Khi nghi ngờ có sự kháng thuốc, cần dùng khoảng 4 giờ một lần.
    Benzylpenicilin phân bố rộng với nồng độ khác nhau trong các mô và dịch cơ thể.
    Nửa đời trong huyết tương khoảng 30 – 50 phút ở người bệnh bình thường, 7 – 10 giờ ở người bệnh suy thận và trong trường hợp suy cả gan và thận, thời gian bán thải trong huyết tương có thể kéo dài đến 20 – 30 giờ. Do vậy, liều cho người bệnh trên 60 tuổi nên giảm khoảng 50% so với liều người lớn, vì chức năng thận bị giảm. Khoảng 60% thuốc gắn với protein huyết tương. Benzylpenicilin được chuyển hóa rồi bài tiết nhanh ở ống thận ra đường nước tiểu.
    Penicilin G, khi tiêm tĩnh mạch với liều 150.000 – 250.000 đơn vị/kg/ngày, cho nồng độ huyết tương cao hơn MIC vài lần, thậm chí cả khi S. pneumoniae kháng penicilin. Do đó, tiêm penicilin G tĩnh mạch liều cao có thể vẫn còn là một cách điều trị có giá trị và hiệu quả trong một số trường hợp, nếu penicilin G được dùng đủ liều và tại những khoảng cách thời gian đúng. Một số nhà nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng liều cao penicilin G 150.000 – 200.000 đơn vị/kg/ngày vẫn có tác dụng trên các Pneumococcus kháng penicilin.
    Chỉ định
    Benzylpenicilin được chỉ định trong hầu hết các vết thương nhiễm khuẩn và các nhiễm khuẩn ở mũi, họng, xoang mũi, đường hô hấp và tai giữa.
    Nhiễm khuẩn máu hoặc nhiễm mủ huyết do vi khuẩn nhạy cảm.
    Viêm xương tủy cấp và mạn.
    Viêm màng trong tim do nhiễm khuẩn.
    Viêm màng não do các vi khuẩn nhạy cảm.
    Viêm phổi nặng do Pneumococcus.
    Tuy nhiên, khi chỉ định cần tham khảo phần “Dược lý và cơ chế tác dụng” ở trên và điều trị dựa theo kết quả kháng sinh đồ và đáp ứng lâm sàng.
    Chống chỉ định
    Dị ứng với các penicilin.
    Thận trọng
    Dùng penicilin natri liều cao ồ ạt có thể dẫn đến giảm kali huyết và đôi khi tăng natri huyết. Nên dùng kèm theo thuốc lợi tiểu giữ kali.
    Với người bệnh suy giảm chức năng thận, dùng liều cao (trên 8 g/ngày/người lớn) có thể gây kích ứng não, co giật và hôn mê.
    Tuyệt đối thận trọng với người có tiền sử dị ứng với penicilin và cephalosporin, do có nguy cơ phản ứng chéo miễn dịch giữa benzylpenicilin và các cephalosporin. Thận trọng với người bệnh suy giảm chức năng thận, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và người cao tuổi. Với người suy tim, cần chú ý đặc biệt, do nguy cơ tăng natri huyết sau khi tiêm liều cao benzylpenicilin natri (tùy thuộc vào từng loại thuốc có thể khác nhau về lượng muối thêm vào cùng với bột benzylpenicilin. Lượng thường dùng xấp xỉ 2,8 mmol Na+ trong lọ 1 triệu đơn vị penicilin, tương ứng lượng natri cho vào khoảng 18 ml nước muối sinh lý đẳng trương).
    Có thể xảy ra quá mẫn với da khi tiếp xúc với kháng sinh, nên thận trọng tránh tiếp xúc với thuốc. Cần phát hiện xem người bệnh có tiền sử dị ứng không, đặc biệt dị ứng với thuốc, vì dễ tăng phản ứng mẫn cảm với penicilin.
    Thận trọng đặc biệt khi dùng benzylpenicilin liều cao cho người đã bị động kinh.
    Thời kỳ mang thai
    Không thấy có khuyết tật hoặc tác dụng có hại trên bào thai. Tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu đầy đủ và có kiểm tra kỹ trên người mang thai để có thể kết luận loại trừ những tác dụng có hại của thuốc trên bào thai. Chỉ dùng benzylpenicilin cho người mang thai khi thật cần.
    Thời kỳ cho con bú
    Penicilin được bài tiết qua sữa. Nên thận trọng khi dùng trong thời kỳ cho con bú, vì có những ảnh hưởng của kháng sinh nói chung với trẻ nhỏ như: dị ứng, thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột.
    Tác dụng không mong muốn (ADR)
    Penicilin có độc tính thấp, nhưng là chất gây mẫn cảm đáng kể, thường gặp nhất là phản ứng da, xấp xỉ 2% trong số bệnh nhân điều trị. Những phản ứng tại chỗ ở vị trí tiêm thuốc cũng hay gặp.
    Thường gặp, ADR > 1/100
    Toàn thân: Ngoại ban.
    Khác: Viêm tĩnh mạch huyết khối.
    Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin.
    Da: Mày đay.
    Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    Toàn thân: Phản ứng phản vệ.
    Máu: Thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu.
    Chú ý: Có thể thấy những triệu chứng của não như động kinh, đặc biệt ở những người bệnh có chức năng thận giảm và liều dùng hàng ngày trên 18 gam với người lớn. Ðặc biệt thận trọng với người trên 60 tuổi và trẻ sơ sinh . Nên xem xét cho giảm liều penicilin và điều trị chống co giật. Nồng độ thuốc cao trong dịch truyền có thể gây viêm tĩnh mạch huyết khối.
    Liều lượng và cách dùng
    Liều dùng tùy thuộc từng người bệnh, sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, chức năng thận, cân nặng, tuổi. Thuốc được dùng dưới dạng tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền trong khoảng 20 – 30 phút.
    Liều thông thường:
    Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch:
    Người lớn: 1,2 g (2 triệu đơn vị)/ngày chia làm 2 – 4 lần. Liều này có thể tăng nếu cần tới 2,4 g (4 triệu đơn vị) hoặc hơn (xem dưới).
    Trẻ đẻ thiếu tháng và trẻ sơ sinh: 50 mg/kg/ngày chia làm 2 lần (85.000 đơn vị/kg/ngày).
    Trẻ sơ sinh từ 1 – 4 tuần: 75 mg/kg/ngày chia làm 3 lần (127.500 đơn vị/kg/ngày).
    Trẻ em 1 tháng – 12 tuổi: 100 mg/kg/ngày chia làm 4 lần (liều có thể cao hơn, xem dưới) (170.000 đơn vị/kg/ngày).
    Trường hợp đặc biệt: tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền tĩnh mạch:
    Viêm nội tâm mạc vi khuẩn: 7,2 g/ngày chia làm 4 – 6 lần (12 triệu đơn vị/ngày)
    Viêm màng não do não mô cầu: 2,4 g cách 4 – 6 giờ/1 lần (4 triệu đơn vị/1 lần)
    Trẻ thiếu tháng và sơ sinh: 100 mg/kg/ngày chia làm 2 lần (170.000 đơn vị/kg/ngày)
    Trẻ nhỏ 1 – 4 tuần 150 mg/kg/ngày chia làm 3 lần (255.000 đơn vị/kg/ngày).
    Trẻ từ 1 tháng – 12 tuổi: 180 – 300 mg/kg/ngày chia làm 4 – 6 lần (300.000 đơn vị – 500.000 đơn vị/kg/ngày).
    Ðối với người lớn, không chỉ định dùng liều cao trên 30 triệu đơn vị/ngày vì gây nhiễm độc thần kinh.
    Viêm phổi do sặc hoặc áp xe phổi:
    Liều trung bình: 8 – 12 triệu đơn vị/ngày trong trường hợp viêm phổi sặc hoặc áp xe phổi, viêm phổi nặng đến trung bình, hoặc trường hợp nhiễm khuẩn mô mềm nặng đến trung bình do Streptococcus nhóm A. Với liều này, khi dùng cùng với một aminoglycosid cho tác dụng hiệp đồng tốt. Do vậy, penicilin G và gentamicin được dùng phối hợp trong điều trị nhiễm Enterococcus và Streptococcus trong viêm màng trong tim.
    Mặc dù hầu hết các Enterococcus nhạy cảm với phối hợp penicilin G và gentamicin, nhưng số ca kháng gentamicin hoặc penicilin đã tăng lên. Ví dụ như Enterococcus, Streptococcus faccium đã tăng kháng penicilin ở mức cao. Cần theo dõi cẩn thận trong trường hợp này.
    Trong trường hợp chức năng thận giảm, có nguy cơ tích lũy benzylpenicilin, do đó tăng nguy cơ gây độc với hệ thần kinh trung ương. Liều 24 giờ cần phải giảm và khoảng cách thời gian giữa các liều phải dài hơn (như dùng 3 g, cách 12 hoặc 24 giờ một lần) hoặc dùng liều thấp hơn trong mỗi lần tiêm.
    Với bệnh nhân trên 60 tuổi: nên giảm 50% liều người lớn thông thường.
    Pha dung dịch tiêm
    Dung dịch tiêm bắp: 600 mg (1 triệu đơn vị) thường được pha trong 1,6 – 2,0 ml nước cất tiêm.
    Dung dịch tiêm tĩnh mạch: Nồng độ thích hợp là 600 mg pha trong 4 – 10 ml nước cất tiêm.
    Dung dịch tiêm truyền: Hòa tan 600 mg trong ít nhất 10 ml natri clorid tiêm hoặc một dịch truyền khác.
    Tương tác thuốc
    Dùng đồng thời các kháng sinh kìm khuẩn (như erythromycin, tetracyclin) có thể làm giảm tác dụng diệt khuẩn của penicilin do làm chậm tốc độ phát triển của vi khuẩn.
    Nồng độ penicilin trong máu có thể kéo dài khi dùng đồng thời với probenecid do ngăn cản sự bài tiết penicilin ở ống thận. Tương tác này có thể được dùng trong điều trị để đạt được nồng độ thuốc trong huyết tương cao và kéo dài hơn .
    Cimetidin có thể làm tăng khả dụng sinh học của penicilin.
    Aspirin, indomethacin, phenylbutazon, sulfaphenazol và sulfinpyrazon kéo dài thời gian bán thải của benzylpenicilin một cách có ý nghĩa.
    Cloramphenicol có thể làm giảm tác dụng của penicilin trong điều trị viêm màng não do Pneumococcus. Do đó phải dùng penicilin diệt khuẩn vài giờ trước khi dùng cloramphenicol.
    Tác dụng của các thuốc chống đông máu dạng uống bình thường không bị ảnh hưởng bởi penicilin, nhưng trường hợp cá biệt có thể làm tăng thời gian prothrombin và gây chảy máu khi người bệnh dùng penicilin G. Do vậy, cần theo dõi khi sử dụng đồng thời, để có thể dự đoán trước và xử lý kịp thời.
    Sự thải methotrexat ra khỏi cơ thể có thể bị giảm rõ rệt do dùng đồng thời với penicilin. Cần chăm sóc và theo dõi cẩn thận khi dùng cùng penicilin. Kiểm tra tiểu cầu, bạch cầu 2 lần một tuần, trong hai tuần đầu, và xác định nồng độ methotrexat nếu nghi ngờ có độc và điều trị nhiễm khuẩn nếu cần.
    Ðộ ổn định và bảo quản
    Dạng thuốc bột khô được bảo quản dưới 30oC. Dung dịch vô khuẩn có thể để tủ lạnh trong một tuần không thấy dấu hiệu bị giảm hoạt lực rõ rệt.
    Tương kỵ
    Benzylpenicilin pha bằng nước cất tiêm hoặc dung dịch nước muối 0,9% không có tương kỵ.
    Không được trộn lẫn penicilin với gentamicin (nhóm aminoglycosid).
    Quá liều và xử trí
    Nồng độ thuốc trong máu quá thừa có thể gây phản ứng có hại tới thần kinh như co giật, liệt và có thể tử vong. Khi dùng quá liều, phải ngừng dùng thuốc và điều trị triệu chứng và hỗ trợ theo yêu cầu.
    Penicilin G kali có thể được loại bỏ qua lọc máu nhân tạo.

  • Benzathine benzylpenicillin

    Mã ATC

    J01C E08
    Loại thuốc

    Thuốc kháng khuẩn nhóm penicilin G tác dụng kéo dài.
    Dạng thuốc và hàm lượng
    Dịch treo để tiêm: 300.000 đơn vị penicilin G trong 1 ml (lọ 10 ml) và 600.000 đơn vị penicilin G trong 1 ml (bao 1 ml và 2 ml hoặc bơm tiêm dùng 1 lần, 2 ml và 4 ml).
    Bột pha để tiêm: 600.000 đơn vị, 1.200.000 đơn vị và 2.400.000 đơn vị penicilin G, kèm theo ống nước cất để pha dịch treo: 2 ml, 4 ml và 8 ml tương ứng.
    Dược lý và cơ chế tác dụng
    Benzathin penicilin G được điều chế từ phản ứng của 1 phân tử dibenzylethylendiamin với 2 phân tử penicillin G. Benzathin penicilin G có độ hòa tan rất thấp và vì vậy, thuốc được giải phóng chậm từ vị trí tiêm bắp. Thuốc thủy phân thành penicilin G. Thủy phân phối hợp với hấp thu chậm làm nồng độ thuốc trong huyết thanh thấp hơn nhiều nhưng kéo dài hơn nhiều so với các loại penicilin tiêm khác. Benzathin penicilin có tác dụng kháng khuẩn giống như benzylpenicilin (xem benzylpenicilin), nhưng vì nồng độ benzylpenicilin trong máu tương đối thấp, nên thuốc này chỉ giới hạn dùng cho các vi sinh vật nhạy cảm cao với benzylpenicilin, như Corynebacterium diphtheriae (người lành mang bệnh không triệu chứng), Streptococcus nhóm A trong viêm họng, trong bệnh sốt thấp khớp (để phòng tiên phát và thứ phát), xoắn khuẩn Treponema (trong các bệnh nhiễm xoắn khuẩn Treponema). Trong nhiễm khuẩn cấp, và có nhiễm khuẩn máu, điều trị đầu tiên là phải tiêm benzylpenicilin.
    Dược động học
    Tiêm bắp liều 300.000 đơn vị benzathin penicilin G cho người lớn sẽ tạo được nồng độ 0,03 – 0,05 đơn vị/ml và duy trì trong 4 – 5 ngày. Nếu tiêm liều 600.000 đơn vị cũng duy trì được nồng độ như thế trong 10 ngày, nếu tiêm liều 1.200.000 đơn vị sẽ duy trì được trong 14 ngày. Vẫn còn phát hiện được nồng độ 0,003 đơn vị/ml sau khi tiêm 1.200.000 đơn vị 4 tuần.
    Khoảng 60% lượng thuốc liên kết với protein huyết tương. Thuốc phân bố vào toàn bộ các mô với các lượng rất khác nhau, mức độ cao nhất ở thận, ít hơn ở gan, da, ruột. Penicillin G cũng thấm vào tất cả các mô khác và dịch não tủy nhưng với lượng thấp hơn. Khi chức năng thận bình thường, thuốc thải trừ nhanh qua ống thận. Ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người suy thận thì sự thải trừ bị chậm lại nhiều.
    Chỉ định
    Benzathin penicilin G tiêm bắp được chỉ định:
    Trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm cao với penicilin – G ở nồng độ thấp và kéo dài, đặc trưng của dạng thuốc đặc biệt này. Việc điều trị phải dựa vào kết quả xét nghiệm vi khuẩn học (kể cả thử độ nhạy cảm) và đáp ứng lâm sàng.
    Khi nhiễm khuẩn nhẹ và vừa ở đường hô hấp trên, do các loài Streptococcus nhạy cảm.
    Khi bị nhiễm Treponema: Giang mai, ghẻ cóc, bejel (bệnh do Treponema pallidum có phản ứng huyết thanh giống giang mai), pinta (bệnh da đốm màu do Treponema carateum rất nhạy cảm với penicilin).
    Trong điều trị dự phòng: Sốt thấp khớp và/hoặc múa giật: dự phòng bằng benzathin penicilin G tỏ ra có hiệu lực phòng tái phát các bệnh này. Thuốc cũng được dùng để điều trị dự phòng tiếp thêm cho các bệnh thấp tim, viêm cầu thận cấp.
    Chống chỉ định
    Có tiền sử quá mẫn với penicilin.
    Không tiêm vào hoặc tiêm gần động mạch và các dây thần kinh.
    Thận trọng
    Có tiền sử dị ứng hoặc/và hen nặng.
    Không được tiêm vào mạch máu vì có thể gây thiếu máu cục bộ.
    Thời kỳ mang thai
    Chưa thấy nguy cơ có hại cho thai nhi.
    Thời kỳ cho con bú
    Chưa thấy nguy cơ có hại cho trẻ bú sữa mẹ.
    Tác dụng không mong muốn (ADR)
    Penicilin là thuốc có độc tính thấp, nhưng là chất mẫn cảm đáng kể. Những phản ứng có hại thường gặp nhất là phản ứng da, xấp xỉ 2% trong số người bệnh được điều trị. Những phản ứng tại nơi tiêm cũng thường xảy ra.
    Thường gặp, ADR > 1/100
    Toàn thân: Ngoại ban.
    Khác: Viêm tĩnh mạch huyết khối.
    Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin.
    Da: Mày đay.
    Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    Toàn thân: Phản ứng phản vệ.
    Máu: Thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu.
    Hướng dẫn cách xử trí ADR
    Trường hợp mày đay, rát đỏ da, các phản ứng giống bệnh huyết thanh, có thể dùng các thuốc kháng histamin để khống chế, nếu cần, dùng corticoid toàn thân. Khi đó nên ngừng thuốc, trừ trường hợp có quyết định của bác sĩ khi chỉ có thuốc này mới cứu được tính mạng người bệnh. Trường hợp có phản ứng phản vệ nghiêm trọng, cần dùng ngay adrenalin, oxygen và tiêm tĩnh mạch corticoid.
    Liều lượng và cách dùng
    Thuốc được tiêm bắp sâu, không pha loãng; liều cao không tạo ra nồng độ cao mà chỉ kéo dài thời gian tác dụng. Dùng phối hợp benzathin penicilin G với penicilin G procain để sớm đạt nồng độ đỉnh trong các nhiễm khuẩn cấp.
    Trẻ sơ sinh > 1200 g thể trọng:
    Giang mai bẩm sinh không triệu chứng: 50.000 đơn vị/kg cho 1 liều.
    Trẻ nhỏ và trẻ em:
    Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do vi khuẩn Streptococcus nhóm A: 25.000 – 50.000 đơn vị cho 1 kg thể trọng, tiêm làm 1 liều duy nhất, liều tối đa là 1.200.000 đơn vị/lần.
    Phòng sốt thấp khớp tái phát: 25.000 – 50.000 đơn vị/kg thể trọng, 3 – 4 tuần/lần; liều tối đa là 1.200.000 đơn vị/lần.
    Giang mai bẩm sinh: 50.000 đơn vị/kg thể trọng, mỗi tuần 1 lần, trong 3 tuần; liều tối đa là 2.400.000 đơn vị/lần.
    Giang mai đã kéo dài hơn 1 năm: 50.000 đơn vị/kg thể trọng, mỗi tuần 1 lần, trong 3 tuần liền, liều tối đa là 2.400.000 đơn vị/lần.
    Người lớn:
    Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do vi khuẩn Streptococcus nhóm A: 1.200.000 đơn vị, tiêm 1 liều duy nhất.
    Phòng sốt thấp khớp tái phát: 1.200.000 đơn vị, cứ 3 – 4 tuần một lần, hoặc 600.000 đơn vị, 2 lần một tháng.
    Giang mai giai đoạn đầu: 2.400.000 đơn vị, tiêm 1 liều duy nhất ở hai vị trí.
    Giang mai đã kéo dài hơn một năm: 2.400.000 đơn vị (tiêm ở 2 vị trí ), tuần một lần, cho 3 lần.
    Không chỉ định là thuốc duy nhất cho bệnh giang mai thần kinh, nhưng có thể tiêm mỗi tuần một lần trong 3 tuần, sau liệu pháp tiêm tĩnh mạch benzylpenicilin (xem liều lượng tại chuyên luận Benzylpenicilin).
    Mụn cóc, bejel và pinta: 1.200.000 đơn vị (1 liều duy nhất).
    Tương tác thuốc
    Tetracyclin là kháng sinh kìm khuẩn có thể đối kháng tác dụng diệt khuẩn của penicilin, cần tránh dùng đồng thời 2 loại này.
    Dùng đồng thời penicilin và probenecid sẽ làm tăng và kéo dài nồng độ penicilin trong huyết thanh do làm giảm thể tích phân bố và làm giảm tốc độ thải trừ vì ức chế cạnh tranh bài tiết penicilin qua ống thận.
    Ðộ ổn định và bảo quản
    Bảo quản trong tủ lạnh (2 – 8oC), tránh đông lạnh.
    Quá liều và xử trí
    Quá liều sẽ làm kích ứng quá mức thần kinh cơ hoặc làm co giật.

  • Augmentin

    Hãng xản xuất

    GlaxoSmithKline

    Thành phần

    Amoxicilline + Clavulanate potassium

    Dạng bào chế

    Bột uống dạng gói 500 mg : hộp 12 gói,
    Viên bao 625 mg : hộp 14 viên,
    Viên bao 625 mg : hộp 12 viên,
    Viên bao 1000 mg : hộp 14 viên,
    Bột pha xirô 457 mg/5 ml : chai 35 ml kèm theo bơm lường liều sử dụng,
    Bột uống dạng gói 1000 mg : hộp 12 gói
    Bột pha tiêm truyền tĩnh mạch (1 g, 200 mg) : hộp 1 lọ bột hoặc 10 lọ

    Cho 1 viên bao 625mg
    Amoxicilline trihydrate 500 mg
    Clavulanate potassium 125 mg
    Cho 1 viên bao 1g
    Amoxicilline trihydrate 875 mg
    Clavulanate potassium 125 mg
    Cho 5 ml xirô 457mg
    Amoxicilline trihydrate 400 mg
    Clavulanate potassium 57 mg
    Cho 1 gói 500 mg
    Amoxicilline trihydrate 500 mg
    Clavulanate potassium 62,50 mg
    Cho 1 gói 1000 mg
    Amoxicilline trihydrate 1000 mg
    Clavulanate potassium 125 mg
    Cho 1 lọ 1.2g
    Amoxicilline sodium 1 g
    Clavulanate potassium 200 mg
    (Na) (62,9 mg)
    (K) (39,2 mg

    Biệt dược khác

    Amk (Austrapharm VN) viên 375, 625, 1000mg

    Amoksiclav (Sandoz) viên 625mg, 1g; bột pha tiêm 0.6g, 1.2g

    Curam (Sandoz) viên 625mg, 1g; bột pha tiêm 1.2g

    Augbactam (Mekophar) viên 625mg, 1g; bột pha tiêm 1.2g

    Enhancin (Ranbaxy) viên 625mg, 1g; dịch uống 468mg/5ml x 60ml; bột pha tiêm 1.2g

    Chỉ định
    Điều trị ngắn hạn các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới (bao gồm cả Tai-Mũi-Họng), đường niệu dục, da và mô mềm, xương và khớp và các nhiễm khuẩn khác như sảy thai nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn sản khoa, nhiễm khuẩn ổ bụng.
    Augmentin có tính diệt khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn kể cả các dòng tiết beta-lactamase đề kháng với ampicillin và amoxycillin (tham khảo thông tin kê toa đầy đủ về các vi khuẩn nhạy cảm).
    Chống chỉ định
    Quá mẫn với penicillin ; có tiền sử vàng da/suy gan khi dùng Augmentin hay penicillin.
    Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng
    Cẩn thận khi sử dụng cho bệnh nhân có bằng chứng suy gan do có khả năng vàng da ứ mật. Các phản ứng quá mẫn trầm trọng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong (dạng phản vệ) đã được báo cáo xảy ra trên bệnh nhân dùng các kháng sinh penicillin. Đã có xuất hiện ban đỏ (đa dạng) đi kèm với sốt nổi hạch (tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn) ở những bệnh nhân dùng amoxycillin. Nên tránh sử dụng Augmentin nếu nghi ngờ có tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Nên điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận. Augmentin dạng hỗn dịch chứa 12,5 mg aspartam trong mỗi liều 5 ml và do đó nên thận trọng trong trường hợp phenylketon niệu. Dùng thận trọng ở bệnh nhân đang điều trị với thuốc chống đông máu. Augmentin có thể làm giảm hiệu lực của thuốc tránh thai loại uống và do đó nên cảnh báo bệnh nhân trước về điều này.
    Lúc có thai và lúc nuôi con bú
    Trong một nghiên cứu đơn ở những phụ nữ bong nhau sớm (PPROM), đã có báo cáo ghi nhận rằng nguy cơ hoại tử ruột non ở trẻ sơ sinh có thể có liên quan đến việc điều trị bằng Augmentin.
    Cũng như đối với tất cả các thuốc, nên tránh dùng trong thai kỳ trừ phi có ý kiến của bác sĩ cho là cần thiết. Có thể dùng Augmentin trong thời kỳ nuôi con bú.
    Tương tác thuốc
    Không nên sử dụng đồng thời với probenecid. Sử dụng Augmentin đồng thời có thể làm gia tăng và kéo dài nồng độ amoxycillin trong máu nhưng không có tác dụng này đối với acid clavulanic.
    Nên thận trọng khi sử dụng Augmentin ở bệnh nhân đang điều trị với thuốc chống đông máu, và cũng giống như các kháng sinh phổ rộng khác, Augmentin có thể làm giảm hiệu lực của các thuốc tránh thai uống, do đó nên cảnh báo cho bệnh nhân biết điều này.
    Tác dụng ngoại ý
    Tác dụng ngoại ý thường ít gặp và hầu hết có tính chất nhẹ và thoáng qua. Tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, viêm kết tràng khi sử dụng kháng sinh và bệnh nấm Candida đã được báo cáo. Đã ghi nhận được hiện tượng gia tăng vừa phải AST và/hoặc ALT. Viêm gan và vàng da ứ mật đã được báo cáo dù hiếm gặp nhưng có thể trầm trọng và kéo dài khoảng vài tháng. Các phản ứng trên gan thường được báo cáo gặp ở nam giới và người lớn tuổi và có thể xảy ra khi liệu trình điều trị kéo dài. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xảy ra trong hay một thời gian ngắn sau khi điều trị nhưng trong một vài trường hợp có thể không biểu hiện rõ ràng cho đến vài tuần sau khi ngưng điều trị. Các phản ứng này thường là có hồi phục. Các phản ứng trên gan có thể trầm trọng và rất hiếm khi gây tử vong.
    Mề đay và ban đỏ đôi khi xảy ra. Hiếm khi có báo cáo về chứng ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử da nhiễm độc, viêm da bóng nước tróc vảy và mụn mủ ngoài da toàn thân cấp tính (AGEP). Nếu xảy ra một trong những rối loạn kể trên thì không nên tiếp tục điều trị. Giảm bạch cầu thoáng qua, giảm tiểu cầu và thiếu máu huyết tán. Cũng như các kháng sinh nhóm beta-lactam khác, đã có báo cáo về chứng phù mạch (phù Quincke), hội chứng phản vệ (quá mẫn) dạng bệnh huyết thanh và viêm mạch quá mẫn. Hiếm khi có viêm thận kẽ. Giảm bạch cầu có hồi phục (bao gồm giảm bạch cầu trung tính hay mất bạch cầu hạt), giảm tiểu cầu có hồi phục và thiếu máu huyết tán đã được báo cáo. Chứng tăng hoạt động, chóng mặt, nhức đầu và co giật có hồi phục đã được báo cáo hiếm gặp. Co giật có thể xảy ra ở bệnh nhân suy thận hay những người đang sử dụng liều cao.
    Liều lượng và cách dùng
    Augmentin viên 625 mg và 1 g :

    Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi :
    – Nhiễm trùng nhẹ đến trung bình : một viên 625 mg x 2 lần/ngày.
    – Nhiễm trùng nặng : một viên 1 g x 2 lần/ngày hoặc một viên 625 mg x 3 lần/ngày.
    Trẻ em dưới 12 tuổi :nên dùng dạng xirô hoặc dạng gói. Augmentin viên 1 g không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi.
    Giảm liều cho những bệnh nhân suy thận (xem thông tin kê toa đầy đủ).
    Đối với Augmentin 1 g : không cần chỉnh liều ở trẻ có GFR > 30 ml/phút.
    Không dùng Augmentin viên 1 g ở người suy thận trung bình.
    Augmentin bột 500 mg dùng cho trẻ em :
    Liều dùng được tính theo amoxicilline.
    Khi chức năng thận bình thường : 80 mg/kg cân nặng/một ngày chia làm 3 lần, và không bao giờ vượt quá 3 g một ngày.
    Suy thận :
    Độ thanh thải creatinine lớn hơn 30 ml/phút : không cần chỉnh liều.
    Độ thanh thải creatinine từ 10 đến 30 ml/phút : liều dùng không quá 15 mg/kg cân nặng/một liều, 2 lần mỗi ngày.
    Độ thanh thải creatinine nhỏ hơn 10 ml/phút : liều dùng không quá 15 mg/kg cân nặng/một ngày.
    Thẩm phân máu : 15 mg/kg cân nặng trong suốt và sau khi thẩm phân máu.
    Trẻ đẻ non : không có chỉ định.
    Augmentin bột 1 g dùng cho người lớn :
    – Các trường hợp nhiễm trùng nhẹ : mỗi lần uống 1 gói (1 g), 2 lần mỗi ngày.
    – Các trường hợp nhiễm trùng nặng (bao gồm nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính và tái phát, và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới mạn tính và tái phát) : mỗi lần uống 1 gói (1 g), 3 lần mỗi ngày.
    Suy thận : liều dùng được điều chỉnh dựa vào nồng độ tối đa của amoxicilline.
    Độ thanh thải creatinine lớn hơn 30 ml/phút : không cần chỉnh liều.
    Độ thanh thải creatinine từ 10 đến 30 ml/phút : khởi đầu uống 1 gói Augmentin 1 g/125 mg (amoxicilline/acide clavulanique tỷ lệ 8:1), sau đó uống 1 gói Augmentin 500 mg/125 mg (amoxicilline/acide clavulanique tỷ lệ 4:1) mỗi 12 giờ.
    Độ thanh thải creatinine nhỏ hơn 10 ml/phút : khởi đầu uống 1 gói Augmentin 1 g/125 mg (amoxicilline/acide clavulanique tỷ lệ 8:1), sau đó uống 1 gói Augmentin 500 mg/125 mg (amoxicilline/acide clavulanique tỷ lệ 4:1) mỗi 24 giờ.
    Thẩm phân máu : khởi đầu uống 1 gói Augmentin 1 g/125 mg (amoxicilline/acide clavulanique tỷ lệ 8:1), sau đó uống 1 gói hay 1 viên Augmentin 500 mg/125 mg (amoxicilline/acide clavulanique tỷ lệ 4:1) một ngày. Trong những ngày thẩm phân máu, chỉ định dùng Augmentin 500 mg/125 mg (amoxicilline/acide clavulanique tỷ lệ 4:1) sau mỗi lần thẩm phân.
    Người già : dùng như người lớn, không cần chỉnh liều
    Augmentin xirô 457 mg/5 ml :
    Liều thường dùng hàng ngày được đề nghị là :
    – 25/3,6 mg/kg/ngày trong nhiễm khuẩn nhẹ đến trung bình (nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm amiđan tái phát, nhiễm khuẩn hô hấp dưới, nhiễm khuẩn da và mô mềm).
    – 45/6,4 mg/kg/ngày để điều trị các nhiễm trùng nặng hơn (nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm tai giữa và viêm xoang, nhiễm khuẩn hô hấp dưới như viêm phế quản-phổi và nhiễm khuẩn đường tiết niệu). Có thể tăng liều đến 80/11,4 mg – 90/12,8 mg/kg/ngày trong các trường hợp nặng.
    Hiện nay chưa có đủ kinh nghiệm về liều dùng Augmentin xirô 457 mg/5 ml đề nghị cho trẻ dưới 2 tháng tuổi.
    Trẻ nhỏ có chức năng thận chưa hoàn chỉnh :
    Không nên dùng Augmentin xirô 457 mg/5 ml cho trẻ nhỏ có chức năng thận chưa hoàn chỉnh.
    Trẻ suy thận :
    Đối với trẻ có độ lọc cầu thận > 30 ml/phút, không cần điều chỉnh liều dùng. Đối với trẻ có độ lọc cầu thận < 30 ml/phút, không nên dùng Augmentin xirô 457 mg/5 ml.
    Trẻ suy gan : Thận trọng khi chỉ định liều dùng, kiểm tra thường xuyên chức năng gan. Cho đến nay, vẫn chưa có đủ dấu chứng để dựa vào đó đề nghị liều dùng thích hợp.

    Dạng tiêm truyền TM

    Chỉ sử dụng tiêm tĩnh mạch trực tiếp hoặc truyền tĩnh mạch ngắt quãng (thuốc không thích hợp cho tiêm bắp). Tham khảo thông tin kê toa đầy đủ về các chi tiết như cách pha thuốc, độ ổn định và phương pháp sử dụng. Khoảng cách giữa các liều tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn và nằm trong các giới hạn sau :
    Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi : 1,2 g, mỗi sáu đến tám giờ ;
    Trẻ em 3 tháng đến 12 tuổi : 30 mg/kg, mỗi sáu đến tám giờ ;
    Trẻ em từ 0 đến 3 tháng : 30 mg/kg, mỗi mười hai giờ ở trẻ sinh non và trẻ sinh đủ tháng trong giai đoạn chu sinh, tăng đến mỗi tám giờ sau đó ;
    Giảm liều ở bệnh nhân suy thận (xem thông tin kê toa đầy đủ).
    Đối với bệnh nhân suy gan : kê liều cẩn thận và kiểm tra chức năng gan định kỳ. Điều trị không nên kéo dài quá 14 ngày mà không đánh giá lại
    Đối với tất cả các dạng Augmentin :
    Bệnh nhân suy gan : kê liều cẩn trọng và theo dõi chức năng gan đều đặn.
    Để giảm thiểu khả năng không dung nạp ở đường tiêu hóa và tạo điều kiện giúp Augmentin được hấp thu tốt nhất, hãy dùng thuốc vào đầu bữa ăn. Không điều trị quá 14 ngày mà không đánh giá lại.
    Quá liều
    Các trường hợp quá liều Augmentin thường không biểu hiện triệu chứng. Có thể thấy rõ sự rối loạn cân bằng nước và chất điện giải. Các rối loạn này có thể được điều trị theo triệu chứng. Augmentin có thể được loại bỏ ra khỏi tuần hoàn bằng cách lọc máu. Trong quá trình dùng liều cao Augmentin, nên duy trì thỏa đáng lượng nước thu nhận vào và lượng nước tiểu thải ra để giảm thiểu khả năng tạo thành tinh thể niệu amoxicyllin.

  • Standacillin

    Hãng xản xuất

    Sandoz

    Phân phối

    Việt Thống

    Nhóm dược lý

    Thuốc kháng sinh

    Tên khác : Aminobenzylpenicillin

    Thành phần

    Ampicillin

    Dạng bào chế

    Viên nang 250mg, 500 mg

    Bột pha tiêm 1g
    Biệt dược khác

    Servicillin (Sandoz)  viên 500mg

    Totapen (Bristol Myers Squibb)

    É    Dung dịch uống: 3g/ 60ml; 6g/ 60ml

    É    Bột pha tiêm 1g + dung môi 6.5ml

    Dược lực
    Ampicillin là một kháng sinh phổ rộng có tính diệt trùng thuộc nhóm aminopenicillin. Thuốc tác dụng bằng các ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn giống như các kháng sinh khác thuộc nhóm penicillin và cephalosporin.
    Ampicillin có phổ tác dụng rộng lên cả vi trùng gram âm và gram dương.
    Những tác nhân gây bệnh trên lâm sàng nằm trong phổ tác dụng của ampicillin bao gồm Escherichia coli, Proteus mirabilis, Salmonella, Shigellae, Haemophilus influenzae và Bordetella pertussic. Các tác nhân gây bệnh khác cũng nằm trong phổ tác dụng của ampicillin bao gồm tất cả vi khuẩn nhạy cảm với penicillin G, đó là Streptococci nhóm A, B, C, G, H, L và M, phế cầu Streptococci nhóm D (Enterococci), tụ cầu không sinh men penicillinase và NeisseriaBrucella, Erysipelothrix rhuslopathiae, Corynebacteria, Bacillus anthracis, Actinomycets, streptobacilli, Spirillum rhinus, Pasteurella multocida, Listeria và các xoắn khuẩn (như Leptospira, Treponema, Borrelia và các xoắn khuẩn khác) cũng như nhiều vi khuẩn yếm khí bao gồm Peptococci, Peptostreptococci, Clostridia, Fusobacteria.. Kháng thuốc hoàn toàn (nguyên phát) đã được chứng minh với Bacteroides fragilis, Klebsielia, Eoterobacter, Proteus vulgaris, Proteus rettgeri và Morganil, Pseudomonas aeruginosa và Serriatia marcescene. Ampicillin không có tác dụng với các tụ cầu sinh men beta-lactamase (penicillinase).
    Dược động học
    40-65% lượng ampicillin uống vào được hấp thu qua đường tiêu hóa, thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khi uống 2 giờ. Thuốc khuếch tán dễ dàng vào mô và dịch cơ thể, kể cả dịch viêm xuất tiết.
    Tỉ lệ gắn kết protein huyết tương thấp (khoảng 15%). Thuốc đạt được nồng độ cao trong đường mật ở bệnh nhân có chức năng gan còn nguyên vẹn. Ampicillin được thải trừ chủ yếu qua thận, thời gian bán hủy của thuốc là 1-2 giờ. Phần lớn lượng thuốc đưa vào được tìm thấy trong nước tiểu ở dạng có hoạt tính điều trị.
    Ampicillin được lọc khỏi máu bằng chạy thận nhân tạo nhưng thuốc không bị ảnh hưởng bởi thẩm phân phúc mạc.
    Chỉ định
    1. Dùng điều trị các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, trung bình, nặng gây ra bởi các chủng vi trùng nhạy cảm với ampicillin:
    Nhiễm trrùng đường hô hấp:
    – Các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên và tai mũi họng (ví dụ viêm xoang, viêm tai giữa).
    – Các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp và mạn tính, viêm phổi, ho gà (trong giai đoạn ủ bệnh hoặc giai đoạn khởi phát).
    Nhiễm trùng da và mô mềm
    Nhiễm trùng đường niệu-sinh dục:
    – Viêm thận – bể thận cấp tính và mạn tính, viêm bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tiền liệt tuyến…
    – Lậu
    – Nhiễm trùng cơ quan sinh dục nữ và vùng tiểu khung, ví dụ sốt sau phá thai, viêm phần phụ, viêm vòi trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm tử cung, viêm phúc mạc chậu, sốt hậu sản…
    Nhiễm trùng đường tiêu hóa:
    – Tiêu chảy do vi trùng bệnh nhiễm Salmonella, bệnh nhiễm Shigella, sốt thương hàn, phó thương hàn.
    – Nhiễm trùng đường mật (viêm tiểu mật quản, viêm mật quản, viêm túi mật)
    Bệnh nhiễm Leptospira: Nhiễm Listeria cấp tính hoặc tiềm ẩn.
    2. Standacillin uống cũng được sử dụng theo sau một đợt điều trị bằng ampicillin đường tiêm chích:
    – Viêm nội tâm mạc (ví dụ do Enterococci, phối hợp với một kháng sinh nhóm aminoglycoside).
    – Viêm màng não do vi trùng.
    – Nhiễm trùng huyết do các tác nhân gây bệnh nhạy cảm với ampicillin.
    – Bệnh nhiễm Listeria (dùng phối hợp với gentamicin hoặc kanamycin nếu cần), viêm màng não (dùng phối hợp với chloramphenicol nếu cần).
    – Tiếp nối điều trị trong thời kỳ dưỡng bệnh.
    3. Kháng sinh dự phòng:
    – Ở nhóm bệnh nhân nguy cơ bị biêm nội tâm mạc và phải chịu phẫu thuật đường tiêu hóa hay đường niệu – sinh dục. Standacillin sử dụng với mục đích phóng ngừa bằng cách sử dụng đơn thuần hay phối hợp với một kháng sinh nhóm aminoglycoside.
    – Bệnh nhân có bệnh não gan: Stadacillin rất có hiệu quả trong việc làm giảm nồng độ amoniac trong đường tiêu hóa.
    Chống chỉ định
    Có tiền sử hoặc nghi ngờ mẫn cảm với các kháng sinh nhóm penicillin. Cần chú ý đến khả năng xảy ra dị ứng chéo ở bệnh nhân mẫn cảm với các kháng sinh nhóm cephalosporin.
    Không nên dùng ampicillin ở bệnh nhân tăng bạch cầu đa nhân nhiễm virus cự bào hoặc bệnh bạch cầu dòng lympho vì các phản ứng ở da xảy ra thường xuyên hơn.
    Không nên chỉ định ampicillin cho những bệnh nhân có những rối loạn nghiêm trọng về tiêu hóa như tiêu chảy kéo dài hoặc nôn mửa do có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu thuốc.
    Ở các trường hợp nhiễm trùng nặng (viêm màng não, viêm khớp, nhiễm trùng huyết, viêm màng ngoài tim) phải sử dụng ampicillin đường tiêm truyền.
    Cần đặc biệt thận trọng ở bệnh nhân mắc bệnh dị ứng, hen phế quản hoặc mắc bệnh do nấm.
    Thận trọng lúc dùng
    Nên cho bệnh nhân biết khả năng xảy ra các phản ứng dị ứng và yêu cầu bệnh nhân báo lại cho thầy thuốc nếu chúng xảy ra. Khi xảy ra các phản ứng dị ứng tức thì như nổi mày đay và sốc phản vệ, cần ngưng thuốc ngay và tiến hành điều trị như thường lệ với epinephrine, thuốc kháng histamin và corticoid.
    Dùng đơn độc ampicillin không thích hợp để điều trị viêm mật quản hoặc viêm túi mật trừ khi bệnh nhẹ và không kèm tình trạng tắc mật. Nên theo dõi chức năng gan khi dùng thuốc kéo dài với liều cao, bệnh nhân có bệnh thận từ trước hoặc xuất hiện phát ban ở da nên được làm thêm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu và các xét nghiệm đánh giá chức năng thận.
    Xét nghiệm công thức máu được chỉ định để phát hiện thiếu máu tán huyết và các phản ứng liên quan kháng thể của hệ tạo máu.
    Điều trị kéo dài có thể làm tăng trưởng quá mức các vi khuẩn kháng thuốc và vi nấm.
    Phải nghĩ đến viêm đại tràng giả mạc do kháng sinh (tiêu chảy phân nước có lẫn máu, đàm nhầy, đau quặn bụng từng cơn hoặc đau âm ỉ lan tỏa; sốt và đôi khi có cảm giác mót rặn) khi bệnh nhân than phiền bị tiêu chảy trầm trọng và kéo dài. Vì bệnh có khả năng đe dọa tính mạng nên phải ngưng ngay ampicillin và tiến hành điều trị khi có xác nhận về vi trùng học (ví dụ với vancomycin uống 250 mg, 4 lần/ngày). Chống chỉ định các thuốc làm giảm nhu động ruột.
    Lúc có thai và lúc nuôi con bú
    Hiện không có bằng chứng về tác dụng gây độc phôi, sinh ung thư hoặc sinh đột biến của ampicillin khi thuốc được sử dụng trong kỳ. Tuy nhiên, ampicillin vào được sữa mẹ.
    Tương tác thuốc
    Không nên phối hợp ampicillin với các kháng sinh có tính kìm khuẩn vì các kháng sinh thuộc nhóm penicilllin như ampicillin chỉ tác dụng trên các vi khuẩn đang tăng sinh. Có thể phối hợp ampicillin với các kháng sinh có tính diệt khuẩn khác (cephalosporin, aminoglycoside) dựa theo kết quả các xét nghiệm về tính nhạy cảm của vi khuẩn. Sự hấp thu của ampicillin giảm khi sử dụng đồng thời với các thuốc kháng axít.
    Probenecid dùng đồng thời làm tăng và duy trì nồng độ ampicillin trong huyết tương bằng cách giảm thải trừ thuốc qua thận. Tuy nhiên probenecid có thể làm giảm sự phân bố và khuếch tán của ampicillin vào mô cơ thể.
    Dùng đồng thời allopurinol làm tăng nguy cơ xuất hiện phát ban ở da.
    Trong một số hiếm trường hợp ampicillin có thể làm giảm tác dụng của thuốc ngừa thai uống giống như các kháng sinh khác.
    Ampicillin có thể làm giảm thải trừ atenolol qua nước tiểu.
    Ampicillin có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm tìm axít amin trong nước tiểu bằng phương pháp sắc ký giấy.
    Tác dụng ngoại ý
    Nói chung, ampicillin được dung nạp tốt. Rối loạn đường tiêu hóa là thường gặp (buồn nôn, tiêu chảy) và các triệu chứng này thường giảm đi trong thời gian điều trị mà không cần phải ngưng thuốc. Các vi trùng thường trú ở ruột thường có khuynh hướng hồi phục trong khoảng 3-5 ngày sau khi ngưng điều trị. Phải lập tức nghi ngờ viêm đại tràng giả mạc nếu xuất hiện tiêu chảy trong thời gian điều trị (xem Thận trọng).
    Phát ban do ampicillin điển hình xảy ra 8-10 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên và thường ở dạng sởi hoặc dạng dát sẩn. Thời gian khởi phát ở các lần tiếp xúc sau là vào ngày thứ 2-3. Nói chung, phát ban ở da biến mất trong vòng vài ngày dù vẫn tiếp tục điều trị. Phát ban thường gặp hơn ở những bệnh nhân nhiễm siêu vi, suy thận hoặc những bệnh nhân dùng hơn 6 g thuốc/ngày.
    Hiếm gặp các bất thường về huyết học như giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu và tăng eosinophil máu. Các bất thường này có lẽ có nguồn gốc dị ứng và chúng hồi phục sau khi ngưng thuốc.
    Một số trường hợp có viêm da tróc vảy vá hồng ban đa dạng. Giống như các kháng sinh khác thuộc nhóm penicillin, ampicillin có thể gây viêm lưỡi, viêm miệng, sốt, đau khớp, phù thần kinh mạch và viêm thận kẽ. Cá biệt, phản ứng phản vệ có thể xảy ra. Các tác dụng phụ này đáp ứng tốt với thuốc kháng histamin và corticoid.
    Dùng ampicillin điều trị bệnh nhân sốt thương hàn, nhiễm leptospira hoặc giang mai có thể dẫn đến phản ứng Jarish-Herhelmer do hiện tượng ly giải vi trùng.
    Liều lượng và cách dùng
    Dạng uống

    Nên uống thuốc cách 1-2 giờ trước bữa ăn vì thức ăn có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu.
    Người lớn và vị thành niên: (1-) 2-4 g/ngày.
    Trẻ em: (25-) 50-100 mg/kg/ngày.
    Nếu cần thiết có thể tăng liều lên 8 g/ngày (200 mg/kg/thể trọng).
    Tốt nhất thuốc nên chia là 3-4 lần trong ngày.
    Nên giữ nguyên liều ở bệnh nhân viêm màng não vì độ thâm nhập qua hàng rào máu não của thuốc bị giảm đi khi tình trạng nhiễm trùng ở màng não đã cải thiện.

    Dạng tiêm

    Dạng tiêm bắp : Không sử dụng ống dung môi tiêm bắp để tiêm tĩnh mạch.
    – Người lớn : 2 g/24 giờ.
    – Trẻ em và nhũ nhi : 50 mg/kg/24 giờ, tiêm làm hai lần vào buổi sáng và buổi tối.
    Dạng tiêm mạch : Phải thay ống pha tiêm chứa alcool benzylique bằng nước cất.
    Suy thận :
    Thanh thải créatinine (phác đồ điều trị) :
    – 30 đến 60 ml/phút : 2 đến 4 g/ngày (liều tối đa : 4 g/ngày, chia làm 2 lần tiêm).
    – 10 đến 30 ml/phút : 1 g sau đó giảm còn 500 mg mỗi 12 giờ.
    – < 10 ml/phút : 1 g sau đó giảm còn 500 mg mỗi 24 giờ.
    Trong các nhiễm trùng nặng, liều khuyến cáo như trên có thể sẽ không đủ, nên kiểm tra nồng độ của hoạt chất trong huyết thanh hoặc ở màng não.
    Thời gian điều trị:
    – Nhiễm trùng đường niệu – sinh dục: tối thiểu 4-10 ngày.
    – Nhiễm trùng do Streptococci tiêu huyết: tối thiểu 10 ngày.
    – Các nhiễm trùng khác: 48 giờ sau khi lành về mặt lâm sàng hoặc hết vi trùng.
    Liều lượng ở những bệnh nhân có giảm thải trừ thuốc, trẻ sinh non và sơ sinh: Nên điều chỉnh liều lượng và khoảng cách giữa các liều theo độ thanh thải của thận ở những bệnh nhân suy thận nặng cũng như ở trẻ sinh non và sơ sinh. Không nên cho quá 1 g ampicillin mỗi 8 giờ ở những bệnh nhân suy thận nặng. Khi đó thanh thải creatinin giảm còn dưới 10 mL/phút, nên tăng khoảng cách giữa các liều lên 12-15 giờ.

    Độ thanh thải creatinin Nitrogen dư Nồng độ creatinin huyết tương Liều Ampicillin
    Trên 30ml/phút 50mg% 2mg% Liều chuẩn
    30-20ml/phút 50-80mg% 2-4mg% 2/3 liều chuẩn
    20ml/phút trên 80mg% trên 4mg% 1/2 liều chuẩn

    Tương kỵ
    Chưa thấy có sự bất tương hợp nào với ampicillin dạng uống.
    Bảo quản
    Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25oC, tránh ánh sáng và ẩm. Nếu được bảo quản đúng, Stadacillin giữ nguyên hiệu lực cho tới hạn dùng ghi trên bao bì.

  • NHÓM BETALACTAM

    Penicillins Extended SP Aminopenicillin Ampicilline, Amoxicilline, Epicilline
    Carboxypenicilin Carbenicilin, Ticarcilin, Temocilline
    Ureidopenicilin Azlocillin, Mezlocillin, Piperacilline
    Others Mecillinam, Sulbenicilline
    Narrow SP Beta-lactamase Sensitive Benzylpenicillin (Penicillin G)

    É    Benzathine benzylpenicillin

    É    Procaine benzylpenicillin

    Phenoxymethylpenicillin (Penicillin V)

    Beta-lactamase Resistant Cloxacillin, Oxacillin

    Flucloxacillin, Meticillin

    Cephalosporins 1st Cefadroxil, Cefalexin, Cefalotin, Cefazolin

    Cefacetrile, Cefaloglycin, Cefalonium, Cefaloridine, Cefapirin

    Cefatrizine, Cefazedone, Cefazaflur, Cefradine, Cefroxadine, Ceftezole

    2nd Cefaclor, Cefuroxime, Cefamandole, Cefotiam, Cefotetan

    Cefminox, Cefonicid, Ceforanide, Cefprozil, Cefbuperazone

    Cefoxitin, Cefmetazole, Cefuzonam, Carbacephem

    3rd Cefotaxime, Ceftriaxone, Ceftazidime*, Cefoperazone*, Cefixime

    Cefdinir, Cefpodoxime, Cefpiramide, Cefpimizole, Cefmenoxime

    Cefditoren, Cefetamet, Cefdaloxime, Ceftizoxime, Oxacephem

    Cefteram, Ceftibuten, Ceftiolene, Cefodizime, Cefcapene, Cefsulodin

    4th Cefepime, Cefozopran, Cefpirome

    Cefquinome, Ceftobiprole, Ceftaroline fosamil

    Carbapenems Imipenem, Ertapenem, Meropenem*, Doripenem*, Biapenem, Panipenem
    Monobactams Aztreonam, Tigemonam, Carumonam, Nocardicin A
    Beta-lactamase Inhibitors Penam: Sulbactam, Tazobactam

    Clavam:  Clavulanic acid

    Combinations Amoxicillin + Clavulanic acid

    Ticarcillin + Clavulanic acid

    Ampicillin + Sulbactam

    Piperacillin + Tazobactam

    Imipenem + Cilastatin

    Ampicillin + Flucloxacillin

    Cefoperazone + Sulbactam

    *: Anti – Pseudomonal

     

    Đại cương

    Về cấu trúc đều có vòng beta lactam

    Về cơ chế đều gắn với transpeptidase (hay PBP: Penicilin Binding Protein), enzym xúc tác cho sự nối peptidoglycan để tạo vách vi khuẩn. Vách vi khuẩn là bộ phận rất quan trọng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển. Thành phần đảm bảo cho tính bền vững cơ học của vách là mạng lưới peptidoglycan, gồm các chuỗi glycan nối chéo với nhau bằng chuỗi peptid. Khoảng 30 enzym của vi khuẩn tham gia tổng hợp peptidoglycan, trong đó có transpeptidase (hay PBP). Các b lactam và kháng sinh loại glycopeptid (như vancomycin) tạo phức bền vững với transpeptidase, ức chế tạo vách vi khuẩn, làm ly giải hoặc biến dạng vi khuẩn. Vách vi khuẩn gram (+) có mạng lưới peptidoglycan dầy từ 50- 100 phân tử, lại ở ngay bề mặt tế bào nên dễ bị tấn công. Còn ở vi khuẩn gram (-) vách chỉ dầy 1- 2 phân tử nhưng lại được che phủ ở lớp ngoài cùng một vỏ bọc lipopolysaccharid như 1 hàng rào không thấm kháng sinh, muốn có tác dụng, kháng sinh phải khuếch tán được qua ống dẫn (pores) của màng ngoài như amoxicilin, một số cephalosporin.

    Do vách tế bào của động vật đa bào có cấu trúc khác vách vi khuẩn nên không chịu tác động của nhóm lactam (thuốc hầu như không độc). Tuy nhiên vòng nhóm lactam rất dễ gây dị ứng.

    Các kháng sinh b lactam được chia thành 4 nhóm dựa theo cấu trúc hóa học

    É    Các penam: vòng A có 5 cạnh bão hòa, gồm các penicilin và các chất phong tỏa nhóm lactamase.

    É    Các cephem: vòng A có 6 cạnh không bão hòa, gồm các cephalosporin.

    É    Các penem: vòng A có 5 cạnh không bão hòa, gồm các imipenem, ertapenem.

    É    Các monobactam: không có vòng A, là kháng sinh có thể tổng hợp như aztreonam.

    1. Các Penicilline.

    1.1. Nhóm Penicilin G và Penicilline V

    Là nhóm thuốc tiêu biểu, được tìm ra đầu tiên. Trong sản xuất công nghiệp, lấy từ Penicillium notatum, 1 mL môi trường nuối cấy cho 300 UI; 1 đơn vị quốc tế (UI)= 0,6 mg Na benzylpenicilin hay 1.000.000 UI = 0,6g. Penicilin G là dạng bột trắng, vững bền ở nhiệt độ thường, nhưng ở dung dịch nước, phải bảo quản lạnh và chỉ vững bền ở pH 6- 6,5, mất tác dụng nhanh ở pH < 5 và > 7,5

    Có đặc tính nhậy cảm:

    É    Cầu khuẩn Gr (+); liên cầu (nhất là loại b tan huyết), phế cầu và tụ cầu không sản xuất betalactamase

    É    Trực khuẩn Gr (+) ái khí (than, subtilis, bạch cầu) và yếm khí (clostridium hoại thư sinh hơi)

    É    Xoắn khuẩn, đặc biệt là xoắn khuẩn giang mai (treponema pallidum)

    Penicilin G:

    É    Bị dịch vị phá hủy nên chỉ dùng theo đường tiêm. Thời gian đạt nồng độ tối đa nhanh nhưng cũng giảm nhanh nên cần tiêm 4h/ lần

    É    Nếu kết hợp với các muối ít tan và chậm hấp thu sẽ kéo dài được tác dụng của Penicilin

    É    Chế phẩm:

    • Penicillin thường: Benzylpenicillin
    • Penicillin chậm: Procaine benzylpenicillin, Benzathine benzylpenicillin
    • Dạng phối hợp của cả Penicillin thường và Penicillin chậm có biệt dược: Bipenicilline, Extencilline

    Penicilin V

    É    Không bị dịch vị phá hủy, hấp thu ở tá tràng do vậy có thể uống nhưng phải dùng liều gấp đôi penicilin G mới đạt được nồng độ huyết thanh tương tự.

    É    Các biệt dược: Ospen (Sandoz), Oracilin

    1.2. Nhóm Penicilin M (Methicilin Penicilline).

    Là các penicilin bán tổng hợp kháng được penicillinase của VK. Phổ kháng khuẩn và thời gian tác dụng tương tự penicilin G, nhưng cường độ tác dụng thì yếu hơn.

    Các nhóm thuốc:

    É    Oxacilin:  Bristopen (Bristol Myers Squibb)

    É    Cloxacilin: Orbenin

    É    Dicloxacillin:  Diclocil

    Chỉ định tốt trong nhiễm tụ cầu sản xuất penicilinase (tụ cầu vàng)

    1.3. Nhóm Amino Penicilline (có hoạt phổ rộng)

    Là penicilin bán tổng hợp, amino- benzyl penicilin có một số đặc điểm:

    É    Trên các khuẩn Gr (+) tác dụng như penicilin G, nhưng có thêm tác dụng trên một số khuẩn gram (-): E. coli, salmonella, Shigella, proteus, hemophilus influenzae

    É    Bị penicilinase phá huỷ

    É    Không bị dịch vị phá hủy, uống được nhưng hấp thu không hoàn toàn (khoảng 40%) nên nhiều nước đã không còn dùng ampicilin nữa

    Các dẫn xuất:

    É    Ampicilin: Standacillin (Sandoz),  Totapen (Bristol Myers Squibb)

    É    Amoxicilin: Clamoxyl (Glaxo Wellcome), Servamox (Sandoz)

    Các kháng sinh này do có hoạt phổ rộng và do cách sử dụng nên hiện nay ở VN tỷ lệ kháng thuốc của các VK khá cao

    1.4. Các Penicillin hoạt phổ rộng khác

    Các dược chất:

    É    Carboxypenicilin: Carbenicilin, Ticarcilin

    É    Ureidopenicilin: Azlocillin, Mezlocillin, Piperacilline

    Là nhóm kháng sinh quan trọng được dùng điều trị các nhiễm khuẩn nặng do trực khuẩn gram (-) như trực khuẩn mủ xanh, Proteus, Enterobacter, vi khuẩn kháng penicilin và ampicilin. Thường là nhiễm khuẩn mắc phải tại bệnh viện, nhiễm khuẩn sau bỏng, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi.

    Các kháng sinh này đều là bán tổng hợp và vẫn bị penicilinase phá huỷ.

    2. Cephalosporin

    Được chiết xuất từ nấm cephalosporin hoặc bán tổng hợp, đều là dẫn xuất của acid amino- 7-cephalosporanic, có mang vòng beta lactam. Tuỳ theo tác dụng kháng khuẩn, chia  thành 4 thế hệ.

    2.1. Cephalosporin thế hệ 1

    Có phổ kháng khuẩn gần với meticilin và penicilin A. Tác dụng tốt trên cầu khuẩn và trực khuẩn gram (+), kháng được penicilinase của tụ cầu.

    Có tác dụng trên một số trực khuẩn gram (-), trong đó có các trực khuẩn đường ruột như Salmonella, Shigella.

    Bị cephalosporinase (Beta lactamase) phá huỷ.

    Chỉ định chính: sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, nhiễm khuẩn kháng penicilin.

    Các chế phẩm dùng

    É    Theo đường tiêm: Cefalotin, Cefazolin .

    É    Theo đường uống: Cefalexin , Cefadroxil.

    2.2. Cephalosporin thế hệ 2

    Hoạt tính kháng khuẩn trên gram (-) đã tăng, nhưng còn kém thế hệ 3. Kháng được cephalosporinase. Sự dung nạp thuốc cũng tốt hơn.

    Chế phẩm tiêm: Cefamandole, Cefuroxim Natri.

    Chế phẩm uống: Cefuroxim Acetyl, Cefaclor.

    2.3. Cephalosporin thế hệ 3

    Tác dụng trên cầu khuẩn gram (+) kém thế hệ 1, nhưng tác dụng trên các khuẩn gram (-), nhất là trực khuẩn đường ruột, kể cả chủng tiết b lactamase thì mạnh hơn nhiều. Cho tới nay, các thuốc nhóm này hầu hết đều là dạng tiêm:

    Cefotaxim (Claforan), Ceftizoxim (Cefizox), Ceftriaxon (Rocephin), Ceftazidim (Fortum), Cefoperazon (Cefobis)

    2.4. Cephalosporin thế hệ 4

    Phổ kháng khuẩn rộng và vững bền với b lactamase hơn thế hệ 3, đặc biệt dùng chỉ định

    Trong nhiễm trực khuẩn gram (-) hiếu khí đã kháng với thế hệ 3.

    Chế phẩm: Cefepim (Axepim), Cefpirom (Cefire).

    3. Các Penam (chất ức chế beta lactamase)

    Là những chất có tác dụng kháng sinh yếu, nhưng gắn không hồi phục với b lactamase và có ái lực với nhóm kháng sinh beta lactam, cho nên khi phối hợp với nhóm kháng sinh này sẽ làm vững bền và tăng cường hoạt tính kháng khuẩn của chúng.

    Chất ức chế betalactamase Kháng sinh phối hợp Biệt dược
    Acid Clavulinic Amoxilline Augmentin
    Acid Clavulinic Ticarcillin Timentin
    Sulbactam Ampicillin Unasyn
    Tazobactam Piperacillin Tazocin, Zosyn
    Sulbactam Cefoperazone Superazon, Cefolactam
    Cilastatin Imipenem Tienam

    4. Carbapenem

    Phổ kháng khuẩn rất rộng, gồm các khuẩn ái khí và kỵ khí: liên cầu, tụ cầu (kể cả chủng tiết penicilinase), cầu khuẩn ruột (enterococci), pseudomonas.

    Được dùng trong nhiễm khuẩn sinh dục- tiết niệu, đường hô hấp dưới, mô mềm, xương khớp, nhiễm khuẩn bệnh viện.

    Các nhóm thuốc:

    É    Imipenem: Tienam (Merck), Bacqure (Ranbaxy)

    É    Ertapenem: Ivanz (Merck)

    É    Meropenem: Meronem (Astrazeneca). Dược chất này có độ nhạy cảm rất cao với các VK bệnh viện như Ancenobacter, Pseudomonas

    5. Monobactam

    Kém tác dụng trên khuẩn gram (+) và kỵ khí. Trái lại, tác dụng mạnh trên khuẩn gram (-), tương tự cephalosporin thế hệ 3 hoặc aminoglycosid. Kháng beta lactamase. Không tác dụng theo đường uống. Dung nạp tốt, có thể dùng cho bệnh nhân dị ứng với penicilin hoặc cephalosporin.

    Các dược chất: Aztreonam, Tigemonam, Carumonam, Nocardicin A

  • CÁC PENICILLINE

    1. Nhóm Penicilline hoạt phổ hẹp

    1.1. Nhóm nhậy cảm với Betalactamase của VK.

    Gồm có Penicillin G và Penicillin V

    Là nhóm thuốc tiêu biểu, được tìm ra đầu tiên.

    Trong sản xuất công nghiệp, lấy từ Penicillium notatum, 1 mL môi trường nuối cấy cho 300 UI; 1.000.000 UI = 0,6g Benzylpenicilin. Thuốc ở dạng bột trắng, vững bền ở nhiệt độ thường, nhưng ở dung dịch nước, phải bảo quản lạnh và chỉ vững bền ở pH 6- 6,5, mất tác dụng nhanh ở pH < 5 và > 7,5

    Penicilin G

    É    Bị dịch vị phá hủy nên chỉ dùng theo đường tiêm. Thời gian đạt nồng độ tối đa nhanh nhưng cũng giảm nhanh nên cần tiêm 4h/ lần.

    É    Nếu kết hợp với các muối ít tan và chậm hấp thu sẽ kéo dài được tác dụng của Penicilin

    É    Có đặc tính nhậy cảm: Cầu khuẩn Gr (+); liên cầu (nhất là loại b tan huyết), phế cầu và tụ cầu không sản xuất betalactamase. Trực khuẩn Gr (+) ái khí (than, subtilis, bạch cầu) và yếm khí (clostridium hoại thư sinh hơi). Xoắn khuẩn, đặc biệt là xoắn khuẩn giang mai (treponema pallidum)

    É    Chế phẩm:

    • Penicillin thường: Benzylpenicillin
    • Penicillin chậm: Procaine benzylpenicillin, Benzathine benzylpenicillin
    • Dạng phối hợp của cả Penicillin thường và Penicillin chậm có biệt dược: Bipenicilline, Extencilline

    Penicilin V

    É    Không bị dịch vị phá hủy, hấp thu ở tá tràng do vậy có thể uống nhưng phải dùng liều gấp đôi penicilin G mới đạt được nồng độ huyết thanh tương tự.

    É    Các biệt dược: Ospen (Sandoz), Oracilin

    1.2. Nhóm kháng lại Beta lactamase

    Là các penicilin bán tổng hợp (Penicillin M) kháng được penicillinase của VK. Phổ kháng khuẩn và thời gian tác dụng tương tự penicilin G, nhưng cường độ tác dụng thì yếu hơn.

    Các nhóm thuốc:

    É    Oxacilin:  Bristopen (Bristol Myers Squibb)

    É    Cloxacilin: Orbenin

    É    Dicloxacillin:  Diclocil

    Chỉ định tốt trong nhiễm tụ cầu sản xuất penicilinase (tụ cầu vàng)

    2. Nhóm Penicilline hoạt phổ rộng

    2.1. Nhóm Amino Penicilline

    Là penicilin bán tổng hợp, amino- benzyl penicilin có một số đặc điểm:

    É    Trên các khuẩn Gr (+) tác dụng như penicilin G, nhưng có thêm tác dụng trên một số khuẩn gram (-): E. coli, salmonella, Shigella, proteus, hemophilus influenzae

    É    Bị penicilinase phá huỷ

    É    Không bị dịch vị phá hủy, uống được nhưng hấp thu không hoàn toàn (khoảng 40%) nên nhiều nước đã không còn dùng ampicilin nữa

    Các dẫn xuất:

    É    Ampicilin: Standacillin (Sandoz),  Totapen (Bristol Myers Squibb)

    É    Amoxicilin: Clamoxyl (Glaxo Wellcome), Servamox (Sandoz)

    Các kháng sinh này do có hoạt phổ rộng và do cách sử dụng nên hiện nay ở VN tỷ lệ kháng thuốc của các VK khá cao

    2.2. Các Penicillin hoạt phổ rộng khác

    Các dược chất:

    É    Carboxypenicilin: Carbenicilin, Ticarcilin

    É    Ureidopenicilin: Azlocillin, Mezlocillin, Piperacilline

    Là nhóm kháng sinh quan trọng được dùng điều trị các nhiễm khuẩn nặng do trực khuẩn gram (-) như trực khuẩn mủ xanh, Proteus, Enterobacter, vi khuẩn kháng penicilin và ampicilin. Thường là nhiễm khuẩn mắc phải tại bệnh viện, nhiễm khuẩn sau bỏng, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi.

    Các kháng sinh này đều là bán tổng hợp và vẫn bị penicilinase phá huỷ.

  • Nebcin

    Hãng xản xuất

    Eli Lilly

    Thành phần

    Tobramycin sulfate

    Dạng bào chế

    Dung dịch tiêm 80 mg/2 ml : hộp 1 ống 2 ml
    Biệt dược khác

    Tobramicina ibi (IBI Pharma) ống tiêm 100mg/2ml, 150mg/ 2ml

    Lyrasil (Pymepharco) ống 80 mg/2 ml

    Tobramycin (Actavis) ống 80 mg/2 ml

    Dược lực
    Tobramycin là kháng sinh họ aminoglycoside, tan trong nước, trích từ nấm Streptomyces tenebrarius. Nebcin dạng tiêm, là một dung dịch nước vô trùng, trong suốt, không màu, dùng đường tiêm.
    Tobramycin có công thức hóa học (C18H37N5O9)2.5H2SO4. Trọng lượng phân tử: 1425,39.
    Tobramycin tác động bằng cách ức chế quá trình tổng hợp protein trong tế bào vi khuẩn. Các thử nghiệm in vitro chứng tỏ tobramycin là kháng sinh diệt khuẩn.
    Tobramycin có hiệu quả trên đa số các chủng vi khuẩn sau đây, cả trên nhiễm trùng lâm sàng và in vitro (xem Chỉ định)
    Vi khuẩn hiếu khí gram dương: Staphylococcus aureus
    Vi khuẩn hiếu khí gram âm: Citrobacter sp, Enterobacter sp, Escherichia coli, Klebsiella sp, Morganella morganii, Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Providencia sp, Serratia sp.
    Aminoglycoside có tác động yếu trên hầu hết vi khuẩn gram dương, gồm Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae, và enterococci.
    Mặc dù phần lớn các chủng enterococci đề kháng in vitro, tuy nhiên vài chủng trong nhóm này còn nhạy cảm. Các nghiên cứu in vitro cho thấy một aminoglycoside kết hợp với một kháng sinh có tác động lên sự tổng hợp thành tế bào sẽ có tác dụng hiệp đồng trên một số chủng enterococci. In vitro, kết hợp penicillin G và tobramycin có tác dụng hiệp đồng diệt khuẩn trên một số chủng Enterococcus faecalis. Tuy nhiên, sự kết hợp này không có tác dụng hiệp đồng trên các vi khuẩn tương tự, thí dụ Enterococcus faecium. Đặc điểm trên không thể dùng để đoán trước tính nhạy cảm. Kháng sinh đồ và các thử nghiệm về tính hiệp đồng kháng sinh cần được chú trọng.
    Có thể có đề kháng chéo giữa các aminoglycoside.
    Dược động học
    Tobramycin được hấp thu nhanh sau khi tiêm bắp. Tobramycin đạt được nồng độ đỉnh trong huyết thanh sau khi tiêm bắp khoảng 30-90 phút. Sau một liều tiêm bắp 1 mg/kg, nồng độ tối đa trong huyết thanh lên đến 4 mcg/mL, nồng độ có thể đo được kéo dài đến 8 giờ. Nói chung, nồng độ điều trị trong huyết thanh khoảng từ 4 đến 6 mcg/mL. Khi truyền tĩnh mạch trong vòng 1 giờ, nồng độ trong huyết thanh tương tự như tiêm bắp. Nebcin hấp thu qua đường tiêu hóa rất kém.
    Ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường, trừ trẻ sơ sinh, Nebcin không bị tích tụ trong huyết thanh khi được dùng 8 giờ một lần. Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy thận và trẻ sơ sinh, nồng độ kháng sinh trong huyết thanh thường cao hơn và duy trì trong thời gian dài hơn. Vì vậy, liều dùng cho các bệnh nhân này nên được điều chỉnh cho phù hợp (xem Liều lượng).
    Sau khi dùng qua đường tiêm, chỉ một phần nhỏ thuốc được chuyển hóa mà thôi, phần lớn tobramycin được thải trừ qua sự lọc cầu thận. Độ thanh thải ở thận tương tự như độ thanh thải của creatinine nội sinh. Các nghiên cứu về siêu lọc cho thấy gần như không có gắn kết với protein huyết thanh. Ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường, 84% liều dùng xuất hiện trong nước tiểu trong 8 giờ, và lên đến 93% trong 24 giờ.
    Nồng độ đỉnh trong nước tiểu từ 75 đến 100 mcg/mL sau khi tiêm bắp một liều duy nhất 1 mg/kg. Sau một vài ngày điều trị, lượng tobramycin được bài tiết trong nước tiểu tăng gần đến liều dùng hàng ngày. Khi chức năng thận suy giảm, sự bài tiết Nebcin bị chậm lại, và sự tích tụ thuốc có thể tạo ra nồng độ độc trong máu.
    Thời gian bán hủy trong huyết thanh ở người bình thường là 2 giờ. Thời gian bán hủy tỉ lệ nghịch với độ thanh thải creatinine, và nên điều chỉnh thời biểu liều dùng theo mức độ suy thận (xem Liều lượng). Ở bệnh nhân được thẩm phân, có thể 25-70% liều dùng có thể được thải trừ, tùy thuộc vào thời gian và cách thẩm phân.
    Tobramycin có thể được tìm thấy trong mô, dịch cơ thể sau khi tiêm thuốc. Nồng độ thuốc trong mật và phân thường thấp, điều này cho thấy thuốc bài tiết qua mật rất ít. Sau khi tiêm, nồng độ tobramycin trong dịch não tủy thấp. Nồng độ này phụ thuộc liều dùng, tốc độ thâm nhập thuốc, mức độ viêm màng não. Thuốc cũng được tìm thấy trong đàm, dịch màng bụng, hoạt dịch, dịch ổ áp-xe. Thuốc có thể đi qua màng nhau. Nồng độ thuốc tại vỏ thận cao gấp nhiều lần so với nồng độ bình thường trong huyết thanh.
    Probenecid không ảnh hưởng đến sự vận chuyển của tobramycin ở ống thận.
    Chỉ định
    Nebcin được chỉ định cho các nhiễm trùng nghiêm trọng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm trong các bệnh lý sau đây :
    – Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn do P. aeruginosa, E. coli, và Klebsiella sp.
    – Nhiễm trùng đường hô hấp dưới do P. aeruginosa, Klebsiella sp, Enterobacter sp, Serratia sp, E. coli và S. aureus (các chủng tạo và không tạo penicillinase).
    – Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nặng (viêm màng não) do các vi khuẩn nhạy cảm.
    – Nhiễm trùng trong ổ bụng, gồm viêm phúc mạc, do E. coli, Klebsiella sp, và Enterobacter sp.
    – Nhiễm trùng da, xương và cấu trúc da do P. aeruginosa, Proteus sp, E. coli, Klebsiella sp, Enterobacter sp, và S. aureus.
    – Nhiễm trùng đường tiết niệu có biến chứng và tái phát do P. aeruginosa, Proteus sp (indole dương và âm tính) E. coli, Klebsiella sp, Serratia sp, S. aureus, Providencia sp, và Citrobater sp.
    Các aminoglycoside, bao gồm Nebcin, không được chỉ định sử dụng trong nhiễm trùng đường tiết niệu giai đoạn đầu không biến chứng, trừ khi vi khuẩn gây bệnh không còn nhạy cảm với các kháng sinh ít độc tính hơn. Nebcin có thể được chỉ định trong nhiễm trùng tụ cầu nặng, khi có chống chỉ định của penicillin hoặc các thuốc ít độc hơn, và khi kết quả kháng sinh đồ và chẩn đoán lâm sàng cho thấy nên dùng Nebcin.
    Nên nuôi cấy vi khuẩn trước và trong khi điều trị để phân lập và định danh vi khuẩn gây bệnh, và để đánh giá tính nhạy cảm với tobramycin. Nếu kết quả kháng sinh đồ cho thấy vi khuẩn gây bệnh đề kháng với tobramycin, nên chọn cách điều trị khác. Có thể bắt đầu sử dụng Nebcin trước khi có kết quả kháng sinh đồ ở bệnh nhân nghi ngờ nhiễm trùng gram âm nặng đe dọa tính mạng, gồm cả những bệnh nhân có chỉ định dùng kết hợp penicillin hoặc cephalosporin với aminoglycoside. Sau đó, dựa vào kết quả kháng sinh đồ, mức độ trầm trọng của nhiễm trùng, và các yếu tố bổ sung quan trọng khác đã được bàn trong phần Thận trọng lúc dùng để quyết định có tiếp tục sử dụng Nebcin hay không.
    Chống chỉ định
    Mẫn cảm với bất kỳ một aminoglycoside nào là một chống chỉ định của tobramycin. Tiền sử mẫn cảm hoặc có những phản ứng độc nặng đối với các aminoglycoside có thể cũng là chống chỉ định với bất kỳ aminoglycoside nào, vì có nhạy cảm chéo giữa các thuốc trong nhóm.
    Chú ý đề phòng
    Nên xét nghiệm máu và nước tiểu trong quá trình điều trị, như đã được khuyến cáo trong phần Thận trọng khi xử dụng. Theo dõi calcium, magnesium và sodium trong huyết thanh.
    Trong khi điều trị nên đo định kỳ nồng độ đỉnh và nồng độ cặn trong huyết thanh, không nên để nồng độ đỉnh vượt quá 12 mcg/mL trong thời gian dài. Nồng độ cặn tăng cao (trên 2 mcg/mL) chứng tỏ thuốc tích tụ trong mô. Sự tích lũy thuốc, tuổi cao, và liều tăng dần là những yếu tố góp phần gây độc tính trên tai và thận. Rất cần thiết theo dõi sát nồng độ trong huyết thanh ở bệnh nhân có chức năng thận suy giảm.
    Đã có báo cáo có dị ứng chéo giữa các aminoglycoside.
    Dược động học thay đổi ở bệnh nhân bỏng diện rộng có thể làm giảm nồng độ aminoglycoside huyết thanh, vì vậy khi điều trị bằng Nebcin cho những bệnh nhân như vậy cần phải đo nồng độ huyết thanh để xác định liều dùng thích hợp.
    Ở bệnh nhân cao tuổi chức năng thận có thể giảm, nhưng không biểu hiện rõ ở những kết quả xét nghiệm thường qui như BUN hay creatinine huyết thanh. Nên xác định độ thanh thải creatinine vì sẽ chính xác hơn. Cần theo dõi thật chặt chẽ chức năng thận khi điều trị với aminoglycoside ở các bệnh nhân này.
    Tỉ lệ độc trên thận gia tăng khi dùng đồng thời aminoglycoside và cephalosporin đã được báo cáo.
    Thận trọng lúc dùng
    Nên theo dõi bệnh nhân chặt chẽ khi kê đơn Nebcin và các aminoglycoside khác, vì các thuốc này có khả năng gây độc trên tai và thận.
    Độc tính thần kinh, có thể biểu hiện bởi triệu chứng độc tính trên thính giác và trên tiền đình. Tổn thương về thính giác thường không hồi phục, ở cả hai bên, có thể một phần hay toàn phần. Tổn thương dây thần kinh số 8 và độc tính trên thận xảy ra phần lớn do dùng aminoglycoside ở bệnh nhân có sẵn tổn thương thận, hoặc có chức năng thận bình thường nhưng dùng thuốc trong thời gian dài hơn hoặc liều cao hơn chỉ định. Những biểu hiện khác của độc tính trên thần kinh có thể gồm : tê, cảm giác da bị châm chích, cơ co rút, chứng co giật. Nguy cơ điếc do aminoglycoside càng tăng khi nồng độ đỉnh và nồng độ cặn trong huyết thanh càng cao. Tổn thương ốc tai có thể không có các triệu chứng báo trước độc tính trên dây thần kinh số 8, và trường hợp điếc hai bên, một phần hay toàn phần, có thể tiếp tục tiến triển sau khi ngừng thuốc.
    Những biểu hiện rõ ràng của độc tính trên thận, xuất hiện sau khi ngưng điều trị một vài ngày hiếm khi xảy ra. Độc với thận do aminoglycoside thường có thể hồi phục.
    Tránh dùng đồng thời hay kế tiếp với các kháng sinh gây độc thần kinh và/hoặc độc với thận khác, đặc biệt là các aminoglycoside khác (thí dụ amikacin, streptomycin, neomycin, kanamycin, gentamicin và paromomycin), cephaloridine, viomycin, polymyxin B, colistin, cisplatin, vancomycin. Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ bao gồm tuổi cao, mất nước.
    Không nên dùng đồng thời aminoglycoside với thuốc lợi tiểu mạnh, như acid ethacrynic, furosemide. Bản thân một số thuốc lợi tiểu cũng gây độc cho tai, và việc sử dụng thuốc lợi tiểu đường tĩnh mạch làm tăng độc tính của aminoglycoside do thay đổi nồng độ kháng sinh trong huyết thanh và mô.
    Lúc có thai
    Aminoglycoside có thể gây hại bào thai khi dùng cho phụ nữ có thai. Thuốc đi qua nhau thai. Đã có báo cáo về điếc bẩm sinh cả hai tai không hồi phục ở các trẻ em có mẹ dùng streptomycin trong thai kỳ. Tác dụng phụ nghiêm trọng trên bà mẹ, bào thai, trẻ sơ sinh khi điều trị cho phụ nữ có thai bằng các aminoglycoside khác chưa được báo cáo. Nếu tobramycin được dùng trong thai kỳ hay bệnh nhân thụ thai trong thời gian dùng tobramycin, nên báo trước cho bệnh nhân về khả năng gây độc cho bào thai.
    Tác dụng ngoại ý
    Độc tính trên thần kinh : Tác dụng phụ trên nhánh tiền đình và nhánh thính giác của dây thần kinh số 8 đã được ghi nhận, đặc biệt ở các bệnh nhân dùng liều cao hoặc dùng kéo dài, các bệnh nhân trước đó đã dùng thuốc gây độc trên tai, và các bệnh nhân mất nước. Các triệu chứng bao gồm : chóng mặt, choáng váng, ù tai, tiếng gầm trong tai, mất thính lực. Lãng tai thường không hồi phục, biểu hiện ban đầu là giảm khả năng nghe âm sắc cao. Tobramycin và gentamicin sulfat tương tự nhau về độc tính trên tai.
    Độc tính trên thận : Thay đổi chức năng thận, biểu hiện bằng gia tăng BUN, NPN, creatinin huyết thanh, thiểu niệu, trụ niệu, tăng protein niệu đã được báo cáo, đặc biệt ở bệnh nhân có tiền sử suy thận mà thời gian điều trị kéo dài hơn hoặc dùng với liều cao hơn chỉ định. Tác dụng phụ trên thận có thể xảy ra cả ở các bệnh nhân lúc đầu có chức năng thận bình thường.
    Các nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu trên súc vật thí nghiệm đã được tiến hành để so sánh độc tính trên thận của tobramycin và gentamicin. Trong một vài nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu trên súc vật, tobramycin ít gây độc với thận hơn nhiều so với gentamicin. Trong một vài nghiên cứu lâm sàng khác lại không thấy sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ gây độc trên thận giữa tobramycin và gentamicin. Các tác dụng phụ có thể liên quan đến Nebcin đã được báo cáo, gồm : thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, sốt phát ban, viêm da tróc vảy, ngứa, mày đay, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, ngủ lịm, đau nơi tiêm, lú lẫn, mất định hướng.
    Các bất thường trên xét nghiệm có thể liên quan đến Nebcin bao gồm : tăng transaminase huyết thanh (AST [SGOT], ALT [SGPT]), tăng LDH và bilirubin huyết thanh, giảm calcium, magnesium, natri, kali trong huyết thanh, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu và tăng bạch cầu ái toan.
    Liều lượng và cách dùng
    Nebcin có thể dùng tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch. Liều giống nhau cho cả tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Nên xác định thể trọng bệnh nhân trước khi điều trị để tính liều chính xác. Nên đo cả nồng độ đỉnh và nồng độ tồn lưu (xem Thận trọng lúc dùng, và Chú ý đề phòng)
    Bệnh nhân có chức năng thận bình thường :
    – Người lớn nhiễm trùng nặng : 3 mg/kg/ngày, chia làm 3 liều bằng nhau, dùng mỗi 8 giờ (xem Bảng 1).
    – Người lớn nhiễm trùng đe dọa tính mạng : có thể dùng đến 5 mg/kg/ngày, chia làm 3 hoặc 4 liều bằng nhau (xem Bảng 1). Nên giảm xuống còn 3 mg/kg/ngày ngay khi lâm sàng cho phép. Để tránh nồng độ trong máu quá cao gây tăng độc tính, liều dùng không nên vượt quá 5 mg/kg/ ngày, trừ khi có theo dõi nồng độ trong huyết thanh (xem Thận trọng lúc dùng, và Chú ý đề phòng).
    Bảng 1. Bảng hướng dẫn liều dùng cho người lớn có chức năng thận bình thường (liều dùng mỗi 8 giờ)
    * Áp dụng cho tất cả dạng trình bày của Nebcin, trừ dạng tiêm cho trẻ em.

    Trọng lượng Liều thông thường cho các NK nặng 1 mg/kg mỗi 8 giờ (Tổng liều : 3 mg/kg/ngày) Liều tối đa cho các NK đe doạ tính mạng (giảm liều càng sớm càng tốt) 1,66 mg/kg/8h (Tổng liều : 5 mg/kg/ngày)  
    kg Lb mg/liều mL/liều* mg/liều mL/liều
    mỗi 8 giờ mỗi 8 giờ        
    120 264 120 3 200 5
    115 253 115 2,9 191 4,75
    110 242 110 2,75 183 4,5
    105 231 105 2,6 175 4,4
    100 220 100 2,5 166 4,2
    95 209 95 2,4 158 4
    90 198 90 2,25 150 3,75
    85 187 85 2,1 141 3,5
    80 176 80 2 133 3,3
    75 165 75 1,9 125 3,1
    70 154 70 1,75 116 2,9
    65 143 65 1,6 108 2,7
    60 132 60 1,5 110 2,5
    55 121 55 1,4 91 2,25
    50 110 50 1,25 83 2,1
    45 99 45 1,1 75 1,9
    40 88 40 1 66 1,6

    – Trẻ em : 6-7,5 mg/kg/ngày, chia 3-4 liều bằng nhau (2-2,5 mg/kg/ mỗi 8 giờ hoặc 1,5 – 1,89 mg/kg/mỗi 6 giờ).
    – Trẻ sơ sinh dưới 1 tuần tuổi, đẻ non hay đủ tháng : có thể dùng đến 4 mg/kg/ngày, chia làm 2 liều bằng nhau, mỗi 12 giờ.
    Chỉ nên điều trị trong thời gian ngắn, thông thường là 7-10 ngày. Thời gian có thể lâu hơn trong các nhiễm trùng có biến chứng, khó điều trị. Trong trường hợp này, nên theo dõi chức năng thận, thính giác và tiền đình, vì độc tính trên thần kinh dễ xảy ra khi điều trị lâu hơn 10 ngày.
    Bệnh nhân có tổn thương chức năng thận
    Nếu có thể nên theo dõi nồng độ tobramycin trong huyết thanh trong thời gian điều trị.
    Sau liều tải 1 mg/kg, các liều kế tiếp phải được điều chỉnh, giảm liều với khoảng cách dùng mỗi 8 giờ, hoặc với liều bình thường nhưng khoảng cách dài hơn. Cả hai biện pháp này được đề nghị khi không thể đo trực tiếp nồng độ tobramycin trong huyết thanh, mà dựa trên độ thanh thải creatinine hay nồng độ creatinine huyết thanh, vì các giá trị này có liên quan với thời gian bán hủy của tobramycin. Khi áp dụng thời biểu liều dùng dựa theo một trong hai phương pháp trên, nên kết hợp với theo dõi trên lâm sàng thật cẩn thận, và nên được điều chỉnh khi cần thiết. Không áp dụng hai phương pháp này khi đang tiến hành thẩm phân cho bệnh nhân.
    Giảm liều với khoảng cách 8 giờ : Khi độ thanh thải creatinine không quá 70 mL mỗi phút, hoặc khi biết trị số creatinine huyết thanh, có thể xác định liều dùng bằng cách nhân liều bình thường trong Bảng 1 với số phần trăm của liều bình thường ở biểu đồ kèm theo đây.
    Một cách hướng dẫn khác sơ bộ để ước lượng liều dùng mỗi 8 giờ (ở bệnh nhân có trị số creatinine máu ổn định) là chia liều bình thường cho trị số creatinine huyết thanh của bệnh nhân.
    Liều bình thường với khoảng cách dùng kéo dài : Nếu không tính được độ thanh thải creatinine, và tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể tính được thời gian cách nhau giữa các liều dùng thuốc (tính bằng giờ) theo liều trong Bảng 1 bằng cách nhân nồng độ creatinine huyết thanh cho 6.
    Liều dùng cho bệnh nhân béo phì : Có thể tính bằng phép cộng trọng lượng ước đoán bình thường của bệnh nhân, với trọng lượng thừa 40% so với trọng lượng bình thường để tính liều dùng mg/kg.
    Tiêm bắp : Có thể tiêm Nebcin bằng cách rút một lượng thuốc vừa đủ trực tiếp từ lọ thuốc, hoặc dùng loại ống tiêm có sẵn thuốc.
    Tiêm tĩnh mạch : Đối với người lớn lượng dịch pha thường là 50-100 mL (sodium chloride 0,9%, dextrose 5%). Đối với trẻ em, lượng dịch pha giảm tương ứng. Thông thường, thời gian truyền từ 20-60 phút. Không nên truyền nhanh hơn 20 phút vì nồng độ đỉnh trong huyết thanh vượt quá 12 mcg/mL (xem Thận trọng lúc dùng).
    Không nên trộn Nebcin với các thuốc khác, nên dùng riêng rẽ dựa theo liều lượng và đường dùng đã được khuyến cáo.
    Trước khi dùng, nên quan sát kỹ lọ thuốc để phát hiện các tính chất bất thường hay thay đổi màu sắc, khi dung dịch và lọ cho phép.
    Quá liều
    Dấu hiệu và triệu chứng : Dấu hiệu và triệu chứng khi dùng quá liều tobramycin phụ thuộc vào liều đã dùng, chức năng thận, tình trạng dịch thể, tuổi tác, và có dùng đồng thời các thuốc có độc tính tương tự hay không. Độc tính có thể xảy ra trên các bệnh nhân dùng trên 10 ngày, người lớn dùng trên 5 mg/kg/ngày, trẻ em dùng liều trên 7,5 mg/kg/ngày, bệnh nhân bị giảm chức năng thận nhưng không có điều chỉnh liều dùng phù hợp.
    Độc trên thận do aminoglycoside tương ứng chặt chẽ với diện tích vùng nằm dưới đường cong của biểu đồ biểu diễn nồng độ huyết thanh so với thời gian. Độc với thận dễ xảy ra hơn nếu nồng độ tồn lưu trong máu không thấp hơn 2 mcg/mL. Độc tính trên thận tỉ lệ thuận với nồng độ trung bình trong máu. Những bệnh nhân dễ có nguy cơ bị hoại tử cấp ống thận bao gồm: bệnh nhân cao tuổi có chức năng thận bất thường, đang dùng những thuốc có tác dụng phụ gây độc với thận khác, hoặc giảm thể tích tuần hoàn. Quá liều aminoglycoside gây ra độc tính trên thính giác và tiền đình. Độc tính này xảy ra khi điều trị trên 10 ngày, ở bệnh nhân có chức năng thận bất thường, bệnh nhân mất nước, bệnh nhân có dùng đồng thời thêm các thuốc khác gây độc trên thính giác. Bệnh nhân có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, hoặc có thể bị choáng váng, chóng mặt, ù tai, mất khả năng nghe các âm sắc cao. Các dấu hiệu, triệu chứng độc trên tai có thể chỉ bắt đầu xuất hiện sau khi ngưng thuốc một thời gian dài.
    Nghẽn thần kinh cơ hoặc liệt hô hấp có thể xảy ra sau khi dùng các aminoglycoside. Nghẽn thần kinh cơ, suy hô hấp, liệt hô hấp kéo dài xảy ra phổ biến hơn ở bệnh nhân có kèm bệnh nhược cơ nặng hay bệnh Parkinson. Liệt hô hấp kéo dài cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân dùng decamethonium, tubocurarine, hoặc succinylcholine. Nếu xảy ra nghẽn thần kinh cơ, có thể điều trị bằng muối calcium, nhưng cũng có thể cần đến sự hỗ trợ của máy thở.
    Nếu bệnh nhân uống tobramycin, độc tính sẽ ít xảy ra hơn do aminoglycoside hấp thu kém qua đường tiêu hóa.
    Điều trị : Khi nghi ngờ bị quá liều, hãy gọi đến Trung tâm kiểm soát độc chất trong vùng để biết được những thông tin mới nhất về điều trị quá liều. Sở dĩ có khuyến cáo này là vì, nói chung, thông tin về điều trị trường hợp quá liều có thể thường hay thay đổi và như thế thông tin sẽ mới hơn trong toa thuốc. Khi điều trị quá liều, lưu ý đến khả năng bị quá liều nhiều loại thuốc, tương tác giữa các thuốc, dược động học bất thường của bệnh nhân. Khởi đầu điều trị quá liều tobramycin gồm bảo đảm thông đường thở, cung cấp oxy và thông khí tốt. Bắt đầu ngay các biện pháp hồi sức nếu liệt hô hấp xảy ra.
    Các bệnh nhân dùng quá liều tobramycin, có chức năng thận bình thường, nên được bù dịch đầy đủ để duy trì lượng nước tiểu 3-5 mL/kg/giờ. Theo dõi cẩn thận tình trạng cân bằng dịch thể, độ thanh thải creatinine, nồng độ tobramycin huyết tương cho đến khi nồng độ tobramycin huyết thanh xuống dưới 2 mcg/mL.
    Những bệnh nhân có thời gian bán hủy thuốc dài hơn 2 giờ hoặc có chức năng thận bất thường có thể cần đến biện pháp điều trị tích cực hơn. Ở những bệnh nhân này, có thể có chỉ định lọc máu.

  • Streptomycine

    Mã ATC

    A07A A04, J01G A01
    Loại thuốc

    Kháng sinh nhóm aminoglycosid.
    Thuốc độc bảng B
    Thành phần

    Streptomycine

    Bột pha tiêm lọ 1 g

    Dược lý và cơ chế tác dụng
    Streptomycin là kháng sinh nhóm aminoglycosid có tác dụng diệt khuẩn, bằng cách ngăn cản quá trình tổng hợp bình thường protein của vi khuẩn.
    Phổ kháng khuẩn của streptomycin bao gồm vi khuẩn Gram âm hiếu khí và một số vi khuẩn Gram dương; streptomycin không có tác dụng với vi khuẩn yếm khí. Streptomycin có hoạt tính đặc biệt chống M. tuberculosis và M. bovis. Streptomycin cũng có hoạt tính chống một số vi khuẩn Gram dương và Gram âm hiếu khí như: Brucella, Francisella tularensis, Yersinia pestis, Calymmatobacterium granulomatis, Escherichia coli, Proteus spp., Aerobacter aerogenes, Klebsiella pneumoniae, Enterococci faecalis, Streptococcus viridans, Haemophylus ducreyi, Haemophylus influenza.
    Các chủng trực khuẩn Gram âm và cầu khuẩn Gram dương kháng streptomycin đã xuất hiện, làm hạn chế áp dụng điều trị của streptomycin. Nhiều chủng thường nhạy cảm với streptomycin nhưng sau vài ngày hoặc vài tuần điều trị đã trở nên kháng. Hầu hết các chủng Pseudomonas aeruginosa kháng streptomycin. Hiện nay streptomycin được dùng phối hợp cùng các thuốc chống lao khác để điều trị bệnh lao.
    Dược động học
    Một giờ sau khi tiêm bắp 1 g streptomycin (dạng muối sulfat), nồng độ đỉnh huyết tương đạt khoảng 25 – 50 microgam/ml và giảm dần khoảng 50% sau 5 – 6 giờ. Streptomycin phân bố vào hầu hết các mô và dịch cơ thể. Nồng độ đáng kể trong dịch màng phổi và hang lao. Streptomycin thấm qua màng nhau thai, nồng độ ở dây rốn tương đương trong máu mẹ. Một lượng nhỏ streptomycin thải trừ vào sữa, nước bọt và mồ hôi. Khoảng 20 – 30% streptomycin liên kết với protein huyết tương. Streptomycin thải trừ qua lọc cầu thận; ở người bệnh có chức năng thận bình thường khi dùng liều 600 mg streptomycin có khoảng 29 – 89% thải trừ nguyên dạng ra nước tiểu trong 24 giờ. Bất kỳ một sự suy giảm chức năng lọc cầu thận nào đều dẫn đến giảm thải trừ thuốc và làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương và trong các tổ chức. Khoảng 1% thuốc thải trừ qua mật.
    Chỉ định
    Streptomycin được dùng kết hợp với các thuốc chống lao khác trong điều trị lao. Streptomycin cũng được dùng kết hợp với các thuốc kháng khuẩn khác trong điều trị bệnh do Mycobacteria khác gây ra kể cả u hủi.
    Streptomycin được dùng trong điều trị bệnh tularemia, dịch hạch. Hầu hết các nhà lâm sàng cho rằng streptomycin là thuốc được lựa chọn để điều trị cả hai bệnh này.
    Streptomycin phối hợp với tetracyclin hoặc doxycyclin trong điều trị bệnh Brucella và phối hợp với tetracyclin hoặc sulfonamid để điều trị bệnh sổ mũi ngựa (nhiễm khuẩn Mallomyces mallei).
    Streptomycin dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống nhiễm khuẩn khác để điều trị u hạch bẹn và hạ cam (granuloma inguinale và chancroid).
    Streptomycin phối hợp với penicilin G hoặc ampicilin thường có hiệu quả trong điều trị viêm màng trong tim do Enterococcus và Streptococcus. Streptomycin cũng được dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống nhiễm khuẩn khác trong điều trị lậu. Tuy nhiên, streptomycin chỉ được dùng trong nhiễm khuẩn lậu do chủng nhạy cảm với streptomycin và khi những aminosid khác hoặc những thuốc chống nhiễm khuẩn khác không hiệu quả hoặc chống chỉ định.
    Chống chỉ định
    Mẫn cảm với streptomycin hoặc với các aminoglycosid khác (mẫn cảm chéo).
    Bệnh nhược cơ.
    Thận trọng
    Khởi đầu và định kỳ làm test kích thích nóng lạnh ở tai và kiểm tra thính lực khi điều trị bằng streptomycin dài ngày. Khi có biểu hiện ù tai, đánh trống tai hoặc cảm giác điếc ở tai cần thiết phải kiểm tra thính lực hoặc kết thúc đợt điều trị hoặc cả hai.
    Cẩn thận với người dùng streptomycin để tránh phản ứng mẫn cảm ở da thường xuất hiện vào tuần thứ 2 và 3. Cũng như mọi chế phẩm tiêm bắp, chỉ tiêm streptomycin vào những cơ lớn và cẩn thận để giảm thiểu khả năng gây thương tổn thần kinh ngoại biên.
    Hết sức thận trọng để chọn liều thích hợp với người bệnh suy thận. Với người tăng urê huyết trầm trọng, một liều đơn có thể tạo nồng độ thuốc cao trong máu vài ngày và có thể tích lũy gây độc trên tai. Khi điều trị dài ngày bằng streptomycin, kiềm hóa nước tiểu có thể giảm thiểu hoặc ngăn ngừa kích ứng thận.
    Trẻ em không được dùng streptomycin vượt quá liều đã khuyến cáo, vì đã gặp hội chứng ức chế thần kinh trung ương ở trẻ dùng quá liều.
    Trong điều trị bệnh hoa liễu như bệnh u hạch bẹn hoặc hạ cam, nếu nghi ngờ có kèm theo giang mai, phải thực hiện một số xét nghiệm thích hợp như thử nghiệm soi xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen trước khi bắt đầu điều trị và thực hiện kiểm tra huyết thanh hàng tháng, trong ít nhất 4 tháng.
    Cũng như các kháng sinh khác, dùng thuốc này có thể gây phát triển các vi sinh vật không nhạy cảm, kể cả nấm. Nếu có bội nhiễm, phải thực hiện liệu pháp thích hợp.
    Thời kỳ mang thai
    Streptomycin gây thương tổn bào thai ở người mang thai, vì streptomycin qua nhau thai rất nhanh, vào tuần hoàn thai nhi và dịch nước ối; nồng độ thuốc ở các mô này thường ít hơn 50% nồng độ trong huyết thanh mẹ.
    Vài trường hợp được thông báo về độc tính trên tai của streptomycin ở trẻ em do mẹ đã điều trị lao bằng streptomycin; trẻ sơ sinh bị điếc với phản xạ ốc tai – mi mắt âm tính. Ngoài thương tổn đối với dây thần kinh số 8, không có những dị tật bẩm sinh khác do dùng streptomycin gây nên. Dùng streptomycin ở 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây điếc ở trẻ.
    Thời kỳ cho con bú
    Streptomycin thải qua sữa mẹ với lượng nhỏ. Tuy nhiên, streptomycin được hấp thu kém qua đường tiêu hóa, nên không thấy thông báo có vấn đề ở trẻ đang bú.
    Tác dụng không mong muốn (ADR)
    Cũng như các aminoglycosid khác, ADR quan trọng nhất là độc với tai, do tổn thương dây thần kinh ốc tai và tổn thương dây tiền đình gây chóng mặt, chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ, phản ứng quá mẫn và hiếm khi gây độc cho thận.
    Thường gặp, ADR > 1/100
    Tai: Khả năng độc đối với tiền đình ở trẻ em cao hơn người lớn. Ở người bệnh có chức năng thận bình thường, yếu tố chủ yếu liên quan đến độc tính là liều dùng hàng ngày và tổng liều điều trị trong một thời gian nhất định. Khoảng 30% tai biến trên tiền đình xảy ra khi dùng liều 1 g/ngày trong 4 tháng, 5 – 15% trường hợp suy giảm khả năng nghe. Không nên dùng streptomycin quá 60 g tức 60 liều trong 2 tháng điều trị.
    Chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ: Rối loạn thị lực (gặp ở 50% trường hợp), dị cảm (thường xảy ra quanh mồm và cũng có ở các vùng khác trên mặt và tay), viêm dây thần kinh ngoại biên.
    Phản ứng dị ứng: Ngoại ban da (xảy ra ở 5% người bệnh 7 – 9 ngày sau mũi tiêm đầu tiên), ban đỏ, sốt, mày đay, phù Quincke, tăng bạch cầu ưa eosin.
    Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    Thần kinh và giác quan: Mất khứu giác một phần hoặc toàn bộ (sau điều trị một thời gian dài), viêm rễ thần kinh, viêm tủy và những biến chứng thần kinh khác.
    Chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ: Ức chế hô hấp.
    Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    Thần kinh và giác quan: Mất tập trung tinh thần nhất thời.
    Dị ứng: Hội chứng Stevens – Jonhson, thiếu máu tan máu, suy thận, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ huyết cầu…
    Hướng dẫn cách xử trí ADR
    Khi thấy xuất hiện ADR, thì ngừng ngay điều trị bằng streptomycin.
    Vì không có thuốc giải độc đặc hiệu, nên xử trí quá liều và phản ứng độc của streptomycin là điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Các biện pháp gồm:
    Thẩm tách thận nhân tạo hoặc thẩm tách màng bụng để loại streptomycin ở người suy thận.
    Dùng thuốc kháng cholinesterase, muối calci, hoặc dùng liệu pháp hỗ trợ hô hấp bằng máy, điều trị chẹn dẫn truyền thần kinh – cơ, gây yếu cơ hô hấp và ức chế hoặc liệt hô hấp (ngừng thở).
    Liều lượng và cách dùng
    Streptomycin sulfat chỉ được dùng tiêm bắp sâu vào vùng cơ lớn. Ở người lớn, vị trí tiêm thích hợp nhất là phần tư mông trên – ngoài hoặc mặt giữa – bên cơ đùi hoặc cơ delta.
    Chỉ tiêm vào cơ delta khi cơ này phát triển tốt như ở một số người lớn và trẻ lớn và phải thận trọng khi tiêm để tránh tổn hại dây thần kinh quay. Không được tiêm bắp vào vùng dưới và 1/3 giữa cánh tay. Cũng như tất cả những khi tiêm bắp, phải hút để tránh tiêm vô ý vào một mạch máu. Phải thay đổi vùng tiêm.
    Ðiều trị lao và các bệnh do Mycobacteria khác:
    Không được dùng đơn độc streptomycin. Khi dùng hàng ngày trong một phác đồ điều trị lao, chỉ tiêm streptomycin trong vài tháng đầu, còn những thuốc khác vẫn phải tiếp tục cho hết liệu trình. Liều thường dùng ở người lớn là 1 g/ngày hoặc 15 mg/kg/ngày. Với trẻ em, liều 10 mg/kg. Ở người cao tuổi, dùng liều thấp hơn tùy theo tuổi, chức năng thận và chức năng dây thần kinh số 8. Liều giới hạn tới 10 mg/kg/ngày, tối đa là 750 mg/ngày cho người cao tuổi. Khi dùng liệu pháp gián cách, liều thường dùng ở người lớn và trẻ em là 12 – 18 mg/kg (tối đa là 1,5 g), 2 – 3 lần/tuần.
    Streptomycin thường được tiêm bắp mỗi ngày một lần.
    Bệnh tularemia:
    Liều thường dùng ở người lớn là 1 – 2 g/ngày, chia thành 2 liều nhỏ, tiêm trong 7 – 14 ngày hoặc cho đến khi người bệnh hết sốt trong 5 – 7 ngày.
    Bệnh dịch hạch:
    Liều thường dùng ở người lớn là 2 g/ngày (30 mg/kg), chia 2 lần; tối thiểu tiêm trong 10 ngày. Liều trẻ em là 30 mg/kg/ngày, chia 2 – 3 lần; trong 10 ngày.
    Bệnh Brucella:
    Phối hợp với tetracyclin hoặc doxycyclin. Liều thường dùng ở người lớn là 1 g, 1 hoặc 2 lần mỗi ngày trong tuần đầu và 1 lần/ngày trong ít nhất 1 tuần tiếp theo. Liều trẻ em trên 8 tuổi: 20 mg/kg/ngày (tối đa 1 g/ngày), trong 2 tuần. Nếu dùng phối hợp streptomycin với cotrimoxazol thì ít nhất phải tiêm streptomycin trong 2 tuần đầu điều trị.
    Viêm màng trong tim do Streptococcus nhạy cảm với penicilin (nhóm viridans).
    Khi phối hợp với penicilin, liều streptomycin thường dùng ở người lớn là 1 g, mỗi ngày 2 lần trong 1 tuần, sau đó là 500 mg, mỗi ngày 2 lần cho tuần tiếp theo. Người bệnh trên 60 tuổi dùng liều 500 mg, mỗi ngày 2 lần, trong 2 tuần.
    Viêm màng trong tim do Enterococcus:
    Phối hợp với penicilin, liều streptomycin thường dùng ở người lớn là 1 g, mỗi ngày 2 lần, trong 2 tuần, sau đó dùng liều 500 mg, mỗi ngày 2 lần trong 4 tuần. Nếu nhiễm độc tai, có thể phải ngừng streptomycin trước khi hoàn thành liệu trình 6 tuần.
    Nhiễm khuẩn vừa và nặng do các vi khuẩn nhạy cảm: Liều streptomycin thường dùng ở người lớn là 1 – 2 g/ngày, phân liều cách nhau 6 – 12 giờ/lần, tổng liều không quá 2 g/ngày. Trẻ em có thể dùng 20 – 40 mg/kg/ngày, phân liều cách nhau 6 – 12 giờ/lần.
    Khi có thể, phải giám sát thường xuyên nồng độ đỉnh và đáy của streptomycin trong huyết thanh và điều chỉnh liều để duy trì nồng độ mong muốn trong huyết thanh. Nồng độ đỉnh và đáy trong huyết thanh không được vượt quá 40 – 50 microgam/ml và 5 microgam/ml.
    Với người suy thận:
    Nồng độ đỉnh trong huyết thanh không được quá 20 – 25 microgam/ml. Nếu không xác định được nồng độ thuốc trong huyết thanh, thì có thể điều chỉnh liều dựa trên hệ số thanh thải creatinin. Liều nạp ban đầu được khuyến cáo là 1 g, các liều sau được gợi ý như sau:
    Hệ số thanh thải Liều lượng
    creatinin (ml/phút)
    50 – 80 7,5 mg/kg cho 24 giờ.
    10 – 50 7,5 mg/kg cho 24 – 72 giờ.
    <10 7,5 mg/kg cho 72 – 96 giờ.
    Tương tác thuốc
    Ðộc tính với thính giác tăng lên nếu dùng streptomycin cùng với acid ethacrynic, furosemid, manitol và có thể các thuốc lợi tiểu khác.
    Tương kỵ
    Streptomycin tương kỵ với acid và kiềm.

  • Kanamycin meiji

    Hãng xản xuất

    Meiji Seika

    Phân phối

    CT TNHH DP Thiên Thảo

    Mã ATC

    A07A A08, J01G B04, S01A A24.
    Loại thuốc

    Kháng sinh nhóm aminoglycosid.

    Thành phần

    Kanamycine sulfate

    Dạng bào chế

    Bột pha tiêm 1g : hộp 10 lọ
    Dược lực
    Tác động :

    Kanamycin là kháng sinh nhóm aminoglycoside, sản sinh bởi Streptomyces kanamyceticus. Thuốc có tác động trên vi khuẩn gram dương, gram âm và hiệu quả trong điều trị nhiều loại nhiễm trùng và bệnh lao.
    Vi sinh học :
    Tác động kháng khuẩn : Kanamycin có tác động kháng vi khuẩn gram dương, gram âm và Mycobacterium tuberculosis. Thuốc cũng được chứng minh hiệu quả đối với Staphylococcus đa kháng thuốc, E.coli và Klebsiella sp.
    Dược lý lâm sàng
    Các kết quả các thử nghiệm lâm sàng so sánh và thử nghiệm mở trên lâm sàng, bao gồm 3089 trường hợp được tổng kết như sau :
    Hiệu quả lâm sàng : Thuốc đạt hiệu quả 82-100% trong nhiễm trùng đường hô hấp, như viêm phế quản, viêm phổi và ho gà ; 82-91% trong nhiễm trùng đường tiết niệu như viêm bàng quang, viêm thận-bể thận, việm niệu đạo và lậu ; 75% trong viêm phần phụ tử cung ; 80% trong nhọt độc, viêm tấy, chốc ; 83-97% trong viêm vú, viêm hạch bạch huyết, viêm xương tủy ; 80-100% trong viêm amiđan, viêm tai giữa ; 82-87% trong nhiễm trùng hậu phẫu và các nhiễm trùng khác.
    Phản ứng phụ: Trong 11224 trường hợp từ các viện nghiên cứu trên thế giới, các phản ứng phụ có biểu hiện trong 2252 trường hợp (20,1%). Các phản ứng phụ thường gặp là :
    Giảm thính lực (8,3%), tổn thương thần kinh (0,1%), suy thận (1,4%), suy gan (0,2%), rối loạn tiêu hóa (2,3%), đau và chai nơi tiêm (1,8%), nổi mẩn (0,5%) và tăng bạch cầu ái toan (0,7%).
    Dược động học
    Hấp thu và đào thải : Khi tiêm bắp kanamycin ở người lớn khỏe mạnh với liều duy nhất 0,5 g hoặc 1 g, nồng độ đỉnh trong máu đạt được sau 1 giờ với các chỉ số lần lượt là 28 mcg/ml và 43,1 mcg/ml, sau đó nồng độ giảm xuống dần dần. Khoảng 77% liều dùng được đào thải trong nước tiểu trong vòng 6 giờ.
    Độc tính cấp

    Nhiễm độc bán cấp và mãn tính : Khi tiêm bắp kanamycin với liều 100 mg/kg ngày 1 lần ở chó (trừ ngày thứ bảy và chủ nhật) trong vòng 6 tháng; không thấy bất thường gì trong các xét nghiệm máu, nước tiểu và chức năng gan thận hoặc trong các mô cơ thể ở nhóm dùng 100 mg/kg. Tuy nhiên, trong nhóm dùng 200 mg/kg có xuất hiện tiểu đạm và tiểu máu trong vòng 2-3 tuần và có giảm PSP và tăng NPN.
    Chỉ định
    Các vi khuẩn nhạy cảm : Staphylococcus, Neisseria gonorrhoeae, Escherichia coli, Mycobacterium tuberculosis, các dòng nhạy cảm với kanamycin của Streptoccocus pneumoniae, Proteus sp, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Klebsiella sp.
    Các bệnh được chỉ định : Nhọt độc, viêm tấy, chốc. Viêm vú, viêm hạch bạch huyết, viêm xương tủy. Viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi, ho gà. Viêm thận bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tử cung và phần phụ, lậu. Viêm tai giữa. Nhiễm trùng thứ phát sau vết thương, bỏng và phẫu thuật. Lao phổi và lao ngoài phổi.
    Chống chỉ định
    Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với kháng sinh nhóm aminoglycoside như streptomycin, kanamycin, gentamycin và fradiomycin hay bacitracin.
    Thận trọng lúc dùng
    Lưu ý :

    Nên tránh dùng kanamycin cho các bệnh nhân sau : bệnh nhân có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị điếc do dùng streptomycin hoặc do nguyên nhân khác. Đặc biệt thận trọng khi bắt buộc phải dùng thuốc cho các bệnh nhân này.
    Thận trọng :
    Bệnh nhân suy thận. Bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh nhân dinh dưỡng kém hoặc bệnh nhân đang dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Bệnh nhân có tổng trạng suy kiệt (Nên theo dõi sát do có thể xảy ra nguy cơ thiếu vitamin K).
    Lúc có thai và lúc nuôi con bú
    Trẻ sơ sinh có thể bị tổn thương dây thần kinh số 8 ; do đó thuốc này chỉ nên sử dụng cho phụ nữ có thai hay nghi ngờ có thai khi hiệu quả điều trị mong muốn cao hơn bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra.
    Nên tránh cho con bú trong thời gian điều trị, do kanamycin qua được sữa mẹ.
    Tương tác thuốc
    Do kanamycin làm tăng khả năng độc thận các dịch truyền thay thế máu như dextrans, nên tránh dùng chung với các dịch trên.
    Việc ức chế hô hấp do phong toả thần kinh cơ có thể xảy ra, do đó cần đặc biệt thận trọng khi dùng với thuốc vô cảm hoặc thuốc giãn cơ.
    Nên tránh kết hợp với thuốc lợi tiểu quai như ethacrynic acid và furosemide, do khả năng tăng độc tính lên thận và tai.
    Nên tránh kết hợp với các thuốc gây độc thận và độc tai, như vancomycin, capreomycin và enviomycin, do khả năng tăng độc tính lên thận và tai.
    Nên tránh kết hợp với các thuốc gây độc thận, như ciplastin, carboplatin, cyclosporin và amphotericin B, do khả năng tăng độc tính lên thận.
    Tác dụng ngoại ý
    Hệ thần kinh : tổn thương dây thần kinh số 8, gây ra các triệu chứng như ù tai, giảm nghe và chóng mặt (do tổn thương tiền đình) có thể xảy ra ; do đó, nên theo dõi chặt chẽ. Nên ngưng thuốc khi có các triệu chứng trên xảy ra. Đặc biệt thận trọng khi bắt buộc phải dùng thuốc.
    Thận : hiếm khi có các bệnh thận nặng, suy thận cấp có thể xảy ra, do đó cần theo dõi sát bao gồm các xét nghiệm định kỳ. Nếu có gì bất thường, nên ngưng thuốc và thay thế bằng trị liệu thích hợp. Hiếm khi : phù, tiểu đạm, tiểu máu, rối loạn điện giải kali có thể xảy ra.
    Sốc : nên theo dõi sát, dù triệu chứng sốc hiếm khi xảy ra. Ngưng thuốc và thay thế bằng trị liệu thích hợp khi có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, hạ huyết áp .v.v. xảy ra.
    Quá mẫn : ngưng thuốc nếu có phản ứng quá mẫn như nổi mẩn xảy ra. Khi cần dùng thuốc lại (trong bệnh lao), cần làm giải cảm ứng.
    Thiếu vitamin : hiếm khi gây thiếu vitamine K (giảm prothrombin máu, dễ chảy máu.v.v.) và thiếu vitamin B (viêm lưỡi, viêm miệng, chán ăn, viêm thần kinh v.v.).
    Một số tác dụng ngoại ý khác : nhức đầu, tê môi có thể xảy ra.
    Liều lượng và cách dùng
    Liều dùng :

    Điều trị bệnh lao :
    Người lớn : liều thường dùng 2 g kanamycin tiêm bắp chia ra lần (sáng và tối), 2 lần mỗi tuần. Hoặc dùng liều 1 g ngày 1 lần trong 3 ngày/tuần. Thuốc có thể dùng tại chỗ khi cần thiết.
    Bệnh nhân lớn tuổi (> 60 tuổi), 0,5-0,75 g dùng 1 lần.
    Nên giảm liều ở trẻ em và bệnh nhân nhẹ ký.
    Nói chung, thuốc này nên được dùng phối hợp với các thuốc kháng lao khác.
    Các nhiễm trùng khác :
    Liều thường ngày ở người lớn 1-2 g kanamycin tiêm bắp, chia ra 1-2 lần. Trẻ em: 30-50 mg/kg thể trọng/ngày tiêm bắp, chia ra 1-2 lần. Thuốc có thể dùng tại chỗ khi cần thiết.
    Liều có thể được điều chỉnh tùy theo tuổi bệnh nhân và mức độ triệu chứng.
    Lưu ý khi sử dụng :
    Khi tiêm bắp, nên tuân theo các thận trọng sau để tránh tác dụng phụ cho mô và thần kinh :
    – Không tiêm ở vị trí có dây thần kinh.
    – Không tiêm lập lại cùng một chỗ tiêm. Thận trọng đặc biệt khi tiêm cho trẻ sơ sinh, trẻ sinh non và trẻ bú mẹ, trẻ nhũ nhi.
    – Khi bệnh nhân bị đau nhiều hoặc có chảy máu ngược lên tại nơi tiêm, nên rút kim ra ngay và tiêm nơi khác.
    – Không nên trộn với các thuốc khác khi tiêm.
    – Tránh dùng liên tục, dùng kéo dài.
    – Sát trùng lọ thuốc bằng bông tẩm cồn.
    Tác động ức chế thần kinh cơ và liệt hô hấp có thể xuất hiện, dù aminoglycoside được dùng bằng đường nào, nhất là khi bệnh nhân đang dùng thuốc vô cảm hoặc thuốc giãn cơ hay bệnh nhân đang được truyền lượng nhiều máu chống đông bằng citrate.
    Dung dịch pha kanamycin sulphate phải trong suốt và không màu. Dung dịch hiếm khi có màu nhẹ và thường không gây hại khi sử dụng.
    Bảo quản
    Tránh trộn chung với các thuốc khác vì kanamycin có thể gây nhuộm màu hay mất hiệu lực.
    Sau khi pha thuốc nên dùng ngay, nếu khoậng phải bảo quản ở nhiệt độ phòng.
    Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng

  • Gentamicin

    Hãng xản xuất

    B.J. Pharma

    Phân phối

    Tenamyd – Canada

    Mã ATC

    D06A X07, J01G B03
    Loại thuốc

    Kháng sinh nhóm aminoglycosid
    Thành phần

    Gentamicin sulphate

    Dạng bào chế

    Dung dịch tiêm 40 mg/ml : ống 1 ml, hộp 10 ống,
    Dung dịch tiêm 80 mg/2 ml : ống 1 ml, hộp 10 ống
    Dược lý và cơ chế tác dụng
    Gentamicin sulfat là một kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid có tác dụng diệt khuẩn qua ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn. Phổ diệt khuẩn của gentamicin thực tế bao gồm các vi khuẩn hiếu khí Gram âm và các tụ cầu khuẩn, kể cả các chủng tạo ra penicilinase và kháng methicilin.
    Gentamicin ít có tác dụng đối với các khuẩn lậu cầu, liên cầu, phế cầu, não mô cầu, Citrobacter, Providencia và Enterococci. Các vi khuẩn kỵ khí bắt buộc như Bacteroides, Clostridia đều kháng gentamicin.
    Trong những năm gần đây, thế giới quan tâm nhiều đến sự kháng thuốc đối với gentamicin. Ở Việt Nam các chủng E. aerogenesKlebsiella pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh đều đã kháng gentamicin. Nhưng gentamicin vẫn còn tác dụng với H. influenzae, Shigella flexneri, tụ cầu vàng, S. epidermidis đặc biệt Staphylococcus saprophyticus, Salmonella typhi và E. coli.
    Dược động học
    Gentamicin không được hấp thu qua đường tiêu hóa. Gentamicin được sử dụng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Ðối với người bệnh có chức năng thận bình thường, sau khi tiêm bắp 30 đến 60 phút liều 1 mg/kg thể trọng, nồng độ đỉnh huyết tương đạt được khoảng 4 microgam/ml, giống như nồng độ sau tiêm truyền tĩnh mạch. Thuốc ít gắn với protein huyết tương. Gentamicin khuếch tán chủ yếu vào các dịch ngoại bào và khuếch tán dễ dàng vào ngoại dịch tai trong.
    Nửa đời huyết tương của gentamicin từ 2 đến 3 giờ, nhưng có thể kéo dài ở trẻ sơ sinh và người bệnh suy thận. Gentamicin không bị chuyển hóa và được thải trừ (gần như không thay đổi) ra nước tiểu qua lọc ở cầu thận. Ở trạng thái ổn định có ít nhất 70% liều dùng được bài xuất ra nước tiểu trong 24 giờ và nồng độ trong nước tiểu có thể vượt quá 100 microgam/ml. Tuy vậy, gentamicin tích lũy với một mức độ nào đó ở các mô của cơ thể, nhất là trong thận.
    Vì khoảng cách giữa liều điều trị và liều gây độc của gentamicin tương đối nhỏ, do đó đòi hỏi phải có sự theo dõi cẩn thận. Hấp thu gentamicin qua đường tiêm bắp có thể bị hạn chế ở người bệnh nặng như trong tình trạng sốc, sự tưới máu giảm, hoặc ở người bệnh tăng thể tích dịch ngoại tế bào, hoặc giảm độ thanh thải của thận bao gồm cả cổ trướng, xơ gan, suy tim, suy dinh dưỡng, bỏng, bệnh nhày nhớt và có thể trong bệnh bạch cầu.

    Chỉ định
    – Các trường hợp nhiễm khuẩn gram (-) nhạy cảm với gentamicin nhất là trong các biểu hiện thuộc thận và đường tiểu.
    – Gentamicin phối hợp với một kháng sinh khác có thể chỉ định trong các biểu hiện nhiễm khuẩn bởi các khuẩn nhạy cảm ở thận, đường tiểu và sinh dục, nhiễm khuẩn huyết và nội mạc tiêm, màng não (kèm theo điều trị tại chỗ), hệ hô hấp và ngực, hệ tiêu hóa, thần kinh trung ương, xương khớp, da và phần mềm.
    Chống chỉ định
    – Dị ứng với kháng sinh nhóm aminoglycosid.
    – Suy thận nặng.
    – Chứng nhược cơ.
    – Tiền sử giảm thính lực.
    Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng
    – Ở bệnh nhân đã có những bất thường thuộc tiền đình – thính giác.
    – Do độc tính của thuốc trên thận và trên thính giác. Nếu suy thận, chỉ dùng thuốc khi tối cần thiết và phải điều chỉnh liều lượng theo hệ số thanh thải creatinin, đồng thời kiểm tra chức năng thận và thính giác và hàm lượng thuốc trong huyết thanh.
    Tương tác thuốc
    Tránh phối hợp gentamicin với thuốc lợi tiểu mạnh, với các chất gây độc thính giác và chất gây độc thận.
    Tác dụng ngoại ý
    Tính độc thận: Suy thận xảy ra khi dùng liều thuốc quá cao, hoặc điều trị dài ngày, trong trường hợp có tổn thương thận với các rối loạn, huyết – động và khi phối hợp với chất độc thận.
    Liều lượng và cách dùng
    Tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Thời gian điều trị thông thường là 7 đến 10 ngày.
    Trường hợp nhiễm trùng nặng, có thể lâu hơn, nhưng phải kiểm tra chức năng thận, tiền – đình và thính giác.
    Trường hợp chức năng thận bình thường:
    Người lớn: 2 đến 3 ống gentamicin 80mg mỗi ngày, tiêm bắp 2 hay 3 lần.
    Trẻ lớn (25-40 kg thể trọng): 2 đến 3 ống gentamicin 40mg mỗi ngày, tiêm bắp 2 hay 3 lần.
    Nhi khoa: Sơ sinh từ 0-10 ngày: 2mg/kg thể trọng, 12 giờ 1 lần.
    Nhũ nhi từ 10 ngày – 12 tháng: 1,5mg/kg, 8 giờ 1 lần.
    Trẻ em từ 1 tuổi trở lên: 1mg/kg, 8 giờ 1 lần.
    Trường hợp suy thận:
    Phải kiểm tra các chức năng thận, chức năng tiền đình và thính giác, thực hành các phân tích về thanh thải creatinin và điều chỉnh cách dùng và liều lượng gentamicin để có hiệu quả điều trị thích hợp.

    Cách điều chỉnh liều theo nồng độ creatinin huyết thanh: Có thể giữ liều duy nhất 1 mg/kg và kéo dài khoảng cách giữa các lần tiêm. Tính khoảng cách (tính theo giờ) giữa 2 lần tiêm bằng cách nhân trị số creatinin huyết thanh (mg/lít) với 0,8; hoặc có thể giữ khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 8 giờ, nhưng giảm liều dùng. Trong trường hợp này, sau khi tiêm 1 liều nạp là 1 mg/kg, cứ 8 giờ sau lại dùng 1 liều đã giảm bằng cách chia liều nạp cho một phần mười (1/10) của trị số creatinin huyết thanh (mg/lít).
    Bảo quản
    Nhiệt độ phòng 15-30°C.