Trang chủ

  • VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN CẤP

    PGS.TS. Phạm Thị Minh Hồng

    MỤC TIÊU HỌC TẬP

    1. Trình bày đặc điểm dịch tễ học của viêm tiểu phế quản.
    2. Liệt kê các nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản.
    3. Giải thích cơ chế sinh bệnh của viêm tiểu phế quản.
    4. Chẩn đoán được một trẻ bị viêm tiểu phế quản.
    5. Điều trị được một trẻ viêm tiểu phế quản nhẹ tại nhà.
    6. Điểu trị được một trẻ viêm tiểu phế quản nặng tại bệnh viện
    7. Phòng ngừa được bệnh viêm tiểu phế quản.

    NỘI DUNG

    Viêm tiểu phế quản (VTPQ) là nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới thường gặp nhất trong ba bệnh cảnh ở trẻ em gồm VTPQ, viêm phổi do virus và khò khè khởi phát do virus. Đây là hội chứng lâm sàng gặp ở trẻ dưới 24 tháng, bắt đầu bằng triệu chứng hô hấp trên (chảy mũi), sau đó là viêm đường hô hấp dưới với biểu hiện khò khè và ran phổi, do nhiễm virus lần đầu hoặc tái phát [1].

    1. DỊCH TỄ HỌC

    1.1. Lứa tuổi

    Dưới 24 tháng, phần lớn gặp ở trẻ dưới 12 tháng, đỉnh cao nhất là 2-6 tháng tuổi [1].

    1.2. Mùa

    Ở các nước quanh cực hai bán cầu bắc và nam, bệnh thường xảy ra vào mùa đông, từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau, đỉnh cao là tháng 1. Tại các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới bệnh xảy ra quanh năm, cao nhất vào mùa mưa. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, đỉnh cao vào tháng 8 [2].

    1.3. Nguyên nhân

    Virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV) là nguyên nhân chính gây VTPQ, sau đó là Metapneumovirus gây bệnh cho người, Parainfluenza virus, Influenza virus, Adenovirus, Rhinoviruses, Coronaviruses và ít gặp hơn Mycoplasma pneumoniae.

    Hình cấu trúc của RSV

    Nguồn: Hall CB, N Engl J Med 2001; 344:1917-1928
    DOI: 10.1056/NEJM200106213442507

    1.4. Sự lây truyền

    Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với những người trong gia đình hoặc ở nhà trẻ bị nhiễm qua giọt chất tiết hô hấp khi ho, hắt hơi hoặc gián tiếp qua tay người chăm sóc, nhân viên y tế, đồ chơi của trẻ [3].

    2. SINH BỆNH HỌC

    Virus RSV sau khi xâm nhập và nhân lên ở đường hô hấp trên, virus đến cố định và tiếp tục phát triển trên tế bào biểu mô tiểu phế quản gây ra:

    • Hoại tử lớp biểu mô hô hấp.
    • Phá hủy tế bào nhung mao.
    • Tẩm nhuận tế bào đơn nhân.
    • Lớp dưới niêm mạc phù nề nhưng không có sự hủy hoại sợi collagen và sợi đàn hồi.

    Các mảnh vỡ tế bào và sợi fibrin tạo thành các nút gây tắc lòng phế quản tạo ra ứ khí phế nang, gây ra triệu chứng khò khè và khó thở thì thở ra. Nếu tắc lòng phế quản hoàn toàn sẽ gây ra xẹp phổi.

    Cơ học hô hấp bất thường do thể tích cuối kỳ thở ra gia tăng, sức đàn hồi của phổi giảm, kháng lực đường thở tăng, chủ yếu thì thở ra, gây tăng công hô hấp.

    Rối loạn trao đổi khí do tắc nghẽn hô hấp và xẹp phổi gây:

    • PaCO2 tăng, PaO2 giảm.
    • Bất cân xứng giữa thông khí và tưới máu.
    • Toan hô hấp, dẫn đến toan chuyển hoá.

    Hình ảnh tiểu phế quản viêm, phù nề và tăng tiết nhày trong VTPQ

    Nguồn: Uptodate 2019

    3. LÂM SÀNG

    Khởi đầu bằng triệu chứng nhiễm siêu vi: sốt, ho, sổ mũi.

    Một hai ngày sau trẻ khò khè thở nhanh, co lõm ngực, trẻ tăng kích thích, quấy khóc và bú kém.

    Khám phổi: nghe ran rít hoặc ran ẩm nhỏ hạt.

    Trẻ có thể bị mất nước do sốt, thở nhanh và bú kém.

    Cần phát hiện các dấu hiệu nặng để theo dõi sát và xử trí kịp thời:

    3.1. Liên quan đến hô hấp

    Trẻ có một trong các dấu chứng sau đây:

    • Thở nhanh > 60 l/ph.
    • Thở không đều, có cơn ngưng thở.
    • Tím.
    • Tái xanh.
    • Bứt rứt, kích thích, rối loạn tri giác.
    • Có tam chứng ứ CO2 máu: vã mồ hôi, nhịp tim nhanh và cao huyết áp.

    3.2. Liên quan đến cơ địa

    • Trẻ nhỏ dưới 3 tháng
    • Sinh non < 34 tuần nguy cơ ngưng thở cao.
    • Tim bẩm sinh kèm cao áp phổi.
    • Có bệnh lý nhiễm trùng đi kèm: viêm tai giữa, bội nhiễm phổi.
    • Suy giảm miễn dịch.
    • Loạn sản phế quản phổi.
    • Bệnh lý thần kinh cơ

    4. CẬN LÂM SÀNG

    4.1. X quang phổi. Không đặc hiệu bao gồm các dấu hiệu:

    • Dày thành phế quản (50-80%)
    • Viêm phổi kẽ (50-80%)
    • Ứ khí phế nang: lồng ngực căng phồng, tăng sáng 2 bên, vòm hoành hạ thấp, khoảng gian sườn dãn rộng, nằm ngang. Ứ khí đi kèm các tổn thương khác: 50%, ứ khí đơn thuần: 2%
    • Thâm nhiễm nhu mô phổi (30%).
    • Xẹp phổi thường gặp ở thùy trên phổi phải (25%).
    • Phim phổi bình thường (10%).

    4.2. CTM

    Bạch cầu bình thường hoặc tăng, chủ yếu lympho.

    4.3. Khí trong máu

    Cần thiết trong những trường hợp nặng: PaCO2 tăng, PaO2 giảm.

    Hình X quang VTPQ: xẹp thùy giữa phổi phải, thâm nhiễm quanh phế quản và ứ khí phế nang (phổi tăng sáng, cơ hoành phẳng). Nguồn: Uptodate 2019.

    4.4. Ion đồ/máu

    Phát hiện tình trạng tăng tiết ADH không thích hợp: Natri máu giảm.

    4.5. Tìm RSV trong dịch tiết của mũi, bằng ELISA hay miễn dịch huỳnh quang, không làm thường quy, chỉ thực hiện trong các nghiên cứu.

    5. CHẨN ĐOÁN [3], [4], [5], [6].

    Chẩn đoán xác định dựa vào dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng trẻ dưới 2 tuổi có:

    • Khò khè kém hoặc không đáp ứng với dãn phế quản.
    • Ứ khí lồng ngực: ngực căng phồng, gõ vang.
    • Thở nhanh, co lõm ngực.
    • Khám phổi: ran rít, hoặc ran ẩm nhỏ hạt, ran ngáy.
    • X quang phổi: ứ khí có hoặc không kèm xẹp phổi hoặc viêm phổi.

    Chẩn đoán phân biệt: với tất cả nguyên nhân gây khò khè ở trẻ em, thường gặp nhất là:

    • Hen phế quản ở trẻ nhũ nhi, trẻ có tiền căn ho khò khè tái đi tái lại 3 lần hoặc hơn, gia đình có tiền căn dị ứng hoặc bị hen phế quản, đáp ứng tốt với thuốc dãn phế quản.
    • Dị vật đường thở.
    • Trào ngược dạ dày thực quản.
    • Suy tim sung huyết, viêm cơ tim siêu vi.
    • Ho gà: cần lưu ý trẻ < 3 tháng khi bị VTPQ có thể có biểu hiện ho dạng ho gà.

    Phân loại độ nặng theo Stephen Berman [7]:

    Thể nhẹ:

    • Nhịp thở dưới ngưỡng nhanh theo tuổi
    • 60 lần/phút: < 2th, 50 lần/phút: 2-12th, 40 lần/phút: > 12th
    • Trao đổi khí tốt và
    • Co lõm ngực nhẹ hoặc 0 co lõm ngực và
    • Không có dấu hiệu mất nước

    Thể trung bình:

    • Nhịp thở tăng trên ngưỡng nhanh theo tuổi hoặc
    • Co lõm ngực trung bình hoặc
    • Thì thở ra kéo dài kèm với giảm trao đổi khí

    Thể nặng:

    • Nguy cơ cao: sinh non, < 12 tuần tuổi, tim bẩm sinh, loạn sản phế quản phổi, bệnh lý thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch hoặc
    • Nhịp thở > 70 lần/phút hoặc
    • Co lõm ngực nặng hoặc
    • Trao đổi khí kém hoặc
    • Thở rên hoặc
    • Sa02 < 94% hoặc
    • Có dấu hiệu mất nước hoặc nhiễm trùng toàn thân

    Thể rất nặng:

    • Ngưng thở hoặc
    • Tím khi thở oxy hoặc
    • Không thể duy trì Pa02 > 50 mmHg với Fi02 80% hoặc
    • Các dấu hiệu của sốc

    6. ĐIỀU TRỊ [3], [4], [5], [6].

    Chỉ định nhập viện trong những trường hợp sau:

    • Trẻ dưới 3 tháng tuổi có thở nhanh hoặc mạch > 140 lần/phút [2].
    • Trẻ ≥ 3 tháng tuồi có một trong những biểu hiện sau [2]:
      • Nhịp thở ≥ 70 lần/phút
      • Mạch ≥ 150 lần/phút
      • Tím tái
      • Thay đổi tri giác
      • Xẹp phổi trên x quang
    • Nguy kịch hô hấp trung bình-nặng: thở rên, phập phồng cánh mũi, co lõm ngực; nhịp thở >70/p, khó thở, tím tái [1]
    • Giảm oxy máu: Sp02 < 90% [1]
    • Ngưng thở [1]
    • Vẻ nhiễm độc [1]
    • Bú kém [1]
    • Lơ mơ [1]

    Điều trị các trường hợp nhẹ: có thể điều trị ngoại trú, hay điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Bao gồm các biện pháp điều trị triệu chứng:

    • Thông thoáng đường thở bằng Natri Chlorua 0,9%.
    • Bù đủ nước.
    • Cho trẻ ăn bú bình thường.
    • Không dùng khí dung nước nuối ưu trương, dãn phế quản, kháng sinh, corticoid [1].
    • Theo dõi sát diễn tiến của bệnh.
    • Tái khám lại sau 2 ngày, dặn trẻ trở lại tái khám ngay khi có một trong các dấu hiệu nặng, như: bỏ bú, sốt cao, thở bất thường, tím tái.

    Điều trị các trường hợp nặng: cần nhập viện, ở tuyến y tế cơ sở cần chuyển lên tuyến trên như bệnh viện quận, huyện có khả năng cho bệnh nhân thở Oxy. Mục đích điều trị bao gồm:

    • Cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ.
    • Hỗ trợ hô hấp.
    • Phát hiện và điều trị biến chứng.
    • Dùng thuốc chống siêu vi nếu cần.

    Điều trị hỗ trợ hô hấp:

    • Thông thoáng đường thở, hút đàm nhớt thường xuyên.
    • Nằm đầu cao
    • Thở Oxy ẩm qua cannula khi:
    • Tím tái
    • Thở nhanh >70l/ph
    • Co lõm ngực nặng
    • Thở rên
    • Bỏ bú hay bú kém

    Thở Oxy sao cho SpO2 đạt được > 94%.

    Chỉ định thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi):

    • Vẫn còn tím tái khi thở oxy với FiO2 = 40%.
    • Thở nhanh >70 l/ph dù đang thở Oxy.
    • Có hình ảnh xẹp phổi trên X quang.

    Khi bệnh nhân có các chỉ định trên nên chuyển bệnh nhân lên bệnh viện nào có dụng cụ thở NCPAP, khi chuyển phải kèm theo Oxy.

    Chỉ định thở máy khi thất bại với thở NCPAP

    • Có cơn ngưng thở
    • Kiệt sức.
    • Tăng PaCO2 > 55 mmHg, giảm PaO2 < 60 mmHg

    Không thở khí Heliox trong điều trị VTPQ (2B) [1].

    Thuốc dãn phế quản: không dùng thường quy cho trẻ VTPQ lần đầu (2B) [1], chỉ dùng cho nguy kịch hô hấp trung bình-nặng (phập phồng cánh mũi, co lõm ngực, thở rên, nhịp thở > 70l/ph, khó thở, tím tái) hoặc suy hô hấp hoặc chưa loại trừ hen. Đánh giá trước và sau phun 1 giờ. Nếu đáp ứng, duy trì mỗi 4-6 giờ và ngưng khi cải thiện.

    Vật lý trị liệu hô hấp: chỉ định trong trường hợp khò khè kéo dài, có hình ảnh xẹp phổi.

    Không dùng corticoid đường toàn thân cho trẻ khỏe mạnh nhập viện lần đầu vì VTPQ (1A) [1].

    Phát hiện và điều trị biến chứng: có hai biến chứng thường gặp là suy hô hấp và bội nhiễm vi khuẩn.

    Không dùng kháng sinh thường quy trong điều trị VTPQ (1B) [1].

    Kháng sinh được chỉ định khi:

    • Đối với dạng lâm sàng không có triệu chứng nặng, dùng khi tình trạng lâm sàng không cải thiện sau 4 – 5 ngày, sốt cao > 3807, có dấu hiệu tổn thương nhu mô phổi trên X quang.
    • Dạng lâm sàng có triệu chứng nặng: tím tái, li bì khó đánh thức, bỏ bú hay bú kém, thở co lõm ngực nặng, khi chưa có bằng chứng chắc chắn loại trừ nhiễm trùng→ dùng kháng sinh ngay.
    • Loại kháng sinh: Cefotaxim hay Ceftriaxone do vi khuẩn thường gặp là Haemophilus influenzae type B, Streptococcus pneumoniae.

    Cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ:

    Bằng đường tiêu hóa: bú hoặc nuôi ăn qua sonde. Nuôi ăn qua sonde dạ dày khi:

    • Nhịp thở > 70 lần/phút
    • Nôn ói liên tục
    • Sp02 < 90% khi trẻ bú dù đang thở 02
    • Tăng công hô hấp rõ khi bú

    Bằng đường tĩnh mạch khi nuôi ăn qua sonde cung cấp < 80 Kcal/kg/ ngày.

    Lượng dịch bù bằng nhu cầu căn bản cộng với lượng nước mất qua hơi thở, sốt cao… Loại dịch chọn lựa là Dextrosaline.

    Lưu ý:

    Khi bù dịch quá ít sẽ gây tắc đàm nhớt, nặng thêm tình trạng suy hô hấp.

    Nếu bù dịch quá nhiều gây quá tải, vì thế chỉ bù lượng dịch bằng 3/4 nhu cầu căn bản khi có hiện tượng tăng tiết ADH không thích hợp.

    Nếu trẻ thở nhanh > 70 lần/phút: không nên cho trẻ bú vì nguy cơ hít sặc cao.

    Dùng thuốc chống siêu vi:

    Ribavirine (Virazole) ngăn cản sự tổng hợp protein của virus, dưới dạng khí dung liên tục từ 18-24 giờ mỗi ngày, đắt tiền và dành cho những trường hợp trẻ có nguy cơ cao như: bệnh tim bẩm sinh kèm cao áp phổi, loạn sản phế quản phổi hoặc suy giảm miễn dịch. Liều lượng, có hai cách sử dụng:

    • Phun khí dung liều thấp 18-20giờ/ngày x 5 ngày.
    • Phun khí dung liều cao trong thời gian ngắn: 60mg/ml trong 2 giờ, 3 lần/ngày.

    7. TIÊU CHUẨN XUẤT VIỆN:

    • Nhịp thở < 60/ph đối với trẻ <6 tháng, < 55/ph đối với trẻ 6-11 tháng, < 45/ph đối với trẻ ≥ 12 tháng
    • Lâm sàng ổn định, không cần thở oxy
    • Bù đủ nước bằng đường uống
    • Đã giáo dục gia đình cách chăm sóc và theo dõi bé tại nhà

    8. DIỄN TIẾN VÀ TIÊN LƯỢNG

    Diễn tiến: trẻ có thể diễn tiến theo các dạng dưới đây:

    Đa số trẻ giảm khò khè sau 3 – 4 ngày, khỏi bệnh hẳn từ 1 – 2 tuần.

    Trẻ có thể có các biến chứng:

    • Suy hô hấp cấp thường xảy ra 24 – 48 giờ sau nhập viện, nếu xử trí không kịp thời dẫn đến tử vong.
    • Bội nhiễm vi trùng thường làm điều trị khó khăn và kéo dài.
    • Khò khè kéo dài đến vài tháng (thường do Adenovirus) làm trẻ lệ thuộc oxy, có thể dẫn đến loạn sản phổi.

    Tiên lượng nặng: các yếu tố sau đây làm trẻ có tiên lượng nặng, trong điều trị phải thật cẩn thận:

    • Trẻ quá nhỏ < 3 tháng.
    • Có bệnh tim bẩm sinh đi kèm, nhất là có cao áp phổi.
    • Có bệnh phổi mãn tính: loạn sản phế quản phổi.
    • Suy giảm miễn dịch

    9. PHÒNG NGỪA

    Các biện pháp chung:

    • Giữ vệ sinh bàn tay
    • Tránh khói thuốc lá
    • Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp
    • Chủng ngừa cúm hàng năm cho trẻ ≥ 6 tháng

    Palivizumab 15mg/kg/tháng IM (Synagis) làm giảm tỷ lệ nhập viện đối với trẻ loạn sản phế quản phổi, sinh non, tim bẩm sinh có rối loạn huyết động nặng bị viêm tiểu phế quản.

    Hiện tại chưa có vaccin hiệu quả phòng RSV.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Pedro A. Piedra, Ann R. Stark (2019), “Bronchiolitis in infants and children: Clinical features and diagnosis”, Uptodate 5/2019
    2. Phạm Thị Minh Hồng (2004), Vai trò của vi rút hợp bào hô hấp trong viêm tiểu phế quản ở trẻ em và các yếu tố tiên lượng, Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
    3. Karen J. Marcdante, Robert M. Kliegman (2018), “Bronchiolitis”, Nelson Essentials of Pediatrics, 8th ed., Elsevier, Philadelphia, pp.401-402.
    4. Robert M. Kliegman, Patricia S. Lye, Heather Toth, Donald Basel, Brett J. Bordini (2018), “Bronchiolitis”, Nelson Pediatrics Symptom-Based Diagnosis, Elsevier, Philadelphia, p.47.
    5. Bria M. Coates, Lauren E. Camarda, and Denise M. Goodman (2016), “Wheezing in Infants: Bronchiolitis”, Nelson Textbook of Pediatrics, 20th ed., Elsevier, Philadelphia, pp.2044-2048.
    6. Steve Cunningham (2019), “Bronchiolitis”, Kendig’s Disorders of The Respiratory Tract in Children, 9th ed., Elsevier, Philadelphia, pp.1567-1596.
    7. Stephen Berman (1996), “Bronchiolitis”, Pediatric Decision Making, 3rd ed., Mosby-Year Book Inc., Missouri, pp.554-557.
    CÂU HỎI TỰ LƯỢNG GIÁ

    Chọn câu đúng nhất

    Từ câu 1 đến câu 5, trả lời dựa vào tình huống sau đây:

    Bé trai 2.5 tháng, nặng 6 kg, sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh 3 kg, bú mẹ hoàn toàn. Bệnh N3: N1-2 sốt nhẹ, ho, sổ mũi; N3 khò khè, thở mệt, bỏ bú nên nhập viện. Khám: bé tỉnh, bứt rứt, có tiếng khụt khịt ở mũi, mạch 168 lần/phút, t: 370C, nhịp thở 72 lần/phút, thở co lõm ngực nặng, môi tái nhẹ, Sp02 88%, phổi nghe ran rít và ran ẩm nhỏ hạt 2 phế trường, gan 2 cm dưới bờ sườn phải. Tiền căn bé khỏe mạnh, gia đình có cha bị hen, mẹ bị viêm mũi dị ứng.

    1. Chẩn đoán phù hợp nhất là gì?
    2. Viêm phế quản
    3. Viêm phế quản phổi
    4. Viêm tiểu phế quản
    5. Hen nhũ nhi cơn đầu
    6. Bé được phân loại ở độ nặng nào?
    7. Viêm phổi nặng
    8. Viêm tiểu phế quản nặng
    9. Viêm tiểu phế quản rất nặng
    10. Hen cơn nặng
    11. Xử trí ban đầu phù hợp nhất là gì?
    12. Nằm đầu cao 30-450, ngữa nhẹ ra sau
    13. Thông thoáng mũi bằng NaCl 0.9%
    14. Đặt ống thông dạ dày bơm sữa
    15. Oxy ẩm qua cannula 1l/phút
    16. Sau 20 phút thở oxy qua cannula 1 lít/phút, nhịp thở còn 60 lần/phút, môi bé hồng hơn, Sp02 94%. Bé được phân loại ở mức độ nào cho tình trạng suy hô hấp?
      1. Hết suy hô hấp
      2. Suy hô hấp độ 1
      3. Suy hô hấp độ 2
      4. Suy hô hấp độ 3
    17. X quang phổi thẳng cho thấy có 9 cung sườn từ cơ hoành phải lên đỉnh phổi phải, vòm hoành 2 bên phẳng, chỉ số tim ngực 0.45, rốn phổi 2 bên đậm, dãn rộng, xung huyết mạch máu ra 1/3 ngoài phế trường, thấy rõ rãnh liên thùy nhỏ ở phổi phải. Chẩn đoán phù hợp nhất là gì?
    18. Viêm phế quản – Ứ khí phế nang
    19. Viêm tiểu phế quản
    20. Tràn dịch khu trú rãnh liên thùy nhỏ – Khí phế thủng
    21. Viêm phế quản phổi – Ứ khí phế nang

    Từ câu 6 đến câu 10, trả lời dựa vào tình huống sau đây:

    Bé nữ 7 tháng tuổi, được chẩn đoán và điều trị viêm tiểu phế quản nhẹ tại phòng khám ngoại trú bệnh viện Nhi đồng 2, tái khám 2 ngày sau thấy bé quấy khóc liên tục, t: 390C, nhịp thở 70 lần/phút, co lõm ngực nặng, phập phồng cánh mũi, môi tái, Sp02 85%, nghe ít ran nổ ở đáy phổi 2 bên.

    1. Theo Stephen Berman, độ nặng của bệnh bé được phân loại là gì?
    2. Nhẹ
    3. Trung bình
    4. Nặng
    5. Rất nặng
    6. Kết quả công thức máu: BC 15.500/mm3, đa nhân 85%, ái toan: 500/mm3, Hb 11g/dL, MCV 82 fL, MCH 28 pg, TC 350.000/mm3. Chẩn đoán xác định là gì?
    7. Nhiễm vi trùng, không thiếu máu, hồng cầu đẳng sắc đẳng bào
    8. Nhiễm vi trùng, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc
    9. Nhiễm ký sinh trùng, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc
    10. Nhiễm ký sinh trùng, không thiếu máu, hồng cầu đẳng sắc đẳng bào
    11. X quang phổi cho thấy rốn phổi 2 bên đậm và dãn rộng, xung huyết mạch máu ra 1/3 ngoài phế trường kèm thâm nhiễm dạng nốt lan tỏa, cạnh cung dưới bờ tim bên phải có một đám mờ khá đồng nhất, giới hạn rõ, có hình ảnh air-bronchogram trên đám mờ, xóa bờ tim phải, không xóa hoành phải. Chẩn đoán phù hợp là gì?
    12. Viêm phế quản phổi – viêm thùy giữa phổi phải
    13. Viêm tiểu phế quản bội nhiễm phổi
    14. Viêm phế quản phổi – xẹp thùy dưới phổi phải
    15. Viêm phổi – viêm thùy giữa phổi phải
    16. Kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng đã có, chẩn đoán xác định phù hợp nhất là gì?
    17. Viêm phế quản phổi nghi do vi trùng
    18. Viêm tiểu phế quản biến chứng suy hô hấp và bội nhiễm phổi
    19. Viêm tiểu phế quản bội nhiễm phổi
    20. Viêm phổi biến chứng suy hô hấp
    21. Bé được nhập vào khoa cấp cứu, xử trí ban đầu KHÔNG phù hợp là gì?
    22. Nằm đầu cao 450, thông thoáng mũi
    23. Oxy ẩm 1 lít/phút qua cannula
    24. Kháng sinh TM
    25. Khí dung Salbutamol qua oxy 8 lít/phút

    Từ câu 11 đến câu 15, trả lời dựa vào tình huống sau đây: Dành cho Y6

    Bé trai 5 tháng, nặng 7 kg, sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh 3 kg, bú mẹ hoàn toàn. Bệnh N3: N1-2 sốt nhẹ, ho, sổ mũi; N3 khò khè, thở mệt, bỏ bú nên nhập viện. Khám: bé tỉnh, bứt rứt, có tiếng khụt khịt ở mũi, mạch 168 lần/phút, t: 380C, nhịp thở 72 lần/phút, thở co lõm ngực nặng, môi tái nhẹ, Sp02 88%, phổi nghe ran rít và ran ẩm nhỏ hạt 2 phế trường, gan 2 cm dưới bờ sườn phải. Tiền căn bé khỏe mạnh, gia đình có cha bị hen, mẹ bị viêm mũi dị ứng.

    1. Bé này cần được nhập viện vì các lý do gì sau đây? NGOẠI TRỪ:
    2. Bỏ bú, tím tái
    3. Nhịp thở >70 lần/phút
    4. Co lõm ngực nặng
    5. Sp02 < 95%
    6. Điều trị nào sau đây được khuyến cáo thường quy cho bé?
      1. Bù dịch, thở oxy, theo dõi diễn tiến bệnh
      2. Khí dung Salbutamol
      3. Khí dung nước muối ưu trương
      4. Khí dung Budesonide (Pulmicort)
    7. Phương pháp phun khí dung nào sau đây là phù hợp cho bé?
      1. Khí dung Budesonide (Pulmicort) 2 mg qua oxy 8 lít/phút
      2. Khí dung Salbutamol 5mg/2.5ml, ½ ống + NaCl 0.9% 1.75 ml qua oxy 8 lít/phút
      3. Adrenalin 1mg/1ml, 3.5 ml qua oxy 6 lít/phút
      4. Nước muối ưu trương 3%, 3ml qua oxy 8 lít/phút
    8. Sau khi phun khí dung qua oxy, môi bé hồng hơn, Sp02 94%, nhịp thở còn 60 lần/phút, co lõm ngực trung bình, phổi chỉ còn nghe ran ẩm nhỏ hạt. Xử trí tiếp theo phù hợp là gì?
    9. Tiếp tục khí dung Budesonide cho đủ 3 lần mỗi 20 phút
    10. Duy trì khí dung Salbutamol mỗi 4-6 giờ và ngưng khi cải thiện
    11. Tiếp tục khí dung Adrenalin cho đủ 3 lần mỗi 20 phút
    12. Duy trì khí dung nước muối ưu trương 3% mỗi 4-6 giờ và ngưng khi cải thiện
    13. Vì bé cải thiện sau xử trí ban đầu, bé được tiếp tục thở oxy qua cannula 1lít/phút và cho bú mẹ lại. Khi bú, bé co lõm ngực nặng hơn. Tình trạng nào sau đây của bé có chỉ định đặt sond dạ dày bơm sữa?
    14. Nôn ói liên tục
    15. Sp02 < 90% khi trẻ bú dù đang thở oxy
    16. Tăng công hô hấp rõ khi bú
    17. Nhịp thở > 70 lần/phút

    Từ câu 16 đến câu 20, trả lời dựa vào tình huống sau đây:

    Bé nữ 7 tháng tuổi, nặng 8 kg, được chẩn đoán và điều trị viêm tiểu phế quản nhẹ tại phòng khám ngoại trú bệnh viện Nhi đồng 2, tái khám 2 ngày sau thấy bé quấy khóc liên tục, t: 390C, nhịp thở 70 lần/phút, co lõm ngực nặng, phập phồng cánh mũi, môi tái, Sp02 85%, nghe ít ran nổ ở đáy phổi 2 bên.

    1. Chỉ định xét nghiệm gì để chẩn đoán xác định bệnh?
      1. Công thức máu, CRP
      2. Soi cấy NTA
      3. X quang phổi
      4. Khí máu động mạch
    2. Kết quả công thức máu: BC 22.000/mm3, đa nhân 90%, ái toan: 700/mm3, Hb 10.5g/dL, MCV 67 fL, MCH 22 pg, TC 235.000/mm3. Chẩn đoán xác định là gì?
    3. Nhiễm vi trùng, không thiếu máu, hồng cầu đẳng sắc đẳng bào
    4. Nhiễm vi trùng, thiếu máu, hồng cầu nhỏ nhược sắc
    5. Nhiễm ký sinh trùng, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc
    6. Nhiễm ký sinh trùng, không thiếu máu, hồng cầu đẳng sắc đẳng bào
    7. Khí máu động mạch cho kết quả Hb: 10.5g/dL, t: 390C, Fi02: 21%, pH: 7.34, PaC02: 47 mmHg, Pa02: 55 mmHg, HC03-: 26, phù hợp với chẩn đoán nào sau đây? NGOẠI TRỪ:
      1. Giảm thông khí
      2. Giảm oxy hóa máu tương ứng ARDS mức độ nhẹ
      3. Tăng shunt bệnh lý 15%
      4. Toan hô hấp cấp
    8. X quang phổi cho thấy rốn phổi 2 bên đậm và dãn rộng, xung huyết mạch máu ra 1/3 ngoài phế trường kèm thâm nhiễm dạng nốt lan tỏa; 1/3 trên phế trường phải có một đám mờ khá đồng nhất, giới hạn rõ bởi rãnh liên thùy nhỏ cong lõm về phía trên; 1/3 dưới phế trường phải có đám mờ đồng nhất, có hình ảnh air-bronchogram trên đám mờ, xóa cơ hoành phải, không xóa cung dưới bờ tim phải. Chẩn đoán phù hợp là gì?
    9. Viêm phổi – viêm thùy trên phải – xẹp thùy dưới phổi phải
    10. Viêm tiểu phế quản bội nhiễm phổi
    11. Viêm phế quản phổi – viêm thùy trên và dưới phải
    12. Viêm phế quản phổi – xẹp thùy trên phải – viêm thùy dưới phải
    13. Bé chưa được chủng ngừa Synflorix. Kháng sinh phù hợp nhất cho bé là gì?
      1. Ceftriaxone 400 mg x 2 TMC
      2. Ampicillin 400 mg x 4 TMC
      3. Levofloxacin 80 mg x 2 TTM/60 phút
      4. Clindamycin 80 mg x 3 TTM/60 phút

    Đáp án: 1C 2B 3D 4C 5A 6C 7A 8A 9B 10D

    11D 12A 13B 14B 15C 16C 17B 18C 19D 20A.

  • VIÊM PHỔI

    PGS.TS.BS. Phan Hữu Nguyệt Diễm

    MỤC TIÊU HỌC TẬP

    1. Trình bày đặc điểm dịch tễ viêm phổi trẻ em.
    2. Phân tích các yếu tố thuận lợi và yếu tố nguy cơ gây viêm phổi.
    3. Giải thích sinh bệnh học viêm phổi.
    4. Phân loại viêm phổi.
    5. Chẩn đoán và điều trị viêm phổi theo nguyên nhân.
    6. Chỉ định cận lâm sàng cần thiết trong chẩn đoán và điều trị viêm phổi.
    7. Giáo dục thân nhân cách chăm sóc và phòng bệnh viêm phổi trẻ em.

    KHÁI QUÁT VỀ VIÊM PHỔI

    Viêm phổi là tình trạng tổn thương viêm nhu mô phổi, có thể lan tỏa cả 2 phổi hoặc tập trung ở một thùy phổi. Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (World Health Organization – WHO), viêm phổi bao gồm viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm phổi thùy và áp xe phổi.

    Viêm phổi cộng đồng (VPCĐ) được định nghĩa là viêm phổi ở trẻ em vốn đang khỏe mạnh bị nhiễm bệnh từ cộng đồng (ngoài bệnh viện) hoặc trong vòng 48 giờ đầu tiên nằm viện [1].

    Dịch tể học [2]

    Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong trẻ em nhiều nhất trên thế giới, viêm phổi giết chết trẻ em nhiều hơn tổng số trẻ tử vong do AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome), sốt rét và lao. WHO ước tính hàng năm có khoảng 15 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong trên toàn thế giới, trong đó viêm phổi là nguyên nhân chính (với 920.00 trẻ mỗi năm), tử vong 99% xảy ra ở các nước có thu nhập thấp như Châu Phi và Nam Á.

    Ở các nước phát triển, tỷ lệ viêm phổi hàng năm là khoảng 3 – 4 đợt/ 100 trẻ dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, chỉ số mới mắc của bệnh ở lứa tuổi này là 29 đợt bệnh/100 trẻ/năm, cao gần 10 lần so với các nước phát triển. Trong số các trường hợp viêm phổi, có 7-13% trẻ có dấu hiệu nặng hoặc đe dọa tính mạng cần được nhập viện.

    Trong những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do viêm phổi có giảm nhờ sự ra đời các vaccine chống Haemophilus influenzae type b (Hib), phế cầu và sởi.

    Mặc dù viêm phổi do vi khuẩn và siêu vi xảy ra quanh năm nhưng thường phổ biến vào mùa lạnh, hay mùa mưa, có thể do lây truyền qua những giọt nhỏ chứa tác nhân gây bệnh bắn ra không khí. Viêm phổi do vi khuẩn xảy ra sau nhiễm siêu vi hô hấp thường nặng nề và khó điều trị hơn.

    Yếu tố thuận lợi [3]

    • Hoàn cảnh kinh tế – xã hội thấp.
    • Môi trường sống đông đúc, vệ sinh kém, ô nhiễm không khí.
    • Cha/mẹ hút thuốc lá, khói bụi trong nhà.
    • Trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, bệnh sởi hoặc không tiêm phòng sởi đầy đủ.
    • Thời tiết: lạnh.
    • Không biết cách chăm sóc trẻ.

    Ở Việt Nam thời gian mắc bệnh viêm phế quản phổi nhiều nhất trong năm vào những tháng giao mùa: tháng 4-5 và tháng 9-10, có thể do yếu tố ẩm, nóng gió mùa Việt Nam.

    Các yếu tố nguy cơ

    • Bất thường sản xuất kháng thể hoặc bạch cầu đa nhân.
    • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
    • Bệnh xơ nang.
    • Dị tật bẩm sinh tại đường hô hấp.
    • Dãn phế quản bẩm sinh.
    • Bất động lông chuyển.
    • Dò khí – thực quản.
    • Trào ngược dạ dày – thực quản.
    • Tăng lưu lượng máu lên phổi: tim bẩm sinh có shunt trái phải.
    • Mất phản xạ ho: hôn mê, bại não, …
    • Chấn thương, gây mê, hít là các yếu tố thúc đẩy viêm phổi.

    Nguyên nhân [4]

    Do vi sinh

    Bảng 1.1. Nguyên nhân vi sinh gây viêm phổi cộng đồng theo lứa tuổi [4]

    Sơ sinh 1-6 tháng 6-12 tháng 1-5 tuổi >5 tuổi
    Group B

    Streptococcus

    Enteric Gram âm

    RSV

    Siêu vi

    Streptococcus

    pneumoniae

    Haemophilus

    influenzae

    Staphylococcus

    aureus

    Moraxella catarrhalis

    Chlamydia

    trachomatis

    Ureaplasma

    urealyticum

    Bordetella pertussis

    Siêu vi

    Streptococcus

    pneumoniae

    Haemophilus

    influenza

    S. aureus

    Moraxella catarrhalis

    Siêu vi

    M. pneumoniae

    S. pneumonia

    C.pneumoniae

    Siêu vi

    M. pneumoniae

    S. pneumonia

    C.pneumoniae

    Trong các tác nhân siêu vi gây viêm phổi thì siêu vi hô hấp hợp bào (RSV – Respiratory syncytial virus) là tác nhân thường gặp nhất, gây viêm phổi ở trẻ nhũ nhi trong bệnh cảnh viêm tiểu phế quản.

    Lưu ý, trẻ nằm viện kéo dài hoặc suy giảm miễn dịch tăng nguy cơ nhiễm các tác nhân sau:

    • Klebsiella.
    • Pseudomonas.
    • E. coli.
    • Serratia marcescens.
    • Candida albicans.
    • Pneumocystic carinii (AIDS).

    Không do vi sinh: hít, sặc các chất (thức ăn, dịch vị, dị vật, dầu hôi), do phản ứng quá mẫn, do thuốc hoặc chất phóng xạ.

    Phân loại viêm phổi

    Theo giải phẫu

    • Viêm phế quản phổi: là thể lâm sàng phổ biến, chiếm >80% tổng số viêm phổi, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 12 tháng chiếm 65%.
    • Viêm phổi thùy hoặc tiểu thùy: thường gặp ở trẻ trên 3 tuổi.
    • Viêm phổi kẽ: gặp ở mọi tuổi.

    Theo độ nặng

    Bảng 1.2. Độ nặng của viêm phổi mắc phải cộng đồng [5], [6].

    Viêm phổi nhẹ Viêm phổi nặng
    Nhiệt độ <38,5°C Nhiệt độ ≥38,5°C
    Khó thở nhẹ hoặc không khó thở Khó thở trung bình – nặng
    Tăng nhịp thở nhưng ít hơn ngưỡng nhịp thở xác định khó thở trung bình – nặng

    Co lõm ngực nhẹ hoặc không co lõm ngực

    Không thở rên

    Không phập phồng cánh mũi

    Không ngưng thở

    Thở nông nhẹ

    Nhịp thở >70 lần/phút ở nhũ nhi,
    >50 lần/phút ở trẻ lớn hơn

    Co lõm trên ức, gian sườn, hạ sườn trung bình/nặng (<12 tháng)

    Khó thở nặng (≥ 12 tháng)

    Thở rên

    Phập phồng cánh mũi

    Ngưng thở

    Thở nông nhiều

    Màu da bình thường Tím tái
    Tri giác bình thường Tri giác thay đổi
    Ăn bình thường, không ói Không ăn (nhũ nhi) hoặc mất nước (trẻ lớn)
    Nhịp tim bình thường Nhịp tim tăng
    Thời gian phục hồi màu da <2 giây Thời gian phục hồi màu da ≥2 giây
    Sp02 ≥92% Sp02 <90%

    Bệnh sinh [2], [4]

    Dòng vi khuẩn mũi hầu

    • Bình thường: đa số là vi khuẩn gram dương sống cộng sinh.
    • Bệnh lý răng miệng: thường do vi khuẩn yếm khí.
    • Sau 72 giờ nằm viện: chủ yếu nhiễm vi khuẩn gram âm.

    Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xảy ra trước khi vi khuẩn và siêu vi xâm nhập vào đường hô hấp dưới.

    Đường hô hấp dưới bình thường vô trùng do

    • Phản xạ đóng nắp thanh quản khi nuốt, hít.
    • Phản xạ ho đẩy các chất dịch ra khỏi khí phế quản.
    • Lớp lông chuyển bám dính chất lạ đẩy ra ngoài.
    • IgA tại đường hô hấp chống virus và ngưng kết vi khuẩn.
    • IgG trong huyết thanh và đường hô hấp dưới ngưng kết vi khuẩn, thúc đẩy hóa ứng động bạch cầu hạt và đại thực bào, trung hòa độc tố vi khuẩn.
    • Đại thực bào phế nang: thực bào.
    • Bạch cầu đa nhân trung tính huy động giết vi khuẩn.

    Sự xâm nhập của vi khuẩn vào phổi: theo 2 đường (hô hấp và máu)

    • Qua đường hô hấp:
      • Hít giọt bắn từ xa thường do siêu vi hay vi khuẩn không điển hình, hít giọt bắn gần thường gây viêm phổi do phế cầu.
      • Hít từ đường hô hấp trên là cơ chế phổ biến nhất đối với hầu hết các viêm phổi do vi khuẩn Hib. Viêm phổi hít có thể xảy ra do rối loạn chức năng nuốt, hoặc bất thường bẩm sinh.
      • Hít vi khuẩn từ đường tiêu hoá trong trào ngược dạ dày – thực quản thường do vi khuẩn Gram âm hay yếm khí.

    Trong hoặc ngay sau khi sinh, trẻ sơ sinh có nguy cơ viêm phổi cao do tiếp xúc vi sinh vật hoặc chất tiết từ đường sinh dục của mẹ trong quá trình sinh.

    • Qua đường máu: ít gặp hơn, sau ổ nhiễm trùng nơi khác (viêm nội tâm mạc, viêm da cơ…) đa số do S.aureus.

    Cả đáp ứng miễn dịch thể dịch và tế bào đều rất quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi viêm phổi. Yếu tố TNF-α và interleukin đặc hiệu đóng một vai trò trong đáp ứng miễn dịch được thấy trong viêm phổi nặng.

    Tuy nhiên, một số yếu tố độc lực của tác nhân vi sinh tạo thuận lợi cho chúng chống lại các cơ chế phòng vệ miễn dịch của cơ thể để xâm nhập vào phổi và phá hủy mô, như protein NS1 của một số chủng cúm và protein bề mặt của S. pneumonia. Ngoài ra, bất thường nắp thanh quản và bất thường phản xạ ho, gián đoạn thanh thải nhày do siêu vi làm thay đổi cấu trúc và chức năng lông chuyển; siêu vi làm tăng kết dính vi khuẩn.

    CHẨN ĐOÁN VIÊM PHỔI [2], [4]

    Lâm sàng

    Viêm phổi trẻ em thường diễn tiến qua 2 giai đoạn

    Giai đoạn khởi phát

    • Nhiễm siêu vi hô hấp trên: sốt nhẹ, sổ mũi, ho, hoặc.
    • Triệu chứng nhiễm khuẩn: sốt cao, lạnh run, nhức đầu hoặc quấy khóc ở trẻ nhỏ.
    • Triệu chứng tiêu hóa: ói, ọc, biếng ăn, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy thường nổi bật ở trẻ nhỏ.
    • Khám thực thể: chưa thấy triệu chứng đặc hiệu ở phổi.

    Giai đoạn toàn phát

    Nhóm dấu hiệu, triệu chứng không đặc hiệu

    • Sốt từ nhẹ đến cao, tùy nguyên nhân gây bệnh.
    • Mệt mỏi, quấy khóc, nhức đầu, ớn lạnh.
    • Rối loạn tiêu hóa: nôn ói, chướng bụng, tiêu chảy và đau bụng.
    • Chướng bụng có thể nổi bật bởi sự giãn nở dạ dày do nuốt không khí. Đau bụng thường gặp ở viêm phổi thùy dưới. Gan có thể to bởi cơ hoành dịch chuyển xuống phía dưới do tăng nở phồng của phổi hoặc suy tim sung huyết

    Nhóm dấu hiệu, triệu chứng tại phổi: có giá trị nhất cho chẩn đoán viêm phổi nhưng nhiều khi không biểu hiện rõ ở trẻ nhỏ.

    • Ho: lúc đầu ho khan, sau đó ho có đờm, có thể không có ho ở trẻ nhỏ
    • Đau ngực: thường gặp trong viêm phổi có biến chứng màng phổi
    • Suy hô hấp: biểu hiện bằng
      • Thở nhanh: thở nhanh là dấu hiệu nhạy nhất trong chẩn đoán viêm phổi trẻ em.
      • Khó thở, thở rên, thở co kéo cơ bụng và liên sườn, phập phồng cánh mũi, tím tái.
    • Khò khè thường gặp ở viêm phổi do vi khuẩn không điển hình hoặc siêu vi hơn là viêm phổi do vi khuẩn.

    Những dấu hiệu thực thể

    • Nhìn: thở nhanh, kiểu thở bất thường, biểu hiện suy hô hấp, lồng ngực bất cân xứng do tràn khí màng phổi/tràn dịch màng phổi.
    • Sờ: rung thanh giảm (hội chứng ba giảm) hoặc rung thanh tăng (hội chứng đông đặc).
    • Gõ: gõ đục khi có đông đặc phổi hoặc tràn dịch màng phổi, gõ đục sớm nhất ở vùng liên bả vai, dưới góc xương bả vai và vùng nách.
    • Nghe: phế âm thô, ran nổ, ẩm nhỏ hạt có thể nghe ở trẻ lớn và có thể không ghi nhận được ở nhũ nhi. Vì đường dẫn truyền ngắn, lồng ngực nhỏ và lớp dịch mỏng nên phế âm không phải luôn luôn giảm ở nhũ nhi bị tràn dịch hoặc tràn mủ màng phổi.
    • Ngoài ra, có thể phát hiện các triệu chứng ngoài phổi gợi ý tác nhân
      • Nhọt da, viêm cơ thường đi kèm với viêm phổi do liên cầu nhóm A hoặc tụ cầu.
      • Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm màng não thường đi kèm với viêm phổi do phế cầu hoặc Haemophilus influenzae type b.
      • Viêm thanh thiệt, viêm màng ngoài tim thường đi kèm với viêm phổi do Haemophilus influenzae type b.

    Cận lâm sàng [2], [4], [5]

    Các xét nghiệm thường qui: bao gồm X-quang phổi và công thức máu

    X-quang phổi

    Chỉ định chụp X quang phổi trên trẻ có ho, khó thở:

    • Viêm phổi nặng hoặc viêm phổi có chỉ định nhập viện (để xác định chẩn đoán và đánh giá các biến chứng)
    • Viêm phổi tái phát
    • Cần loại trừ các nguyên nhân gây suy hô hấp khác (ví dụ: dị vật đường thở, suy tim), đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh tim phổi mạn hoặc có bệnh nền

    Tuy nhiên cần lưu ý những điều sau:

    • Bất thường trên X-quang có thể chậm trễ so với triệu chứng lâm sàng.
    • X-quang có thể giúp hướng chẩn đoán nguyên nhân nhưng không đặc điểm nào có thể phân biệt đáng tin cậy giữa viêm phổi do vi khuẩn, vi khuẩn không điển hình và siêu vi.
    • X-quang không tương xứng với biểu hiện lâm sàng, nhất là ở nhũ nhi và trẻ nhỏ. Thường thấy tổn thương nặng trên X-quang trong khi không có dấu hiệu lâm sàng.
    • Bất thường trên X-quang vẫn còn tồn tại vài tuần sau cải thiện lâm sàng nên không cần thiết chụp phổi kiểm tra lúc xuất viện.

    Bóng mờ trên X-quang phổi được chia làm 3 loại, tùy bệnh lý phế nang hay mô kẽ:

    • Viêm phổi thùy, phân thùy (thường do phế cầu )
      • Mờ đồng nhất thùy hoặc phân thùy.
      • Có hình ảnh khí nội phế quản trên bóng mờ.
      • Đông đặc phổi ở trẻ nhỏ đôi khi có hình tròn “viêm phổi tròn”. Viêm phổi tròn có xu hướng >3cm, đơn độc và và bờ không rõ nét. Tác nhân vi khuẩn thường gặp nhất cho viêm phổi tròn là S. Pneumoniae, các tác nhân khác ít gặp hơn: liên cầu, H. influenzae, S. aureusM. Pneumoniae.
    • Viêm phổi mô kẽ (thường do virus hoặc Mycoplasma)
      • Sung huyết mạch máu phế quản.
      • Dày thành phế quản.
      • Tăng sáng phế trường.
      • Mờ từng mảng do xẹp phổi.
    • Viêm phế quản phổi (thường do tụ cầu hay các vi khuẩn khác)
      • Rốn phổi đậm, có thể do phì đại hạch rốn phổi.
      • Tăng sinh tuần hoàn phổi ra 1/3 ngoài phế trường.
      • Thâm nhiễm lan ra ngoại biên cả 2 phế trường.
      • Hình ảnh bóng khí trong viêm phổi tụ cầu.

    Bạch cầu máu và chất phản ứng viêm cấp

    Trong viêm phổi siêu vi, bạch cầu bình thường hoặc tăng nhưng thường không cao hơn 20.000/mm3, và tế bào lympho chiếm ưu thế.

    Viêm phổi vi khuẩn (đôi khi viêm phổi Adenovirus), thường có bạch cầu tăng trong khoảng 15.000-40.000/mm3 và bạch cầu hạt chiếm ưu thế.

    Tăng bạch cầu ái toan ngoại biên có thể xuất hiện ở trẻ nhũ nhi bị viêm phổi không sốt, điển hình là do C. trachomatis.

    Viêm phổi không điển hình do C. pneumoniae, M. pneumoniae, hoặc do một số loại siêu vi đôi khi khó phân biệt với viêm phổi do phế cầu bằng X-quang và xét nghiệm khác, mặc dù viêm phổi phế cầu có bạch cầu, tốc độ lắng máu, procalcitonin, CRP tăng cao hơn và có sự trùng lắp đáng kể, đặc biệt với Adenovirus và Enterovirus.

    CRP (protein phản ứng C) và procalcitonin huyết thanh (PCT) không cần phải thực hiện thường xuyên ở trẻ bị viêm phổi điều trị ngoại trú. Đối với những trẻ mắc bệnh nặng hơn cần nhập viện, thực hiện các xét nghiệm này có thể cung cấp thông tin hữu ích hỗ trợ điều trị lâm sàng như là theo dõi quá trình bệnh, đáp ứng với điều trị và hỗ trợ xác định thời điểm có thể ngừng điều trị kháng sinh.

    Tóm lại, công thức máu và các chất phản ứng viêm giai đoạn cấp có thể cung cấp thông tin gợi ý viêm phổi do vi khuẩn hoặc siêu vi nhưng không nên sử dụng làm tiêu chuẩn duy nhất để xác định có điều trị với kháng sinh hay không. Số lượng tế bào bạch cầu bình thường và nồng độ thấp của các chất phản ứng viêm giai đoạn cấp tính không loại trừ viêm phổi do vi khuẩn.

    Xét nghiệm vi sinh

    Các mẫu bệnh phẩm tìm tác nhân vi sinh gây bệnh đường hô hấp gồm có:

    • Phết mũi sau tìm tác nhân siêu vi hô hấp
    • Dịch hút khí quản qua mũi (NTA: nasotracheal aspiration): đối với trẻ nhỏ, chất lượng mẫu NTA tốt khi có tế bào trụ, chứa >25 bạch cầu đa nhân và <10 tế bào lát trong một quang trường, soi tươi có vi khuẩn. Tuy nhiên, mẫu NTA ít có giá trị.
    • Nội soi lấy dịch rửa phế quản (BAL: bronchoalveolar lavage), lấy dịch phế quản qua mở nội khí quản ( nếu bệnh nhân được đặt nội khí quản hay mở khí quản).
    • Dịch dạ dày: 3 ngày liên tiếp vào buổi sáng đối với trẻ không biết ho khạc để xác định vi khuẩn lao khi nghi ngờ.
    • Dịch màng phổi: ở bệnh nhân tràn dịch lượng nhiều, chọc hút hoặc dẫn lưu là cách hữu ích để chẩn đoán và làm giảm triệu chứng.
    • Sinh thiết phổi mù hoặc chọc hút qua da: cho phép xác định tác nhân gây bệnh nhưng ít làm và nhiều biến chứng.

    Các xét nghiệm sau tìm tác nhân gây bệnh:

    • Nhuộm Gram và soi dưới kính hiển vi.
    • Cấy và làm kháng sinh đồ.
    • Làm PCR (Polymerase chain reaction). Kỹ thuật PCR có thể giúp ích trong việc đưa ra quyết định điều trị cho trẻ viêm phổi do vi khuẩn, đồng nhiễm vi khuẩn/siêu vi, siêu vi, hoặc vi khuẩn không điển hình. Tuy nhiên, các kết quả phải được giải thích thận trọng vì không phân biệt được vi khuẩn cộng sinh với vi khuẩn gây bệnh.
    • Huyết thanh chẩn đoán tìm tác nhân vi khuẩn không điển hình

    Các xét nghiệm khác khi cần thiết [2], [4], [5]

    • Siêu âm ngực: có độ nhạy và độ chuyên biệt cao trong chẩn đoán viêm phổi ở trẻ bằng việc xác định có đông đặc phổi, khí phế quản đồ hoặc tràn dịch. Siêu âm phổi có thể là một lựa chọn để chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em vì có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn so với X-quang ngực và tránh tiếp xúc tia xạ.
    • CT-scan ngực không nên sử dụng thường qui trừ khi nghi ngờ chẩn đoán bệnh nền khác (xác định chính xác vị trí và độ nặng của các bất thường trong phổi: áp xe, bóng khí, khối u, …).
    • IDR (Tuberculin intradermal reaction) nếu nghi lao.
    • Khí máu động mạch để chẩn đoán xác định và hỗ trợ điều trị suy hô hấp.
    • Cấy máu: nếu nghi nhiễm khuẩn huyết.

    Chẩn đoán [2], [4], [5]

    Chẩn đoán xác định

    Chẩn đoán viêm phổi ở trẻ nhũ nhi và trẻ em khi có triệu chứng nhiễm trùng hô hấp (sốt, ho, thở nhanh, co lõm ngực, thở rên, phập phồng cánh mũi và dấu hiệu thiếu oxy máu), khám phổi bất thường kèm với tổn thương trên X-quang phổi. Không thở nhanh có thể loại trừ viêm phổi ở trẻ nhỏ, nhưng không có các dấu hiệu khác không giúp loại trừ viêm phổi.

    Ở các quốc gia đang phát triển, nơi có tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi cao, WHO sử dụng nhịp thở nhanh là tiêu chuẩn duy nhất để chẩn đoán viêm phổi ở trẻ bị ho hoặc khó thở. Ở các nước phát triển có tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi thấp hơn, cần nhiều dấu hiệu hô hấp (ví dụ như thiếu oxy, thở rên, phập phồng cánh mũi, co lõm ngực) để tăng độ chắc chắn trong chẩn đoán viêm phổi.

    Chẩn đoán phân biệt [2], [3], [6]

    Khi trẻ có thở nhanh kèm ho thường gợi ý viêm phổi, tuy nhiên cần phân biệt các nguyên nhân có thể gây thở nhanh ở trẻ mà không có viêm phổi:

    • Thở nhanh không sốt: toan chuyển hoá, mất nước, một số bệnh lý tim mạch, cơn hen , tâm lý, …
    • Thở nhanh có sốt: do sốt cao, viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng huyết, …

    Đa số viêm phổi trẻ em không xác định dược tác nhân gây bệnh. Dựa vào bệnh sử, thời gian và độ nặng của triệu chứng, tuổi, mùa trong năm có thể giúp gợi ý phân biệt giữa viêm phổi do vi khuẩn và không do vi khuẩn (Bảng 2.1) để định hướng điều trị ban đầu theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, các đặc điểm lâm sàng có thể trùng lắp và không thể phân biệt tuyệt đối giữa viêm phổi vi khuẩn, vi khuẩn không điển hình và siêu vi, và có đến một nửa số trường hợp VPCĐ ở trẻ em do đồng nhiễm vi khuẩn và siêu vi.

    Bảng 2.1. Những biểu hiện lâm sàng, X-quang gợi ý chẩn đoán nguyên nhân.

    Tác nhân Lâm sàng Xquang
    Vi khuẩn (thường nhất là phế cầu hay Hib) Trẻ em ở mọi lứa tuổi

    Khởi đầu đột ngột

    Vẻ mặt nhiễm trùng

    Ớn lạnh

    Khó thở trung bình – nặng

    Triệu chứng tại phổi khi khám: Ran ẩm, nổ

    Đau ngực khu trú

    Thâm nhiễm phế nang

    Đông đặc từng phần

    Đông đặc thùy

    Viêm phổi tròn

    Biến chứng: Áp xe phổi

    tràn dịch/tràn mủ màng phổi, viêm phổi hoại tử,

    bóng khí phổi, …

    Vi khuẩn không điển hình

    (Mycoplasma pneumoniae, Chlamydophilia

    pneumoniae)

    Mọi tuổi (thường gặp ở trẻ >5 tuổi)

    Khởi đầu đột ngột với những dấu hiệu như mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, nổi ban, viêm kết mạc, sợ ánh sáng, đau họng

    Ho khan tăng dần

    Khò khè

    Biểu hiện ngoài phổi (hội chứng Stevens-Johnson, thiếu máu tán huyết, viêm gan, …)

    Thâm nhiễm mô kẽ (chủ yếu)

    Đôi khi có hình ảnh viêm phổi thuỳ

    Viêm phổi do tụ cầu Khởi đầu sốt cao, dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc nặng

    Diễn tiến nhanh đến suy hô hấp

    Triệu chứng tại phổi: ran ẩm nổ 2 bên, thường kèm theo triệu chứng màng phổi, hội chứng ba giảm.

    Có thể kèm với tổn thương ngoài phổi: nhọt da, viêm da cơ, viêm cốt tuỷ xương.

    Tổn thương điển hình: hình ảnh những ổ áp xe nhỏ có mức khí dịch hay bóng khí lan toả 2 bên phổi, diễn tiến X-quang xấu nhanh kèm với hình ảnh tràn dịch màng phổi.
    Viêm phổi không sốt ở nhũ nhi (thường nhất là

    Chlamydia trachomatis)

    Thường gặp ở trẻ 2 tuần đến 4 tháng

    Sanh ngã âm đạo

    Khởi phát âm thầm

    Chảy nước mũi

    Ho từng tiếng, thở nhanh

    Tăng bạch cầu ái toan

    Ứ khí và tổn thương mô kẽ
    Siêu vi Thường <5 tuổi

    Khởi phát từ từ

    Triệu chứng nhiễm trùng hô hấp trên (ho, sổ mũi) xảy ra trước

    Không vẽ mặt nhiễm trùng

    Ran ẩm 2 bên

    Khò khè

    Có thể có hồng ban kết hợp (sởi, thủy đậu)

    Trong nhà có nhiều người bệnh tương tự

    Thâm nhiễm mô kẽ
    Lao Mọi tuổi

    Ho mạn tính

    Triệu chứng từ từ

    Tiếp xúc lao

    Hạch rốn phổi hoặc trung thất

    Biến chứng viêm phổi [2], [4]

    Bảng 2.2. Các biến chứng của viêm phổi cộng đồng.

    Phổi

    (thường do
    S. aureus,
    S. pneumoniae, S. pyogenes)

    Tràn dịch màng phổi hoặc viêm mủ màng phổi

    Tràn khí màng phổi

    Áp xe phổi

    Lỗ rò phế quản – màng phổi

    Viêm phổi hoại tử

    Suy hô hấp cấp

    Ngoài phổi

    (thường do

    S. aureus,
    S. pneumoniae)

    Viêm màng não

    Áp xe hệ thống thần kinh trung ương

    Viêm màng ngoài của tim

    Viêm tâm nội mạc

    Viêm xương tủy

    Viêm khớp nhiễm khuẩn

    Hệ thống Hội chứng đáp ứng viêm hệ thống hoặc nhiễm trùng huyết

    Hội chứng tán huyết-urê huyết

    ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI

    Điều trị viêm phổi thường dựa vào kinh nghiệm lâm sàng, vì hiếm khi tác nhân gây bệnh được xác định trước khi chỉ định kháng sinh. Điều trị viêm phổi nghi ngờ do vi khuẩn dựa vào độ tuổi, biểu hiện lâm sàng để dự đoán tác nhân.

    Điều trị ngoại trú [2], [4], [7]

    • Điều trị tại nhà hoặc trạm y tế xã phường
    • Kháng sinh không sử dụng thường qui cho trẻ viêm phổi ở lứa tuổi trước khi đến trường (mẫu giáo) vì tác nhân chủ yếu là virus.
    • Nếu nghi ngờ viêm phổi do vi khuẩn thì Amoxicillin là liệu pháp đầu tay để trị cho trẻ viêm phổi lần đầu (chủ yếu do S. pneumoniae). Do sự lan rộng của phế cầu kháng Penicillin, liều cao Amoxicillin (90 mg/kg/ngày chia 3 lần) đạt hiệu quả chữa bệnh về lâm sàng và vi sinh học ở khoảng 90% trẻ bị VPCĐ, so với chỉ có 65% trẻ được điều trị với liều 90 mg/kg/ngày chia 2 lần.
    • Kháng sinh nhóm Macrolide được sử dụng cho bệnh nhi ≥5 tuổit bị VPCĐ nghi do tác nhân không điển hình (M. pneumoniae).

    Bảng 3.1. Điều trị ngoại trú theo kinh nghiệm trẻ VPCĐ.

    Tuổi KHÁNG SINH
    2th-5 tuổi* Ưu tiên:

    – Amoxicillin

    + 90 mg/kg/ngày chia 3 lần, 7-10 ngày

    Phác đồ thay thế cho bệnh nhân dị ứng với penicillin hoặc beta-lactam
    – Azithromycin

    + Ngày 1: 10 mg/kg

    + Ngày 2 đến 5: 5 mg/kg/ngày

    – Clarithromycin

    15 mg/kg/ngày2 liều; cho 7-10 ngày

    – Cefprozil

    30 mg/kg/ngày/2 liều, cho 7-10 ngày

    – Cefuroxime

    30 mg/kg/ngày/2 liều, cho 7-10 ngày

    5-16t – Azithromycin

    + Ngày 1: 10 mg/kg

    + Ngày 2 đến 5: 5 mg/kg/ngày

    • Điều trị hạ sốt, khò khè nếu có.
    • Hướng dẫn bà mẹ chăm sóc tại nhà:
      • Cách cho uống thuốc, nuôi dưỡng (chia nhỏ bữa ăn nếu trẻ nôn), làm thông mũi, làm một số thuốc ho dân gian an toàn cho trẻ.
      • Uống đủ nước.
    • Dặn tái khám 2 ngày sau.
    • Theo dõi phát hiện các dấu hiệu phải đưa trẻ đến khám ngay: rút lõm lồng ngực nặng, tím tái, li bì/khó đánh thức, bỏ bú, nôn tất cả mọi thứ, co giật.

    Chỉ định nhập viện [2], [3], [4], [8]

    • Viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 2 tháng viêm phổi không sốt nghĩ viêm phổi do Chlamydia trachomatis hay do siêu vi, và tổng trạng trẻ tốt thì có thể không cần nhập viện.
    • Viêm phổi nặng
    • Vẻ mặt nhiễm trùng, nhiễm độc
    • Có bệnh đi kèm tiên lượng sẽ làm viêm phổi nặng thêm: bệnh lý tim mạch, bệnh thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch.
    • Có biến chứng: tràn dịch màng phổi, áp xe phổi.
    • Nghi ngờ hoặc đã xác định viêm phổi do vi khuẩn có độc lực mạnh như: S.aureus hoặc Streptococcus nhóm A.
    • Thất bại điều tri ngoại trú: diễn tiến xấu hơn sau 48-72 giờ điều trị kháng sinh đường uống
    • Gia đình không thể theo dõi và chăm sóc tại nhà.

    Chỉ định nhập hồi sức tăng cường

    • Cần thông khí hỗ trợ (thông khí cơ học, thông khí áp lực dương không xâm lấn, thất bại duy trì SpO2>92% với FiO2>50%)
    • Dấu hiệu đe dọa suy hô hấp (lơ mơ, tăng công thở và/hoặc kiệt sức ± tăng CO2 máu)
    • Ngưng thở tái phát hoặc thở chậm.

    Điều trị nội viện [2], [4], [8]

    Nguyên tắc điều trị:

    • Chống suy hô hấp
    • Chống nhiễm khuẩn
    • Điều trị các rối loạn đi kèm
    • Điều trị biến chứng

    Chống suy hô hấp: tùy theo mức độ suy hô hấp

    Chỉ định thở oxy:

    • Trẻ có biểu hiện tím trung ương (tím da và niêm mạc)
    • SpO2 <90%
    • Không uống được, bỏ bú vì khó thở
    • Co lõm ngực nặng
    • Trẻ thở rất nhanh (>70 lần/phút ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi)
    • Đầu gật gù
    • Bứt rứt, quấy khóc do thiếu oxy
    • Phập phồng cánh mũi

    Chống nhiễm khuẩn:

    • Kháng vi khuẩn: tùy thuộc độ nặng và tác nhân gây viêm phổi.
      • Ampicillin hoặc Penicillin G ở nhũ nhi đã chủng ngừa đầy đủ hoặc bệnh nhi ở tuổi chưa đến trường.
      • Điều trị theo kinh nghiệm với Cephalosporin thế hệ 3 dạng tiêm (Ceftriaxone hoặc Cefotaxim) trong trường hợp không được chủng ngừa đầy đủ, phân lập được các chủng phế cầu khuẩn xâm lấn kháng Penicillin mạnh và nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng.
      • Điều trị theo kinh nghiệm với Macrolide uống hoặc chích cùng với một kháng sinh Beta-lactam trong trường hợp nghi ngờ nhiễm thêm Mycoplasma pneumoniae Chlamydophila pneumoniae.
      • Vancomycin hoặc Clindamycin cộng với một kháng sinh Beta-lactam trong trường hợp nghi nhiễm S.aureus.

    Bệnh nhân được điều trị bằng tiêm mạch có thể được chuyển sang điều trị bằng uống khi hết sốt, lâm sàng cải thiện, có thể dung nạp được đường uống và không có biến chứng .

    Bảng 3.2. Chọn lựa kháng sinh cho VPCĐ dựa theo tuổi và lâm sàng .

    Tuổi / Lâm sàng Nội trú
    Sơ sinh Ampicillin + Gentamycin
    3 tuần – 3 tháng, thâm nhiễm mô kẽ, vẻ mặt không nhiễm độc Macrolides
    4 tháng – 4 tuổi Penicillin/Ampicillin ± Macrolides

    (đã chủng ngừa đầy đủ)

    Cefotaxim hay Ceftriaxone ± Macrolides

    (chưa chủng ngừa dủ)

    ≥5t: thâm nhiễm phế nang, TDMP, vẻ mặt nhiễm độc Peni/Ampi ± Macrolides

    Cefotaxim hay Ceftriasone ± Macrolides

    (chưa chủng ngừa dủ)

    ≥5t: thâm nhiễm mô kẽ Macrolides ± β lactam
    Viêm phổi hoại tử

    (nghi do S. aureus)

    Oxacillin/nafcillin;

    Vancomycin ± Cephalosporin

    Bảng 3.3. Kháng sinh điều trị đặc hiệu viêm phổi do phế cầu.

    Tác nhân Kháng sinh chích Kháng sinh uống (điều trị giảm bậc hoặc nhiễm trùng nhẹ)
    Streptococcus pneumoniae với

    MIC cho Penicilin ≤ 2.0 μg/mL

    Ưu tiên:

    – Ampicillin

    – Penicillin

    Thay thế:

    – Ceftriaxone

    – Cefotaxime

    – Clindamycin

    – Vancomycin

    Ưu tiên:

    – Amoxicillin liều cao

    Thay thế:

    – Cephalosporin 2, 3 (Cefpodoxime, Cefuroxime, Cefprozil)

    – Levofloxacin uống, nếu nhạy cảm

    – Linezolid uống

    Streptococcus pneumoniae kháng

    penicillin, với MICs ≥ 4,0 μg/mL

    Ưu tiên:

    – Ceftriaxone

    Thay thế:

    – Ampicillin

    – Levofloxacin

    – Linezolid

    – Clindamycin

    – Vancomycine

    Ưu tiên: 1 trong 2 thuốc

    – Levofloxacin uống

    – Linezolid uống

    Thay thế:

    – Clindamycine uống

    Bảng 3.4. Kháng sinh điều trị đặc hiệu viêm phổi do Hib.

    Kháng sinh tĩnh mạch Kháng sinh uống (điều trị giảm bậc hoặc nhiễm trùng nhẹ)
    Ưu tiên:

    – Ampicillin nếu β-lactamase (-)

    – Ceftriaxone/ Cefotaxime nếu β-lactamase (+)

    Thay thế:

    – Ciprofloxacin

    – Levofloxacin

    Ưu tiên:

    – Amoxicillin nếu β-lactamase (-)

    – Amoxicillin + A. clavulanate nếu β-lactamase (+)

    Thay thế:

    – Cephalosporin 3 (Cefdinir, Cefixime, Cefpodoxime)

    Bảng 3.5. Kháng sinh điều trị đặc hiệu viêm phổi do tụ cầu.

    Tác nhân Kháng sinh tĩnh mạch Kháng sinh uống (điều trị giảm bậc hoặc nhiễm trùng nhẹ)
    Staphylococcus aureus nhạy Methicillin Ưu tiên:

    -Oxacillin

    Thay thế:

    – Clindamycina

    – Vancomycin

    Ưu tiên:

    – Cephalexin

    Thay thế:

    – Clindamycin

    Staphylococcus aureus kháng Methicillin nhưng còn nhạy Clindamycin Ưu tiên:

    – Vancomycin

    – Clindamycin

    Thay thế:

    – Linezolid

    Ưu tiên:

    – Clindamycin

    Thay thế:

    – Linezolid

    Staphylococcus aureus kháng Methicillin và

    Clindamycin

    Ưu tiên:

    – Vancomycin

    Thay thế:

    – Linezolid

    Ưu tiên:

    – Linezolid

    Thay thế: Không có

    Bảng 3.6. Kháng sinh điều trị viêm phổi do vi khuẩn không điển hình.

    Kháng sinh tĩnh mạch Điều trị uống (điều trị giảm bậc hoặc nhiễm trùng nhẹ)
    Ưu tiên:

    – Azithromycin TM (10 mg/kg vào ngày 1 và 2; chuyển uống nếu có thể)

    Thay thế:

    – Clarithromycin TM

    – Levofloxacin

    Ưu tiên:

    – Azithromycin (10 mg/kg vào ngày 1, sau đó 5 mg/kg/ngày từ ngày 2 – ngày 5.

    Thay thế:

    – Clarithromycin

    – Erythromycin

    – Doxycycline (thanh thiếu niên)

    – Levofloxacin

    • Kháng virus: điều trị thuốc kháng virus cúm gây VPCĐ trung bình – nặng nghi do cúm cho dù xét nghiệm virus cúm chưa có kết quả hoặc âm tính. Điều trị sớm virus cúm gây VPCĐ sẽ dẫn đến những lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân nặng hoặc có diễn biến lâm sàng nặng liên tục sau 48 giờ.

    Điều trị các rối loạn đi kèm

    • Giảm đau, hạ sốt.
    • Dãn phế quản khi có khò khè, giảm ho.
    • Bù dịch, điện giải và điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan.
    • Suy tim: dãn mạch, trợ tim.

    Điều trị biến chứng

    • Tràn dịch màng phổi hay viêm mủ màng phổi
    • Áp-xe phổi
    • Nhiễm trùng huyết.

    Tiên lượng

    Viêm phổi ở trẻ em thường tốt, bệnh khỏi sau 7-10 ngày điều trị. Nhưng nếu chẩn đoán muộn và điều trị không kịp thời, không đúng, nhất là đối với trẻ dưới 12 tháng thì tỉ lệ tử vong rất cao.

    Tiêu chuẩn xuất viện

    • Có cải thiện tổng thể về mặt lâm sàng (tổng trạng tốt, cải thiện sinh hoạt, thèm ăn, hết sốt) ít nhất 12 – 24 giờ
    • SpO2 > 90% ít nhất 12 – 24 giờ khi thở trong điều kiện không khí phòng
    • Trạng thái tâm thần ổn định và/hoặc trở lại như ban đầu
    • Khả năng dung nạp với kháng sinh đường uống
    • Không diễn biến xấu sau khi rút ống dẫn lưu được 12-24 giờ.

    CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA [4]

    Dự phòng chung

    Bảo vệ sức khỏe bà mẹ khi có thai, khám thai đầy đủ để theo dõi và xử trí kịp thời những tai biến, giảm tỉ lệ sanh non, sanh nhẹ cân.

    Bảo đảm vệ sinh môi trường nhất là khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Thực hiện tốt các chế độ vô trùng khi đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh.

    Trẻ phải được bú mẹ và ăn dặm đúng.

    Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ đúng lịch qui định.

    Tránh khói thuốc lá.

    Phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp.

    Khi có người mắc bệnh, cách ly kịp thời để tránh lây lan cho trẻ.

    Dự phòng đặc hiệu

    Chủng ngừa các tác nhân thường gây viêm phổi theo tuổi: virus cúm, á cúm, thủy đậu, Hemophilus influenza týp b, phế cầu, não mô cầu, …

    Tiêm chủng cho trẻ em dưới 2 tuổi giúp giảm tỷ lệ viêm phổi hơn 10 lần.

    Khuyến khích mở rộng tiêm vaccine cúm cho tất cả trẻ em >6 tháng tuổi được kỳ vọng ​​sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ viêm phổi nhập viện.

    Dự phòng diễn tiến xấu của bệnh

    Chẩn đoán và điều trị sớm, thích hợp tránh biến chứng nặng như: tràn dịch, tràn khí màng phổi, áp xe phổi, suy hô hấp, …

    Phòng ngừa tai biến do thầy thuốc

    Tránh sử dụng thuốc có nhiều tác dụng phụ, vô trùng tốt để tránh nhiễm trùng bệnh viện, tránh tai biến do các thủ thuật xâm lấn: chọc dò màng phổi, nội soi phế quản, … tránh tai biến khi cung cấp oxy: ngộ độc oxy, ức chế hô hấp, xẹp phổi, bệnh lý võng mạc ở trẻ sanh non.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. World Health O. (1995), The management of acute respiratory infections in children : practical guidelines for outpatient care, World Health Organization, Geneva, Switzerland.

    2. Matthew S.K. and Thomas J.S. (2019), “Community-acquired pneumonia”, in Nelson Textbook of Pediatrics, Elsevier, Vol. 2, 428, Philadelphia, pp. 8956-8960.

    3. Tickella KD and Dennob DM (2016), “Inpatient management of children with severe acute malnutrition: a review of WHO guidelines”, Bull World Health Organ, 94, pp. 642.

    4. Scotta MC, Marostica PJ, and Stein RT (2019), “Pneumonia in children”, in Kendig’s disorders of the respiratory tract in children, Elsevier, 9th ed, Philadelphia, pp. 1597-1628.

    5. Harris M., Clark J., Coote N., et al. (2011), “British Thoracic Society guidelines for the management of community acquired pneumonia in children: update 2011”, Thorax, 66(Suppl 2), pp. ii1-ii23.

    6. Barson WJ (2019), Community-acquired pneumonia in children: Clinical features and diagnosis, UpToDate, Truy cập ngày 19/04/2019.

    7. Barson W.J. (2019), Community-acquired pneumonia in children: Outpatient treatment, UpToDate, Truy cập ngày 19/04/2019.

    8. Barson WJ (2019), Pneumonia in children: Inpatient treatment, UpToDate, Truy cập ngày 19/04/2019.

    CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

    1. Tác nhân gây viêm phổi thường gặp nhất trên trẻ 18 tháng tuổi là gì?
      1. Streptococcus pneumoniae
      2. Haemophillus influenzae
      3. Respiratory synctial virus
      4. Influenzae virus type A
    2. Yếu tố nào sau đây không phải là yếu tố thuận lợi của viêm phổi?
      1. Tiếp xúc khói thuốc lá
      2. Suy dinh dưỡng
      3. Môi trường sống đông đúc
      4. Không chủng ngừa
    3. Một trẻ 4 tháng, nhập viện vì viêm phổi lần 3. Tiền căn sanh non 34 tuần, cân nặng lúc sanh 2.400g. Hiện tại, em chưa chủng ngừa mũi nào, nặng 7,2kg, bú sữa công thức từ sau sinh, lượng sữa bú 150-180 mL/cử cách 2-3 giờ. Yếu tố nguy cơ gây viêm phổi tái phát trên bệnh nhi này là gì?
      1. Sanh non
      2. Sanh nhẹ cân
      3. Chưa chủng ngừa
      4. Trào ngược dạ dày thực quản
    4. Bệnh nhân nữ, 12 tháng bị viêm phổi và viêm thanh thiệt. Em chưa được chủng ngừa ngoại trừ 2 mũi chủng ngừa ngay sau sinh. Tác nhân vi sinh nghĩ nhiều nhất gây nhiễm trùng cho trẻ là gì?
      1. Haemophillus influenzae
      2. Respiratory synctial virus
      3. Streptococcus pneumoniae
      4. Adeno virus type 3
    5. Em trai, 3 tuổi, đến khám vì sốt. Bệnh 3 ngày: sốt, ho, khám bác sĩ tư uống thuốc không giảm. Tiền căn chưa ghi nhận bất thường. Khám: tỉnh, tươi, To=38oC, môi hồng, SpO2=97%, chi ấm mạch quay rõ 120 lần/phút, thở không co lõm 42 lần/phút, tim đều rõ, phổi ít ran ngáy, ẩm. Các cơ quan khác không ghi nhận bất thường. Xử trí phù hợp nhất cho trẻ như thế nào?
      1. Không dùng kháng sinh
      2. Dùng Cefuroxime uống
      3. Dùng Erythromycin uống
      4. Dùng Amoxicillin uống
    6. Tác nhân gây viêm phổi thường gặp nhất trên trẻ nhiễm HIV là gì?
      1. Streptococcus pneumoniae
      2. Haemophillus influenzae
      3. Pneumocystic carinii
      4. Moraxella catarrhalis
    7. Yếu tố nào sau đây không phải là yếu tố thuận lợi của viêm phổi?
      1. Tiếp xúc khói thuốc lá
      2. Suy dinh dưỡng
      3. Môi trường sống đông đúc
      4. Nằm phòng có máy lạnh
    8. Một trẻ 6 tháng, nhập viện vì viêm phổi lần 3. Tiền căn sanh non 33 tuần, cân nặng lúc sanh 2.400g. Tiền căn chỉ mới chủng ngừa 2 mũi ngay sau sinh, đang được theo dõi còn ống động mạch. Yếu tố nguy cơ gây viêm phổi tái phát trên bệnh nhi này là gì?
      1. Sanh non
      2. Sanh nhẹ cân
      3. Chưa chủng ngừa
      4. Tim bẩm sinh
    9. Bệnh nhân nữ, 12 tháng bị viêm phổi và viêm tai giữa. Em được chủng ngừa đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tác nhân vi sinh nghĩ nhiều nhất gây nhiễm trùng cho trẻ là gì?
      1. Streptococcus pneumoniae
      2. Respiratory synctial virus
      3. Haemophillus influenzae
      4. Adeno virus type 3
    10. Bé gái 10 tháng, đến khám vì khó thở. Bệnh 5 ngày, N1-4: sốt 38-38,5oC, ho ít, khám và điều trị tại phòng khám tư; N5: giảm bú, khó thở. Tiền căn không ghi nhận bất thường. Khám: đừ, To=38,7oC, môi hồng, SpO2=95%, chi ấm mạch quay rõ 140 lần/phút, thở co lõm ngực 56 lần/phút, tim đều rõ, phổi ran nổ bên (P), phế âm giảm 1/3 dưới (T), gan mấp mé hạ sườn (P), nhọt da đầu vùng đỉnh (T). Kháng sinh lựa chọn đầu tiên cho trẻ này là gì?
      1. Cefotaxim + Gentamycin
      2. Oxacillin + Gentamycin
      3. Vancomycin + Cefotaxim
      4. Vancomycin + Oxacillin
    11. Em nữ, 28 tháng tuổi, đến khám vì ho. Bệnh 4 ngày: sốt, ho nhiều, uống thuốc tây tự mua ngoài tiệm không giảm ho. Tiền căn không ghi nhận bất thường. Khám: tỉnh, To=38,3oC, môi hồng, SpO2=97%, chi ấm mạch quay rõ 114 lần/phút, thở không co kéo 42 lần/phút, tim đều rõ, phổi ran nổ. Các cơ quan khác không ghi nhận bất thường. Chọn kháng sinh phù hợp nhất cho trẻ là gì?
      1. Azithromycin
      2. Amoxicillin
      3. Cefuroxime
      4. Cefixim
    12. Tác nhân gây viêm phổi cộng đồng thường gặp nhất trên trẻ >5 tuổi là gì?
      1. Mycoplasma pneumoniae
      2. Haemophillus influenzae
      3. Streptococcus pneumoniae
      4. Moraxella catarrhalis
    13. Yếu tố nào sau đây không phải là yếu tố thuận lợi của viêm phổi?
      1. Tiếp xúc khói thuốc lá
      2. Suy dinh dưỡng
      3. Môi trường sống đông đúc
      4. Không chủng ngừa cúm
    14. Một trẻ 23 tháng, nhập viện vì viêm phổi lần 5. Tiền căn vàng da nhân, chậm phát triển tâm thần vận động, chủng ngừa đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, sứt môi chẻ vòm chưa điều trị. Yếu tố nguy cơ gây viêm phổi tái phát trên bệnh nhi này là gì?
      1. Vàng da nhân
      2. Chậm phát triển tâm vận
      3. Chưa chủng ngừa phế cầu
      4. Sứt môi chẻ vòm
    15. Bệnh nhân nữ, 2,5 tháng bị viêm phổi không sốt kèm viêm kết mạc. Tiền căn sanh thường, đủ tháng, chủng ngừa đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng. Kết quả công thức máu có Eosinophil chiếm tỷ lệ 6%. Tác nhân vi sinh nghĩ nhiều nhất gây nhiễm trùng cho trẻ là gì?
      1. Chlamydia trachomatis
      2. Respiratory synctial virus
      3. Moraxella catarrhalis
      4. Adeno virus type 3
    16. Bé gái 10 tháng, đến khám vì ho. Bệnh 3 ngày: sốt nhẹ, ho, ọc sữa sau ho. Tiền căn không ghi nhận bất thường. Khám: tỉnh, To=38,3oC, môi hồng, SpO2=97%, chi ấm mạch quay rõ 130 lần/phút, thở không co lõm ngực 56 lần/phút, tim đều rõ, phổi ran nổ bên (P). Kháng sinh lựa chọn đầu tiên cho trẻ này là gì?
      1. Cefixim
      2. Amoxicillin
      3. Cefaclor
      4. Erythromycin
    17. Nam, 6 tuổi, đến khám vì sốt. Bệnh 8 ngày, sốt cao 38,7-39,3oC, ho ít, khám và điều trị tại phòng khám tư không giảm. Tiền căn không ghi nhận bất thường. Khám: tỉnh, 20 kg, To=38,7oC, môi hồng, SpO2=96%, chi ấm mạch quay rõ 110 lần/phút, thở không co kéo 42 lần/phút, tim đều rõ, phế âm giảm 1/3 dưới (T), amyđan hốc mủ. Chẩn đoán nghĩ nhiều nhất trên trẻ này là gì?
      1. Viêm phổi hoại tử
      2. Tràn mủ màng phổi
      3. Áp xe phổi
      4. Viêm xẹp phổi
    18. Em nữ, 8 tuổi, đến khám vì ho. Bệnh 3 ngày: sốt nhẹ, mệt, đau đầu, ho nhiều. Tiền căn không ghi nhận bất thường. Khám: tỉnh, To=38oC, môi hồng, SpO2=97%, chi ấm mạch quay rõ 94 lần/phút, thở không co kéo 32 lần/phút, tim đều rõ, phổi ít ran ngáy, ẩm. Các cơ quan khác không ghi nhận bất thường. Chọn kháng sinh phù hợp nhất cho trẻ là gì?
      1. Amoxicillin
      2. Azithromycin
      3. Cefuroxime
      4. Cefixim
    19. Trẻ nhũ nhi viêm phổi dễ có biến chứng xẹp phổi vì lý do nào sau đây?
      1. Lồng ngực dãn nở kém
      2. Đường dẫn khí nhỏ dễ tắc nghẽn
      3. Thông khí bàng hệ kém
      4. Số lượng phế nang it
    20. Đặc điểm X-quang ngực nào sau đây ít gặp trong viêm phổi do tụ cầu?
      1. Tổn thương mô kẽ phổi
      2. Tổn thương phổi tạo hang có mức khí dịch
      3. Tổn thương phổi có tạo bóng khí
      4. Tổn thương phổi kèm tràn dịch màng phổi

    Đáp án: 1C 2D 3D 4A 5A 6C 7D 8D 9A 10B

    11B 12C 13D 14D 15A 16B 17C 18B 19C 20A.

  • VIÊM HÔ HẤP TRÊN

    VIÊM HÔ HẤP TRÊN

    ThS. Cao Phạm Hà Giang

    MỤC TIÊU HỌC TẬP

    1. Phân biệt được bệnh lý viêm hô hấp trên do siêu vi và vi trùng.
    2. Chẩn đoán được và lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân cảm lạnh, viêm xoang cấp do vi trùng, viêm họng cấp – viêm amidan cấp do Streptococcus nhóm A, viêm thanh khí phế quản cấp, viêm thanh thiệt.
    3. Trình bày được các tác nhân gây bệnh viêm xoang cấp do vi trùng, viêm họng cấp – viêm amidan cấp, viêm thanh khí phế quản cấp, viêm thanh thiệt.
    4. Biết được biến chứng của viêm họng do Streptococcus nhóm A
    5. Trình bày được các triệu chứng điển hình trong viêm họng do EBV, adenovirus, coxsackie virus, herpes simplex virus, bạch hầu.
    6. Phân biệt được viêm họng cấp do Streptococcus nhóm A và viêm họng cấp do siêu vi.
    7. Nhận ra được một trường hợp tắc nghẽn hô hấp trên
    8. Phân độ khó thở do tắc nghẽn hô hấp trên
    9. Trình bày được hướng xử trí một trường hợp tắc nghẽn đường hô hấp trên nặng – hoàn toàn
    10. Chẩn đoán được độ nặng của một trường hợp viêm thanh khí phế quản cấp.
    11. Phân biệt được viêm thanh khí phế quản cấp với các bệnh lý gây tắc nghẽn hô hấp trên khác.

    NỘI DUNG

    Đường hô hấp trên là đường thở nằm ngoài lồng ngực, bao gồm: mũi, hầu họng, thanh quản và đoạn khí quản nằm ngoài lồng ngực [1][2][3][4].

    Viêm hô hấp trên là bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em và cũng là nguyên nhân hàng đầu đưa trẻ đến khám bệnh. Bệnh có thể thay đổi từ nhẹ, tự giới hạn đến tình trạng nguy kịch, diễn tiến nhanh, cần xử trí cấp cứu đặc hiệu.

    1. CẢM LẠNH

    Cảm lạnh là bệnh lý mắc phải do nhiễm siêu vi ở đường hô hấp trên gây ra tình trạng viêm ở mũi thường kèm theo viêm niêm mạc xoang (± viêm niêm mạc họng), bệnh tự giới hạn với các triệu chứng tại mũi (sổ mũi, nghẹt mũi) chiếm ưu thế [5][6][7].

    1.1. Dịch tễ [5][6]

    Đây là bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em. Trung bình, trẻ nhỏ mắc 6 – 8 đợt/năm, 10 – 15% mắc đến 12 đợt/năm. Tần suất bệnh giảm dần theo tuổi, chỉ còn 2 – 3 đợt/năm ở người trưởng thành. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, đi nhà trẻ là yếu tố nguy cơ.

    1.2. Triệu chứng lâm sàng [5][6][7]

    Bệnh giới hạn trong vòng 1 tuần, 10% trường hợp kéo dài đến 2 tuần. Hình 1.1 mô tả diễn tiến điển hình của một trường hợp cảm lạnh thông thường chưa có biến chứng BỘI NHIỄM: [8] (Biểu đồ 1.1)

    Độ nặng

    Triệu chứng hô hấp

    Sốt

    Ngày

    Biểu đồ 1.1: Diễn tiến sốt và triệu chứng hô hấp theo thời gian trong cảm lạnh

    • Sốt: sốt nhẹ hoặc không sốt, xuất hiện sớm từ ngày đầu tiên kèm theo triệu chứng toàn thân (nhức đầu, mỏi cơ), đau ngứa họng và hết trong vòng 48 giờ, sau đó các triệu chứng hô hấp bắt đầu chiếm ưu thế.
    • Triệu chứng tại mũi (sổ mũi, nghẹt mũi): xuất hiện từ ngày 2 – 3. Chất tiết mũi thay đổi trong quá trình bệnh. Sổ mũi vàng/xanh là do sự gia tăng số lượng bạch cầu đa nhân trong chất tiết mũi, không liên quan đến bội nhiễm vi khuẩn.
    • Ho: thường xuất hiện sau triệu chứng mũi và hết sau cùng.
    • Triệu chứng hô hấp rầm rộ nhất từ ngày 3 – 6, sau đó giảm dần và kết thúc trong vòng 10 – 14 ngày.

    Triệu chứng thực thể: niêm mạc mũi phù nề, đỏ. Có thể có họng đỏ, tuy nhiên amidan không sưng và không có mủ, họng không loét. Triệu chứng chỉ giới hạn ở đường hô hấp trên, không có triệu chứng ở thanh quản, khí quản hay đường hô hấp dưới.

    1.3. Chẩn đoán

    Chẩn đoán cảm lạnh là chẩn đoán lâm sàng. Cận lâm sàng không cần thiết. Quan trọng nhất là phát hiện biến chứng và phân biệt với các bệnh lý viêm hô hấp trên do vi trùng để quyết định kháng sinh hợp lý. Diễn tiến của bệnh là yếu tố quan trọng giúp phân biệt giữa viêm hô hấp trên do siêu vi và vi trùng (biểu đồ 1.1).

    1.4. Chẩn đoán phân biệt [5][6][9]

    Các chẩn đoán phân biệt thường gặp:

    • Viêm xoang do vi trùng, viêm họng/amidan do vi trùng, ho gà..
    • Viêm mũi dị ứng: ngứa mũi là triệu chứng nổi bật kèm theo hắt hơi, không sốt, khởi phát sau tiếp xúc dị ứng nguyên, tiền căn dị ứng bản thân và gia đình.

    1.5. Điều trị [5][10]

    Điều trị nâng đỡ có vai trò chủ yếu:

    • Cung cấp đủ dịch qua đường uống, cho trẻ ăn / uống thức ăn, đồ uống ấm
    • Nước muối sinh lý: nhỏ mũi (trẻ nhỏ), xịt, rửa mũi (trẻ lớn).
    • Mật ong (2,5 – 10ml): giảm ho đêm khá hiệu quả, không nên dùng cho trẻ < 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc.

    Khi triệu chứng không giảm với điều trị nâng đỡ mới cân nhắc đến dùng thuốc. Không sử dụng các thuốc ho (bao gồm antihistamin, chống sung huyết, thuốc ức chế ho như codein hay dextromethorphan) ở trẻ < 6 tuổi do hiệu quả không rõ ràng mà còn có thể gây tác dụng phụ.

    2. VIÊM XOANG CẤP

    Viêm xoang cấp khi bệnh kéo dài < 30 ngày. Có 2 nguyên nhân gây viêm xoang cấp thường gặp là nhiễm siêu vi và nhiễm vi trùng. Trong đó, viêm mũi xoang do siêu vi gặp trong bệnh cảm lạnh (đã trình bày trong mục 1). Trong mục 2 này chỉ đề cập đến viêm xoang cấp do vi trùng. Bệnh thường gặp, có thể xảy ra bất cứ tuổi nào, kể cả nhũ nhi, nhưng phổ biến nhất từ 4 – 7 tuổi, ít gặp < 2 tuổi.

    2.1. Tác nhân gây bệnh [11][12]

    Siêu vi: gây viêm xoang kèm viêm mũi gặp trong bệnh cảm lạnh.

    Vi trùng:

      • Streptococcus pneumoniae: chiếm 30% viêm xoang do vi trùng. Trong đó, 25% kháng penicillin, cần điều trị với amoxicillin liều cao.
      • Haemophilus influenzae không phân type: chiếm 20% viêm xoang do vi trùng. Trong đó, 50% trường hợp tiết ra men β-lactamase, không đáp ứng amoxicillin.
      • Moraxella catarrhalis: chiếm 20% viêm xoang do vi trùng. 100% trường hợp tiết ra men β-lactamase, không đáp ứng amoxicillin.

    2.2. Triệu chứng lâm sàng [8][11][12]

    Diễn tiến lâm sàng là yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán viêm xoang do vi khuẩn. Ba bệnh cảnh thường gặp là:

    • Kéo dài: các triệu chứng nghẹt mũi/sổ mũi (bất kể màu sắc, tính chất) hoặc ho ban ngày hoặc cả hai kéo dài ≥ 10 ngày nhưng < 30 ngày mà không cải thiện.
    • Triệu chứng nặng lúc khởi phát: ngay từ khi khởi phát bệnh đã có sốt ≥ 39oC kèm sổ mũi vàng/xanh ≥ 3 ngày liên tiếp.
    • Bệnh nặng lên (biểu hiện 2 pha) sau giai đoạn cải thiện trước đó (thường vào ngày 6 – 7) với:
    • Triệu chứng hô hấp nặng lên, hoặc
    • Xuất hiện thêm triệu chứng: sốt lại hoặc ho ban ngày hoặc sổ mũi vàng/xanh hoặc nhức đầu dữ dội

    Các triệu chứng ít gặp hơn: hơi thở hôi, giảm cảm nhận mùi, phù quanh hốc mắt. Ngoài ra, còn có thể có đau đầu, đau mặt, đau răng hàm trên tăng khi cúi về trước.

    Khám thấy niêm mạc mũi sung huyết, phù nề. Ấn đau vùng hàm trên (viêm xoang hàm) và trán (viêm xoang trán) có thể gặp ở trẻ vị thành niên, hiếm gặp. Soi xoang thấy dấu hiệu mờ xoang.

    2.3. Độ nặng

    Bảng 2.1: Bảng điểm đánh giá độ nặng của viêm xoang do vi trùng ở trẻ em (theo Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ – AAP)

    Triệu chứng Điểm
    Triệu chứng mũi

    • Ít
    • Nhiều
    1

    2

    Nghẹt mũi 1
    Ho 2
    Hơi thở hôi 1
    Đau mặt khi sờ 3
    Sốt

    • < 38,5oC
    • ≥ 38,5oC
    1

    2

    Nhức đầu (sau hốc mắt) / kích thích

    • Nặng
    • Nhẹ
    3

    1

    < 8 điểm: bệnh nhẹ/trung bình ≥ 8 điểm: bệnh nặng

    2.4. Cận lâm sàng [8][11][12][13]

    Xquang xoang (tư thế Blondeau – Hirzt), CTscan xoang, MRI xoang có hình ảnh: mờ xoang, dày niêm mạc ≥ 4mm hoặc mức khí – dịch.

    Xét nghiệm hình ảnh học chỉ cho thấy có hình ảnh viêm của xoang, không thể phân biệt nguyên nhân viêm xoang là do siêu vi, vi khuẩn hay dị ứng, nên không cần thiết trong chẩn đoán viêm xoang chưa biến chứng. Tuy nhiên, xét nghiệm hình ảnh học có giá trị tiên đoán âm cao trong chẩn đoán viêm xoang do vi khuẩn. Cần thiết trong chẩn đoán viêm xoang có biến chứng.

    2.5. Biến chứng [11][12][13]

    • Biến chứng nội sọ (nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương): cần tầm soát ngay khi có phù nhãn cầu/quanh nhãn cầu, nhức đầu/ói kéo dài hoặc nặng nề, thay đổi tri giác, dấu thần kinh khu trú, cổ cứng, dấu màng não, phù gai thị.
    • Biến chứng mắt thường liên quan đến viêm xoang sàng. Các dấu hiệu cần tầm soát ngay: phù nề và đỏ mi mắt và vùng quanh nhãn cầu, giảm thị lực, nhìn đôi, bất thường vận động nhãn cầu, lồi mắt và đau mắt.

    2.6. Chẩn đoán

    Chẩn đoán viêm xoang do vi khuẩn không biến chứng chủ yếu dựa vào lâm sàng, không dựa vào cận lâm sàng. Cần phân biệt viêm xoang do vi khuẩn với viêm xoang do siêu vi hoặc dị ứng. Diễn tiến của bệnh là yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán.

    2.7. Điều trị [11][13][14][15][16]

    Lựa chọn kháng sinh cần bao phủ được 3 vi khuẩn thường gặp.

    Tiếp cận điều trị theo lưu đồ 2.1.

    Nguy cơ mắc các chủng kháng thuốc [11][12][13]:

    • < 2 tuổi
    • Đi nhà trẻ
    • Đã điều trị kháng sinh trong vòng 1 tháng trước đó
    • Đã nằm viện trong vòng 5 ngày trước đó
    • Suy giảm miễn dịch
    • Chưa chủng ngừa

    Hình 3.1

    • Vùng dịch tễ phế cầu kháng penicillin

    Chỉ định nhập viện [15]:

    • Biểu hiện nhiễm độc: lừ đừ, tưới máu kém, suy tim phổi.
    • Có biến chứng hoặc nghi ngờ biến chứng
    • Thất bại điều trị ngoại trú

    Điều trị triệu chứng:

    Hình 3.2

    • Nước muối sinh lý tại chỗ: nhỏ/xịt/rửa mũi với

    nước muối sinh lý có thể làm loãng chất tiết giúp dẫn lưu xoang dễ dàng [chứng cứ 2C].

    • Thuốc chống sung huyết, antihistamin và corticosteroid xịt mũi: không khuyến cáo, chỉ dùng trong trường hợp có dị ứng kèm theo [chứng cứ 2B].

    3. VIÊM HỌNG CẤP – VIÊM AMIDAN CẤP

    3.1. Tác nhân gây bệnh [18]

    • Siêu vi: chiếm đa số
    • Vi khuẩn: Streptococcus group A (liên cầu tiêu huyết nhóm A, Streptococcus pyogenes, GAS) là tác nhân quan trọng nhất và cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số trường hợp viêm họng do vi khuẩn, chiếm 15 – 30%, < 2 – 3 tuổi ít gặp, thường gặp ở trẻ 5 – 15 tuổi. Viêm họng tăng lên vào mùa lạnh, thường vào mùa đông và xuân. Ở vùng khí hậu nhiệt đới, viêm họng do GAS xảy ra quanh năm. Yếu tố dịch tễ khá quan trọng, trẻ thường bị lây từ anh chị em ruột hoặc bạn học chung.

    3.2. Lâm sàng [17][18][19]

    Triệu chứng chính bao gồm: ho, đau họng và sốt.

    3.2.1. Viêm họng do siêu vi

    Ngoại trừ bệnh cảnh tăng đơn nhân nhiễm trùng, viêm họng do siêu vi thường nhẹ, diễn tiến từ từ và tự giới hạn. Phần lớn gây bệnh cảnh viêm họng không đặc hiệu. Chỉ một số siêu vi gây bệnh cảnh đặc biệt, giúp gợi ý tác nhân, bao gồm:

    3.2.1.1. Adenovirus: gây viêm họng kèm viêm kết mạc, thường liên quan đến hồ bơi.

    3.2.1.2. Herpes simplex virus: gây viêm họng/amidan kèm viêm nướu, viêm niêm mạc miệng, mụn nước ở họng trước và môi làm cho trẻ khó ăn uống, sốt cao.

    3.2.1.3. Enterovirus (thường gặp nhất là coxsackie A16): gây bệnh cảnh viêm loét miệng với sẩn mụn nước hoặc loét ở thành sau họng. Trẻ đau họng nhiều, thường sốt cao, nôn ói, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, chảy nước miếng và khó nuốt. Ngoài ra, có thể gây bệnh tay chân miệng với mụn nước, loét miệng ở khắp họng kèm hồng ban, mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Bệnh phổ biến vào mùa hè ở trẻ < 5 tuổi.

    3.2.1.4. Epstein Barr virus: gây viêm họng, amidan sưng to, xuất tiết, hoặc có màng giả, kèm hội chứng tăng đơn nhân nhiễm khuẩn bao gồm hạch cổ sau to, gan lách to, ban toàn thân, mệt mỏi nhiều, tăng lympho không điển hình, gặp ở trẻ ≥10 tuổi.

    3.2.2. Viêm họng do một số vi khuẩn không phải group A streptococcus

    3.2.2.1. Bạch hầu: gặp ở trẻ không được chủng ngừa. Triệu chứng gồm cổ bạnh, màng giả màu xám bám dính ở họng hoặc mũi (khi cố bóc ra sẽ gây chảy máu).

    3.2.2.2. F.tularensis: do sử dụng nguồn nước, sữa hoặc thịt chưa nấu chín bị nhiễm. Biểu hiện với đau họng nhiều, viêm amidan, viêm hạch cổ, loét miệng và màng giả.

    3.2.3. Viêm họng do group A streptococcus

    Lưu đồ 2.1: Lưu đồ tiếp cận điều trị viêm xoang cấp do vi khuẩn

    Tiếp tục thêm 7 ngày kể từ khi bệnh nhân hết triệu chứng

    Trẻ có biến chứng hoặc nghi ngờ biến chứng không?

    Nhập viện

    Không biến chứng

    Không dị ứng penicillin

    Dị ứng penicillin

    Bệnh nặng hoặc có nguy cơ bệnh nặng:

    1/ sốt ≥ 39oC, hoặc triệu chứng toàn thân hoặc SGMD

    2/ Độ nặng lâm sàng ≥ 8 điểm

    Bệnh nhẹ/trung bình:

    1/ sốt < 39oC và không có triệu chứng toàn thân và không SGMD

    2/ Độ nặng lâm sàng < 8 điểm

    Có dị ứng cephalosporin hoặc dị ứng nặng với penicillin (phản ứng phản vệ) không ?

    Có nguy cơ kháng thuốc không ?

    Amox/clav liều cao

    Amox/clav liều thấp

    Levoflo–xacin

    Cefpodoxime hoặc cefdinir

    Triệu chứng có cải thiện sau 48-72 giờ?

    Tiếp tục đủ 10 – 14 ngày

    Thêm KS để tăng phổ kháng khuẩn hoặc đổi KS nhóm khác

    Triệu chứng có cải thiện sau 48-72 giờ?

    Nhập viện KS tĩnh mạch và làm thêm xét nghiệm hình ảnh học đề tìm biến chứng, hội chẩn chuyên khoa, cấy dịch hút xoang

    Amoxicillin-clavulanate liều cao: 90mg/kg/ngày (tính theo liều amoxicillin) chia 2 lần (tối đa 4g/ngày)

    Amoxicillin-clavulanate liều thấp: 45mg/kg/ngày (tính theo liều amoxicillin) chia 2 lần (tối đa 1,75g/ngày)

    Levofloxacin: 10-20 mg/kg/ngày 1 lần/ngày hoặc chia 2 lần/ngày (tối đa 500 mg/ngày)

    Cefpodoxime: 10 mg/kg/ngày chia 2 lần/ngày (tối đa 400 mg/ngày)

    Cefdinir 14 mg/kg/ngày chia 1-2 lần/ngày (tối đa 600 mg/ngày)

    Ceftriaxone 50 mg/kg/ngày TM (tối đa 2g/ngày) 1-3 ngày, sau đó đổi thành kháng sinh uống thích hợp

    Không

    Không

    Không

    Không

    Không

    Bệnh khởi phát rất nhanh với đau họng rõ và sốt. Nhức đầu, đau bụng và ói rất thường gặp. Khám thấy: họng đỏ, amidan to bao phủ bởi chất tiết vàng hoặc xám hoặc trắng, có lẫn tia máu (hình 3.1), xuất huyết điểm trên khẩu cái mềm và thành sau họng (hình 3.2), lưỡi gà sưng đỏ, lưỡi dâu, hạch cổ trước to, đau, phát ban “dạng tinh hồng nhiệt” (scarlatiniform rash) có dạng sẩn mịn đỏ sờ vào như giấy nhám, ban đầu ở mặt sau đó lan rộng, có thể kèm triệu chứng “vòng tròn nhạt quanh môi” (circumoral pallor). Ban mất đi khi ấn, đậm màu hơn ở các nếp gấp gây ra dấu hiệu Pastia’s sign. Đỏ da nhạt dần sau vài ngày và khi hết bong vẩy như cháy nắng nhẹ [18].

    Tiêu chảy, ho, chảy mũi, loét miệng, viêm kết mạc không gặp trong viêm họng do GAS.

    Trẻ < 3 tuổi: triệu chứng không điển hình với sổ mũi chiếm ưu thế kèm sốt nhẹ và hạch cổ trước đau.

    3.3. Cận lâm sàng [17][18][19][20]

    • Test nhanh tìm kháng nguyên GAS (Rapid antigen – detection test – RADT): cho kết quả ngay với độ đặc hiệu ≥ 95%, độ nhạy thay đổi 59 – 96%. Độ đặc hiệu cao nên khi test dương tính, khả năng nhiễm GAS là chính xác, không cần làm thêm xét nghiệm cấy. Tuy nhiên, độ nhạy lại thấp hơn xét nghiệm cấy, cần kiểm tra bằng xét nghiệm cấy khi test nhanh âm tính.
    • Cấy phết họng: là tiêu chuẩn vàng, độ nhạy 90 – 95%, nhưng kết quả chỉ có sau 48 giờ. Do GAS có thể gây biến chứng ở trẻ em nên cấy cần thực hiện khi RADT âm tính để tránh bỏ sót bệnh.
    • Xét nghiệm phân tử (PCR): độ nhạy ≥ 97%, độ đặc hiệu > 93%, kết quả có trong thời gian ngắn, nhưng mắc tiền và cần nhiều trang bị kĩ thuật nên chưa được phổ biến.
    • Xét nghiệm công thức máu, CRP, VS không giúp phân biệt viêm họng do GAS và các vi khuẩn khác. Lympho không điển hình tăng cao trong hội chứng tăng đơn nhân nhiễm khuẩn.

    3.4. Biến chứng

    3.4.1. Viêm họng do group A streptococcus

    • Nhiễm trùng tại chỗ: áp-xe cạnh hầu họng, áp-xe thành sau họng
    • Không nhiễm trùng: sốt thấp cấp, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng

    3.4.2. Viêm họng do siêu vi

    • Viêm tai giữa do vi trùng
    • Viêm xoang do vi trùng

    3.5. Chẩn đoán

    3.5.1. Phân biệt viêm họng do GAS với viêm họng do siêu vi

    Bảng 3.1: Phân biệt viêm họng do GAS và viêm họng do siêu vi (theo IDSA) [20]

    Viêm họng do group A Streptococcus Viêm họng do siêu vi
    Khởi phát đau họng đột ngột Viêm kết mạc
    5 – 15 tuổi Sổ mũi
    Sốt Ho
    Nhức đầu Tiêu chảy
    Buồn nôn, nôn Khàn tiếng
    Đau bụng Loét miệng rải rác
    Viêm họng – amidan Phát ban do siêu vi
    Amidan xuất tiết (thường dạng mảng)
    Xuất huyết điểm khẩu cái
    Viêm hạch cổ trước, đau
    Bệnh vào mùa xuân và đầu đông
    Tiếp xúc với người bị viêm họng do GAS
    Phát ban dạng tinh hồng nhiệt

    3.5.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán

    Chẩn đoán viêm họng do GAS khi có kết quả xét nghiệm vi sinh (RADT, cấy) dương tính ở bệnh nhân có triệu chứng viêm họng do GAS và không có triệu chứng nhiễm siêu vi. Cần phối hợp lâm sàng và xét nghiệm trong chẩn đoán viêm họng do GAS vì 5 – 21% trẻ 3 – 15 tuổi là người lành mang trùng [19].

    Ở trẻ < 3 tuổi, bệnh cảnh viêm họng do GAS không điển hình, do đó chỉ định xét nghiệm vi sinh khi trẻ có sổ mũi, hạch cổ trước to đau, sốt nhẹ < 38.3oC và có tiếp xúc với người viêm họng do GAS.

    Không làm xét nghiệm tìm GAS ở bệnh nhân sau [20]:

    • Viêm họng cấp có triệu chứng và dịch tễ gợi ý nhiều đến tác nhân siêu vi (theo bảng 3.1).
    • Trẻ < 3 tuổi, trừ trường hợp có yếu tố nguy cơ, ví dụ có anh chị em ruột bị nhiễm GAS hoặc có tiếp xúc thân mật với người nhiễm GAS.
    • Điểm Centor < 2 điểm

    Bảng 3.2: Bảng điểm Centor hiệu chỉnh (McIsaac) [17]

    Trẻ có đau họng Kết quả
    Dấu hiệu Điểm Tổng điểm Tỷ lệ viêm họng do GAS
    Sốt > 38oC 1 ≥ 4

    3

    2

    1

    0

    67,8%

    27,5%

    20,5%

    5 – 10%

    1 – 2,5%

    Hạch cổ trước to, đau 1
    Amidan sưng to hoặc xuất tiết 1
    Tuổi: 3 – 14 tuổi 1
    Không ho 1

    3.6. Điều trị [16][17][18][20][21]

    3.6.1. Kháng sinh trong viêm họng do GAS

    Chỉ định kháng sinh khi viêm họng cấp có triệu chứng và có RADT hoặc cấy dương tính (chứng cứ 1A). Không khuyến cáo điều trị kháng sinh mà không có xét nghiệm vi sinh. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm không sẵn có, có thể chỉ định kháng sinh trong các trường hợp nghi ngờ cao (theo bảng 3.1, có tiếp xúc với người nhiễm GAS, điểm Centor ≥ 4…).

    • Kháng sinh ưu tiên: Penicillin có phổ kháng khuẩn hẹp nhất, rẻ và ít tác dụng phụ, nhưng amoxicillin lại được ưa dùng hơn ở trẻ em do mùi vị dễ uống, nhiều dạng sử dụng và chỉ cần uống 1 lần/ngày.
    • Amoxicillin: 50 mg/kg/ngày 1 lần/ngày (tối đa 1000mg) hoặc 50 – 75 mg/kg/ngày chia 2 – 3 lần/ngày, uống 10 ngày [16][17][18].
    • Penicillin V: 50 – 75 mg/kg/ngày chia 2 – 3 lần, uống 10 ngày [16][17].
    • Benzathine penicillin G: 600.000 unit khi trẻ < 27 kg, 1.200.000 unit khi trẻ ≥ 27kg, tiêm bắp 1 liều duy nhất.
    • Dị ứng với penicillin với phản ứng chậm, không nặng: cephalexin.
    • Dị ứng với penicillin với phản ứng phản vệ tức thời: macrolide hoặc clindamycin.

    3.6.2.Viêm họng do siêu vi

    Chỉ điều trị triệu chứng, trừ trường hợp viêm họng do Herpes cần điều trị sớm với acyclovir.

    3.6.3.Cắt amidan

    Có thể giảm tần suất viêm họng trong 1 – 2 năm. Tần suất viêm họng giảm dần theo tuổi. Sau 2 năm cắt amidan, tần suất mắc viêm họng ở trẻ cắt amidan cũng tương đương trẻ không cắt. Do đó, chỉ định cắt amidan cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của gây mê và phẫu thuật. Chỉ định khi: viêm họng tái phát ≥ 7 lần/năm hoặc ≥ 5 lần/năm trong 2 năm liên tiếp, ≥ 3 lần/năm trong 3 năm liên tiếp.

    4. KHÓ THỞ DO TẮC NGHẼN HÔ HẤP TRÊN

    4.1. Lâm sàng

    Tắc nghẽn hô hấp trên là tắc nghẽn đường thở ngoài lồng ngực (từ mũi đến đoạn giữa khí quản), khó thở biểu hiện qua các đặc điểm sau [1][2][23]:

    • Thở rít
    • Thì hít vào kéo dài hơn thì thở ra.
    • Co kéo các cơ hô hấp tham gia thì hít vào: phập phồng cánh mũi, co lõm hõm trên ức, hõm thượng đòn, đầu gật gù theo nhịp thở, co lõm ngực, co kéo gian sườn.
    • Thở chậm, sâu hơn bình thường.

    Tiếp cận một trường hợp có tắc nghẽn hô hấp trên cần nhanh chóng nhận định bệnh nhân có đang trong tình trạng tắc nghẽn nặng hay không, cũng như loại trừ các nguyên nhân tắc nghẽn hô hấp trên cần can thiệp đặc biệt (ví dụ: viêm thanh thiệt, dị vật đường thở…) nhằm có hướng xử trí kịp thời, tránh các can thiệp làm nặng hơn tình trạng tắc nghẽn của bệnh nhân. Việc hỏi kĩ bệnh sử, thăm khám chỉ thực hiện sau khi tình trạng hô hấp đảm bảo.

    4.2. Phân độ tắc nghẽn [23]

    4.2.1. Nhẹ: vẫn thông khí tốt

    • Thở rít thì hít vào, chỉ nghe được khi gắng sức (vd: khóc, quấy), không nghe được khi nghỉ.
    • Không co kéo cơ hô hấp phụ, không co lõm ngực hoặc nếu có chỉ ở mức độ nhẹ.
    • Trẻ vẫn nói được, khóc được dù khàn tiếng.
    • Tri giác: vẫn chơi, linh hoạt

    4.2.2. Trung bình: giảm lưu lượng khí hít vào

    • Thở rít nghe được ngay cả lúc nghỉ, trong thì hít vào và có thể cả ở thì thở ra.
    • Kéo dài thời gian hít vào.
      • Co kéo các cơ hô hấp tham gia hít, co lõm ngực vào mức độ trung bình.
      • Tri giác: vẫn tỉnh táo

    4.2.3. Nặng – hoàn toàn: giảm lưu lượng khí hít vào nặng hoặc hoàn toàn không có khí hít vào

    • Thay đổi tri giác: hốt hoảng 🡪 bứt rứt 🡪 lơ mơ, hôn mê 🡪 ngưng tim ngưng thở.
    • Trẻ có động tác nấc hoặc ho không ra tiếng do cố gắng loại bỏ tắc nghẽn.
    • Trẻ không chịu nằm, ngồi tư thế “ngửi hoa” hoặc “kiềng 3 chân” (ngồi nghiêng người về phía trước, cằm ngửa, miệng thở, tay nâng đỡ thân mình).
    • Co kéo nặng: co kéo hõm trên ức/hõm thượng đòn nặng, phập phồng cánh mũi, co lõm ngực nặng, thở rên 🡪 lồng ngực không di động
    • Giảm oxy máu: SpO2 < 91%, môi tái/tím: giai đoạn trễ.

    4.3. Xử trí tắc nghẽn đường hô hấp trên nặng – hoàn toàn [23]

    Tắc nghẽn đường hô hấp trên nặng nếu không được xử trí kịp thời và thích hợp sẽ tiến triển rất nhanh đến tắc nghẽn hoàn toàn và ngưng thở.

    Xử trí theo lưu đồ sau:

    Không

    Tắc nghẽn hô hấp trên nặng – hoàn toàn

    Có nghi ngờ dị vật đường thở không ?

    Xử trí theo phác đồ dị vật đường thở.

    Thở oxy qua mask có túi dự trữ FiO2 100%

    Chuẩn bị sẵn dụng cụ đặt nội khí quản

    Hội chẩn ngay chuyên khoa Tai Mũi Họng

    SpO2 > 85 – 90% VÀ ổn định

    Chuẩn bị đặt nội khí quản trong phòng mổ bởi bác sĩ gây mê có kinh nghiệm và cần có bác sĩ Tai mũi họng để thực hiện nội soi phế quản hoặc mở khí quản nếu cần.

    Tiến hành đặt nội khí quản ngay tại chỗ bởi bác sĩ lâm sàng có kinh nghiệm nhất có thể và phải có thêm một bác sĩ hỗ trợ.

    Hội chẩn ngay với bác sĩ Tai Mũi Họng để chuẩn bị mở khí quản ngay nếu đặt nội khí quản thất bại.

    Không

    Sơ đồ 4.1: Lưu đồ xử trí tắc nghẽn đường hô hấp trên nặng – hoàn toàn

    5. VIÊM THANH KHÍ PHẾ QUẢN CẤP

    Viêm ở thanh quản ở trẻ em thường không chỉ giới hạn ở thanh quản mà ảnh hưởng đến cả đường dẫn khí bên dưới. Tùy vị trí viêm sẽ có chẩn đoán là viêm thanh quản cấp, viêm thanh khí quản cấp hay viêm thanh khí phế quản cấp [2][22][24][25].

    5.1. Dịch tễ [2][22]

    Viêm thanh khí phế quản cấp là bệnh gây tắc nghẽn đường hô hấp trên thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Bệnh phổ biến ở trẻ từ 6 tháng – 3 tuổi, đỉnh cao là 18 – 24 tháng, ít gặp ở trẻ > 6 tuổi. Bệnh phổ biến vào mùa lạnh thường nặng lên trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 4 giờ sáng.

    5.2. Tác nhân gây bệnh [2][22]

    Siêu vi là tác nhân gây bệnh chủ yếu. Trong đó, parainfluenza virus chiếm đến 75%.

    5.3. Lâm sàng [2][22][24]

    5.3.1. Triệu chứng cơ năng

    Khởi phát bệnh với triệu chứng nhiễm siêu vi hô hấp trên bao gồm sổ mũi, ho ít và sốt nhẹ hoặc không sốt từ 1 – 3 ngày (thường từ 12 – 48 giờ) trước khi triệu chứng tắc nghẽn hô hấp rõ rệt.

    Triệu chứng viêm thanh quản điển hình với: ho “ông ổng”, khàn tiếng, thở rít.

    Phần lớn sốt nhẹ, đôi khi có sốt cao ≥ 39oC, một số trẻ không sốt. Chảy nước miếng và đau họng: < 10%. Triệu chứng thường nặng lên về đêm.

    Bệnh kéo dài khoảng 5 – 7 ngày.

    5.3.2. Triệu chứng thực thể

    Trong lúc thăm khám, cần giữ cho trẻ dễ chịu nhất có thể, tránh làm cho trẻ khóc, sợ hãi càng làm tăng tình trạng tắc nghẽn.

    Mục đích thăm khám cần nhanh chóng đánh giá mức độ khó thở của bệnh nhân. SpO2: nên được theo dõi trong những trường hợp nặng; cần chú ý rằng SpO2 không giảm cho đến giai đoạn trễ của bệnh.

    Cần đánh giá tình trạng mất nước: viêm thanh quản cấp trung bình – nặng làm trẻ không uống được, sốt và thở nhanh cũng làm tăng mất nước. Khò khè: khi có ảnh hưởng đường hô hấp dưới trong bệnh cảnh viêm thanh khí phế quản cấp.

    5.4. Cận lâm sàng [2][22]

    Viêm thanh khí phế quản cấp là chẩn đoán lâm sàng. Cận lâm sàng không có vai trò trong tiếp cận bệnh lý tắc nghẽn hô hấp trên.

    Xquang cổ thẳng: hình ảnh tháp chuông nhà thờ (steeple sign) hoặc hẹp vùng hạ thanh môn. Hình ảnh này có thể hiện diện ở cả bệnh nhân không bị viêm thanh quản cấp. Mức độ hẹp trên Xquang không phản ảnh độ hẹp trên lâm sàng. Bên cạnh đó, động tác ngửa cổ để chụp Xquang có thể gây tắc nghẽn đột ngột dẫn đến tử vong. Xquang chỉ cân nhắc trong những trường hợp hô hấp được đảm bảo và lâm sàng không điển hình cho viêm thanh khí phế quản cấp hoặc không đáp ứng với các can thiệp thông thường.

    Bạch cầu thường không tăng.

    5.5. Độ nặng [24]

    Bảng 5.1: Thang điểm Westley đánh giá độ nặng viêm thanh khí phế quản

    Hình 5.1: Xquang cổ thẳng với hình ảnh “tháp chuông nhà thờ” (Nguồn: http://gamuts. isradiology.org/data/images/ID3447.htm)

    Đặc điểm Mức độ Điểm
    Tri giác Bình thường 0
    Rối loạn tri giác 5
    Tím Không 0
    Khi quấy 4
    Lúc nghỉ 5
    Thở rít Không 0
    Khi quấy 1
    Lúc nghỉ 2
    Thông khí Bình thường 0
    Giảm 1
    Giảm nặng 2
    Co kéo Không 0
    Nhẹ 1
    Trung bình 2
    Nặng 3
    điểm Westley ≤ 2: nhẹ

    điểm Westley 3 – 7: trung bình

    điểm Westley 8 – 11: nặng

    điểm Westley ≥ 12: suy hô hấp tiến triển

    Image result for steeple sign5.6. Biến chứng và tiên lượng [2][22][25]

    Hình 5.1: Xquang cổ thẳng với hình ảnh “tháp chuông nhà thở” (Nguồn:http://gamuts. isradiology.org/data/images/ID3447.htm)

    Tiên lượng tốt, chỉ 5% cần nhập viện. 15% viêm thanh khí phế quản cấp có biến chứng: viêm phổi, viêm khí quản do vi trùng

    5.7. Chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt [2][22][24]

    5.7.1. Chẩn đoán

    Chẩn đoán dựa trên lâm sàng, không dựa vào cận lâm sàng, Đồng thời loại trừ các nguyên nhân tắc nghẽn hô hấp trên cần điều trị và can thiệp đặc hiệu. Phải chẩn đoán được:

    • Độ nặng của bệnh
    • Biến chứng (nếu có)
    • Các yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng: bệnh nền (bệnh lý thần kinh cơ, loạn sản phồi, bất thường đường thở, bệnh lý tim mạch..)

    5.7.2. Chẩn đoán phân biệt

    5.7.2.1. Các nguyên nhân gây tắc nghẽn hô hấp trên cấp tính [2]

    Bảng 5.1: Các nguyên nhân gây tắc nghẽn hô hấp trên cấp tính

    Nhiễm trùng Không nhiễm trùng
    Viêm thanh thiệt

    Viêm khí quản do vi trùng

    Bạch hầu

    Áp xe thành sau họng

    Áp xe cạnh amidan

    Hội chứng tăng đơn nhân nhiễm trùng

    Dị vật đường thở

    Chấn thương

    Bỏng chất ăn mòn

    Viêm thanh quản co thắt

    Phù mạch

    Hạ canxi máu (thường do suy cận giáp)

    5.7.2.2. Phân biệt viêm thanh khí phế quản cấp với các nguyên nhân gây tắc nghẽn hô hấp trên không do nhiễm trùng [2][22]

    • Dị vật đường thở
    • Viêm thanh quản co thắt: triệu chứng tương tự như viêm thanh quản cấp do siêu vi, nhưng tuổi mắc bệnh thường lớn hơn. Không khởi phát với triệu chứng nhiễm siêu vi và không sốt trong suốt quá trình bệnh. Có thể có tiền căn dị ứng bản thân và gia đình. Bệnh tái phát nhiều lần. Các đợt bệnh thường đột ngột, về đêm và cải thiện nhanh chóng. Điều trị cần dựa vào độ nặng, cũng gần tương tự như viêm thanh quản cấp do siêu vi.
    • Bất thường cấu trúc đường hô hấp trên (màng chắn thanh quản, mềm sụn thanh quản, liệt dây thanh, hẹp hạ thanh môn, bướu máu hạ thanh môn, ú nhú thanh quản): gây bệnh cảnh mạn tính. Tuy nhiên, có những bất thường cấu trúc chỉ gây hẹp nhẹ không có biểu hiện triệu chứng trước đó, thở rít chỉ xuất hiện khi trẻ mắc thêm các bệnh lý viêm hô hấp trên khác (cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang…) nên có thể gây chẩn đoán lầm với với các nguyên nhân thở rít cấp tính.

    5.7.2.3. Phân biệt viêm thanh khí phế quản cấp với các nguyên nhân gây tắc nghẽn hô hấp trên do nhiễm trùng khác

    Bảng 5.2: Phân biệt viêm thanh khí phế quản cấp với các nguyên nhân gây tắc nghẽn hô hấp trên do nhiễm trùng khác [2]

    Đặc điểm VTKPQ Viêm thanh thiệt Viêm khí quản do vi trùng Bạch hầu Áp-xe thành sau họng
    Tác nhân Parainfluenza Adenovirus

    RSV

    H.influenzae

    Streptococcus

    S.aureus

    M.catarrhalis

    H.influenzae

    Corynebacterim diptheria S.aureus

    M.catarrhalis

    H.influenzae

    Kị khí

    Tuổi 6 tháng – 4 tuổi (đỉnh 12–24 tháng) 2 – 7 tuổi 6 tháng – 8 tuổi Mọi tuổi < 6 tuổi
    Tần suất Thường gặp Hiếm Hiếm Hiếm nếu được chủng ngừa Không thường gặp
    Khởi phát Từ từ, thường sau nhiễm siêu vi hô hấp trên Nhanh Từ từ, nhưng nặng đột ngột Nhẹ Dần dần
    Vị trí Dưới dây thanh âm Thượng thanh môn Khí quản Amidan, họng, thanh quản, mũi Khoảng thành sau họng
    Triệu chứng Sốt nhẹ

    Không nhiễm độc

    Ho ông ổng (++)

    Thở rít

    Khàn tiếng

    Kích thích

    Sốt cao

    Đau họng nhiều

    Ho ít

    Nhiễm độc

    Thở rít nhẹ

    Chảy nước bọt (++)

    Khó nuốt

    Nghẹt tiếng

    Tư thế “kiềng 3 chân”

    Sốt cao

    Nhiễm độc

    Ho lanh lảnh (++)

    Thở rít

    Khàn giọng

    Đau cổ

    Sặc

    Sốt

    Nhiễm độc

    Thở rít

    Đau họng

    Hơi thở hôi

    Hạch cổ

    Cổ bạnh

    Sốt

    Đau họng

    Đau cổ, cổ cứng

    Khó nuốt

    Chảy nước miếng

    Sưng thành sau họng

    Nội soi thanh quản Niêm mạc đỏ rực

    Phù nề hạ thanh môn

    Thanh thiệt

    phù nề, đỏ dâu/tái

    Phù nề nếp gấp thanh môn

    Niêm mạc đỏ rực, loét

    Mủ đặc, nhiều

    Phù nề hạ thanh môn. Thanh thiệt bình thường

    Màng giả dính, xám ở họng

    5.8. Điều trị [2][22][25][26]

    5.8.1. Điều trị nâng đỡ

    Cung cấp đủ dịch đường uống. Trong trường hợp trẻ không uống được, cần thiết lập đường truyền tĩnh mạch. Giảm đau, hạ sốt.

    Tránh kích thích: Cho thân nhân bế và trấn an trẻ, hạn chế thăm khám và can thiệp không cần thiết vì có thể làm tăng tình trạng tắc nghẽn, đặc biệt ở những trường hợp nặng.

    5.8.2. Hít không khí ẩm: Hiệu quả không rõ ràng.

    5.8.3. Corticosteroid

    Điều trị đặc hiệu cho viêm thanh khí phế quản cấp. Hiệu quả đạt được trong vòng 6 giờ và kéo dài. Chỉ định trong mọi trường hợp viêm thanh khí phế quản cấp từ nhẹ 🡪 nặng.

    Lựa chọn đầu tiên: Dexamethasone 0.15 – 0.6 mg/kg/liều (tối đa 16mg/ngày), 1 liều duy nhất. Liều thứ 2 có thể cân nhắc khi triệu chứng vẫn còn sau 24 giờ. Chống chỉ định: đang bị thủy đậu hoặc lao chưa điều trị. Thay thế: prednisolone 1mg/kg/liều [2] hoặc 2 mg/kg/ngày chia 2 – 3 lần [25].

    5.8.4. Khí dung Epinephrine (Adrenaline)

    Chỉ định trong viêm thanh quản cấp mức độ trung bình trở lên. Cải thiện triệu chứng nhanh sau 10 – 30 phút, tuy nhiên hiệu quả không kéo dài quá 2 giờ, vì vậy có thể gây ra hiện tượng rebound khi ngưng thuốc.

    Lựa chọn:

    • Racemic epinephrine 2,25%: 0,25 – 0,5 ml pha thêm nước muối sinh lý đủ 3ml.
    • Adrenaline 1/1000: 0,4 – 0,5 ml/kg/lần (tối đa 5ml/lần), không pha loãng.

    Có thể lặp lại nếu triệu chứng chưa cải thiện. Khi lặp lại thường xuyên > mỗi 1 – 2 giờ cần nhập ICU theo dõi [26]. Trong những trường hợp nặng, có thể lặp lại mỗi 20 phút, tuy nhiên không kéo dài quá 1 – 2 giờ [25].

    5.8.5. Hỗ trợ hô hấp trong viêm thanh khí phế quản cấp nặng

    5.8.5.1. Thở oxy: chỉ định thở oxy cho viêm thanh khí phế quản cấp nặng ngay cả khi chưa có giảm oxy máu vì giúp giảm công thở cho bệnh nhân (thường chỉ định khi SpO2 < 94%). Cần theo dõi sát tri giác và mức độ thở gắng sức trên những bệnh nhân thở oxy, vì SpO2 trên những bệnh nhân này vẫn bình thường cho đến khi tắc nghẽn hoàn toàn xảy ra, làm chậm trễ xử trí.

    5.8.5.2. Thở heliox (70 – 80% helium với 20 – 30% oxy): hiệu quả chưa rõ ràng, có thể cân nhắc trong những trường hợp nặng.

    5.8.5.3. Đặt nội khí quản: trong những trường hợp nặng không đáp ứng điều trị hoặc quá nặng ngay từ lúc nhập viện cần hỗ trợ hô hấp ngay. Cần được thực hiện bởi người có nhiều kinh nghiệm đặt nội khí quản. Ống nội khí quản cần nhỏ hơn 1 size so với bình thường. Cần chuẩn bị sẵn sàng cho mở khí quản tại thời điểm đặt nội khí quản để thực hiện ngay nếu đặt nội khí quản thất bại.

    5.8.6. Chỉ định nhập viện [26]

    • Viêm thanh khí phế quản cấp nặng
    • Viêm thanh khí phế quản cấp trung bình không đáp ứng với phun khí dung adrenalin và corticoid (bệnh nhân cần được theo dõi trong 3 – 4 giờ tại phòng lưu để đánh giá đáp ứng).
    • Cần thở oxy
    • Vẻ mặt nhiễm độc hoặc lâm sàng nghi ngờ bội nhiễm
    • Không uống được
    • Mất nước nặng
    • Người thân không biết hoặc không thể theo dõi
    • Một số yếu tố cần cân nhắc: tuổi nhỏ < 6 tháng, tái phát trong vòng 24 giờ, các yếu tố ảnh hưởng đến việc tái khám (nhà xa, thời tiết …)

    6. VIÊM THANH THIỆT [2][27]

    Haemophilus influenzae type b (HiB) từng là nguyên nhân chủ yếu. Sau khi vắc xin được phổ cập rộng rãi, bệnh lan tỏa do HiB giảm đến 99%. Ở trẻ đã được tiêm chủng, tác nhân gây bệnh thường gặp bao gồm GAS, S. pneumoniae, H. influenzae không phân type và S. aureus… Viêm thanh thiệt do HiB thường gặp ở trẻ từ 2 – 7 tuổi.

    6.1. Lâm sàng

    Viêm thanh thiệt do HiB là bệnh tối cấp gây tử vong chỉ trong vài giờ. Đây là cấp cứu nội khoa. Ngày nay, viêm thanh thiệt giảm đáng kể nhưng vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn, việc thiếu cảnh giác cũng như không có kinh nghiệm trong việc nhận ra bệnh cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân.

    Bệnh cảnh cấp tính với sốt cao, đau họng dữ dội, thở rít. Ho “ông ổng” như trong viêm thanh quản ít gặp. Triệu chứng tiến triển rất nhanh. Trong vòng vài giờ, trẻ có biểu hiện nhiễm độc, tắc nghẽn hô hấp trên nặng. Tri giác: lo lắng, hốt hoảng. Không nuốt được, chảy nước miếng là triệu chứng phổ biến (gặp trong 80% viêm thanh thiệt trong khi chỉ 10% viêm thanh quản có triệu chứng này). Trẻ không chịu nằm. Ngồi với tư thế “kiềng 3 chân” (ngồi thẳng, cằm ngửa, cúi người ra trước, miệng thở, tay nâng đỡ thân mình) hoặc tư thế “ngửi hoa”. Nghẹt tiếng do đau và phù nề mô mềm. Thở rít tăng dần và khi nghe rõ (hoặc mất hoàn toàn) là biểu hiện tắc nghẽn gần như hoàn toàn.

    Tắc nghẽn hoàn toàn gây tử vong có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước. Nhiễm Hib lan toả đến cơ quan khác gặp trong 50% trường hợp, bao gồm viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi và viêm mô tế bào.

    6.2. Xử trí

    Ưu tiên đầu tiên là giữ cho trẻ ở trạng thái thoải mái nhất, hạn chế tối đa mọi kích thích. Thăm khám, sử dụng que đè lưỡi và lấy vein cần trì hoãn cho đến khi thực hiện xong việc đặt nội khí quản. Cần chuyển đến theo dõi sát tại ICU hoặc phòng mổ và để thân nhân ở bên cạnh trấn an trẻ. Trẻ cần được thở oxy ngay cả khi mặt nạ được giữ cách xa mặt trẻ (để tránh làm trẻ khó chịu). Đặt nội khí quản chủ động được chỉ định ở tất cả bệnh nhân bất kể mức độ suy hô hấp. Cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và có chuẩn bị sẵn sàng để mở khí quản trong trường hợp đặt nội khí quản thất bại. Khi đường thở đã ổn định, có thể tiến hành lấy vein để điều trị kháng sinh tĩnh mạch và thực hiện xét nghiệm.

    Xét nghiệm: bạch cầu máu tăng cao, cấy máu dương tính trong 70% trường hợp. Cần cấy chất tiết từ vùng thượng thanh môn. Xquang cổ nghiêng: có hình ảnh “ngón tay cái” (thumb sign). Tuy nhiên, không nên chỉ định để chẩn đoán viêm thanh thiệt vì tư thế ngửa cổ để chụp Xquang có thể gây ngưng thở hoàn toàn.

    Kháng sinh cần bao phủ được HiB và Streptococcus. Thường sử dụng cephalosporin thế hệ 3 (cefotaxim hoặc ceftriaxone), thời gian điều trị 7 – 10 ngày.

    Corticoid và adrenalin phun khí dung không có hiệu quả.

    * Các hình ảnh minh họa được cung cấp trong powerpoint bài Viêm hô hấp trên.

    CÂU HỎI TỰ LƯỢNG GIÁ

    1/ Bệnh lý nào KHÔNG phải bệnh lý thuộc đường hô hấp trên?

    1. Viêm amidan
    2. Hẹp 1/3 dưới khí quản
    3. Mềm sụn thanh quản
    4. Phù mạch

    2/ Bé gái 14 tháng tuổi. Bệnh 2 ngày với sốt 38,3oC, sổ mũi, ho ít, bú kém. Khám: bé tỉnh, môi hồng, nhiệt độ 37,4oC, nhịp thở 36 lần/phút. Thở không co lõm, không thở rít, phổi không ran. Họng hơi đỏ, amidan không to. Chẩn đoán nào là phù hợp nhất?

    1. Cảm lạnh
    2. Viêm họng cấp do Mycoplasma pneumonia
    3. Viêm xoang cấp do vi trùng
    4. Chưa thể kết luận được, cần làm thêm xét nghiệm

    3/ Phát biểu nào sau đây là đúng về tác nhân gây viêm xoang cấp do vi trùng?

    1. Phế cầu chiếm 30%, trong đó 50% kháng penicillin
    2. H. influenzae không phân type chiếm 20%, trong đó 100% tiết men β-lactamase.
    3. Moraxella catarrhalis chiếm 20%, trong đó 100% tiết men β-lactamase.
    4. Streptococcus pneumoniae chiếm 20%, trong đó 50% kháng penicillin

    4/ Trong bệnh viêm xoang cấp, yếu tố nào là yếu tố nguy cơ nhiễm vi trùng kháng thuốc?

    1. < 3 tuổi
    2. Có tiền căn viêm xoang trong vòng 1 tháng trước đây
    3. Đã nằm viện trong vòng 1 tuần trước đó
    4. Đi nhà trẻ

    5/ Phát biểu nào sau đây là đúng về phân biệt viêm xoang do vi trùng và siêu vi?

    1. Sổ mũi xanh hoặc vàng là một trong những dấu hiệu có ích.
    2. Xét nghiệm máu là cần thiết trước khi chỉ định kháng sinh.
    3. Xquang xoang có hình ảnh mực khí dịch tuy không nhạy nhưng đặc hiệu trong phân biệt siêu vi và vi trùng.
    4. Diễn tiến lâm sàng rất quan trọng trong phân biệt siêu vi và vi trùng.

    6/ Phát biểu nào sau đây là đúng với viêm xoang?

    1. Viêm xoang chủ yếu gặp ở trẻ lớn > 5 tuổi.
    2. Ấn đau vùng xoang là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán viêm xoang.
    3. Viêm niêm mạc xoang thường gặp trong cảm lạnh.
    4. Soi xoang là một bước quan trọng trong thăm khám trẻ nghi ngờ viêm xoang.

    7/ Bé trai 4 tuổi. Bệnh 4 ngày với sốt 39,3oC, sổ mũi xanh, ho từng cơn, ăn kém. Khám: bé tỉnh, môi hồng, nhiệt độ 38,4oC, nhịp thở 24 lần/phút. Thở không co lõm, không thở rít, phổi không ran. Họng đỏ nhẹ, không loét, amidan không to, niêm mạc mũi sung huyết. Chẩn đoán nào là phù hợp nhất?

    1. Cảm lạnh
    2. Viêm họng cấp do vi trùng
    3. Viêm xoang cấp do vi trùng
    4. Viêm phế quản do siêu vi

    8/ Phát biểu nào sau đây là đúng về bệnh viêm họng cấp?

    1. Viêm họng thường gặp nhất ở trẻ >5 tuổi
    2. Siêu vi là tác nhân thường gặp nhất
    3. Viêm họng do GAS chiếm 40% viêm họng ở trẻ đi học
    4. Viêm họng do EBV có thể kèm loét miệng

    9/ Đặc điểm nào sau đây không phải điển hình trong viêm họng cấp do GAS?

    1. Phát ban dạng tinh hồng nhiệt
    2. Gan lách to
    3. Xuất huyết điểm khẩu cái
    4. Không ho

    10/ Phát biểu nào sau đây là đúng nhất về chỉ định xét nghiệm vi sinh trong viêm họng do GAS?

    1. Điểm Centor hiệu chỉnh ≥ 4 là đủ để chẩn đoán xác định viêm họng do GAS mà không cần xét nghiệm.
    2. Chỉ định test nhanh tìm kháng nguyên GAS khi amidan sưng to, đỏ.
    3. Cấy phết họng nên được thực hiện ở bệnh nhân có điểm Centor hiệu chỉnh > 2.
    4. Nên làm test nhanh tìm kháng nguyên GAS trong mọi trường hợp viêm họng cấp nghi ngờ do GAS.

    11/ Bé gái 30 tháng. Bệnh 3 ngày với sốt 38,5oC, đau họng, ho, sổ mũi, không ói, tiêu lỏng 4 lần/ngày. Gia đình không ai bị ho, sổ mũi. Khám: bé tỉnh, môi hồng, nhiệt độ 38,3oC, nhịp thở 30 lần/phút. Thở không co lõm, không thở rít, không khàn tiếng, phổi không ran, không ban. Amidan to, đỏ, không xuất tiết, không loét miệng. Xử trí nào sau đây là hợp lý khi cơ sở y tế không có xét nghiệm RADT?

    1. Cho amoxicillin liều 100 mg/kg/ngày, hẹn tái khám sau 2 ngày.
    2. Cho amoxicillin liều 50 mg/kg/ngày, hẹn tái khám sau 3 ngày.
    3. Cho penicillin liều 75 mg/kg/ngày, hẹn tái khám sau 3 ngày.
    4. Làm xét nghiệm công thức máu, CRP.

    12/ Phát biểu nào sau đây là đúng nhất về thở rít?

    1. Tiếng thở rít càng lớn chứng tỏ tắc nghẽn càng nặng.
    2. Thở rít là tiếng thở nghe được ở cả 2 thì
    3. Âm sắc không phải là yếu tố quan trọng để xác định thở rít.
    4. Thở rít có thể nghe được trong bệnh viêm xoang cấp nặng do vi trùng.

    13/ Bé trai 2 tuổi. Bệnh 2 ngày. N1: sổ mũi, không sốt, không ho. N2: ho nhiều, khàn giọng, thở rít, vẫn uống được. Khám: bé tỉnh, môi hồng, nhiệt độ: 38,3oC, nhịp thở 46 lần/phút. Thở co lõm nhẹ, không co kéo cơ hô hấp phụ, thở rít khi nằm yên, phổi không ran. Chẩn đoán nào sau đây là đúng?

    1. Viêm thanh khí quản cấp nhẹ
    2. Viêm thanh khí quản cấp trung bình
    3. Viêm thanh khí quản cấp nặng
    4. Viêm thanh khí quản cấp – suy hô hấp tiến triển

    14/ Bé gái 2 tuổi 12kg. N1 – N2: bé sổ mũi, sốt nhẹ, ho ít. N3: ho nhiều, khàn giọng, thở rít, vẫn uống được. Khám: bé tỉnh, môi hồng, nhiệt độ 38,5oC, nhịp thở 48 lần/phút. Thở co lõm nhẹ, không co kéo cơ hô hấp phụ, thở rít khi nằm yên, phổi không ran. Xử trí nào sau đây là đúng?

    1. Điều trị ngoại trú với Dexamethasone 0.5mg 4 viên, uống 1 lần duy nhất.
    2. Điều trị ngoại trú với Dexamethasone 0.5mg 7 viên x 2 lần/ngày, uống trong 1 ngày.
    3. Phun khí dung 5mL adrenalin 1/1000 rồi về uống Dexamethasone 0.5mg 4 viên, 1 lần duy nhất.
    4. Tất cả đều sai

    15/ Anh/chị là bác sĩ trực tại khoa Cấp Cứu bệnh viện Nhi Đồng 2. Bé trai 3 tuổi. Bệnh 1 ngày với sốt 39,5oC, đau họng, bỏ ăn, nói nghẹt tiếng. Quan sát thấy bé hốt hoảng, môi hồng, chảy nước miếng. Bé ngồi đầu đưa về trước, miệng thở, cằm đẩy về trước. Nghe thấy tiếng thở rít nhỏ trong thì hít vào. Phập phồng cánh mũi, lõm hõm trên ức. Anh/chị làm gì tiếp theo cho bệnh nhân này?

    1. Cho thở oxy
    2. Cần khai thác thêm bệnh sử và tiền căn (chú ý tiền căn chủng ngừa) để xác định chẩn đoán.
    3. Phun khí dung Adrenalin
    4. Chụp Xquang cổ thẳng, nghiêng khẩn

    16/ Anh/chị là bác sĩ trực cấp cứu. Bé trai 3 tuổi, được mẹ đưa đến vì sốt và thở mệt, bệnh 2 ngày. Quan sát thấy bé được mẹ bế, vẻ hốt hoảng, môi hồng. Thở nhanh, co lõm ngực nặng, phập phồng cánh mũi, lõm hõm ức, thở rít khi yên. Anh/chị làm gì ngay tiếp theo?

    1. Hỏi kĩ về diễn tiến bệnh và tiền căn thở rít trước đó.
    2. Khám thêm họng, đếm mạch và nhịp thở, nghe ran phổi.
    3. Chụp Xquang cổ thẳng khẩn.
    4. Thở oxy, chuẩn bị sẵn dụng cụ đặt nội khí quản.

    Đáp án: 1/B 2/A 3/C 4/D 5/D 6/C 7/C 8/B 9/B 10/D 11/D 12/D 13/C 14/D 15/A 16/D

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Gabriel GH, Thomas PG, 2016. Diagnostic Approach to Respiratory Disease. In Nelson Textbook of Pediatrics 20th edition (Robert MK, Bonita FS, Joseph WSG, Nina FS). Elsevier, Philadelphia, pp.1993-1999.
    2. Ian MBL, Marie W, 2019. Acute Infections that produce Upper Airway Obstruction. In Kendig’s Disorders of the Respiratory Tract in Children 9th edition (Robert WW, Robin D, Albert L, Felix R, Peter S). Elsevier, Philadelphia, pp.1518-1566.
    3. Amanda S, Thida O, Susan GM, 2019. Upper Airway Obtruction. In Nelson Essentials of Pediatrics 8th edition. Elsevier, Philadelphia.
    4. Albert PJ, Svapna S, Sharon LB, Robert MK, 2015. Stridor. In Pediatric Decision – Making Strategies 2nd edition. Elsevie, Philadelphia, pp.36 – 37.
    5. Ronald BT, Gregory FH, 2016. The Common Cold. In Nelson Textbook of Pediatrics 20th edition (Robert MK, Bonita FS, Joseph WSG, Nina FS). Elsevier, Philadelphia, pp. 2011 – 2014.
    6. Diane EP, 2017. The Common Cold in Children: Clinical features and diagnosis. <https://www.uptodate.com/contents/the-common-cold-in-children-clinical-features-and-diagnosis>
    7. Amanda S, Thida O, Susan GM, 2019. Upper Airway Tract Infection. In Nelson Essentials of Pediatrics 8th edition. Elsevier, Philadelphia.
    8. American Academy of Pediatrics, 2013. Clinical Practice Guideline for the Diagnosis and Management of Acute Bacterial Sinusitis in Children Aged 1 to 18 years. Pediatrics 132: e262-e280.
    9. David P, 2018. An Overview of Rhinitis. <https://www.uptodate.com/contents/an-overview-of-rhinitis>
    10. Mary MT, 2019. The Common Cold in Children: Management and prevention, <https://www.uptodate.com/contents/the-common-cold-in-children-management-and-prevention>.
    11. Diane EP, J.Owen H, 2016. Sinusitis. In Nelson Textbook of Pediatrics 20th edition, (Robert MK, Bonita FS, Joseph WSG, Nina FS). Elsevier, Philadelphia, pp. 2014 – 2017.
    12. Ellen RW, 2018. Acute bacterial rhinosinusitis in children: Clinical features and diagnosis. <https://www.uptodate.com/contents/acute-bacterial-rhinosinusitis-in-children-clinical-features-and-diagnosis>.
    13. Amanda S, Thida O, Susan GM, 2019. Sinusitis. In Nelson Essentials of Pediatrics 8th edition . Elsevier, Philadelphia.
    14. Adam LH, Mary AJ Lauri, Committee on Infectiuos Disease, 2013. Principles of Judicious Antibiotic Prescribing for Upper Respiratory Tract Infections in Pediatrics, Pediatrics 132(6): 1146-1154.
    15. Ellen RW, 2018. Acute bacterial rhinosinusitis in children: Microbiology and treatment. <https://www.uptodate.com/contents/acute-bacterial-rhinosinusitis-in-children-microbiology-and-treatment>
    16. John SB, John DN, et al, 2019. Nelson’s Pediatric Antimicrobial Therapy. 25th edition, American Academy of Pediatrics, USA. pp. 78-79.
    17. Robert RT, 2016. Acute Pharyngitis. In Nelson Textbook of Pediatrics 20th edition, (Robert MK, Bonita FS, Joseph WSG, Nina FS). Elsevier, Philadelphia, pp. 2017-2021.
    18. Amanda S, Thida O, Susan GM, 2019. Pharyngitis. In Nelson Essentials of Pediatrics 8th edition. Elsevier, Philadelphia.
    19. Ellen RW, 2018. Group A streptococcal tonsillopharyngitis in children and adolescents: Clinical features and diagnosis <https://www.uptodate.com/contents/group-a-streptococcal-tonsillopharyngitis-in-children-and-adolescents-clinical-features-and-diagnosis>.
    20. Shulman ST, Bisno AL, Clegg HW, 2012. Clinical practice guideline for the diagnosis and management of group A streptococcal pharyngitis: 2012 Update by the Infectious Diseases Society of America. Clin Infect Dis. 55(10):e91.
    21. Michael EP, 2019. Treatment and prevention of streptococcal pharyngitis. <https://www.uptodate.com/contents/group-a-streptococcal-tonsillopharyngitis-in-children-and-adolescents-clinical-features-and-diagnosis>.
    22. Genie ER, 2016. Acute Inflammatory Upper Airway Obstruction (Croup, Epiglottitis, Laryngitis, and Bacterial Tracheitis). In Nelson Textbook of Pediatrics 20th edition (Robert MK, Bonita FS, Joseph WSG, Nina FS). Elsevier, Philadelphia, pp. 2031 – 2036.
    23. Laura LL, 2017. Emergency evaluation of acute upper airway obstruction in children. <https://www.uptodate.com/contents/group-a-streptococcal-tonsillopharyngitis-in-children-and-adolescents-clinical-features-and-diagnosis>.
    24. Charles RW, 2018. Croup: Clinical features, evalution, and diagnosis. <https://www.uptodate.com/contents/croup-clinical-features-evaluation-and-diagnosis>.
    25. Amanda S, Thida O, Susan GM, 2019. Croup (Laryngotracheobronchitis). In Nelson Essentials of Pediatrics 8th edition. Elsevier, Philadelphia.
    26. Charles RW, 2019. Croup: Aproach to management. <https://www.uptodate.com/contents/croup-approach-to-management>.
    27. Genie ER, 2016. Bacterial Tracheitis. In Nelson Textbook of Pediatrics 20th edition (Robert MK, Bonita FS, Joseph WSG, Nina FS). Elsevier, Philadelphia, pp. 2035 – 2036.
  • TIẾP CẬN THỞ RÍT Ở TRẺ EM

     

    BS CK1 PHẠM XUÂN TÍN

    Mục tiêu học tập

    Nhận diện được tiếng thở rít trên lâm sàng

    – Ứng dụng được cơ chế của tiếng thở rít để xác định vị trí tắc nghẽn

    – Ứng dụng được lưu đồ tiếp cận để chẩn đoán một số nguyên nhân gây thở rít thường gặp ở trẻ em

    1. Định nghĩa

    – Thở rít là một tiếng thở âm sắc cao, đơn âm, thô ráp và nghe rõ nhất ở vùng trước cổ, thường ở thì hít vào. Nguyên nhân của tiếng thở rít là do tắc nghẽn đáng kể đường dẫn khí lớn (khí quản, phế quản gốc), làm dòng khí qua chổ hẹp đó bị xoáy theo nguyên tắc Bernoulli, khiến đường thở bị rung và nhờ đó ta nghe được.

    2. Sinh lý bệnh

    Về mặt giải phẩu, đường dẫn khí lớn có thể được chia làm 2 khu vực

    2.1 Đường dẫn khí ngoài lồng ngực: cũng gồm 2 phần

    – Trên thanh môn, gồm các cấu trúc: mũi hầu, nắp thanh môn, thanh quản thượng thanh môn (nếp phễu thanh thiệt, hai thanh thất. Cấu trúc nâng đỡ vùng này chủ yếu là mô mềm, cơ, ít sự hổ trợ của sụn. Do đó vùng này khi bị tắc nghẽn thường dễ bị xẹp,và từ đó diễn tiến nhanh.

    – Thanh môn và dưới thanh môn: vùng thanh môn đã bắt đầu có sự tham gia hổ trợ của sụn, và phần thanh quản hạ thanh môn được bao quanh bởi sụn nhẫn chính là phần hẹp nhất của đường dẫn khí lớn, đường kính khoảng 5 – 7 mm lúc sinh và đạt khoản 20mm lúc trưởng thành. Khí quản được được cấu tạo chính bởi các vòng sụn (3/4 trước là sụn, 1/4 sau là cơ trơn). Một khi đường thở đoạn này bị hẹp sẽ làm tăng đáng kể kháng lực đường thở, theo tính toán kháng lực đường thở tỷ lệ nghịch lủy thừa 4 bán kính đường thở.

    Thở ra

    Hít vào

    Extrathoracic_airway_obstr.jpg

    Ảnh hưởng của áp lực khí quyển đến đường dẫn khí ngoài lồng ngực

    – Ptr: Áp suất trong lồng khí quản

    – Patm: áp suất khí quyển

    2.2 Đường dẫn khí trong lồng ngực

    – Bao gồm đoạn khí quản trong lồng ngực, 2 phế quản gốc. Tắc nghẽn đoạn khí quản phía trên gây ra tiếng thở rít ở thì thở ra, trong khi tắc nghẽn khí quản đoạn dưới, 2 phế quản gốc gây tiếng khò khè rõ hơn là thở rít.

    Hít vào

    Thở ra

    Intrathoracic_airway_obstr.gif

    Ảnh hưởng của áp lực màng phổi đến đường thở trong lồng ngực

    – Ptr: Áp suất trong lồng khí quản

    – Ppl: áp suất màng phổi

    Kết quả ta có được

    – Thở rít thì hít vào cho thấy vị trí tắc nghẽn là đường dẫn khí ngoài lồng ngực

    – Thở rít thì thở ra cho thấy vị trí tắc nghẽn là đường dẫn khí trong lồng ngực

    – Thở rít 2 thì cho thấy tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí lớn cố định, vị trí có thể trong hoặc ngoài lồng ngực.

    3. Nguyên nhân

    Thở rít

    Không sốt

    Sốt

    Khởi phát cấp tính

    Vẻ mặt nhiễm trùng

    Khó nuốt

    Vẻ mặt tươi tỉnh

    Ăn/ uống tốt

    Diễn tiến mạn tính/tái diễn

    • Bẩm sinh:

    Mềm sụn thanh/khí quản

    Hẹp khí quản, hạ thanh môn

    Dị dạng thanh quản

    • Mắc phải:

    Rối loạn chức năng dây thanh

    U nhú đường thở

    Liệt dây thanh

    Hẹp khí quản, hạ thanh môn

    Co thắt thanh quản do hạ canxi

    U trung thất

    Viêm thanh thiệt

    Abcess thành sau họng

    Abcess quanh amyđan

    Viêm khí quản do vi trùng

    Bạch hầu

    Dị vật đường thở

    Phản vệ

    Viêm thanh quản cấp

    3.1 Khởi phát cấp tính, không sốt

    – Dị vật đường thở: có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, thường gặp nhất quanh mốc 2 đến 3 tuổi. Bệnh sử thường là thở rít khởi phát đột ngột sau khi trẻ bị sặc. Một số trường hợp trẻ có thể thở rít kéo dài do người nhà không ghi nhận hội chứng xâm nhập (di vật bỏ quên), do đó luôn phải cảnh giác khả năng có dị vật đường thở ở trẻ bị tắc nghẽn đường thở.

    – Phản vệ do thuốc, thức ăn là nguyên nhân gây thở rít đột ngột, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Nguyên nhân là do phù nề thành sau họng, có thể ảnh hưởng cả thanh quản. Những biểu hiện thường gặp là thay đổi giọng, thở rít, khò khè, chảy nước dãi, ho. Trẻ có thể kèm theo các biểu hiện của da như nổi mề đay, ngứa, sưng miệng, và các biểu hiện tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.

    3.2 Khởi phát mạn tính, tái diễn và không sốt

    3.2.1 Các nguyên nhân bẩm sinh

    – Mềm sụn thanh quản là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường thở ngoài lồng ngực ở trẻ nhũ nhi. Biểu hiện bắt đầu trong giai đoạn sơ sinh, sau đó diễn tiến suốt thời kỳ nhũ nhi, nhưng thường cải thiện khi trẻ từ 12 đến 18 tháng. Thở rít thì hít vào, thường nặng lên khi trẻ nằm ngủ, khi bú.

    – Mềm sụn khí quản thường là do một khiếm khuyết nội tại làm giảm phần sụn của khí quản, từ đó làm tăng tỉ lệ phần màng cơ phía sau. Phần lớn các trường hợp, đoạn khí quản bị ảnh hưởng lại nằm trong lồng ngực, từ đó gây ra tiếng thở rít ở thì thở ra. Hầu hết các trẻ bệnh cải thiện tự nhiên vào khoảng từ 6 đến 12 tháng tuổi do đường thở lớn dần và phần sụn phát triển hơn.

    – Hẹp khí quản có thể nguyên phát, nhưng thường gặp là do mạch máu (Vascular ring, sling) chèn ép từ bên ngoài. Biểu hiện lâm sàng có thể rất nặng gây nguy kịch hô hấp cho trẻ sơ sinh, nhưng cũng có thể chỉ là từng giai đoạn thở rít ở trẻ nhũ nhi, và trẻ lớn. Do khí quản bị chèn ép ở bên trong lồng ngực nên tiếng thở rít nghe rõ hơn trong thì thở ra. Một số trường hợp thực quản cũng bị chèn ép làm cho trẻ bị khó nuốt. Các bất thường đi kèm rất hay gặp, trong đó cần phải khảo sát kỷ các bất thường về tim mạch. Ngoài ra hẹp khí quản còn do các khối u trong hoặc ngoài lồng ngực như U trong thất, U tân dịch.

    – Các dị dạng thanh quản bẩm sinh bao gồm nang, bướu máu, màng chắn, thanh quản che đôi, thường biểu hiện rất sớm trong giai đoạn nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ. Trẻ có các biểu hiện thở rít, khó bú, chậm lớn, dễ hít sặc, dễ viêm phổi tái phát, có thể kèm khàn tiếng. Màng chắn thanh quản, thanh quản che đôi có thể đi kèm với các bất thường bẩm sinh khác. Bướu máu thanh quản, khí quản gây ra từng đợt thở rít, ngày càng nặng trong suốt những tháng đầu đời. Khoảng ½ các trẻ có biểu hiện bướu máu ngoài da, đặc biệt là bướu máu ở các vị trí cổ, mặt, xương hàm dưới, vùng phân bố của râu.

    3.2.2 Các nguyên nhân mắc phải

    – Rối loạn chức năng dây thanh (VCD) điển hình gây ra các đợt thở rít tái phát, thường bị chẩn đoán lầm với suyễn. Các đợt thở rít thường khởi phát khi gắng sức và cải thiện khi trẻ ngủ. Trẻ lớn có thể miêu tả cảm giác nghẹn ở họng, khó nói. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường nhất gặp nhất ở các trẻ vị thành niên có các rối loạn về tâm lý, trầm cảm.

    – U nhú đường hô hấp có thể do HPV tuýp 6, 11. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người trưởng thành sau 30 tuổi. Thanh quản là vị trí thường bị tổn thương nhất. Trẻ có các biểu hiện thở rít mạn tính hoặc tiến triển, khàn tiếng, khóc yếu, có thể từng đợt khó thở đe đọa tính mạng.

    – Liệt dây thanh do sang chấn như sang chấn sản khoa, đặt nội khí quản, sau các phẩu thuật lồng ngực, phẫu thuật tuyến giáp, do các dị dạng thần kinh, hoặc vô căn. Tình trạng này có thể biểu hiện cấp, bán cấp hoặc tái diễn. Trẻ bị liệt 2 bên sẽ biểu hiện thở rít nhưng vẫn khóc bình thường (kiểu liệt mở). Trẻ bị liệt một bên sẽ biểu hiện khàn tiếng, và nguy cơ hít sặc cao.

    – Co thắt thanh quản do hạ canxi thường xảy ra ở trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D, hoặc trẻ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa gây hạ canxi trầm trọng như suy thận, nhược tuyến cận giáp. Thở rít do co thắt thanh quản có thể rất nặng, nhưng thường diễn tiến mạn tính, tái diễn.

    3.3 Các nguyên nhân gây thở rít kèm sốt

    – Viêm thanh thiệt là tình trạng viêm nắp thanh môn và vùng thượng thanh môn do vi trùng gây ra, thường gặp là H. influenzae type B. Bệnh biểu hiện với sốt, tổng trạng nhiễm trùng, khó nuốt, nhanh chóng làm trẻ nguy kịch hô hấp. Trước đây bệnh hay gặp ở trẻ từ 2 đến 7 tuổi, nhưng hiện tại do chủng ngừa HIB đã làm giảm đáng kể tỉ lệ mắc bệnh.

    – Ab-xe thành sau họng hay gặp ở trẻ từ 2 đến 4 tuổi, trong khi ab-xe quanh amyđan lại hay gặp ở trẻ trên 10 tuổi, liên quan đến viêm họng do liên cầu. Biểu hiện của bệnh bao gồm sốt cao, tổng trạng nhiễm trùng, khó nuốt, giọng ngậm hạt thị, và khó thở. Cả hai tình trạng trên đều là biến chứng của tình trạng viêm họng cấp.

    – Viêm khí quản do vi trùng thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi, tác nhân thường gặp nhất chính là Staphylococcus Aureus. Trẻ thường có biểu hiện viêm hô hấp trên từ 1 đến 3 ngày trước khi các biểu hiện nặng xuất hiện như sốt cao, tổng trạng nhiễm trùng, thở rít và nhanh chóng khiến trẻ bị suy hô hấp.

    – Bạch hầu có biểu hiện lâm sàng khá giống viêm khí quản do vi trùng, cần lưu ý ở những dân số chưa được chủng ngừa. Biểu hiện ban đầu của bệnh thường là sốt nhẹ mệt mỏi, đau họng, sau đó diễn tiến nhanh đến khó thở, tổng trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.

    – Viêm thanh khí quản do siêu vi thường gặp nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi và khá hiếm khi xảy ra ở trẻ trên 6 tuổi. Bệnh khởi đầu với các biểu hiện nghẹt mũi, chảy mũi, sau 12 đến 48 giờ trẻ bắt đầu sốt, khàn tiếng, ho ong ỏng, và thở rít. Khác với các nguyên nhân nhiễm trùng nói trên, trẻ bị viêm thanh quản vẫn tươi tỉnh, bú tốt. Bệnh thường tự giới hạn nhưng vẫn có thể diễn tiến nặng khiến trẻ nguy kịch hô hấp. Viêm thanh quản co thắt là một dạng của viêm thanh quản, đặc trưng bởi những đợt thở rít ngắn, tái diễn, thường xảy ra về đêm.

    4. Đánh giá lâm sàng

    – Một trẻ thở rít cần được đánh giá một cách nhanh chóng nhu cầu cần những biện pháp can thiệp cấp cứu khẩn. Các bước cần đánh giá bao gồm: Sự thông thoáng của đường thở, mức độ gắng sức, bằng chứng thiếu oxy, và quan trọng nhất là theo dõi sát khả năng diễn tiến nặng của bệnh nhi. Những bước tiếp theo sẽ được thực hiện khi tình trạng bệnh nhi được kiểm soát ổn định.

    4.1 Hỏi bệnh sử

    – Tuổi

    – Kiểu khởi phát:

    • Cấp tính: các triệu chứng diễn tiến trong vài phút, đến vài giờ
    • Bán cấp: các triệu chứng diễn tiến từ 1 đến 3 ngày
    • Mạn tính, tái diễn: các triệu chứng diễn tiến trong nhiều ngày đến nhiều tuần

    – Các triệu chứng đi kèm:

    • Sốt, vẻ mặt nhiễm trùng, nhiễm độc, khó nuốt gợi ý nhóm nguyên nhân do vi trùng như viêm thanh thiệt, abcess thành sau họng, quanh amyđan, viêm khí quản.
    • Ho ong ỏng gần như luôn luôn có trong viêm thanh khí quản, và điển hình không xuất hiện trong viêm thanh thiệt, dị vật, phản vệ.
    • Đổi giọng: khàn tiếng gợi ý tổn thương dây thanh do viêm, liệt dây thanh một bên. Giọng ngậm hạt thị gợi ý tắc nghẽn trên thanh môn như viêm thanh thiệt, ab-xe thành sau họng, quanh amyđan.
    • Thở rít tăng khi bú gợi ý trào ngược họng – thanh quản vốn rất hay đi kèm với mềm sụn thanh quản.
    • Thở rít khởi phát khi ngủ thường gợi ý viêm thanh quản co thắt, ngược lại thở rít khi gắng sức lại gợi ý nguyên nhân rối loạn chức năng dây thanh.
    • Tiền căn: sang chấn sản khoa, đặt nội khí quản, chấn thương, phẫu thuật, dị ứng thuốc, thức ăn…

    4.2 Khám: Khi bệnh nhân ổn định không cần phải can thiệp khẩn, việc khám một cách chi tiết sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

    – Tổng trạng: trẻ chậm lớn, cân nặng, chiều cao thấp so với lứa tuổi gợi ý các nguyên nhân mạn tính, trong khi sụt cân nhanh gần đây lại gợi ý các nguyên nhân bán cấp như nhiễm trùng.

    – Da và chi: Bướu máu ngoài da gợi ý có thể đi kèm với bướu máu đường thở. Dát màu café sữa kèm u sợi thần kinh vùng đầu cổ có thể ảnh hưởng đến cả đường thở. Ngón tay dùi trống gợi ý các nguyên nhân tim mạch, có thể gây chèn ép đường thở.

    – Cổ họng: vùng cổ sưng to gợi ý chèn ép do U (U tân dịch…), hoặc do nhiễm trùng như Ab-xe thành sau họng, quanh amyđan, bạch hầu. Tư thế ‘ngửi hoa’, trẻ cố gắng ngửa cổ ra phía sau để làm thẳng đường thở, gợi ý viêm thanh thiệt.

    – Đánh giá hô hấp: xác định tình trạng nguy kịch hô hấp có cần phải can thiệp khẩn hay không. Xác định tính chất của tiếng thở rít, nghe rõ nhất ở vùng trước cổ.

    • Tiếng thở rít thì hít vào gợi ý tắc nghẽn đường thở ngoài lồng ngực
    • Tiếng thở rít thì thở ra gợi ý tắc nghẽn đường thở trong lồng ngực
    • Tiếng thở rít 2 thì gợi ý tắc nghẽn cố định bất kỳ ở vị trí nào.

    Cần chú ý tắc nghẽn ở vùng mũi, hầu lại gây ra tiếng ngáy, có âm sắc trầm hơn nhiều so với tiếng thở rít.

    5. Xét nghiệm cận lâm sàng

    5.1 X quang cổ thẳng – nghiêng thường không đặc hiệu. Để chẩn đoán viêm thanh quản, hoặc viêm thanh thiệt thì việc thực hiện X quang cổ là không cần thiết vì các dấu hiệu trên X quang không hằng định và mang tính chủ quan. Trong trường hợp nghi ngờ ab-xe thành sau họng trên X quang cổ nghiêng, chúng ta có thể thấy bề dày mô mềm thành sau họng lớn hơn bề dày thân đốt sống cổ C2,C3.

     

    Image

    Áp-xe thành sau họng

    5.2 X quang ngực thẳng cần thực hiện khi nghi ngờ nguyên nhân tắc nghẽn ở trong lồng ngực. X quang ngực thẳng có thể phát hiện U, hạch trung thất. Cung động mạch chủ lệch phải sẽ gợi ý mạch máu chèn ép khí quản. Trường hợp tăng sáng một bên phổi, xẹp phổi kéo dài gợi ý nguyên nhân dị vật đường thở.

    5.3 CT cổ – ngực có cản quang là một công cụ vô cùng hữu ích trong việc chẩn đoán các nguyên nhân gây thở rít. CT có dựng hình cây khí phế quản giúp gợi ý hẹp đường thở, vị trí, mức độ hẹp, tuy nhiên dễ bỏ sót những tổn thương trong lòng ngay cả dị vật. CT giúp phát hiện các bất thường trong trung thất gây chèn ép đường thở như U, hạch, bất thường mạch máu…

    5.4 Nội soi hô hấp: nếu như CT giúp đánh giá các nguyên nhân gây chèn ép đường thở từ bên ngoài, thì nội soi giúp đánh giá các nguyên nhân ở thành đường thở như mềm sụn thanh, khí phế quản, các nguyên nhân trong lòng đường thở như u nhú, bướu máu, dị vật …đánh giá chi tiết tình trạng hẹp đường thở như vị trí, mức độ, tính chất hẹp.

    – Nội soi mũi họng – thanh quản có thể thực hiện ở những bệnh nhi ổn định ngay tại giường bệnh mà không cần an thần. Việc này rất hữu ích trong việc chẩn đoán một số bệnh lý như mềm sụn thanh quản, các bất thường mũi họng, cũng như giúp đánh giá chuyển động hai dây thanh.

    – Nội soi hô hấp ngoài việc chẩn đoán còn giúp điều trị trong một số trường hợp như lấy dị vật đường thở. Trường hợp viêm thanh thiệt, ab-xe thành sau họng kèm nguy kịch hô hấp nặng nội soi giúp định hướng đặt nội khí quản để thông khí cho bệnh nhi. Các trường hợp này phải thực hiện tại phòng mổ, bệnh nhi được gây mê, an thần và theo dõi thật sát.

    6. Điều trị

    – Tìm và điều trị nguyên nhân là biện pháp cơ bản nhất, nhưng việc ổn định tình trạng hô hấp cho bệnh nhi mới là điều quan trọng nhất. Để ổn định hô hấp cho bệnh nhi cần chú ý tư thế khiến bệnh nhi dễ chịu nhất, không cố ép bệnh nhi vào một tư thế bắt buột nào cả vì điều đó có thể khiến đường thở bị tắt nghẽn hoàn toàn. Trong những trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng như viêm nắp thanh môn, ab-xe thành sau họng, viêm khí quản do vi trùng hay nghi ngờ dị vật đường thở… cần hội chẩn ý kiến chuyên gia tai mũi họng để có thể can thiệp sớm cho bệnh nhi.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    – Diana R Quintero, Khoulood Fakhoury, Assessment of stridor in children, UptoDate 2019.

    TIẾP CẬN THỞ RÍT Ở TRẺ EM

    BS CK1 PHẠM XUÂN TÍN

    Mục tiêu học tập

    Nhận diện được tiếng thở rít trên lâm sàng

    – Ứng dụng được cơ chế của tiếng thở rít để xác định vị trí tắc nghẽn

    – Ứng dụng được lưu đồ tiếp cận để chẩn đoán một số nguyên nhân gây thở rít thường gặp ở trẻ em

    1. Định nghĩa

    – Thở rít là một tiếng thở âm sắc cao, đơn âm, thô ráp và nghe rõ nhất ở vùng trước cổ, thường ở thì hít vào. Nguyên nhân của tiếng thở rít là do tắc nghẽn đáng kể đường dẫn khí lớn (khí quản, phế quản gốc), làm dòng khí qua chổ hẹp đó bị xoáy theo nguyên tắc Bernoulli, khiến đường thở bị rung và nhờ đó ta nghe được.

    2. Sinh lý bệnh

    Về mặt giải phẩu, đường dẫn khí lớn có thể được chia làm 2 khu vực

    2.1 Đường dẫn khí ngoài lồng ngực: cũng gồm 2 phần

    – Trên thanh môn, gồm các cấu trúc: mũi hầu, nắp thanh môn, thanh quản thượng thanh môn (nếp phễu thanh thiệt, hai thanh thất. Cấu trúc nâng đỡ vùng này chủ yếu là mô mềm, cơ, ít sự hổ trợ của sụn. Do đó vùng này khi bị tắc nghẽn thường dễ bị xẹp,và từ đó diễn tiến nhanh.

    – Thanh môn và dưới thanh môn: vùng thanh môn đã bắt đầu có sự tham gia hổ trợ của sụn, và phần thanh quản hạ thanh môn được bao quanh bởi sụn nhẫn chính là phần hẹp nhất của đường dẫn khí lớn, đường kính khoảng 5 – 7 mm lúc sinh và đạt khoản 20mm lúc trưởng thành. Khí quản được được cấu tạo chính bởi các vòng sụn (3/4 trước là sụn, 1/4 sau là cơ trơn). Một khi đường thở đoạn này bị hẹp sẽ làm tăng đáng kể kháng lực đường thở, theo tính toán kháng lực đường thở tỷ lệ nghịch lủy thừa 4 bán kính đường thở.

    Thở ra

    Hít vào

    Extrathoracic_airway_obstr.jpg

    Ảnh hưởng của áp lực khí quyển đến đường dẫn khí ngoài lồng ngực

    – Ptr: Áp suất trong lồng khí quản

    – Patm: áp suất khí quyển

    2.2 Đường dẫn khí trong lồng ngực

    – Bao gồm đoạn khí quản trong lồng ngực, 2 phế quản gốc. Tắc nghẽn đoạn khí quản phía trên gây ra tiếng thở rít ở thì thở ra, trong khi tắc nghẽn khí quản đoạn dưới, 2 phế quản gốc gây tiếng khò khè rõ hơn là thở rít.

    Hít vào

    Thở ra

    Intrathoracic_airway_obstr.gif

    Ảnh hưởng của áp lực màng phổi đến đường thở trong lồng ngực

    – Ptr: Áp suất trong lồng khí quản

    – Ppl: áp suất màng phổi

    Kết quả ta có được

    – Thở rít thì hít vào cho thấy vị trí tắc nghẽn là đường dẫn khí ngoài lồng ngực

    – Thở rít thì thở ra cho thấy vị trí tắc nghẽn là đường dẫn khí trong lồng ngực

    – Thở rít 2 thì cho thấy tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí lớn cố định, vị trí có thể trong hoặc ngoài lồng ngực.

    3. Nguyên nhân

    Thở rít

    Không sốt

    Sốt

    Khởi phát cấp tính

    Vẻ mặt nhiễm trùng

    Khó nuốt

    Vẻ mặt tươi tỉnh

    Ăn/ uống tốt

    Diễn tiến mạn tính/tái diễn

    • Bẩm sinh:

    Mềm sụn thanh/khí quản

    Hẹp khí quản, hạ thanh môn

    Dị dạng thanh quản

    • Mắc phải:

    Rối loạn chức năng dây thanh

    U nhú đường thở

    Liệt dây thanh

    Hẹp khí quản, hạ thanh môn

    Co thắt thanh quản do hạ canxi

    U trung thất

    Viêm thanh thiệt

    Abcess thành sau họng

    Abcess quanh amyđan

    Viêm khí quản do vi trùng

    Bạch hầu

    Dị vật đường thở

    Phản vệ

    Viêm thanh quản cấp

    3.1 Khởi phát cấp tính, không sốt

    – Dị vật đường thở: có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, thường gặp nhất quanh mốc 2 đến 3 tuổi. Bệnh sử thường là thở rít khởi phát đột ngột sau khi trẻ bị sặc. Một số trường hợp trẻ có thể thở rít kéo dài do người nhà không ghi nhận hội chứng xâm nhập (di vật bỏ quên), do đó luôn phải cảnh giác khả năng có dị vật đường thở ở trẻ bị tắc nghẽn đường thở.

    – Phản vệ do thuốc, thức ăn là nguyên nhân gây thở rít đột ngột, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Nguyên nhân là do phù nề thành sau họng, có thể ảnh hưởng cả thanh quản. Những biểu hiện thường gặp là thay đổi giọng, thở rít, khò khè, chảy nước dãi, ho. Trẻ có thể kèm theo các biểu hiện của da như nổi mề đay, ngứa, sưng miệng, và các biểu hiện tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.

    3.2 Khởi phát mạn tính, tái diễn và không sốt

    3.2.1 Các nguyên nhân bẩm sinh

    – Mềm sụn thanh quản là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường thở ngoài lồng ngực ở trẻ nhũ nhi. Biểu hiện bắt đầu trong giai đoạn sơ sinh, sau đó diễn tiến suốt thời kỳ nhũ nhi, nhưng thường cải thiện khi trẻ từ 12 đến 18 tháng. Thở rít thì hít vào, thường nặng lên khi trẻ nằm ngủ, khi bú.

    – Mềm sụn khí quản thường là do một khiếm khuyết nội tại làm giảm phần sụn của khí quản, từ đó làm tăng tỉ lệ phần màng cơ phía sau. Phần lớn các trường hợp, đoạn khí quản bị ảnh hưởng lại nằm trong lồng ngực, từ đó gây ra tiếng thở rít ở thì thở ra. Hầu hết các trẻ bệnh cải thiện tự nhiên vào khoảng từ 6 đến 12 tháng tuổi do đường thở lớn dần và phần sụn phát triển hơn.

    – Hẹp khí quản có thể nguyên phát, nhưng thường gặp là do mạch máu (Vascular ring, sling) chèn ép từ bên ngoài. Biểu hiện lâm sàng có thể rất nặng gây nguy kịch hô hấp cho trẻ sơ sinh, nhưng cũng có thể chỉ là từng giai đoạn thở rít ở trẻ nhũ nhi, và trẻ lớn. Do khí quản bị chèn ép ở bên trong lồng ngực nên tiếng thở rít nghe rõ hơn trong thì thở ra. Một số trường hợp thực quản cũng bị chèn ép làm cho trẻ bị khó nuốt. Các bất thường đi kèm rất hay gặp, trong đó cần phải khảo sát kỷ các bất thường về tim mạch. Ngoài ra hẹp khí quản còn do các khối u trong hoặc ngoài lồng ngực như U trong thất, U tân dịch.

    – Các dị dạng thanh quản bẩm sinh bao gồm nang, bướu máu, màng chắn, thanh quản che đôi, thường biểu hiện rất sớm trong giai đoạn nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ. Trẻ có các biểu hiện thở rít, khó bú, chậm lớn, dễ hít sặc, dễ viêm phổi tái phát, có thể kèm khàn tiếng. Màng chắn thanh quản, thanh quản che đôi có thể đi kèm với các bất thường bẩm sinh khác. Bướu máu thanh quản, khí quản gây ra từng đợt thở rít, ngày càng nặng trong suốt những tháng đầu đời. Khoảng ½ các trẻ có biểu hiện bướu máu ngoài da, đặc biệt là bướu máu ở các vị trí cổ, mặt, xương hàm dưới, vùng phân bố của râu.

    3.2.2 Các nguyên nhân mắc phải

    – Rối loạn chức năng dây thanh (VCD) điển hình gây ra các đợt thở rít tái phát, thường bị chẩn đoán lầm với suyễn. Các đợt thở rít thường khởi phát khi gắng sức và cải thiện khi trẻ ngủ. Trẻ lớn có thể miêu tả cảm giác nghẹn ở họng, khó nói. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường nhất gặp nhất ở các trẻ vị thành niên có các rối loạn về tâm lý, trầm cảm.

    – U nhú đường hô hấp có thể do HPV tuýp 6, 11. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người trưởng thành sau 30 tuổi. Thanh quản là vị trí thường bị tổn thương nhất. Trẻ có các biểu hiện thở rít mạn tính hoặc tiến triển, khàn tiếng, khóc yếu, có thể từng đợt khó thở đe đọa tính mạng.

    – Liệt dây thanh do sang chấn như sang chấn sản khoa, đặt nội khí quản, sau các phẩu thuật lồng ngực, phẫu thuật tuyến giáp, do các dị dạng thần kinh, hoặc vô căn. Tình trạng này có thể biểu hiện cấp, bán cấp hoặc tái diễn. Trẻ bị liệt 2 bên sẽ biểu hiện thở rít nhưng vẫn khóc bình thường (kiểu liệt mở). Trẻ bị liệt một bên sẽ biểu hiện khàn tiếng, và nguy cơ hít sặc cao.

    – Co thắt thanh quản do hạ canxi thường xảy ra ở trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D, hoặc trẻ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa gây hạ canxi trầm trọng như suy thận, nhược tuyến cận giáp. Thở rít do co thắt thanh quản có thể rất nặng, nhưng thường diễn tiến mạn tính, tái diễn.

    3.3 Các nguyên nhân gây thở rít kèm sốt

    – Viêm thanh thiệt là tình trạng viêm nắp thanh môn và vùng thượng thanh môn do vi trùng gây ra, thường gặp là H. influenzae type B. Bệnh biểu hiện với sốt, tổng trạng nhiễm trùng, khó nuốt, nhanh chóng làm trẻ nguy kịch hô hấp. Trước đây bệnh hay gặp ở trẻ từ 2 đến 7 tuổi, nhưng hiện tại do chủng ngừa HIB đã làm giảm đáng kể tỉ lệ mắc bệnh.

    – Ab-xe thành sau họng hay gặp ở trẻ từ 2 đến 4 tuổi, trong khi ab-xe quanh amyđan lại hay gặp ở trẻ trên 10 tuổi, liên quan đến viêm họng do liên cầu. Biểu hiện của bệnh bao gồm sốt cao, tổng trạng nhiễm trùng, khó nuốt, giọng ngậm hạt thị, và khó thở. Cả hai tình trạng trên đều là biến chứng của tình trạng viêm họng cấp.

    – Viêm khí quản do vi trùng thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi, tác nhân thường gặp nhất chính là Staphylococcus Aureus. Trẻ thường có biểu hiện viêm hô hấp trên từ 1 đến 3 ngày trước khi các biểu hiện nặng xuất hiện như sốt cao, tổng trạng nhiễm trùng, thở rít và nhanh chóng khiến trẻ bị suy hô hấp.

    – Bạch hầu có biểu hiện lâm sàng khá giống viêm khí quản do vi trùng, cần lưu ý ở những dân số chưa được chủng ngừa. Biểu hiện ban đầu của bệnh thường là sốt nhẹ mệt mỏi, đau họng, sau đó diễn tiến nhanh đến khó thở, tổng trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.

    – Viêm thanh khí quản do siêu vi thường gặp nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi và khá hiếm khi xảy ra ở trẻ trên 6 tuổi. Bệnh khởi đầu với các biểu hiện nghẹt mũi, chảy mũi, sau 12 đến 48 giờ trẻ bắt đầu sốt, khàn tiếng, ho ong ỏng, và thở rít. Khác với các nguyên nhân nhiễm trùng nói trên, trẻ bị viêm thanh quản vẫn tươi tỉnh, bú tốt. Bệnh thường tự giới hạn nhưng vẫn có thể diễn tiến nặng khiến trẻ nguy kịch hô hấp. Viêm thanh quản co thắt là một dạng của viêm thanh quản, đặc trưng bởi những đợt thở rít ngắn, tái diễn, thường xảy ra về đêm.

    4. Đánh giá lâm sàng

    – Một trẻ thở rít cần được đánh giá một cách nhanh chóng nhu cầu cần những biện pháp can thiệp cấp cứu khẩn. Các bước cần đánh giá bao gồm: Sự thông thoáng của đường thở, mức độ gắng sức, bằng chứng thiếu oxy, và quan trọng nhất là theo dõi sát khả năng diễn tiến nặng của bệnh nhi. Những bước tiếp theo sẽ được thực hiện khi tình trạng bệnh nhi được kiểm soát ổn định.

    4.1 Hỏi bệnh sử

    – Tuổi

    – Kiểu khởi phát:

    • Cấp tính: các triệu chứng diễn tiến trong vài phút, đến vài giờ
    • Bán cấp: các triệu chứng diễn tiến từ 1 đến 3 ngày
    • Mạn tính, tái diễn: các triệu chứng diễn tiến trong nhiều ngày đến nhiều tuần

    – Các triệu chứng đi kèm:

    • Sốt, vẻ mặt nhiễm trùng, nhiễm độc, khó nuốt gợi ý nhóm nguyên nhân do vi trùng như viêm thanh thiệt, abcess thành sau họng, quanh amyđan, viêm khí quản.
    • Ho ong ỏng gần như luôn luôn có trong viêm thanh khí quản, và điển hình không xuất hiện trong viêm thanh thiệt, dị vật, phản vệ.
    • Đổi giọng: khàn tiếng gợi ý tổn thương dây thanh do viêm, liệt dây thanh một bên. Giọng ngậm hạt thị gợi ý tắc nghẽn trên thanh môn như viêm thanh thiệt, ab-xe thành sau họng, quanh amyđan.
    • Thở rít tăng khi bú gợi ý trào ngược họng – thanh quản vốn rất hay đi kèm với mềm sụn thanh quản.
    • Thở rít khởi phát khi ngủ thường gợi ý viêm thanh quản co thắt, ngược lại thở rít khi gắng sức lại gợi ý nguyên nhân rối loạn chức năng dây thanh.
    • Tiền căn: sang chấn sản khoa, đặt nội khí quản, chấn thương, phẫu thuật, dị ứng thuốc, thức ăn…

    4.2 Khám: Khi bệnh nhân ổn định không cần phải can thiệp khẩn, việc khám một cách chi tiết sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

    – Tổng trạng: trẻ chậm lớn, cân nặng, chiều cao thấp so với lứa tuổi gợi ý các nguyên nhân mạn tính, trong khi sụt cân nhanh gần đây lại gợi ý các nguyên nhân bán cấp như nhiễm trùng.

    – Da và chi: Bướu máu ngoài da gợi ý có thể đi kèm với bướu máu đường thở. Dát màu café sữa kèm u sợi thần kinh vùng đầu cổ có thể ảnh hưởng đến cả đường thở. Ngón tay dùi trống gợi ý các nguyên nhân tim mạch, có thể gây chèn ép đường thở.

    – Cổ họng: vùng cổ sưng to gợi ý chèn ép do U (U tân dịch…), hoặc do nhiễm trùng như Ab-xe thành sau họng, quanh amyđan, bạch hầu. Tư thế ‘ngửi hoa’, trẻ cố gắng ngửa cổ ra phía sau để làm thẳng đường thở, gợi ý viêm thanh thiệt.

    – Đánh giá hô hấp: xác định tình trạng nguy kịch hô hấp có cần phải can thiệp khẩn hay không. Xác định tính chất của tiếng thở rít, nghe rõ nhất ở vùng trước cổ.

    • Tiếng thở rít thì hít vào gợi ý tắc nghẽn đường thở ngoài lồng ngực
    • Tiếng thở rít thì thở ra gợi ý tắc nghẽn đường thở trong lồng ngực
    • Tiếng thở rít 2 thì gợi ý tắc nghẽn cố định bất kỳ ở vị trí nào.

    Cần chú ý tắc nghẽn ở vùng mũi, hầu lại gây ra tiếng ngáy, có âm sắc trầm hơn nhiều so với tiếng thở rít.

    5. Xét nghiệm cận lâm sàng

    5.1 X quang cổ thẳng – nghiêng thường không đặc hiệu. Để chẩn đoán viêm thanh quản, hoặc viêm thanh thiệt thì việc thực hiện X quang cổ là không cần thiết vì các dấu hiệu trên X quang không hằng định và mang tính chủ quan. Trong trường hợp nghi ngờ ab-xe thành sau họng trên X quang cổ nghiêng, chúng ta có thể thấy bề dày mô mềm thành sau họng lớn hơn bề dày thân đốt sống cổ C2,C3.

     

    Image

    Áp-xe thành sau họng

    5.2 X quang ngực thẳng cần thực hiện khi nghi ngờ nguyên nhân tắc nghẽn ở trong lồng ngực. X quang ngực thẳng có thể phát hiện U, hạch trung thất. Cung động mạch chủ lệch phải sẽ gợi ý mạch máu chèn ép khí quản. Trường hợp tăng sáng một bên phổi, xẹp phổi kéo dài gợi ý nguyên nhân dị vật đường thở.

    5.3 CT cổ – ngực có cản quang là một công cụ vô cùng hữu ích trong việc chẩn đoán các nguyên nhân gây thở rít. CT có dựng hình cây khí phế quản giúp gợi ý hẹp đường thở, vị trí, mức độ hẹp, tuy nhiên dễ bỏ sót những tổn thương trong lòng ngay cả dị vật. CT giúp phát hiện các bất thường trong trung thất gây chèn ép đường thở như U, hạch, bất thường mạch máu…

    5.4 Nội soi hô hấp: nếu như CT giúp đánh giá các nguyên nhân gây chèn ép đường thở từ bên ngoài, thì nội soi giúp đánh giá các nguyên nhân ở thành đường thở như mềm sụn thanh, khí phế quản, các nguyên nhân trong lòng đường thở như u nhú, bướu máu, dị vật …đánh giá chi tiết tình trạng hẹp đường thở như vị trí, mức độ, tính chất hẹp.

    – Nội soi mũi họng – thanh quản có thể thực hiện ở những bệnh nhi ổn định ngay tại giường bệnh mà không cần an thần. Việc này rất hữu ích trong việc chẩn đoán một số bệnh lý như mềm sụn thanh quản, các bất thường mũi họng, cũng như giúp đánh giá chuyển động hai dây thanh.

    – Nội soi hô hấp ngoài việc chẩn đoán còn giúp điều trị trong một số trường hợp như lấy dị vật đường thở. Trường hợp viêm thanh thiệt, ab-xe thành sau họng kèm nguy kịch hô hấp nặng nội soi giúp định hướng đặt nội khí quản để thông khí cho bệnh nhi. Các trường hợp này phải thực hiện tại phòng mổ, bệnh nhi được gây mê, an thần và theo dõi thật sát.

    6. Điều trị

    – Tìm và điều trị nguyên nhân là biện pháp cơ bản nhất, nhưng việc ổn định tình trạng hô hấp cho bệnh nhi mới là điều quan trọng nhất. Để ổn định hô hấp cho bệnh nhi cần chú ý tư thế khiến bệnh nhi dễ chịu nhất, không cố ép bệnh nhi vào một tư thế bắt buột nào cả vì điều đó có thể khiến đường thở bị tắt nghẽn hoàn toàn. Trong những trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng như viêm nắp thanh môn, ab-xe thành sau họng, viêm khí quản do vi trùng hay nghi ngờ dị vật đường thở… cần hội chẩn ý kiến chuyên gia tai mũi họng để có thể can thiệp sớm cho bệnh nhi.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    – Diana R Quintero, Khoulood Fakhoury, Assessment of stridor in children, UptoDate 2019.

  • TIẾP CẬN KHÒ KHÈ Ở TRẺ EM

    PGS.TS.BS. Phan Hữu Nguyệt Diễm

    MỤC TIÊU HỌC TẬP

    1. Giải thích được cơ chế khò khè
    2. Phân biệt khò khè và các tiếng thở bất thường khác
    3. Tiếp cận chẩn đoán nguyên nhân khò khè

    Giải phẫu và sinh lý đường hô hấp trong lồng ngực

    Đường dẫn khí trong lồng ngực gồm đoạn dưới khí quản nằm trong lồng ngực, phế quản gốc và các phân nhánh phế quản, các thế hệ tiểu phế quản và tận cùng bằng tiểu phế quản tận.

    • Khí quản và phế quản gốc được bao quanh 5/6 chu vi bởi vòng sụn cứng dạng chữ C giúp đường dẫn khí ngoài phổi không bị xẹp, đặc biệt trong thì thở ra.
    • Từ các phế quản thùy, vòng sụn mỏng dần nên dễ bị xẹp khi chịu ảnh hưởng của áp lực xuyên phổi trong thì thở ra.

    Lớp cơ trơn đường dẫn khí thay đổi tùy theo vị trí giải phẫu, từ một bó cơ nối 2 đầu vòng sụn chữ C (tại đường dẫn khí trung tâm) mỏng dần thành những vòng cơ “vòng cơ Reissessen” (bao quanh ống phế nang).

    Nhờ hoạt động của các lông chuyển, lớp chất nhầy được dịch chuyển từ các đường dẫn khí xa về phía hầu họng và cuốn theo nhiều chất cặn, tế bào chết và vi sinh vật trong đường dẫn khí, giúp làm sạch lòng đường dẫn khí [1].

    Đường dẫn khí chịu chi phối chủ yếu bởi hệ thần kinh tự động, cơ trơn đường thở co lại trong đáp ứng với kích thích phó giao cảm và dãn ra trong đáp ứng với kích thích giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm kích thích thông qua tác dụng của epinephrine lên thụ thể β2 trên cơ trơn phế quản, còn hệ phó giao cảm thì tác động qua tác dụng của acetylcholine được tiết ra từ các nhánh đi từ dây X vào phổi [1].

    Định nghĩa khò khè

    Khi đường dẫn khí trong lồng ngực bị hẹp sẽ tạo ra tiếng thở có âm sắc nhạc liên tục, gọi là khò khè. Khò khè chủ yếu nghe trong thì thở ra, đôi khi nghe trong cả 2 thì hô hấp nếu tắc nghẽn đường dẫn khí trung tâm hoặc tắc nghẽn nặng đường dẫn khí ngoại biên. Âm sắc của khò khè thay đổi tùy theo vị trí và mức độ tắc nghẽn. Khò khè đơn âm thường do tắc nghẽn đường dẫn khí trung tâm hoặc tắc nghẽn ở 1 vị trí, trong khi khò khè đa âm thì do tắc nghẽn đường dẫn khí ngoại biên ở nhiều vị trí với nhiều mức độ tắc nghẽn khác nhau [2], [3].

    Đường thở mở

    Đường thở xẹp

    Hình 2.1. Sự tắc nghẽn đường hô hấp trong lồng ngực – ngoài phổi.
    Nguồn: Ashok P. Sarnaik et al. (2016) [3].

    Đường thở mở

    Đường thở xẹp

    Hình 2.2. Sự tắc nghẽn đường hô hấp trong lồng ngực – trong phổi.
    Nguồn: Ashok P. Sarnaik et al. (2016) [3].

    A. Trong thì hít vào, áp lực âm trong khoang màng phổi âm nhiều hơn áp lực âm trong đường thở có thể kéo mở đường thở, giảm tình trạng tắc nghẽn.
    B. Trong thì thở ra, áp lực dương trong khoang màng phổi tác động gây xẹp đường thở, làm nặng thêm tình trạng tắc nghẽn.
    Tuy nhiên, do đường dẫn khí trung tâm (đường dẫn khí trong lồng ngực – ngoài phổi) được bao quanh bởi sụn cứng nên ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi áp lực trong khoang màng phổi. Vì vậy, sự chênh áp qua chỗ hẹp làm luồng khí hít vào – thở ra xoáy khi ngang qua chỗ hẹp, gây rung động thành đường thở (khò khè) cả 2 thì. Ngoài ra, do đường thở trung tâm thường chỉ có 1 mức độ tắc nghẽn nên khò khè đơn âm. Trong khi đó, thành đường dẫn khí ngoại biên (đường dẫn khí trong lồng ngực – trong phổi) vòng sụn rất mỏng nên chịu ảnh hưởng nhiều của áp lực xuyên phổi, đường dẫn khí bị tắc nghẽn nặng hơn trong thì thở ra, gây khò khè chủ yếu trong thì thở ra. Và, đường dẫn khí ngoại biên phân tầng nhỏ dần với nhiều cấp độ nên sự tắc nghẽn cũng có nhiều mức độ, gây khò khè đa âm.

    Nguyên nhân khò khè [4]

    Khò khè cấp tính

    • Hen
    • Viêm tiểu phế quản
    • Viêm phế quản
    • Viêm thanh khí quản
    • Viêm khí quản do vi trùng
    • Dị vật đường thở cấp

    Khò khè mạn tính hay khò khè tái phát

    Bất thường cấu trúc

    • Mềm sụn khí quản
    • Vòng mạch máu chèn ép
    • Hẹp khí quản/ màng ngăn khí quản
    • Nang, khối u, hạch trung thất chèn ép
    • Tim to chèn ép

    Bất thường chức năng

    • Hen
    • Trào ngược dạ dày thực quản
    • Hít sặc tái phát
    • Suy giảm miễn dịch
    • Bất hoạt lông chuyển
    • Loạn sản phế quản phổi
    • Dị vật phế quản bỏ quên
    • Bệnh phổi mô kẽ

    Tiếp cận chẩn đoán

    Bệnh sử và tiền căn

    • Xác định trẻ khò khè thực sự
    • Tuổi khởi phát 🡪 bẩm sinh hay mắc phải
    • Cách khởi phát đột ngột/cấp tính (dị vật, hít sặc, cơn hen, nhiễm trùng) hoặc tiến triển mạn tính/tái phát (dị tật, u/hạch chèn ép, trào ngược dạ dày thực quản – TNDD-TQ, hen, …)
    • Yếu tố tăng, giảm khò khè: khò khè thay đổi theo tư thế (mềm sụn khí phế quản, vòng mạch, tuyến ức to), khò khè tăng trong/sau bú (dò khí quản-thực quản, TNDD-TQ)
    • Triệu chứng khác đi kèm: sốt, ho, đau ngực, tím tái, …
    • Tiền căn chậm tăng cân (tim bẩm sinh, TNDD-TQ), nhiễm trùng tái đi tái lại (Suy giảm miễn dịch – SGMD), cơ đị dị ứng (hen), …

    Khám lâm sàng

    • Sinh hiệu
    • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng
    • Da niêm: tím, dùi trống, chàm da, hạch ngoại vi
    • Nghe tim, phổi: ran ngáy, rít, giảm phế âm, thông khí giảm thì thở ra, tiếng tim bất thường.
    • Gan to 🡪 ứ khí phổi, suy tim sung huyết, bệnh lý ác tính

    Cậm lâm sàng [5]

    • X quang ngực chỉ định khi: khò khè lần đầu chưa rõ nguyên nhân hoặc khò khè mạn tính không đáp ứng điều trị.
    • CT-scan ngực: khi nghi ngờ dị tật đường thở bẩm sinh
    • Nội soi đường thở: khi nghi ngờ dị vật đường thở
    • Định lượng kháng thể, định lượng quần thể tế bào lympho, test nhanh HIV khi nghi ngờ SGMD
    • Siêu âm bụng lúc no: khi nghi ngờ TNDD-TQ.

    Xử trí

    • Xử trí cấp cứu (nếu cần)
    • Hỏi bệnh sử, tiền căn và khám lâm sàng
    • Chỉ định test dãn phế quản
    • Trẻ khò khè cần nhập viện khi:
      • Có dấu hiệu suy hô hấp
      • Khò khè khởi phát cấp tính đột ngột nghi dị vật đường thở
      • Khò khè tái đi tái lại hay khò khè mãn tính cần tìm nguyên nhân
      • Khò khè xảy ra ở trẻ < 3 tháng.

    Hình 4.1. Lưu đồ tiếp cận chẩn đoán khò khè [6].

    API: Asthma Predictive Index; DPQ: dãn phế quản, HC: hội chứng, NN: nguyên nhân,
    PQ-P: phế quản – phổi.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Ochs M. and O’Brodovich H. (2019), “The Structural and Physiologic Basis of Respiratory Disease”, in Kendig’s Disorders of the Respiratory Tract in Children, Elsevier, 9th ed, Philadelphia, pp. 63-100.e2.

    2. Pasterkamp H. (2012), “The history and physical examination”, in Kendig and Chernick’s disoerders of the respiratory tract in children, Elsevier, 8th ed, section II, Philadelphia, pp. 110-130.

    3. Ashok P. Sarnaik, Sabrina M. Heidemann, and Jeff A. Clark (2016), “Airway dynamics in health and disease”, in Nelson Textbook of Pediatrics, Elsevier, 20th ed, Vol. 2, Chapter 373: Respiratory pathophysiology and regulation, Philadelphia, pp. 1985-1986.

    4. Fakhoury K. (2019), Evaluation of wheezing in infants and children, UpToDate, Accessed on 12/06/2019.

    5. Bush A., Grigg J., and Saglani S. (2014), “Managing wheeze in preschool children”, Bmj, 348, pp. g15.

    6. Oo S. and Le Souëf P. (2015), “The wheezing child: an algorithm”, Australian Family Physician, 44, pp. 360-364.

  • TIẾP CẬN HO Ở TRẺ EM

    ThS.BS. Nguyễn Thái Sơn

    Mục tiêu học tập

    1. Giải thích cơ chế sinh lý bệnh của ho
    2. Tiếp cận chẩn đoán nguyên nhân ho ở trẻ em

    Cơ chế sinh lý bệnh của ho

    Ho là triệu chứng hô hấp phổ biến nhất khiến trẻ đi khám bệnh. Ho không chỉ gây khó chịu cho trẻ mà còn là nỗi than phiền thường gặp nhất của gia đình trẻ [1], [2].

    Ho thuộc về cơ chế bảo vệ tự nhiên, là phản xạ nhằm tống xuất đàm và vật lạ ra khỏi đường thở, là kết quả của sự kích thích thụ thể ho. Các thụ thể này nằm trong lớp niêm mạc và lớp dưới niêm từ hầu đến các tiểu phế quản tận. Các thụ thể nhạy cảm cơ học thì phân bố chủ yếu ở hầu và khí quản, trong khi những thụ thể nhạy cảm hóa học thì phân bố chủ yếu ở đường dẫn khí xa [2]. Chúng phát tín hiệu hướng tâm qua thần kinh thiệt hầu (IX) và thần kinh lang thang (X) đến trung khu ho nằm ở vùng trên thân não và cầu não. Tín hiệu ly tâm từ trung khu ho qua dây X, thần kinh hoành, thần kinh vận động tủy sống đến thanh quản và cơ hoành cũng như cơ thành ngực, thành bụng và khung chậu. Vỏ não có thể khởi phát chủ động hay ức chế phản xạ ho [1], [2].

    Ho gồm 3 pha: (1) hít sâu; (2) đóng nắp thanh môn, giãn cơ hoành, co cơ thở ra; và (3) mở đột ngột nắp thanh môn [1], [2]. Trong pha 2, áp lực trong lồng ngực có thể lên tới 300 mmHg và có thể truyền tới mạch máu và khoang não tủy. Vận tốc luồng khí trong pha 3 cao nhất ở đường dẫn khí trung tâm và có thể đạt ¾ tốc độ âm thanh. Vận tốc này phụ thuộc vào sự mở đột ngột của nắp thanh môn và ảnh hưởng đến hiệu quả tống xuất đàm. Vì vậy, bệnh nhân có bất thường chức năng nắp thanh môn hay mở khí quản có phản xạ ho kém hiệu quả [1].

    Kích thích ho có thể từ trung ương, như ho tâm lý, hay từ phổi, từ đường thở lớn đến nhu mô phổi. Ho cũng có thể gây ra bởi nguyên nhân ngoài phổi, như màng phổi, cơ hoành, màng ngoài tim, hay kích thích thần kinh Arnold (nhánh thần kinh X) do có ráy tai hay dị vật ở tai ngoài [1].

    Phân loại ho [2], [3]

    1. Theo thời gian: cấp tính (<2 tuần), bán cấp (2-4 tuần), mạn tính (>4 tuần)
    2. Tính chất ho: ho đàm, ho khan

    Nguyên nhân ho ở trẻ em [1], [2]

    Ho cấp tính

    1. Nhiễm trùng hô hấp cấp
    2. Hít sặc/ dị vật đường thở
    3. Hen
    4. Hít khí độc: khói thuốc, CO, …

    Hen bán cấp

    1. Hậu nhiễm siêu vi, Mycoplasma, ho gà
    2. Viêm phế quản cấp

    Ho mạn tính

    1. Hậu nhiễm siêu vi, Mycoplasma, Ho gà
    2. Nhiễm trùng hô hấp kéo dài hoặc tái đi tái lại
    3. Nhiễm lao
    4. Hội chứng chảy mũi sau
    5. Hội chứng hít
    6. Trào ngược dạ dày – thực quản, Dò khí quản – thực quản
    7. Hen
    8. Dãn phế quản, xơ nang, rối loạn vận động lông chuyển, bệnh phổi mô kẽ
    9. Bệnh lý tim mạch
    10. Bệnh lý ác tính vùng trung thất
    11. Dị tật bẩm sinh đường hô hấp

    Bảng 3.1 Nguyên nhân ho mạn tính theo tuổi [1].

    Nhũ nhi Tiền học đường Học đường/Vị thành niên
    Bất thường bẩm sinh Dị vật đường thở Phản ứng
    Dò khí thực quản Nhiễm trùng Hen
    Tổn thương thần kinh Virus Chảy mũi sau
    Nhiễm trùng Mycoplasma Nhiễm trùng
    Virus Vi khuẩn Mycoplasma
    Chlamydia Phản ứng Kích thích
    Vi khuẩn (ho gà) Hen Hút thuốc
    Xơ nang Xơ nang Ô nhiễm không khí
    Kích thích Tâm lý
    Hút thuốc thụ động

    Tiếp cận trẻ ho

    Bệnh sử

    1. Thời gian ho: cấp tính/bán cấp/mạn tính. Nếu ho mạn tính, lưu ý tuổi bắt đầu ho (gợi ý nguyên nhân bẩm sinh) hoặc tiến triển nặng dần của ho (gợi ý nhiễm lao hoặc bệnh lý ác tính chèn đường thở)
    2. Hoàn cảnh khởi phát ho: đột ngột (dị vật, sặc), sau gắng sức/tiếp xúc dị nguyên/thay đổi thời tiết (hen), trong lúc đang ăn/bú (liên quan hít sặc, dò khí quản – thực quản), sau ăn chất rắn (viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan), …
    3. Thời điểm ho nặng hơn trong ngày: về đêm gần sáng (hen), sau khi nằm (hội chứng chảy mũi sau, trào ngược dạ dày-thực quản, suy tim sung huyết, …), ho đàm nhiều vào buổi sáng (dãn phế quản, xơ nang, rối loạn vận động lông chuyển).
    4. Yếu tố giảm ho: thay đổi tư thế, thuốc dãn phế quản, …
    5. Ho khan hay ho đàm (lượng đàm, màu sắc đàm). Lưu ý, màu vàng xanh của đàm là do bạch cầu chết và phóng thích men myeloperoxidase. Tính chất này chỉ nói lên đàm bị ứ đọng lại chứ không nói lên sự nhiễm trùng.
    6. Âm sắc ho: ho ông ổng như chó sủa “barking cough” (viêm thanh khí quản), ho ngắt quãng “staccato cough” (nhiễm siêu vi hô hấp hoặc nhiễm vi khuẩn không điển hình), ho kịch phát từng cơn dài đỏ mặt “whooping cough” (Ho gà), ho như tiếng ngỗng kêu “honking cough” (ho tâm lý), …
    7. Triệu chứng kèm theo: hít sặc, sốt, khó thở, đau ngực, nôn ói, ói máu, sụt cân, …
    8. Tiền sử sản khoa và sơ sinh
    9. Tiền căn gia đình: bệnh lý dị ứng, lao, hen, …
    10. Môi trường sống: ẩm mốc, khói bụi, khói thuốc lá, thú nuôi, cây trồng, …

    Khám lâm sàng

    1. Đánh giá dấu hiệu cần cấp cứu
    2. Lấy sinh hiệu, SpO2, chỉ số dinh dưỡng
    3. Đánh giá mức độ gắng sức hô hấp
    4. Khám hô hấp, tim mạch
    5. Khám các cơ quan khác: tai mũi họng, chàm da, đầu chi dùi trống, phù, …

    Chỉ định cận lâm sàng (nếu cần) [3]

    1. Công thức máu: lympho tăng cao (gợi ý Ho gà)
    2. X-quang phổi
    3. Chức năng hô hấp (chẩn đoán hen)
    4. Nội soi mũi họng (tìm polyp mũi, bất thường vùng thanh quản), nội soi đường thở (nghi dị vật đường thở)
    5. CT-scan ngực (nghi bất thường bẩm sinh đường thở)
    6. Siêu âm bụng (nghi trào ngược dạ dày – thực quản)
    7. IDR (nghi lao)
    8. Test lẩy da (chẩn đoán cơ địa dị ứng)

    A screenshot of a cell phone

Description automatically generated

    Sơ đồ . Tiếp cận ho cấp tính [4].

    A close up of text on a white background

Description automatically generated

    Sơ đồ . Tiếp cận ho mạn tính [5].

    Tài liệu tham khảo

    1. Hans P. and David Z. (2019), “The history and physical examination”, in Kendig’s disorders of the respiratory tract in children, Elsevier, Philadelphia, pp. 134-138.

    2. Calvin K.W. Tong (2011), Approach to a child with a cough, Available from: http://learn.pediatrics.ubc.ca/body-systems/respiratory-system/approach-to-a-child-with-a-cough/, Accessed on 16/06/2019

    3. Ramanuja S. and Kelkar P.S. (2010), “The approach to pediatric cough”, Ann Allergy Asthma Immunol, 105 (1), pp. 3-8; quiz 9-11, 42.

    4. Louella B.Amos (2018), “Cough”, in Nelson’s pediatric symptom-based diagnosis, Elsevier, China, pp. 15-38.

    5. de Jongste J.C. and Shields M.D. (2003), “Cough . 2: Chronic cough in children”, Thorax, 58 (11), pp. 998-1003.

  • KHÍ MÁU ĐỘNG MẠCH NHI KHOA

    KHÍ MÁU ĐỘNG MẠCH

    Ths.BS. Lê Phước Truyền

    Mục tiêu

    1. Trình bày chỉ định khí máu
    2. Sử dụng các kiến thức về điều hoà toan kiềm của bệnh nhân để giải thích các rối loạn toan kiềm có trên bệnh nhân
    3. Đọc và phân tích được khí máu động mạch theo hệ thống

    Đại cương

    Cân bằng acid-base hay cân bằng ion H+ trong cơ thể là cần thiết để duy trì sự sống cho cơ thể. Khi cơ thể bị mất cân bằng acid-base sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như: giảm trương lực mạch máu, giảm sức co bóp cơ tim, tăng nguy cơ rối loạn nhịp, yếu cơ, rối loạn điện giải, rối loạn tri giác, tổn thương hô hấp tế bào dẫn đến tử vong nếu không được điều chỉnh.

    Mức độ toan hay kiềm của một dung dịch được xác định dựa vào pH ((potential of hydrogen ion concentration). Hàng ngày, có một lượng lớn acid bay hơi (chủ yếu là H2CO3 – CO2) được tạo ra do chuyển hóa của carbonhydrate, đồng thời có một lượng lớn acid không bay hơi từ chuyển hóa của phospholipid (H3PO4) và protein (H2SO4). Ngoài ra, acid không bay hơi còn được tạo ra từ các quá trình bệnh lý như tiểu đường, đói (acetoacetate); giảm oxy tế bào, ngộ độc CO, một số thuốc (lactate), ngộ độc một số acid không bay hơi.

    Acid là chất có thể cho ion H+: các acid mạnh cho nhiều ion H+, các acid yếu cho ít ion H+. Các chất kiềm là các chất có thể nhận ion H+. Cũng như các acid, các bazơ mạnh có thể nhận nhiều ion H+, trong khi các bazơ yếu có thể nhận ít ion H+. Độ pH của một dung dịch liên quan với nồng độ H+ trong dung dịch. pH thấp tương ứng với nồng độ H+ cao là bằng chứng của tình trạng toan trong khi pH cao tương ứng với nồng độ H+ thấp là tình trạng kiềm. Bình thường trong cơ thể người nồng độ ion H+ phân li trong một lít dịch là 10-7,35 tới 10-7,45 mEq/lít, như thế có nghĩa là pH = – (log 10-7,35 tới log 10-7,45) = 7,35 – 7,45. Chỉ số pH càng thấp thì thì nồng độ H+ càng cao và ngược lại (tỷ lệ nghịch). Nếu pH xuống < 7,35 thì máu trong tình trạng toan và nếu pH > 7,45 thì máu trong tình trạng kiềm. Khi pH > 7,8 và < 6,8 cơ thể sẽ không tồn tại sự sống.

    Khi pH < 7,30:

    • Các men không còn hoạt động đúng do bản chất của chúng là protein sẽ thay đổi khi bị toan chuyển hóa.
    • Điện sinh lý của tim và hệ thần kinh trung ương bị rối loạn, sự dẫn truyền các xung thần kinh sẽ bị bất thường.
    • Rối loạn pH sẽ kéo theo các rối loạn điện giải, nhất là tăng K+, pH giảm làm co thắt mạch máu phổi, làm tăng áp động mạch phổi cấp tính.
    • Các cảm thụ của hệ thần kinh thực vật sẽ không đáp ứng với thuốc, kích thích tố.
    • pH giảm sẽ ức chế hệ thần kinh trung ương gây hôn mê.
    • Máu càng toan (pH <7,35) đáp với với cathecolamin của sức co bóp cơ tim và trương lực mạch máu càng kém.

    Khi pH > 7,50:

    • Hệ thần kinh trung ương bị kích thích gây co cứng.
    • Giảm K+ ngoại bào.
    • Đường cong phân ly oxy hemoglobin lệch trái.

    Hiểu rõ về mối liên quan giữa H+, CO2, HCO3 là trọng tâm trong hiểu về cân bằng acid bazơ của cơ thể. Nó cũng phản ánh hệ đệm sinh lý quan trọng của cơ thể (hệ CO2/HCO3)

    CO2 + H2O ↔ H2CO3 ↔ H+ + HCO3 .

    Theo phương trình Henderson – Hasselbalch, ta có

    Acid chính duy trì cân bằng acid-base của cơ thể là H2CO3/CO2 nên ta có

    Bình thường [HCO3-] ≈ 24 mmol/l và PaCO2 ≈ 40 mmHg nên pH = 6,1 + log 20 ≈ 7,4

    Cơ chế duy trì pH bình thường

    Duy trì pH huyết tương trong khoảng 7,35-7,45 thì là cần thiết cho sự sống bởi vì nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể (chủ yếu là hoạt động của các enzyme) thì nhạy với sự thay đổi của nồng độ H+. Nồng độ H+ nội bào thì cao hơn (khoảng pH = 7) so với dịch ngoại bào, nhưng nhạy với sự thay đổi của ion H+ ngoại bào. Hàng ngày, lượng CO2 được tạo ra góp phần khoảng 15-20mmol/ngày. Lượng acid không bay hơi hàng ngày thì ít hơn, tuỳ thuộc vào chế độ ăn, chế độ ăn nhiều thịt thì lượng acid sinh ra nhiều, trong khi chế độ ăn nhiều rau trái cây thì lượng acid sinh ra ít hơn. Trong cơ thể có ba hệ thống đệm để duy trì pH trong cơ thể hằng định giúp cho tế bào hoạt động bình thường, đó là:

    • Hệ thống đệm lý hoá
    • Hệ đệm hô hấp
    • Hệ đệm thận

    Hệ thống đệm lý hoá của cơ thể là hệ đệm chính trong các dịch của cơ thể. Bao gồm: các protein huyết tương, hemoglobin và bicarbonate trong máu, bicarbonate trong dịch khoảng kẽ, protein và phosphate trong dịch nội bào. Trong đó, hệ thống đệm bicarbonate là quan trọng nhất, vì có nồng độ cao nhất trong huyết tương (24 mEq/l) chiếm 50% tổng số kiềm đệm trong cơ thể. Các cơ chế đệm này hoạt động tức thì giúp duy trì pH hằng định.

    Hệ đệm hô hấp hoạt động nhanh trong vòng vài phút và hoạt động thông qua kiểm soát áp suất riêng phần của CO2 trong huyết tương (pCO2) thông qua thông khí phế nang và giúp thải CO2 ra ngoài. Mặc dù điều này giúp cho pH huyết tương về bình thường nhưng hệ đệm này không thực sự điều chỉnh cân bằng acid-base.

    Hệ đệm thận hoạt động chậm hơn trong hàng giờ đến vài ngày và hoạt động thông qua kiểm soát lượng bicarbonate huyết tương qua việc thay đổi bài tiết H+, NH4+ của thận, tái hấp thu và sản xuất bicarbonate. Cơ chế này thực sự điều chỉnh cân bằng acid-base.

    Theo phương trình Henderson–Hasselbalch trên, cơ thể duy trì pH = 7,4 như sau:

    • Khi bệnh nhân bị giảm [HCO3] trong máu, như mất qua tiêu hoá (tiêu chảy) hay thận (bệnh lý ống thận) cơ thể sẽ duy trì bằng tăng thông khí, làm giảm CO2 để bù trừ
    • Khi bệnh nhân bị tăng PaCO2 máu như trong toan hô hấp (viêm phổi, bệnh phổi mạn…), thận sẽ điều chỉnh thải H+ và giữ HCO3 lại làm tăng [HCO3-] trong máu

    Quá trình điều chỉnh kiềm toan của cơ thể như sau:

    • Toan chuyển hóa:

    Khi một acid (H+) mạnh được cho vào dịch thể, cơ chế điều hòa cân bằng H+ sẽ diễn tiến theo 3 bước:

    • Bước 1: Xảy ra nhanh chóng, nhờ hoạt động của các hệ thống đệm tồn tại trong dịch cơ thể.

    Acid mạnh + muối đệm ↔ NaCl + H2CO3 ↔ H2O + CO2

    Phản ứng này biến một acid mạnh thành một acid yếu hơn, do đó hạn chế sự giảm nhanh của pH và cũng làm giảm base đệm trong dịch cơ thể

    • Bước 2: Xảy ra chậm hơn. Đó là cơ chế bù trừ của phổi. Thải tất cả CO2 dư ra ngoài, ngoài ra có thể thải thêm một lượng CO2 sẵn có (từ ban đầu trước khi cho axít mạnh vào dịch cơ thể). Chuyển tỷ lệ [HCO3 -] /0,03 PCO2 trở về 20, làm cho pH tiếp cận giá trị bình thường.
    • Bước 3: Cơ chế bù trừ của thận. Là bước sau cùng nhưng được tiến hành một cách hoàn hảo:

    Tái hấp thu toàn bộ HCO3 – được lọc qua cầu thận.

    Bổ sung lượng HCO3- hao hụt bằng cách bài tiết NH4+

    Hiệu quả: pH trở về bình thường, kho dự trữ đệm của cơ thể được bổ sung đầy đủ.

    • Toan hô hấp:

    Khi CO2 gia tăng trong cơ thể sẽ kết hợp với H2O tạo H2CO3, H+ sẽ được các hệ thống đệm hoá học đệm. HCO3- gia tăng trong máu.

    CO2 + H2O ↔ H2CO3 ↔ HCO3- + H+

    Phổi gia tăng thải CO2 nếu không bị ức chế. Thận tái hấp thu Na+ và HCO3-. Thận tái hấp thu Na+ bằng cách hoán đổi với ion H+ được tạo từ CO2 trong tế bào ống thận. Tỷ lệ HCO3-/H2CO3 được giữ vững nhờ cả hai cùng tăng.

    PaCO2 làm tăng tính axít của tế bào thận, làm tăng tiết H+. Khi PaCO2 cao, H2CO3 trong tế bào thận cũng tăng, làm tăng tiết H+.

    • Kiềm chuyển hoá:

    Khi một base mạnh được cho vào dịch thể, được hệ thống đệm hoá học của cơ thể tác dụng nhanh theo diễn tiến.

    Base mạnh + acid yếu ↔ muối trung hoà + Nước

    Ví dụ: NaOH + H2CO3 ↔ NaHCO3 + H2O làm cho HCO3– trong cơ thể gia tăng. pH tăng, HCO3– tăng sẽ ức chế hô hấp để giữ lại CO2. CO2 sẽ kết hợp với H2O tạo ra H2CO3 trả lại cho hệ thống đệm đã dùng trong phản ứng trên. Đáp ứng này bị giới hạn bởi chính sự gia tăng CO2 cùng với việc giảm oxy sẽ kích thích hô hấp.

    Khi HCO3– huyết tương gia tăng quá ngưỡng thận (26-28 mEq/l), thận sẽ bắt đầu thải HCO3-.

    • Kiềm hô hấp:

    Khi CO2 giảm làm H2CO3 giảm.

    CO2 giảm làm ức chế hô hấp, giữ lại được CO2, cách bù này hạn chế vì khi CO2 gia tăng sẽ làm kích thích hô hấp trở lại.

    CO2 giảm làm thận giảm tiết H+, nên HCO3- tái hấp thu giảm.

    Tỷ lệ [HCO3-] /H2CO3 được giữ vững do cả hai cùng giảm.

    • Giá trị khí máu bình thường

    Bảng 1.1 Giá trị bình thường của khí máu động và tĩnh mạch

    Giá trị Khí máu động mạch Khí máu tĩnh mạch
    pH 7,35 – 7,45 7,31 – 7,41
    PaCO2 (mmHg) 34.5-45 41.3-51
    PaO2 (mmHg) 90-108.8 34.5-43.5
    HCO3- (mmHg) 22-26 22-26
    BE -2 đến +2 -2 đến +2
    Độ bão hoà oxy 95% 70-75%

    Sinh lý khí trong máu

    Vận chuyển oxy

    Ở người bình thường, áp suất khí quyển 1 atm, nhiệt độ 370C, độ ẩm 100%, pH2O = 47 mmHg với khí trời (Fi02 = 20,93%) ta có PO2 = 159 mmHg.

    Từ miệng mũi đến phế nang PaO2 mất 1/3 (PO2 mũi = 159 mmHg, PAO2 phế nang = 100 mmHg) là do:

    • Chỉ 1 phần thể tích khí hít vào tới được phế nang (khoảng chết giải phẫu).
    • Khí mới vào phải hòa lẫn với khí còn lại trong phế nang và sau khoảng 17 nhịp thở chỉ có 1/2 khí trong phế nang được đổi mới.

    Vì khí phế nang trao đổi liên tục nên oxy luôn được hấp thu từ phế nang và cacbonic luôn được thải từ máu và do máu tĩnh mạch tới liên tục ở bên kia vách phế nang.

    Giữa phế nang và máu động mạch ngoại vi mất thêm 10 % (PaO2 = 90 mmHg): do có một lượng máu nhỏ không được động mạch hóa (máu qua các phế nang không hoạt động, máu nuôi nhu mô phổi, máu nuôi cơ tim) lẫn vào nên áp suất oxy trong máu động mạch chỉ còn 90 – 95 mmHg.

    Giữa ĐM ngoại vi và tâm thất phải mất 50% (PvO2 = 40 mmHg).

    Các yếu tố ảnh hưởng đến việc nhận oxy tại phổi là:

    • Áp suất riêng phần của oxy trong phế nang
    • Thời gian máu chảy qua mao mạch phổi
    • Tính chất của màng phế nang – mao mạch
    • Sự xứng hợp giữa thông khí và tưới máu
    • Mức độ của nối tắt (shunt) trong phổi
    • Áp suất O2 trong máu tĩnh mạch (PvO2)
    • Lượng Hb hữu hiệu trong máu và ái lực của Hb đối với O2
    • Các dạng vận chuyển Oxy:

    Oxy trong máu có 2 dạng vận chuyển: dạng hoà tan và dạng kết hợp với Hb.

    • Dạng oxy hoà tan: ít (0,3ml/dl máu), là dạng sử dụng của ti thể, không giới hạn, tỉ lệ thuận với PO2
    • Dạng oxy kết hợp hemoglobin: lượng quan trọng (20.8ml/dl máu), là dạng dự trữ phải chuyển sang dạng hoà tan trước khi được ti thể sử dụng, bị giới hạn bởi lượng hemoglobin có thể gắn oxy, không tỉ lệ thuận với PO2 mà có dạng sigmoid.

    Vận chuyển CO2

    Máu động mạch PaO2 = 90, PaCO2 = 40 mm Hg

    Máu tĩnh mạch PvO2 = 40, PvCO2 = 45 mmHg

    Từ tĩnh mạch PvCO2 (45 mmHg) 🡪 PaCO2 (40 mmHg), giảm 5 mmHg CO2 do khuếch tán qua màng phế nang.

    Có 2 dạng vận chuyển CO2:

    • Vận chuyển CO2 trong huyết tương
    • Vận chuyển CO2 trong hồng cầu

    Cơ thể luôn chuyển hóa tạo ra CO2, CO2 trong máu dạng hòa tan chiếm 8%; dạng kết hợp với protein huyết tương chiếm 2%, dạng kết hợp với Hb trong hồng cầu chiếm 10% và dạng HCO3– là 80%.

    Phân tích khí máu động mạch

    Chỉ định

    • Chẩn đoán suy hô hấp: giảm oxy máu, giảm thông khí phế nang
    • Chẩn đoán theo dõi rối loạn toan kiềm
    • Theo dõi đáp ứng điều trị

    Kỹ thuật lấy máu làm khí máu động mạch

    Nếu có sẵn catheter động mạch, lấy máu qua catheter động mạch

    • Đánh giá bệnh nhân:
    • Sinh hiệu ổn định không
    • Có tình trạng dễ xuất huyết: Bệnh lý rối loạn đông máu, tiêu sợi huyết dùng thuốc kháng đông …
    • Tình trạng nhiễm trùng: Để có biện pháp phòng lây lan
    • Bệnh nhân: Giải thích cho bệnh nhi gia đình để hợp tác

    Ưu tiên lựa chọn: động mạch khá lớn, nông, dễ tiếp cận, xa các tĩnh mạch lớn và dây thần kinh, kiểm tra có tuần hoàn bàng hệ. Thường chọn động mạch quay (bên tay không thuận), cần làm test Allen hoặc modified Allen test để đánh giá tuần hoàn bàng hệ. Nên tránh động mạch cánh tay nguy cơ không có tuần hoàn bàng hệ. Sử dụng động mạch đùi có thể gây ra khối máu tụ lớn lan về phía bụng, nên không dùng cho những bệnh nhân có rối loạn đông máu.

    • Xác định máu động mạch: máu đỏ tươi trào tự nhiên vào syringe, theo nhịp mạch (khó xác định ở các bệnh nhân bị hạ huyết áp hoặc kim nhỏ). Lấy máu nhẹ nhàng, không kéo, hút. Lấy đủ lượng máu cần sau đó rút kim, đuổi khí nếu có, đậy ngay ống chích, tránh cho tiếp xúc với không khí. Lượng máu lấy phải đủ vì máu sẽ bị pha loãng bởi lượng Heparin nằm trong syringe nên lượng máu càng nhỏ thì sai số càng lớn, nhất là với HCO3– và PaCO2. Ép miếng gạc vô khuẩn bằng tay sau khi lấy máu trong thời gian hơn 5 phút (lâu hơn 15 – 20 phút ở các bệnh nhân rối loạn đông máu). Kiểm tra lại sau sau khi bỏ tay ra. Ghi rõ chi tiết của bệnh nhân: họ tên, giờ lấy, nơi lấy máu, thân nhiệt, FiO2, hemoglobin. Nên phân tích máu ngay (< 10 giây ở nhiệt độ phòng). Nếu phải đợi lâu hơn thì phải ngâm trong nước đá bào nhuyễn, cũng không nên để lâu hơn 30 phút.

    Đọc khí máu động mạch theo hệ thống

    Đọc khí máu động mạch của bệnh nhân theo hệ thống như sau

    1. Xem lại bệnh nhân

    Để phân tích khí máu động mạch, người đọc cần xem lại bệnh nhân, bệnh sử, khám, bệnh nền, tình trạng hỗ trợ hô hấp. Bởi vì, các yếu tố này sẽ ảnh hướng tới kết quả khí máu

    1. Kiểm tra khí máu có đúng kỹ thuật không
    2. Đánh giá tình trạng oxy hoá máu
    3. Đánh giá tình trạng thông khí
    4. Đánh giá thăng bằng kiềm toan và bù trừ
    5. Định hướng nguyên nhân gây rối loạn khí máu và tiên lượng bệnh nhân
    • Đánh giá tình trạng oxy hoá máu
    • SaO2: hay độ bão hoà oxy, là tỉ lệ của lượng hemoglobin có gắn oxy chia cho tổng hemoglobin có gắn oxy và hemoglobin không gắn oxy, là lượng oxy chủ yếu được vận chuyển tới các mô. Giá trị SaO2 bình thường khoảng 92-98%.
    • PaO2: là áp suất riêng phần của oxy, là lượng oxy hoà tan trong máu, phản ánh khả năng trao đổi khí của phổi. Giá trị bình thường của PaO2 từ 80-100 mmHg.

    PaO2 < 80 mmHg: giảm oxy máu, PaO2 là cần thiết cho các quá trình chuyển hoá hiếu khí của cơ thể, PaO2 thấp dưới 80 mmHg gây thiếu oxy cho các cơ quan quan trọng

    PaO2 > 100 mmHg nguy cơ ngộ độc với oxy

    • AaDO2: bình thường AaDO2 = (tuổi/4 ) + 4. Giá trị AaDO2 bình thường cũng tăng khi tăng FiO2

    AaDO2 = PAO2 – PaO2 = {[FiO2 (Pi – PH2O)] – ]} – PaO2 =
    = (713 x FiO2) – (PaCO2/0,8) – (PaO2)

    Với Pi: áp lực hít vào toàn bộ

    PH2O = 47 mmHg

    RQ: Respiratory Quotient: thương số hô hấp, phụ thuộc vào chế độ ăn

    PaO2/FiO2: giúp đánh giá độ nặng mức độ suy hô hấp

    Bình thường PaO2 = 100 mmHg, FiO2 = 21% thì PaO2/FiO2 = 476 mmHg

    PaO2/FiO2 càng thấp, mức độ suy hô hấp giảm oxy càng nặng.

    • OI (Oxygen Index)

    OI = (FiO2 × mean airway pressure × 100)/PaO2.

    OSI = (FiO2 × mean airway pressure[1] × 100)/SpO2.

    Với bệnh nhân thở máy xâm lấn, phân độ ARDS như sau

    4 ≤ OI < 8: ARDS nhẹ

    8 ≤ OI < 16: ARDS trung bình

    OI ≥16: ARDS nặng

    • Đánh giá tình trạng thông khí

    PaCO2: áp suất riêng phần của CO2 trong máu động mạch. Đo lượng CO2 hoà tan trong máu, phản ánh tình trạng thông khí phế nang. ở bệnh nhân còn tự thở PaCO2 còn phản ánh khả năng bù trừ của hô hấp với tình trạng chuyển hoá.

    Bệnh nhân toan chuyển hoá được bù trừ hô hấp như sau:

    PCO2 ≈ 1,5 x (HCO3-) +8 ± 2 (Winters’ Formula)

    Bệnh nhân kiềm chuyển hoá được bù trừ hô hấp như sau:

    PCO2 ≈ 40 + [0,7 x (HCO3- -24)]

    Giá trị bình thường của PaCO2 là 35-45 mmHg. Nếu pH và PaCO2 thay đổi ngược chiều rối loạn nguyên phát là hô hấp.

    • Đánh giá tình trạng kiềm toan

    Giá trị của pH xác định bệnh nhân có tình trạng toan hay kiềm máu, giúp xác định nguyên nhân nguyên phát của rối loạn khí máu

    Lưu ý là bệnh nhân có thể có toan hoặc kiềm ngay cả khi pH trong giới hạn bình thường khi bệnh nhân có rối loạn hỗn hợp kèm theo.

    Giá trị bình thường của pH là 7,35-7,45, được duy trì bằng cân bằng tình trạng toan và kiềm của cơ thể. Có sự tương quan giữa pH và nồng độ H+: tăng nồng độ H+ làm giảm pH, phản ánh tình trạng toan, giảm nồng độ H+ làm tăng pH, phản ánh tình trạng kiềm.

    HCO3-: là thành phần chuyển hoá của khí máu động mạch, biểu hiện của nồng độ bicarbonate trong máu.

    Khi bệnh nhân có rối loạn nguyên phát thì chuyển hoá bù trừ lại như sau

    Bệnh nhân toan hô hấp bù trừ bằng chuyển hoá

    Cấp HCO3– ≈ 24 +

    Mạn HCO3– ≈ 24 + 4x []

    Bệnh nhân toan hô hấp bù trừ bằng chuyển hoá

    Cấp HCO3– ≈ 24 – 2x[

    Mạn HCO3– ≈ 24 – 5x []

    Giá trị bình thường của HCO3– là từ 22-26 mEq/l. Nếu pH và HCO3– thay đổi cùng chiều, rối loạn nguyên phát là chuyển hoá. Nếu pH và HCO3– thay đổi ngược chiều, rối loạn nguyên phát là hô hấp.

    Hoặc có thể xác định dựa vào lượng kiềm dư (BE: base excess) của cơ thể.

    Base excess = 0.02786 X pCO2 X 10^(pH – 6.1) + 13.77 X pH – 124.58 [1]

    Nếu bệnh nhân có pH < 7,35 & BE <- 5 🡪 Bệnh nhân có toan chuyển hoá

    Nếu bệnh nhân có pH > 7,45 & BE > 5 🡪 Bệnh nhân có kiềm chuyển hoá

    HCO3– là base được điều hoà bởi thận là thành phần chính của hệ động lý hoá của cơ thể

    Bệnh nhân toan chuyển hoá sảy ra khi tăng H+ hoặc giảm HCO3– tổng cộng:

    • Tăng hình thành acid ngoại sinh (ngộ độc) hoặc nội sinh (lactate)
    • Mất HCO3– qua tiêu hoá (tiêu chảy) hoặc thận (bệnh ống thận type 2)
    • Không thải được H+ qua thận (suy thận, bệnh ống thận type 1)

    Tính Anion Gap giúp phân loại các loại toan chuyển hoá trên.

    • Anion gap

    Bình thường trong cơ thể người, tổng lượng ion âm (anion) bằng tổng lượng ion dương (cation). Anion gap (khoảng trống anion) là hiệu của tổng ion âm không đo được và tổng ion âm không đo được: Na+ + K+ + UC = Cl + HCO3 + UA

    AG = UA – UC = (Na+ + K+ ) – (Cl + HCO3)

    UC: unmeasured cation; UA: unmeasured anion. Thông thường K+ ≈ 4 mEq/L

    Nếu không tính K thì AG = (Na+ ) – (Cl + HCO3), giá trị bình thường khoảng 7-13 mEq/L. [2]

    AG tăng trong các trường hợp bệnh nhân có ứ đọng các anion không đo được trọng máu (ví dụ: lactate, beta-hydroxybutyrate). Mặc dù AG có thể tăng do giảm các ion dương như K+, Ca++, Mg++, nồng độ các cation này trong huyết thanh khá thấp nên thường giảm nồng độ các cation này hầu như không ảnh hưởng đến AG. ở trẻ em, AG tăng trên 14-16 mEq/L được xem là tăng. ở sơ sinh, AG trên 16 mEq/L được xem là tăng do bình thường có tình trạng tăng acid lactic nhẹ.

    AG thấp có thể do giảm các anion không đo được (giảm ablbumin máu) hay tăng các cation không phải Na+ như tăng K+, Ca++, Mg++.

    • Phân loại toan chuyển hoá dựa vào AG

    Dựa vào sự thay đổi của anion gap, toan chuyển hoá được phân thành ba loại như sau:

    • Toan chuyển hoá tăng AG
    • Toan chuyển hoá AG bình thường
    • Toan chuyển hoá phối hợp AG bình thường và toan chuyển hoá tăng AG.

    Toan chuyển hoá tăng AG gặp trong: tăng acid lactic, toan ceton tiểu đường (ứ đọng acetoacetic acid and beta-hydroxybutyric acid), suy thận, ngộ độc các acid cố định, bệnh chuyển hoá. Toan chuyển hoá tăng anion gap có thể do tăng sản xuất các acid cố định như: acid lactic, ketoacidosis (tiểu đường, nhịn đói, nghiện rượu), ngộ độc (methanol, ethylene, aspirin), d-lactic acidosis, pyroglutamic acid. Toan chuyển hoá tăng anion gap cũng có thể do giảm khả năng bài tiết acid của thận gặp trong suy thận, bệnh ống thận type 1 và 4.

    Toan chuyển hoá AG bình thường gặp trong mất HCO3 qua tiêu hoá (tiêu chảy), thận (bệnh lý ống thận type 2), phẫu thuật nối bàng quang – đại tràng sigma.

    Tỉ lệ Δanion gap/ΔHCO3- giúp phân biệt giữa toan chuyển hoá tăng AG đơn thuần và phối hợp.

    Ở bệnh nhân toan chuyển hoá tăng AG đơn thuần tỉ lệ này thường từ 1-1,6. ở bệnh nhân toan chuyển hoá tăng AG phối hợp, tỉ lệ này nhỏ hơn 1, nghĩa là bệnh nhân mất HCO3– nhiều hơn tăng H+. Ví dụ, tình huống hay gặp là bệnh nhân bị tiêu chảy cấp mất HCO3 (toan chuyển hoá AG bình thường) khi tiêu chảy nhiều dẫn đến sốc giảm thể tích làm chuyển hoá yếm khí sinh acid lactic sẽ là toan chuyển hoá AG bình thường kèm toan chuyển hoá tăng AG.

    Người bình thường, anion không đo được chính yếu là albumin. Khi BN bị giảm albumin máu, AG sẽ bị thấp giả tạo.

    Anion gap hiệu chỉnh =  (AG đo được)  +  (2.5  x  [4.5  –  Albumin]) [2]

    Định hướng nguyên nhân gây rối loạn khí máu và tiên lượng bệnh nhân thường cần phối hợp bệnh cảnh lâm sàng và kết quả khí máu đo được.

    Tài liệu tham khảo

    1. Severinghaus, J.W., Siggaard-Andersen and the “Great Trans-Atlantic Acid-Base Debate”. Scand J Clin Lab Invest Suppl, 1993. 214: p. 99-104.

    2. Kanwal Kher and Matthew Sharron. Approach to the child with metabolic acidosis. 2019 [cited 2019; Available from: https://www.uptodate.com/contents/approach-to-the-child-with-metabolic-acidosis].

    1. Mean airway pressure: áp lực đường thở trung bình
  • KỸ THUẬT PHUN KHÍ DUNG

    KỸ THUẬT PHUN KHÍ DUNG

    ThS.BS. Nguyễn Thùy Vân Thảo

    Mục tiêu học tập

    • Giải thích được nguyên tắc phun khí dung
    • Thực hành đúng các kỹ thuật phun khí dung thường sử dụng.

    Nguyên tắc

    Phun khí dung là một phương pháp được sử dụng để đưa thuốc vào đường hô hấp. Dưới tác dụng của sóng siêu âm hoặc lực nén, thuốc từ dạng lỏng được chuyển thành những hạt hơi nước nhỏ có đường kính khác nhau (dạng sương mù) để vào đường hô hấp và cho tác dụng tại chỗ. Tùy theo kích thước của hạt sương mà thuốc tác động tại những vị trí khác nhau của đường hô hấp.

    Hình 1.1. Sự phân bố của hạt khí dung trên đường hô hấp.

    Các kỹ thuật phun khí dung thường sử dụng

    Phun khí dung với hệ thống khí nén hoặc máy phun

    Chỉ định

    • Viêm thanh quản cấp và phù thanh quản sau đặt nội khí quản: phun với Epinephrine 1%0 (L-epinephrine), Racemic epinephrine
    • Hen, viêm tiểu phế quản: phun thuốc dãn phế quản Ventolin (Salbutamol), Terbutaline (Bricanyl), Ipratropium bromide (Atrovent); hoặc corticoides (Pulmicort – Budesonide).
    • Loãng đàm: phun với NaCl 0,9%.

    Chuẩn bị bệnh nhân

    • Bệnh nhân ở tư thế thoải mái (thường là ngồi), cổ ngửa nhẹ
    • Đối với trẻ nhỏ, thân nhân giữ trẻ ngồi thẳng dựa trong lòng, dùng 2 chân kềm giữ 2 chân của trẻ, dùng 1 tay vòng qua kềm giữ 2 tay và thân trẻ, tay còn lại giữ cổ trẻ ngửa nhẹ.

    Chuẩn bị dụng cụ

    • Hệ thống khí nén trung tâm hoặc máy phun khí dung ; bình oxy hay hệ thống oxy trung tâm (trường hợp bệnh nhân cần phun khí dung với oxy).
    • Dụng cụ phun: bầu khí dung (nebulizer), mặt nạ (mask) các cỡ, dây nối.
    • Dụng cụ lấy thuốc: ống tiêm và kim tiêm.
    • Thuốc: tùy theo chỉ định ta có các thuốc như đã kể trên, NaCl 0,9% để pha thuốc.
    • Nước sát khuẩn tay nhanh.
    • Mâm đựng dụng cụ, cồn và bông gòn, bồn hạt đậu.

    Kỹ thuật

    • Xác định chẩn đoán và thuốc cần dùng
    • Giải thích thân nhân chỉ định dùng thuốc
    • Tính liều thuốc như sau
      • L-epinephrine 1%0: 0,5 mL/kg/lần (liều chuẩn 3 – 5mL) [1], [2]
      • Ventolin : 0,15mg/kg/lần (tối đa 5mg, tối thiểu 2,5mg)
      • Atrovent:
        • Trẻ <12 tháng: 125 μg/lần
        • Trẻ 12 tháng – ≤ 5 tuổi: 250μg/lần
        • Trẻ > 5 tuổi: 500μg/lần
    • Lấy thuốc vào ống tiêm theo liều đã tính. Lấy thêm dung dịch NaCl 0,9% vừa đủ 3 – 5 mL.
    • Mở nắp bầu phun và bơm thuốc vào. Đậy nắp bầu phun lại. Chọn mặt nạ thích hợp với trẻ (che kín mũi và cằm trẻ) và gắn mặt nạ vào bầu phun.
    • Nối bầu phun với nguồn khí nén hoặc nguồn oxy.
    • Chuẩn bị tư thế bệnh nhân
    • Điều chỉnh lưu lượng khí (số lít/phút): tùy theo vị trí tác dụng, ta cho lưu lượng khí khác nhau: 4 – 5 lít/phút (cho tác dụng tại thanh quản và khí quản), 6 – 8 lít/phút (cho tác dụng tại phế quản và tiểu phế quản) [3], [4]. Nếu dùng máy phun, chỉ cần mở máy vì nhà sản xuất thiết kế sẵn cho tác dụng thường ở phế quản và tiểu phế quản.
    • Từ từ áp sát mặt nạ vào mũi miệng bệnh nhân, bảo bệnh nhân thở miệng (nếu có thể) để đạt hiệu quả tối ưu [3].
    • Thời gian phun thường khoảng 10 – 15 phút để có tác dụng tốt nhất và ít tác dụng phụ [3], [4].
    • Nên gõ nhẹ vào thành bầu phun để đảm bảo thuốc bám trên thành bầu phun rơi xuống hết trước khi chấm dứt phun.
    • Sau khi phun xong phải tắt nguồn khí (hoặc tắt máy), gỡ dây, bầu phun và mặt nạ.
    • Vệ sinh mặt cho trẻ.

    Phun khí dung với liều định chuẩn (MDI: Metered Dose Inhales)

    Chỉ định

    • Cắt cơn hen: SABA (Ventolin)
    • Ngừa cơn hen: ICS (Fluticasone), ICS + LABA (Seretide)

    Chuẩn bị bệnh nhân

    • Bệnh nhân ở tư thế thoải mái (thường là ngồi), cổ ngửa nhẹ
    • Đối với trẻ nhỏ, thân nhân giữ trẻ ngồi thẳng dựa trong lòng, dùng 2 chân kềm giữ 2 chân của trẻ, dùng 1 tay vòng qua kềm giữ 2 tay và thân trẻ, tay còn lại giữ cổ trẻ ngửa nhẹ.

    Chuẩn bị dụng cụ

    • Thau nước
    • Chai thuốc MDI
    • Buồng đệm các loại theo lứa tuổi: có mặt nạ (<4 tuổi), không mặt nạ (trẻ 4 – 8 tuổi)
    • Khăn lau sạch

    Kỹ thuật

    • Giải thích thân nhân chỉ định dùng thuốc và thời gian dùng thuốc
    • Kiểm tra đúng tên thuốc (loại thuốc cần dùng là thuốc cắt cơn hay ngừa cơn).
    • Kiểm tra hạn sử dụng của chai thuốc.
    • Kiểm tra lượng thuốc trong chai thuốc bằng cách thả chai thuốc vào thau nước.
    • Kiểm tra dụng cụ phun.
    • Gắn chai thuốc vào dụng cụ phun.
    • Lắc kỹ chai thuốc trước khi phun.
    • Mở nắp dụng cụ phun.
    • Chuẩn bị tư thế bệnh nhân
    • Thực hiện phun thuốc
    • Phun thuốc với buồng đệm có mặt nạ
      • Gắn bình thuốc phun vào buồng đệm
      • Gắn mặt nạ vào buồng đệm
      • Giải thích cho trẻ biết trước khi cho mặt nạ vào mặt trẻ (nếu có thể)
      • Úp mặt nạ vào mũi miệng trẻ sao cho mặt nạ che kín mũi và cằm. Có thể ấn nhẹ mặt nạ lên mũi trẻ để trẻ mở miệng hít thuốc
      • Tay trẻ (hoặc tay của người trợ giúp) cầm giữ chai thuốc với ngón trỏ (hoặc ngón cái) để lên đáy chai thuốc.
      • Ấn vào đáy chai thuốc và thuốc sẽ vào trong buồng đệm
      • Giữ đợi bệnh nhân hít thở trong 10 giây.
    • Phun thuốc với buồng đệm không mặt nạ
      • Gắn bình thuốc phun vào buồng đệm
      • Cho phần miệng của buồng đệm vào giữa hai môi của trẻ và yêu cầu trẻ ngậm ôm tròn miệng quanh phần miệng của buồng đệm.
      • Tay trẻ (hoặc tay của người trợ giúp) cầm giữ chai thuốc với ngón trỏ (hoặc ngón cái) để lên đáy chai thuốc.
      • Ấn vào đáy chai thuốc và thuốc sẽ vào trong buồng đệm
      • Trẻ hít chậm bằng miệng trong ít nhất 6 giây.
      • Sau đó, trẻ nín thở tùy theo khả năng của trẻ hoặc ít nhất trên 10 giây và thở ra buồng đệm.
      • Sau khi phun xong, lau khô phần miệng của buồng đệm, lấy chai thuốc ra khỏi buồng đệm và đậy nắp lại.
    • Phun thuốc trực tiếp không qua buồng đệm
        • Cầm dụng cụ phun với bốn ngón tay sao cho phần đáy chai thuốc hướng lên và ngón trỏ (hoặc ngón cái) để trên đáy chai thuốc.
        • Bệnh nhân thở ra hết.
        • Đặt phần miệng của dụng cụ phun vào miệng giữa hai hàm răng và ngậm môi ôm kín phần miệng của bình phun
        • Vừa ấn chai thuốc vừa hít chậm sâu vào bằng miệng (thời gian hít vào khoảng 6 giây)
        • Nín thở ít nhất 10 giây rồi thở ra.
        • Sau khi phun xong phải lau khô phần miệng của dụng cụ phun và đậy nắp lại.
      • Nếu muốn phun tiếp lần hai, hãy đợi 1 phút và lặp lại các trình tự như trên: bắt đầu là lắc chai thuốc và kết thúc bằng động tác thở ra.
      • Nếu phun với Corticoides, bệnh nhân phải súc miệng và lau mặt sạch sau khi phun xong để tránh bị nhiễm nấm Candida.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Kawaguchi A. and Joffe A. (2015), “Evidence for Clinicians: Nebulized epinephrine for croup in children”, Paediatrics & child health, 20(1), pp. 19-20.

    2. Zhang L. and Sanguebsche L.S. (2005), “[The safety of nebulization with 3 to 5 ml of adrenaline (1:1000) in children: an evidence based review]”, Jornal de pediatria (Rio J), 81(3), pp. 193-197.

    3. O’Callaghan C. and Barry P.W. (1997), “The science of nebulised drug delivery”, Thorax, 52(Suppl 2), pp. S31-S44.

    4. Itoga N.K., Kinoshita C.K., Masutani S.M., et al. (2014), “Mechanical factors affecting nebulized albuterol aerosol particle sizes for asthma drug delivery”, American journal of emergency medicine, 32(6), pp. 569-572.

    BẢNG KIỂM KỸ NĂNG PHUN KHÍ DUNG VỚI NGUỒN OXY

    STT CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH Không làm

    Làm chưa đúng

    Làm đúng

    1 Giải thích cho thân nhân trước khi phun
    2 Dùng ống tiêm lấy thuốc đúng liều và pha thêm NaCl 0,9% cho đủ 3-5 mL
    3 Bơm thuốc vào bầu phun
    4 Gắn mặt nạ đúng cỡ bệnh nhân vào bầu phun
    5 Nối dây với bầu phun và nguồn oxy
    6 Chuẩn bị đúng tư thế cho bệnh nhân
    7 Giải thích và hướng dẫn cách thở trước khi áp mặt nạ vào mũi miệng bệnh nhân
    8 Điều chỉnh đúng liều oxy cần dùng
    9 Gõ nhẹ vào thành bầu phun để đảm bảo thuốc trên thành rơi xuống hết
    10 Nếu phun với Corticoides, đề nghị thân nhân cho trẻ lau mặt và rửa miệng
    Tổng điểm

    BẢNG KIỂM KỸ NĂNG PHUN KHÍ DUNG VỚI MÁY PHUN

    STT CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH Không làm

    Làm chưa đúng

    0,5đ

    Làm đúng

    1 Giải thích cho thân nhân trước khi phun
    2 Dùng ống tiêm lấy thuốc đúng liều và pha thêm NaCl 0,9% cho đủ 3-5 mL
    3 Bơm thuốc vào bầu phun
    4 Gắn mặt nạ đúng cỡ bệnh nhân vào bầu phun
    5 Nối dây với bầu phun và máy phun
    6 Chuẩn bị đúng tư thế cho bệnh nhân
    7 Giải thích và hướng dẫn cách thở trước khi áp mặt nạ vào mũi miệng bệnh nhân
    8 Mở máy phun
    9 Gõ nhẹ vào thành bầu phun để đảm bảo thuốc trên thành rơi xuống hết
    10 Nếu phun với Corticoides, đề nghị thân nhân cho trẻ lau mặt và rửa miệng
    Tổng điểm

    BẢNG KIỂM KỸ NĂNG PHUN KHÍ DUNG VỚI LIỀU ĐỊNH CHUẨN KHÔNG BUỒNG ĐỆM

    STT CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH Không làm

    Làm chưa đúng

    0,5đ

    Làm đúng

    1 Giải thích cho thân nhân (hoặc cho trẻ)
    2 Kiểm tra chai thuốc với thau nước và kiểm tra dụng cụ phun
    3 Gắn chai thuốc vào dụng cụ phun
    4 Cầm dụng cụ phun đúng tư thế
    5 Lắc kỹ chai thuốc trước khi phun
    6 Hướng dẫn tư thế và cách thở cho bệnh nhân
    7 Đặt phần miệng của dụng cụ phun vào đúng vị trí.
    8 Xịt thuốc vào miệng đồng thời hít chậm trong 6 giây, nín thở 10 giây rồi thở ra
    9 Lau khô phần miệng của dụng cụ phun và đậy nắp lại sau khi phun xong
    10 Nếu phun với Corticoides, đề nghị bệnh nhân súc miệng sau phun xong
    Tổng điểm

    BẢNG KIỂM KỸ NĂNG PHUN KHÍ DUNG VỚI LIỀU ĐỊNH CUẨN CÓ BUỒNG ĐỆM

    STT CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH Không làm

    Làm chưa đúng

    0,5đ

    Làm đúng

    1 Giải thích cho thân nhân hoặc cho trẻ
    2 Kiểm tra chai thuốc với thau nước và kiểm tra dụng cụ phun
    3 Gắn chai thuốc vào dụng cụ phun
    4 Lắc kỹ chai thuốc trước khi phun
    5 Gắn dụng cụ phun vào buồng đệm
    6 Hướng dẫn tư thế và cách thở cho bệnh nhân
    7 Đặt phần miệng của dụng cụ phun vào đúng vị trí
    8 Xịt thuốc vào buồng đệm và yêu cầu trẻ hít chậm vào trong 6 giây, nín thở hết mức có thể rồi thở ra
    9 Vệ sinh phần miệng của buồng đệm sau khi phun xong. Gỡ bình phun khỏi buồng đệm và đậy nắp
    10 Nếu phun với Corticoides, đề nghị bệnh nhân súc miệng sau phun xong
    Tổng điểm

    BẢNG KIỂM KỸ NĂNG PHUN KHÍ DUNG VỚI LIỀU ĐỊNH CUẨN CÓ BUỒNG ĐỆM VÀ MẶT NẠ

    STT CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH Không làm

    Làm chưa đúng

    0,5đ

    Làm đúng

    1 Giải thích cho thân nhân hoặc cho trẻ
    2 Kiểm tra chai thuốc với thau nước và kiểm tra dụng cụ phun
    3 Gắn chai thuốc vào dụng cụ phun
    4 Lắc kỹ chai thuốc trước khi phun
    5 Gắn dụng cụ phun vào buồng đệm có mặt nạ phù hợp với trẻ
    6 Giữ trẻ đúng tư thế
    7 Úp mặt nạ che kín mũi – cằm trẻ, có thể ấn nhẹ mặt nạ lên mũi để khiến trẻ há miệng hít thuốc
    8 Xịt thuốc vào buồng đệm và chờ để trẻ hít thở trong 10 giây
    9 Vệ sinh mặt nạ sau khi phun xong. Gỡ bình phun khỏi buồng đệm và đậy nắp
    10 Nếu phun với Corticoides, đề nghị thân nhân lau mặt và rơ miệng trẻ sau phun xong.
    Tổng điểm
  • KHÁM HÔ HẤP TRẺ EM

    KHÁM HÔ HẤP TRẺ EM

    Ths.BS. Nguyễn Thái Sơn

    Mục tiêu học tập:

    • Hỏi bệnh sử chi tiết, đầy đủ và có định hướng.
    • Khám lâm sàng cẩn thận, toàn diện và có định hướng.
    • Giao tiếp tốt và hiệu quả trong thăm khám bệnh nhân.

    Bệnh sử

    Nguyên tắc chung

    • Môi trường giao tiếp thoải mái, riêng tư
    • Nên khám từng bé
    • Thông tin nên được ghi chép chi tiết: tên và địa chỉ của trẻ, số điện thoại nhà và cơ quan của ba mẹ, người giám hộ, tên bác sĩ giới thiệu đến, thông tin về nhà trẻ hoặc trường học nếu có liên quan
    • Bác sĩ nên hỏi trực tiếp về những than phiền của bé
    • Khuyến khích thân nhân/bệnh nhân kể lại rõ ràng theo thứ tự thời gian
    • Nên sử dụng câu hỏi mở, thỉnh thoảng bác sĩ nên tóm tắt lại để khẳng định và làm rõ thông tin.

    Cấu trúc của bệnh sử trong nhi khoa

    • Lý do chính yếu bệnh nhân đến khám. Nếu bệnh nhân được chuyển đến từ cơ sở y tế khác, nên ghi nhận lý do chuyển và nơi chuyển.
    • Bệnh sử: khai thác triệu chứng tập trung và lý do chính đến khám
      • Thời điểm khởi phát: Tuổi khởi phát (khởi phát sớm sau sinh thường do di truyền hoặc liên quan những bất thường bẩm sinh).
      • Tính chất khởi phát: từ từ (ví dụ: viêm tiểu phế quản, viêm phổi) hoặc đột ngột (ví dụ: dị vật đường thở).
      • Hoàn cảnh khởi phát: tự nhiên, sau gắng sức, sau tiếp xúc dị nguyên hô hấp (mùi nồng, khói thuốc, …), sau triệu chứng nhiễm siêu vi hô hấp trên, sau bú/ăn, triệu chứng thay đổi theo mùa (bệnh dị ứng), …
      • Yếu tố tăng hoặc giảm triệu chứng: khò khè tăng lên sau bú (Trào ngược dạ dày thực quản, dò khí quản – thực quản), khò khè tăng lên khi nằm (mềm sụn khí quản, tuyến ức to, …), khò khè giảm sau phun thuốc dãn phế quản (Hen), …
      • Thời gian xuất hiện triệu chứng: cấp tính (<3 tuần), bán cấp (3 tuần-3 tháng), mạn tính (>3 tháng) hoặc tái phát (có thời gian trẻ hoàn toàn khỏe mạnh giữa 2 đợt).
      • Triệu chứng khác kèm theo: sốt, suy dinh dưỡng, chàm da, …
      • Những can thiệp của tuyến trước (nếu có)
    • Tiền căn của bản thân và tiền căn gia đình, cũng như các xét nghiệm đã được thực hiện có liên quan đến bệnh.
      • Bản thân: tuổi thai lúc sinh, cân nặng lúc sanh, suy hô hấp sau sinh, bệnh lý đã/đang mắc (chẩn đoán, điều trị, diễn tiến), chủng ngừa, dinh dưỡng, phát triển thể chất và tâm vận, dị ứng, sử dụng thuốc kéo dài.
      • Gia đình: đang/vừa khỏi nhiễm trùng hô hấp cấp, lao, hen, dị ứng, …
    • Môi trường sống của trẻ: đông đúc, có thú nuôi, cây trồng, máy điều hòa, khói thuốc lá, nhang khói, …

    Khám lâm sàng

    Nhìn

    • Nên bộc lộ toàn bộ lồng ngực của trẻ trong điều kiện đủ ánh sáng và yên tĩnh.
    • Nhịp thở: tần số, nhịp điệu và sự gắng công hô hấp. Nhịp thở giảm dần theo tuổi và có độ dao động lớn nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi. Nhịp thở cần được đếm trong ít nhất một phút, lý tưởng là đếm lặp lại nhiều lần và lấy giá trị trung bình. Theo dõi nhịp thở khi nghỉ hay ngủ rất có giá trị trong bệnh phổi mạn, hay ở trẻ nhỏ (lứa tuổi chưa thực hiện được các xét nghiệm chức năng hô hấp).
      • Thở nhanh (tachypnea) gặp trong bệnh lý gây giảm độ đàn phổi hay toan chuyển hóa. Nguyên nhân khác: sốt (tăng 5-7 nhịp/ mỗi °C trên 37°C), thiếu máu, gắng sức, nhiễm độc (salicylate), lo lắng, tâm lý.
      • Thở chậm (bradypnea) gặp trong kiềm chuyển hóa hay bệnh lý thần kinh trung ương.
      • Tăng thông khí (hyperpnea) hay giảm thông khí (hypopnea) nói đến nhịp thở sâu hay nông bất thường.
      • Thở không đều có thể gặp ở những tháng đầu sau sinh. Cơn ngưng thở ngắn <6 giây rất thường gặp ở trẻ<3 tháng. Cơn ngưng thở >15 giây là bệnh lý, có thể kèm giảm nhịp tim hoặc tím tái.
      • Dấu hiệu khó thở: co lõm ngực, co kéo cơ hô hấp phụ, phập phồng cánh mũi, khó thở khi nằm hay hô hấp ngực bụng ngược chiều. Co lõm ngực dễ thấy ở trẻ nhỏ do cơ gian sườn còn mỏng và mềm. Dấu hiệu co kéo cơ ức đòn chũm và lõm hõm trên ức trong thì hít vào là dấu hiệu đáng tin cậy nhất chứng tỏ có tắc nghẽn đường hô hấp ngoài lồng ngực.
    • Sự cân xứng của lồng ngực: quan sát tỷ số đường kính ngang và đường kính trước sau của lồng ngực để đánh giá. Các bệnh lý của phổi (xẹp phổi, thiểu sản/bất sản phổi, …), màng phổi (tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, …) có thể làm mất sự cân đối của lồng ngực.
    • Nhìn các dấu hiệu ngoài phổi: quầng thâm dưới mắt thường gặp trong cơ địa dị ứng, màu sắc và kích thước niêm mạc (tìm polyp), đầu chi dùi trống gặp trong bệnh phổi mô kẽ, khám vùng hầu họng (chẻ vòm, amidan to), sẹo lao, …

    Sờ

    Nên làm ấm bàn tay bác sĩ trước khi thăm khám. Sờ để tìm hạch to, đánh giá khí quản, đánh giá sự di lệch của lồng ngực và hô hấp, phát hiện bất thường trong truyền âm (giọng nói) trên lồng ngực.

    Sờ cần được thực hiện theo thứ tự. Đầu tiên sờ phần đầu cổ, ghi nhận nếu có hạch cổ hoặc sưng vùng xoang quanh mũi. Sờ vùng hầu mũi có thể phát hiện bất thường giải phẫu như chẻ vòm dưới niêm hoặc tắc nghẽn hô hấp trên. Cần xác định vị trí của khí quản trên bệnh nhân vì khí quản di lệch là dấu hiệu cho thấy có bất thường trong hoặc ngoài lồng ngực. Khí quản bình thường lệch nhẹ về bên phải. Nếu thấy khí quản lệch rõ thì có thể có lực kéo (xẹp phổi) hoặc đẩy (tràn khí màng phổi). Ghi nhận khí quản bị lệch cố định hay có di động dạng lắc giữa thì hít vào và thở ra gợi ý tắc nghẽn ở phế quản. Khí quản lệch về phía sau có thể do u trung thất trước hoặc biến dạng lồng ngực, trong khi khí quản lệch về phía trước có thể do viêm trung thất. Ở bệnh nhân có tắc nghẽn đường thở, có thể có lõm hõm ức và bác sĩ có thấy khí quản bị kéo mạnh khi bệnh nhân thở.

    Đặt bàn tay ở 2 bên lồng ngực để cảm nhận tính cân xứng và sự giãn nở lồng ngực trong hô hấp bình thường và hít thở sâu. Ép nhẹ bàn tay hướng vào trong và từ trước ra sau giúp xác định đau có phải do tổn thương xương không. Cảm nhận rung thanh bằng lòng bàn tay.

    Gõ được thực hiện một cách đối xứng 2 bên và theo thứ tự từ trước ra sau, từ trên xuống dưới, lấy xương sườn và đốt sống làm các mốc giải phẫu. Ghi nhận lại vị trí chuyển từ gõ trong sang gõ đục vào cuối thì hít vào và thở ra để xác định giới hạn của phổi. Khi gõ, lưu ý về cả thanh âm và xúc giác.

    Gõ trong, tần số thấp, tức dao động tắt dần trong thời gian dài, cảm nhận bởi ngón giữa của người khám. Âm thanh này có thể bị phóng đại, hoặc vang quá mức trên phổi ứ khí, hoặc có thể gặp trên người bình thường khỏe mạnh có thể trạng gầy. Đồng thuận về triệu chứng này giữa những người khám khác nhau khá thấp trừ khi dấu hiệu này không đối xứng.

    Gõ đục với âm thanh tắt đi nhanh hơn, tương ứng với việc tích tụ dịch trong khoang màng phổi ở vị trí đó, hay nhu mô phổi gần thành ngực bị đông đặc. Trong trường hợp này, rung thanh cũng bị giảm. Trong tràn khí màng phổi rung thanh cũng giảm hay mất, tuy nhiên gõ sẽ trong và vang hơn.

    Gõ bình thường không thể phát hiện tổn thương nhỏ và sâu trong lồng ngực. Vì vậy, người ta đặt ra việc nghe (ống nghe) khi gõ nhằm khắc phục vấn đề này. Kỹ thuật thực hiện là gõ nhẹ lên xương ức trong quá trình nghe phổi. Cường độ âm thanh giảm được cho là dấu hiệu của tổn thương phổi. Tuy nhiên, kỹ thuật này ít có giá trị.

    Nghe

    Nghe trên lồng ngực được xem là kỹ thuật khám quan trọng nhất trong khám lồng ngực. Nghe thực hiện khi bệnh nhân ở tư thế thẳng. Trẻ sơ sinh đặt trẻ nằm trên mặt phẳng. Trẻ lớn hơn mẹ có thể bế bé ngồi trong lòng. Trẻ lớn nghe có thể thực hiện ở tư thế ngồi hay đứng thẳng. Nghe sau lưng trước để tránh tạo lo lắng cho trẻ.

    Nguồn gốc âm thanh trong đường dẫn khí là do sự xoáy phức tạp của luồng khí trong đường dẫn khí trung tâm. Cường độ tiếng phổi liên quan đến dòng khí, do đó hít đủ sâu (vận tốc dòng khí >0,5 L/s) là điều kiện cần để có âm thanh tốt. Trẻ lớn và hợp tác, yêu cầu trẻ hít bằng miệng chậm và sâu. Ở trẻ nhỏ và kém hợp tác, có thể nghe tiếng thở sâu khi trẻ thở dài hoặc các lần hít sâu giữa tiếng khóc của trẻ.

    Tiếng khí quản nghe tại hõm trên ức có phổ âm thanh khá rộng, tần số dao động từ dưới 100 Hz đến trên 2.000 Hz. Tần số này giảm dần theo sự dài ra của khí quản trong quá trình trẻ lớn lên. Âm thanh này đa phần do luồng khí đi qua khe hẹp ở vùng thanh môn, và vùng hẹp hạ thanh môn. Có mối liên quan giữa vận tốc luồng khí và cường độ âm thanh, đặc biệt âm thanh tần số cao.

    Tiếp cận về thông khí phổi, cần so sánh đối xứng 2 bên. So sánh 2 bên rất quan trọng trong cấp cứu và hồi sức trong quá trình đặt nội khí quản và xác định bên tràn khí màng phổi. Tiếng của phổi bình thường nghe trên lồng ngực có tần số thấp hơn tiếng khí quản do âm thanh mất đi khi dẫn truyền trong nhu mô phổi. Tiếng của phổi trên 400 Hz thường do cơ chế xoáy của luồng khí. Âm thanh ở tần số thấp hơn thường do cơ chế khác như cơ hô hấp, sự vang trong lồng ngực. Tiếng hít vào ít liên quan đến khí đi qua thanh môn mà nguồn gốc của chúng ở ngoại biên hơn (tiếng phế quản gốc và phế quản trung gian). Tiếng thở ra có nguồn gốc trung tâm do sự hội tụ và chia đôi của dòng khí trên đường dẫn khí.

    Tần số âm thanh khác nhau sẽ dẫn truyền theo con đường khác nhau. Sóng âm tần số thấp dẫn truyền từ đường dẫn khí trung tâm xuyên qua nhu mô phổi, trong khi tần số cao dẫn truyền xa hơn theo đường dẫn khí sau đó mới qua nhu mô. Tiếng của phổi nghe cũng không hoàn toàn đối xứng do hiện diện của hệ tim mạch và sự lệch phải của khí quản trong trung thất. Ở trẻ sơ sinh, âm thanh tần số thấp có cường độ thấp hơn trẻ lớn do khối lượng cơ ở sơ sinh thấp hơn.

    Những âm thanh khác của phổi thường do bệnh lý tại phổi gây ra. Khò khè là âm thanh như tiếng nhạc, liên tục (thường dài hơn 100ms), sinh ra do khí dao động trong đường dẫn khí bị hẹp. Tần số âm thanh phụ thuộc vào khối lượng, sự co dãn của thành đường dẫn khí và dòng khí tại đó. Trong hen, hẹp lan tỏa đường dẫn khí dẫn đến tiếng khò khè có nhiều cao độ và đa âm sắc. Trong khi hẹp cố định đường dẫn khí lớn tạo ra tiếng khò khè đơn âm sắc. Khò khè thì thở ra do giới hạn dòng khí có thể xuất hiện ở người bình thường trong thủ thuật thở ra gắng sức. Khò khè thì hít vào có thể gặp trong hen hoặc nguyên nhân khác gây tắc nghẽn đường dẫn khí trung tâm. Tiếng khò khè ngắn và khu trú ở thì hít vào có thể gặp trong giãn phế quản.

    Ran ẩm xuất hiện tại nơi có bề mặt khí dịch, do luồng khí di chuyển qua chỗ có dịch tiết hay có sự cân bằng đột ngột của áp suất khí-dịch. Cơ chế khác là do sự giãn đột ngột của mô mềm khi mở hay đóng đường dẫn khí. Ran ẩm chia làm nhỏ hạt (mịn) hoặc to hạt (thô). Ran ẩm nhỏ hạt cuối thì hít vào thường gặp trong bệnh phổi hạn chế hoặc giai đoạn đầu của suy tim ứ huyết. Trong khi đó, ran ẩm to hạt gặp đầu thì hít vào và thì thở ra gặp trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

    Các tiếng khác không xuất phát từ trong lồng ngực: tiếng cọ màng phổi (căng dãn của màng phổi tạo ra xung động qua lồng ngực và nhu mô phổi); tiếng thở rít (khí đi qua vùng rất hẹp của đường dẫn khí, chủ yếu nghe thì hít vào); thở rên (xuất hiện thì thở ra, do sự khép dây thanh âm để tạo áp lực dương cho đường thở cuối kỳ thở ra, gặp trong trẻ sinh non với phổi chưa trường thành và thiếu surfactant); tiếng ngáy (do sự rung của cơ vùng hầu, gặp cả thì hít vào và thở ra).

    Các tiếng của phổi cần được mô tả về cường độ, tần số và sự xuất hiện trong chu kỳ hô hấp.

    Bảng 2.1 Các âm thanh của hô hấp [1]

    Âm cơ bản Cơ chế Nguồn gốc Nghe Liên quan
    Phổi Dòng khí xoáy, hỗn loạn Trung tâm (thở ra), thùy hay đường dẫn khí trung gian (hít vào) Tần số thấp không ồn (<100 và >1.000 Hz) Thông khí tại chỗ, đường kính đường thở
    Khí quản Dòng khí xoáy, va chạm trên thành đường dẫn khí Hầu, thanh quản, khí quản, đường dẫn khí lớn Ồn và cộng hưởng (<100 và >3000 Hz) Cấu trúc đường thở trên
    Âm bệnh lý
    Khò khè Dao động của thành đường dẫn khí, dòng khí xoáy tỏa ra Đường dẫn khí nhỏ và trung tâm Thanh âm dạng sin (<100 hay >1.000 Hz, kéo dài >80 ms) Tắc nghẽn đường thở, hạn chế dòng khí
    Ran ngáy Vỡ màng của dịch, dao động thành đường dẫn khí Đường dẫn khí lớn hơn Nhiều thanh âm dạng sin giảm dần (thường <300 Hz và kéo dài <100 ms) Đường thở xuất tiết, hẹp bất thường
    Ran ẩm Thành đường dẫn khí co – dãn Đường dẫn khí nhỏ và trung tâm Sóng phản xạ mất đi nhanh chóng (kéo dài <20 ms) Đường thở kín, dịch tiết

    Nếm và ngửi

    Về mùi, hơi thở hôi mạn tính có thể gợi ý bệnh lý viêm nhiễm vùng mũi hay khoang miệng (viêm xoang quanh mũi), dị vật đường thở hay áp xe răng. Chứng hôi miệng cũng có thể xuất phát từ viêm nhiễm trong lồng ngực (áp-xe phổi, dãn phế quản hay trào ngược dạ dày thực quản).

    Hiện nay ít nhân viên y tế nào dựa vào vị giác để khám. Tuy nhiên, có những điểm đặc biệt có thể gợi ý chẩn đoán, ví dụ như mẹ của trẻ bị bệnh xơ nang thường nếm thấy vị mặn trên da của con mình.

    Tài liệu tham khảo

    1. Hans P. and David Z. (2019), “The history and physical examination”, in Kendig’s disorders of the respiratory tract in children, Elsevier, 9th ed, Philadelphia, pp. 98-134.

  • HEN TRẺ EM

    HEN TRẺ EM

    ThS.BS.Nguyễn Thùy Vân Thảo

    MỤC TIÊU HỌC TẬP

      • Giải thích được sinh lý bệnh miễn dịch học của hen trẻ em
      • Phân biệt được các kiểu hình khò khè, kiểu hình hen ở trẻ em
      • Chẩn đoán được bệnh hen và cơn hen ở trẻ em
      • Điều trị cắt cơn hen ở trẻ em
      • Giáo dục thân nhân và bệnh nhi bản kế hoạch hành động hen
      • Tiên lượng hen kéo dài sau 6 tuổi và tiên lượng cơn hen

    Dịch tễ học

    Hen là một bệnh lý hô hấp mạn tính gây gánh nặng bệnh tật nặng nề, bao gồm chết non và giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng mọi lứa tuổi trên khắp mọi miền của thế giới. Theo báo cáo năm 2018 của Mạng lưới hen toàn cầu (Global Asthma Network – GAN) có khoảng 339 triệu người mắc hen và tần suất này vẫn tiếp tục tăng. Hen giết khoảng 1.000 người/ngày. Hầu hết các trường hợp tử vong do hen xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình – thấp [1].

    Đối với trẻ em, hen là bệnh mạn tính thường gặp nhất. Tử suất do hen ở trẻ em không cao nhưng gánh nặng kinh tế, gánh nặng bệnh tật gián tiếp và trực tiếp là vấn đề đáng lo ngại. Hen là một trong những nguyên nhân nhập viện chủ yếu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi [2]. Ở Việt Nam, chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ mắc hen cho cả nước, nhưng một số công trình nghiên cứu ở các vùng và địa phương cho thấy hen trẻ em có tỷ lệ mắc khoảng 4-8% và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây, cứ 20 năm tỷ lệ hen trẻ em tăng lên 2-3 lần [3].

    Tần suất hen ở trẻ nam cao hơn trẻ nữ nhưng ở tuổi sau dậy thì thì nữ gặp hen nhiều hơn nam [2]. Có vài yếu tố thuận lợi giải thích cho sự khác biệt này, đó là bé trai có đường thở nhỏ hơn và ngắn hơn trong tương quan với kích thước phổi, kháng lực đường thở lớn hơn và trương lực đường thở lúc nghỉ (liên quan yếu tố nội tiết) cao hơn so với bé gái.

    Định nghĩa hen

    Hen là tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí trong lồng ngực kèm theo tăng đáp ứng đường thở và tắc nghẽn luồng khí không cố định. Nó biểu hiện bằng những đợt tái phát của các triệu chứng hô hấp (ho, khó thở, đau tức ngực và/hoặc khò khè) thay đổi từng lúc với nhiều mức độ VÀ sự giới hạn luồng khí thở ra không hằng định [4], [5]. Những đợt tắc nghẽn đường thở này có thể giảm hoặc mất cách tự nhiên hoặc dưới tác dụng điều trị của thuốc.

    Sinh lý bệnh miễn dịch học

    Hen là một bệnh lý đa yếu tố. Sự tương tác phức hợp giữa yếu tố bản thân (di truyền – cơ địa dị ứng, sự trưởng thành của hệ miễn dịch tại hệ hô hấp và miễn dịch toàn thân, sự phát triển của phổi, sự hình thành hệ vi sinh vật tại đường thở) với yếu tố môi trường (khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, nhiễm trùng, dị nguyên) và thời gian tương tác giữa các yếu tố này quyết định sinh bệnh học miễn dịch và sự phát triển các đặc điểm bệnh hen ở trẻ em [6]. Bệnh học của hen bao gồm tính tăng đáp ứng đường thở, tình trạng viêm mạn và tái cấu trúc đường thở. Đối với hen trẻ em, sinh lý bệnh miễn dịch học nền tảng của những biến đổi bệnh học này là đáp ứng dị ứng mạn tính của cơ địa dị ứng với dị nguyên hô hấp trong môi trường, trong đó vai trò nòng cốt là eosinophil và lympho T giúp đỡ loại 2 “Th2 – type 2 T helper cells”, nên được gọi là hen tăng bạch cầu ái toan “eosinophilic asthma”.

    Biểu mô hô hấp là cửa ngõ miễn dịch của hệ hô hấp và cũng là nơi khởi đầu kích hoạt những đáp ứng miễn dịch và biến đổi bệnh học của hen. Sự tổn thương biểu mô hô hấp do các tác nhân nguy hại trong luồng khí hít vào (vi sinh vật, hóa chất, …) tạo nên những kẻ hở trên thành đường dẫn khí, tạo điều kiện cho dị nguyên tiếp xúc với hệ miễn dịch. Ngoài ra, trong đáp ứng viêm của biểu mô bị tổn thương cũng có sự tăng sản xuất các hóa chất trung gian, đặc biệt là interleukin (IL)-4, IL-5, IL-13. Những interleukin này thúc đẩy quá trình biệt hóa lympho T sơ khai thành Th2, kích thích sản xuất kháng thể IgE từ lympho B, và hóa ứng động lôi kéo eosinophil đến đường thở. Sự tương tác giữa kháng thể IgE đặc hiệu với kháng nguyên tương ứng (thường là các dị nguyên hô hấp) kích hoạt các tế bào mast, basophil và eosinophil phóng thích histamin, leukotriene và các hóa chất trung gian gây viêm khác.

    Việc tiếp xúc dai dẳng và lặp lại với dị nguyên hô hấp gây viêm dị ứng mạn tính thể hiện bằng sự di cư tích lũy của các tế bào miễn dịch (eosinophil, basophil, đại thực bào, lympho B và lympho T), đặc biệt là tế bào mast, vào mô hô hấp cùng với sự trình diện lượng lớn IgE đặc hiệu, cũng như sự tương tác giữa các tế bào miễn dịch, tế bào biểu mô và tế bào cấu trúc (nguyên bào sợi, nguyên bào sợi cơ và tế bào cơ trơn đường thở), mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh, cũng như là những biến đổi mạn tính trên đường thở “tái cấu trúc đường thở” như là: tăng số lượng tế bào đài và tuyến dưới niêm gây tăng tiết đàm, tăng lắng đọng chất nền ngoại bào trong lớp lưới lamina ngay bên dưới màng đáy, tăng nguyên bào sợi cơ và tân sinh mạch máu, tăng sinh lớp cơ trơn đường thở và tăng sinh thần kinh chứa tachykinin gây tăng đáp ứng đường thở.

    Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu cho thấy có những trẻ bị hen không tăng eosinophil mà chủ yếu tăng neutrophil trong mô đường thở viêm, gọi là hen không tăng bạch cầu ái toan hoặc hen tăng bạch cầu đa nhân trung tính “neutrophilic/non-eosinophilic asthma”. Loại hen này thường gặp trong hen khởi phát do siêu vi. Những trẻ này cũng có những thay đổi bệnh học về tái cấu trúc đường thở tương tự trẻ bị hen tăng eosinophil [7].

    Tái cấu trúc
    đường thở

    Yếu tố di truyền

    (Cơ địa dị ứng)

    Môi trường

    (vi sinh vật, hóa chất,

    khói thuốc lá, mạt nhà)

    Hệ vi sinh đường thở

    Viêm mạn tính đường thở

    Tăng đáp ứng
    đường thở

    Giới hạn luồng khí thở

    Triệu chứng hen: Khò khè, khó thở, ho, đau tức ngực, kéo dài thì thở ra.

    Yếu tố khởi phát:

    Dị nguyên, gắng sức, nhiễm trùng hô hấp,

    khói thuốc lá, cảm xúc, thay đổi thời tiết, ô nhiễm không khí

    Tăng tiết đàm

    Phù nề niêm mạc đường thở

    Co thắt cơ trơn phế quản

    Hình 4.1 Sinh bệnh học của hen.

    Biểu hiện lâm sàng

    Khò khè và hen

    Kiểu hình khò khè

    Khò khè là một trong những triệu chứng quan trọng của hen. Đồng thời, khò khè cũng là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi. Các nghiên cứu đoàn hệ theo dõi trẻ từ sau sanh cho thấy một phần ba trẻ em bị khò khè do nhiễm trùng hô hấp trong suốt 3 năm đầu đời (thường gặp trong bệnh cảnh viêm tiểu phế quản) và trong đó có khoảng 1 – 3% trẻ có triệu chứng nặng cần nhập viện [8]. Tuy nhiên, khoảng 60% trẻ khò khè chỉ có triệu chứng thoáng qua trong những đợt nhiễm trùng hô hấp trong 3 năm đầu đời và hết khò khè sau 3 tuổi. Còn 40% trẻ khò khè sớm sẽ tiếp tục khò khè dai dẳng sau 3 tuổi. Trong nhóm trẻ khò khè dai dẳng này, một phần chúng có thể trở nên nhạy cảm với dị nguyên hô hấp trước tuổi đi học và tăng nguy cơ khởi phát hen khi bắt đầu tuổi đi học. Những trường hợp điển hình thường xuất hiện khò khè vào năm 2-3 tuổi sau nhiễm rhinovirus kèm theo tăng đáp ứng đường thở trong suốt giai đoạn ấu nhi. Ngược lại, những trẻ không cơ địa dị ứng thường khởi phát khò khè trước 1 tuổi sau nhiễm siêu vi hô hấp hợp bào, những đợt khò khè sau đó chủ yếu khởi phát trong đợt nhiễm trùng hô hấp và có khuynh hướng giảm dần tần suất theo thời gian và nguy cơ hình thành hen thấp.

    Khò khè thoáng qua Khò khè không dị ứng Khò khè dị ứng/Hen

    Tần suất khò khè

    Tuổi

    Hình 5.1 Kiểu hình khò khè trẻ em.

    Nguồn : Taussig LM và cs (2003) [8].

    Chỉ số dự đoán hen

    Không phải tất cả trẻ khò khè đều do hen hoặc sẽ bị hen.

    Chỉ số dự đoán hen (API – asthma predictive index) giúp tiên lượng nguy cơ bị hen sau 6 tuổi ở trẻ 3 tuổi có ≥2 đợt khò khè trong 12 tháng qua. Trẻ có API dương tính nếu thỏa ≥1 tiêu chuẩn chính hoặc ≥2 tiêu chuẩn phụ sau đây (theo tiêu chuẩn ucAPI) [9]:

      • Tiêu chuẩn chính
      • Chàm da
      • Cha mẹ bị hen
      • Dị ứng với ≥1 dị nguyên hô hấp
      • Tiêu chuẩn phụ
      • Dị ứng với sữa hoặc trứng
      • Viêm mũi dị ứng
      • Khò khè không liên quan cảm lạnh.

    [1]Tiên lượng nguy cơ hen lúc 7 tuổi, tiêu chuẩn ucAPI có LR (+) = 7,5 và LR (-) = 0,6.

    Chẩn đoán

    Chẩn đoán hen

    Chẩn đoán hen cần kết hợp 2 yếu tố quan trọng là (1) triệu chứng gợi ý hen và (2) sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không cố định được xác định bằng hô hấp ký (ở trẻ >5 tuổi) hoặc dao động xung ký (ở trẻ >3 tuổi).

    (1) Triệu chứng gợi ý hen : có >1 triệu chứng (khò khè, ho, khó thở, đau tức ngực) VÀ

      • Triệu chứng tái phát thường xuyên (≥3 lần ở trẻ <12 tháng tuổi, ≥2 lần ở trẻ ≥12 tháng tuổi)
      • Triệu chứng thay đổi theo thời gian và mức độ
      • Triệu chứng nặng lên về đêm hoặc gần sáng
      • Xảy ra khi gắng sức, cảm xúc quá mức hoặc khi tiếp xúc khói thuốc lá, không khí lạnh, mùi lạ, thú nuôi, …
      • Xảy ra khi không có bằng chứng đang nhiễm khuẩn hô hấp
      • Có tiền căn dị ứng (chàm da, viêm mũi dị ứng, dị ứng sữa/trứng)
      • Có tiền căn gia đình (cha/mẹ/anh chị em ruột) bị hen, dị ứng
      • Có ran rít/ran ngáy hoặc kéo dài thì thở ra khi thăm khám

    (2) Sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không cố định :

    Đối với trẻ >5 tuổi, sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không cố định được xác định bằng hô hấp ký :

      • Sự tắc nghẽn luồng khí thở ra (FEV1/FVC[2] <0,9), và
      • Sự tắc nghẽn này không cố định : có đáp ứng với thử nghiệm dãn phế quản (tăng FEV1 >12% giá trị dự đoán sau hít thuốc dãn phế quản) hoặc cải thiện sau thử điều trị hen (tăng FEV1 >12% giá trị dự đoán sau 4 tuần điều trị kháng viêm ngoài các đợt nhiễm trùng hô hấp).

    Tuy nhiên, trẻ <5 tuổi khó hợp tác thực hiện xét nghiệm và sự giới hạn về địa điểm thực hiện dao động xung ký nên trong thực hành lâm sàng, sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không cố định có thể xác định bằng sự cải thiện triệu chứng với thuốc dãn phế quản khí dung (khí dung salbutamol 2,5mg x 3 lần cách 20 phút) ; hoặc cải thiện sau 2-3 tháng điều trị thử với corticoid hít liều thấp (hen đa yếu tố khởi phát) hay 4 tuần dùng leukotrien modifiers (hen khởi phát do siêu vi/hen khởi phát do gắng sức) và đồng vận beta tác dụng ngắn (SABA – short acting beta agonist) khi cần.

    Chẩn đoán phân biệt

    Không phải tất cả những trường hợp khò khè đều là hen. Nếu trẻ không có triệu chứng gợi ý hen, hoặc không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán xác định hen, hoặc trẻ không đáp ứng hay đáp ứng kém sau 1 giờ phun khí dung thuốc dãn phế quản, cần xem xét các nguyên nhân khò khè khác :

      • Viêm tiểu phế quản
      • Hội chứng hít : Bất thường cấu trúc vùng hầu họng, Trào ngược dạ dày thực quản, Dò thực quản – khí quản, Rối loạn nuốt
      • Dị vật đường thở
      • Tim bẩm sinh
      • Bất thường giải phẫu bẩm sinh đường thở (vòng mạch, hẹp khí quản – phế quản, mềm sụn khí – phế quản), bất thường chức năng (rối loạn chức năng dây thanh, rối loạn vận động lông chuyển, rối loạn vận động khí – phế quản)
      • Chèn ép phế quản do u trung thất, hạch, nang phế quản
      • Thâm nhiễm phổi tăng bạch cầu ái toan
      • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh

    Bệnh nhi có triệu chứng gợi ý hen

    Bệnh nhi có thể thực hiện

    hô hấp ký hoặc dao động xung ký

    Xem xét chẩn đoán phân biệt

    • Làm thêm cácxét nghiệm dị ứng
    • Thử điều trị hen

    Khảo sát và điều trị theo chuyên khoa

    Kết quả đủ tiêu chuẩn chẩn đoán hen

    Chẩn đoán xác định và điều trị hen

    • Đánh giá sự tuân thủ điều trị
    • Tìm nguyên nhân khác
    • Chuyển chuyên khoa

    Cải thiện

    Không

    cải thiện

    Không

    Không

    Không

    Hình 5.2 Lưu đồ tiếp cận chẩn đoán hen trẻ em.

    Phân loại hen trên lâm sàng

    Trong thực hành lâm sàng, việc phân loại hen giúp định hướng kế hoạch điều trị và tiên lượng phù hợp cho từng bệnh nhi [4].

      • Theo tuổi bệnh nhân: <2 tuổi (hen nhũ nhi), 2 – 5 tuổi, 6 – 11 tuổi, ≥12 tuổi.
      • Theo kiểu hình: hen do siêu vi, hen do gắng sức, hen ở trẻ béo phì, hen dị ứng, hen đa yếu tố khởi phát, hen kháng trị.
      • Theo mức độ kiểm soát hen: hen kiểm soát tốt, hen kiểm soát một phần, hen không kiểm soát.

    Cơn hen

    Định nghĩa

    Cơn hen kịch phát biểu hiện bằng sự tiến triển nặng lên của các triệu chứng hen và chức năng hô hấp khỏi tình trạng thường ngày của bệnh nhân [5] và tình trạng này không thể cải thiện tự nhiên hoặc sau 1 liều thuốc SABA.

    Phân độ nặng cơn hen kịch phát

    Bảng 5.2 Phân độ nặng cơn hen theo GINA 2010 [10].

    Thông số Nhẹ Trung bình Nặng Dọa ngưng thở
    Khó thở Khi đi lại,

    có thể nằm

    Khi nói chuyện. Nhũ nhi: khóc yếu, ăn bú kém, ngồi dễ chịu hơn Cả khi nghỉ ngơi. Nhũ nhi: bỏ bú, ngồi cúi ra trước
    Nói chuyện

    Tri giác

    Cả câu

    Có thể kích thích

    Từng cụm từ

    Thường kích thích

    Từng chữ

    Thường kích thích

    Lơ mơ, lú lẫn
    Nhịp thở Tăng <30% Tăng 30-50% Tăng ≥50% Thở không đều, cơn ngưng thở
    Hướng dẫn nhịp thở để đánh giá tình trạng suy hô hấp của trẻ đang thức

    Tuổi Nhịp thở bình thường

    <2 tháng < 60 lần/phút

    2-12 tháng < 50 lần/ phút

    1-5 tuổi < 40 lần/phút

    6-8 tuổi < 30 lần/phút

    Co kéo cơ hô hấp phụ và trên ức Thường không có hoặc có co lõm nhẹ Co lõm ngực và hõm trên ức Co lõm ngực và hõm trên ức nặng Cử động ngực bụng ngược chiều
    Khò khè Thì thở ra Hai thì Âm phế bào giảm Mất khò khè
    Mạch

    (lần/phút)

    Bình thường Tăng <120 lần <5 tuổi: >140

    ≥5 tuổi: >120

    Mạch chậm
    Hướng dẫn về giới hạn nhịp mạch bình thường ở trẻ em

    Tuổi Nhịp tim bình thường

    2-12 tháng <160 lần/phút

    1-2 tuổi <120 lần/phút

    2-8 tuổi <110 lần/phút

    PEF sau điều trị dãn phế quản ban đầu >80% 60-80% <60% hoặc đáp ứng kéo dài dưới 2 giờ
    PaO2/

    khí trời

    Bình thường >60 mmHg <60mmHg
    PaCO2/

    khí trời

    < 45 mmHg < 45mmHg >45mmHg
    SaO2/

    khí trời

    >95% 91-95% <90%

    Điều trị

    Điều trị cắt cơn hen

    Khi bệnh nhân vào cơn hen, cần được

      • Nhanh chóng cắt cơn hen bằng thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh và thuốc kháng viêm mạnh tùy theo mức độ nặng của cơn hen (Hình 6.1)
      • Tìm và xử trí nguyên nhân khiến bệnh nhi vào cơn hen
      • Đánh giá yếu tố tiên lượng nặng/tử vong do hen
      • Tiền căn đặt nội khí quản vì hen
      • Tiền căn nhập viện hoặc nhập cấp cứu vì hen trong 12 tháng qua
      • Không dùng corticoid hít gần đây hoặc không tuân thủ dùng corticoid hít
      • Đang dùng hoặc vừa ngưng corticoid uống
      • Sử dụng >1 chai salbutamol liều định chuẩn trong 1 tháng
      • Không có bản kế hoạch xử trí hen
      • Có vấn đề về tâm thần, tâm lý xã hội
      • Có dị ứng thức ăn.

    Điều trị duy trì

    Mục tiêu

      • Kiểm soát tốt bệnh hen, giúp bệnh nhi có thể sinh hoạt gần như trẻ bình thường
      • Giảm tần suất vào cơn hen
      • Giáo dục thân nhân và bệnh nhi biết xử trí ngoại viện kịp thời cơn hen, nhằm giảm thiểu bệnh suất và tử suất do cơn hen
      • Khống chế tốt quá trình viêm mạn tính đường thở, nhằm làm chậm/ngăn cản tiến triển tái cấu trúc đường thở
      • Giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc hen.

    Phương pháp không dùng thuốc ngừa cơn hen

      • Tránh yếu tố khởi phát hen
      • Vệ sinh môi trường sinh hoạt
      • Chủng ngừa đầy đủ, đặc biệt là chủng ngừa cúm và phế cầu
      • Tránh béo phì
      • Sử dụng SABA khi cần
      • Giáo dục cách sử dụng bản kế hoạch xử trí hen cho từng bệnh nhi và thân nhân.

    Phương pháp dùng thuốc ngừa cơn hen

      • Chỉ định thuốc ngừa cơn hen ở trẻ em ≤5 tuổi
      • Hen không kiểm soát được bằng phương pháp không dùng thuốc ngừa cơn
      • Nhập viện vì cơn hen nặng hoặc nguy kịch
      • Trong 1 mùa có 1-2 đợt khò khè nặng sau nhiễm siêu vi hô hấp
      • Khò khè gợi ý hen thường xuyên ≥ 3 đợt/mùa.
      • Khò khè cần dùng SABA mỗi 6 – 8 tuần: có thể thử điều trị thuốc ngừa cơn để xác định chẩn đoán

    Chọn lựa thuốc ngừa cơn hen cho trẻ <5 tuổi tùy theo kiểu hình khò khè của trẻ, khả năng hợp tác và tuân thủ duy trì điều trị của cha mẹ và trẻ.

      • Chỉ định thuốc ngừa cơn hen ở trẻ em >5 tuổi
      • Khởi đầu với ICS liều thấp :
      • Có triệu chứng hen >2 lần/tháng
      • Thức giấc vì hen >1 lần/tháng
      • Có triệu chứng hen và có bất kỳ yếu tố nguy cơ vào cơn hen : FEV1 <60% giá trị dự đoán, có tiếp xúc khói thuốc lá, có bệnh kèm theo (béo phì, viêm mũi xoang mạn, dị ứng thức ăn), từng đặt nội khí quản vì hen, có ≥1 cơn hen trung bình – nặng trong năm qua, sử dụng >1 chai salbutamol MDI/tháng, có vấn đề tâm thần, tâm lý xã hội.
      • Khởi đầu với ICS liều cao (cho trẻ <12 tuổi) hoặc ICS liều trung bình + LABA (cho trẻ ≥12 tuổi) :
      • Nhập viện vì cơn hen trung bình – nặng
      • Có triệu chứng hen hầu hết các ngày
      • Thức giấc vì hen ≥1 lần/tuần

    Tái khám theo dõi :

    Tần suất tái khám tùy thuộc mức độ kiểm soát hen, tình trạng đáp ứng với điều trị và khả năng tự xử trí của người chăm sóc trẻ. Tốt nhất trẻ cần được tái khám sau 1-3 tháng bắt đầu điều trị, sau đó mỗi 3-6 tháng. Đặc biệt, trẻ cần được tái khám trong vòng 1 tuần sau xuất viện vì cơn hen cấp.

    Vào mỗi lần tái khám, cần đánh giá mức độ kiểm soát hen, yếu tố nguy cơ vào cơn hen, tác dụng phụ của thuốc, việc tuân thủ điều trị và kỹ thuật dùng thuốc hen, nhắc nhở và điều chỉnh bản kế hoạch xử trí hen. Ngoài ra, cần quan tâm sự lo lắng của thân nhân.

    Nếu trẻ có thực hiện hô hấp ký hoặc dao động xung ký, cần kiểm tra mỗi 3 tháng.

    Theo dõi chiều cao của trẻ ít nhất 1 lần/năm.

    Phân độ kiểm soát hen

    Bảng 6.1 Phân độ kiểm soát hen dành cho trẻ ≤5 tuổi [5].

    Trong 4 tuần qua, trẻ có: Kiểm soát tốt Kiểm soát một phần Không kiểm soát
    Triệu chứng ban ngày

    trên vài phút, xuất hiện

    >1 lần/tuần

    Không có biểu hiện nào Có 1 – 2 biểu hiện Có 3 – 4 biểu hiện
    Cần dùng SABA

    >1 lần/tuần

    Thức giấc hoặc ho về đêm do hen
    Hạn chế hoạt động do hen

    Bảng 6.2 Phân độ kiểm soát hen dành cho trẻ >5 tuổi [5].

    Trong 4 tuần qua, trẻ có: Kiểm soát tốt Kiểm soát một phần Không kiểm soát
    Triệu chứng ban ngày

    >2 lần/tuần

    Không có biểu hiện nào Có 1 – 2 biểu hiện Có 3 – 4 biểu hiện
    Cần dùng SABA

    >2 lần/tuần

    Thức giấc về đêm do hen
    Hạn chế hoạt động do hen

    Hen cơn nhẹ/trung bình

    Salbutamol khí dung (KD) 2,5mg (trẻ ≤5 tuổi),

    5mg (trẻ >5 tuổi) hoặc MDI 4 nhát xịt qua buồng đệm

    (tối đa 3 lần cách 20 phút, đánh giá sau mỗi lần phun)

    Hen cơn nặng/nguy kịch

    • Nhập cấp cứu, thở oxy qua mặt nạ
    • KD salbutamol + ipratropium qua oxy (tối đa 3 lần cách 20 phút, đánh giá sau mỗi lần phun)
    • KD corticoid liều cao
    • Corticoid tiêm mạch
    • Adrenalin tiêm dưới da (hen nguy kịch)

    Đáp ứng tốt

    • Điều trị ngoại trú
    • Salbutamol KD/MDImỗi 4 – 6 giờ trong 24 – 48 giờ

      🡪 tái khám

    Đáp ứng
    không hoàn toàn

    • Điều trị ngoại trú (±)
    • Uống prednisone
    • Salbutamol KD/MDI mỗi 4 giờ trong24 – 48 giờ

      🡪 tái khám

    Không đáp ứng

    • Nhập viện
    • Uống prednisone
    • KD salbutamol + ipratropium (tối đa 3 lần cách 20 phút, đánh giá sau mỗi lần phun)
    • KD corticoid liều cao (±)

    Đáp ứng

    • Thở oxy qua mặt nạ
    • KD salbutamol qua oxy mỗi 2 – 4 giờ trong 24 – 48 giờ
    • KD ipratropium qua oxy mỗi 4 – 6 giờ trong 24 giờ
    • Corticoid toàn thân x 3 – 5 ngày

    Không đáp ứng

    • Nhập ICU, đặt nội khí quản thở máy
    • KD salbutamol mỗi 1 – 2 giờ
    • KD ipratropium mỗi 2 – 4 giờ
    • Corticoid tiêm mạch
    • Magne sulfate TTM (trẻ >1 tuổi), Theophyllin TTM (trẻ ≤1 tuổi)

    1 giờ sau đánh giá lại

    1 giờ sau đánh giá lại


    Hình 6.1 Lưu đồ điều trị cắt cơn hen.

    Thuốc điều trị hen

    Thuốc cắt cơn hen

      • SABA (Short acting beta agonist): β2 – adrenergic receptor (B2AR) hiện diện nhiều trên tế bào cơ trơn đường thở. Salbutamol là một chất đồng vận β2 gắn lên B2AR kích thích sự sản xuất AMP vòng (cAMP – cyclic adenosine monophosphate) nội bào, gây tác dụng dãn cơ trơn. Hiệu quả của salbutamol khí dung bắt đầu trong vòng 3 phút, đạt đỉnh sau 2,5 giờ và kéo dài 4-6 giờ.
      • Liều dùng: phun khí dung 0,15mg/kg/lần, tối thiểu 2,5mg/lần, tối đa 5mg/lần.
      • Tác dụng phụ : nhịp tim nhanh, run chi, hạ kali máu.
      • SAMA (Short acting muscarinic antagonist): tác động của hệ thần kinh phó giao cảm lên thụ thể muscarinic (M1-M5) thông qua chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine gây co thắt cơ trơn phế quản và tăng tiết chất nhầy vào lòng đường thở. Trong phổi người chỉ biểu hiện thụ thể M1-M3. Ipratropium là một chất kháng thụ thể muscarinic gây ức chế tất cả thụ thể muscarinic, có tác dụng dãn phế quản. Hiệu quả của ipratropium khí dung bắt đầu trong vài phút, đạt đỉnh sau 1-2 giờ và kéo dài khoảng 4 giờ. Mặc dù tác dụng dãn phế quản khởi phát nhanh tương tự như salbutamol, nhưng do tác dụng phụ gây khô đàm nên ipratropium không được chọn là thuốc đầu tay để sử dụng trong cắt cơn hen.
      • Liều dùng: phun khí dung 250mcg/lần (trẻ ≤5 tuổi), 500mcg/lần (>5 tuổi)
      • Tác dụng phụ: nhịp tim nhanh, khô đàm.
      • Theophylline là một chất ức chế men phosphodi­esterase không chọn lọc, có tác dụng ức chế quá trình thoái hóa của cAMP và cGMP, làm tăng nồng độ của hai chất này. Trong khi cAMP giúp dãn phế quản thì cGMP gây co thắt phế quản. Vì vậy, theophylline có tác dụng dãn phế quản yếu. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho thấy theophyllin có tác dụng kháng viêm nhẹ.
      • Liều dùng: tấn công 5mg/kg/ truyền tĩnh mạch trong 20-30 phút, sau đó truyền tĩnh mạch duy trì 1mg/kg/giờ.
      • Tác dụng phụ: nhịp tim nhanh, kích động, buồn nôn, nôn, đỏ bừng mặt.
      • Magne sulfate có tác dụng dãn phế quản thông qua nhiều cơ chế như là (1) ức chế hấp thu ion Ca2+ của tế bào cơ trơn phế quản gây cản trở quá trình co cơ, (2) tham gia vào các hoạt động chuyển hóa của tế bào, trong đó có chuyển hóa sinh cAMP, hỗ trợ tác dụng của SABA lên cơ trơn phế quản, (3) ức chế sự phóng thích acetylcholine từ thần kinh phó giao cảm, và (6) giảm phóng thích histamine từ tế bào mast.
      • Liều dùng (chỉ dùng cho trẻ >1 tuổi) : 25-75mg/kg/liều duy nhất, truyền tĩnh mạch trong 20-30 phút.
      • Tác dụng phụ : tụt huyết áp, giảm phản xạ gân – xương.
      • Adrenalin tiêm dưới da : có tác dụng ức chế phóng thích histamin từ tế bào mast.
      • Liều dùng : Adrenaline 1%o 0,01 ml/kg/lần, tối đa 0,3 ml/lần x 3 lần tiêm dưới da cách 20 phút.
      • Corticoid uống/tiêm mạch có tác dụng kháng viêm toàn thân mạnh thông qua việc ức chế sự tổng hợp các phân tử protein tham gia trong phản ứng viêm của cơ thể. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả này cần mất vài giờ-vài ngày vì tác động lên thụ thể trong nhân « genomic » và ảnh hưởng lên quá trình sinh tổng hợp protein của tế bào. Trong khi đó, corticoid hít liều cao có tác dụng kháng viêm nhanh tại chỗ trong vài giây – vài phút thông qua cơ chế « non-genomic » gây giảm tưới máu đến biểu mô phế quản bị viêm. Theo cơ chế này, lượng lớn corticoid gắn lên thụ thể EMT (Extraneuronal Monoamine Transporter) tại màng tế bào cơ trơn mạch máu gây cản trở sự thoái hóa nor-epinephrine hậu synap thần kinh – cơ, giúp duy trì hiệu quả của nor-epinephrine trên thụ thể α1-adrenergic có tác dụng co mạch, dẫn đến giảm tưới máu đến vùng viêm, làm giảm phù nề niêm mạc phế quản.
      • Liều dùng corticoid uống : prednisone/prednisolone 1-2mg/kg/ngày x 3-5 ngày, tối đa 20mg (trẻ <2 tuổi), 30mg (trẻ 2-5 tuổi), 40mg (trẻ >5 tuổi).
      • Liều dùng corticoid tiêm mạch: hydrocortisone 5mg/kg hoặc methyl-prednisolone 1-2mg/kg mỗi 6 giờ.

    Thuốc ngừa cơn hen

      • Leukotrien modifiers: có loại ức chế men 5-lipoxygenase làm giảm sản xuất leukotrien, hoặc có loại là chất kháng thụ thể cysteinyl leukotrien, có tác dụng ức chế phản ứng viêm và co thắt phế quản do leukotrien. Trong hen do siêu vi hoặc hen do gắng sức, nghiên cứu ghi nhận có sự tăng sản xuất leukotrien từ quá trình viêm do chuyển hóa acid arachidonic. Vì vậy, leukotrien modifiers thường được ưu tiên sử dụng cho bệnh nhi hen do siêu vi hoặc hen do gắng sức.
      • Liều dùng: montelukast 4mg (trẻ 6 tháng-5 tuổi), 5mg (trẻ 6 – 14 tuổi).
      • Tác dụng phụ: đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, tiểu dầm.
      • ICS (inhaled corticosteroids): với hoạt tính kháng viêm mạnh thông qua nhiều cơ chế, corticoid được xem là sự lựa chọn hàng đầu trong điều trị hen. Corticoid thúc đẩy quá trình apoptois của các tế bào viêm, giảm tổng hợp các protein gắn kết nhằm hạn chế sự xâm nhập của các tế bào viêm, ức chế sự phóng hạt từ lysosome trong các tế bào viêm, ức chế tổng hợp các protein viêm và tăng sản xuất các protein kháng viêm, thúc đẩy biểu hiện thụ thể β2-adrenergic, giảm tiết đàm từ tuyến nhầy.

    Bảng 7.1 Liều corticoid hít

    Thuốc Tuổi Liều dùng (mcg/ngày)
    Thấp Trung bình Cao
    Fluticasone propionate ≤5

    6-11

    ≥12

    100

    100 – 200

    100 – 250

    >200 – 500

    >250 – 500

    >500

    >500

    Budesonide khí dung ≤5

    6-11

    500

    250 – 500

    >500 – 1000 >1000
      • LABA (Long acting beta agonist): tác động dãn phế quản thông qua cơ chế tương tự SABA nhưng vì hoạt chất LABA có tính ái mỡ cao cho phép thuốc ngấm vào trong mô đường thở tại vùng lân cận B2AR nên kéo dài thời gian tác dụng đến 12 giờ. LABA chỉ dùng ở dạng kết hợp với ICS và chỉ khuyến cáo dùng cho trẻ ≥6 tuổi.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Global Asthma Network (2018), The Global Asthma Report, Available from: http://www.globalasthmanetwork.org/, Accessed on

    2. Ferrante G. and La Grutta S. (2018), “The Burden of Pediatric Asthma”, Frontiers in pediatrics, 6, pp. 186-186.

    3. Bộ Y Tế Việt Nam (2016), “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen trẻ em dưới 5 tuổi”, Quyết định số 4888/QĐ-BYT.

    4. Papadopoulos N.G., Arakawa H., Carlsen K.H., et al. (2012), “International consensus on (ICON) pediatric asthma”, Allergy, 67 (8), pp. 976-97.

    5. Global Initiative For Asthma, Pocket guide for asthma management and prevention. 2018.

    6. Sejal Saglani and Clare M. Lloyd (2019), “The immunopathogenesis of asthma”, in Kendig’s disorders of the respiratory tract in children, Elsevier, 9th ed, section 4: Asthma, Philadelphia, pp. 2469-2513.

    7. Douwes J., Gibson P., Pekkanen J., et al. (2002), “Non-eosinophilic asthma: importance and possible mechanisms”, Thorax, 57 (7), pp. 643-648,Baraldo S., Turato G., Bazzan E., et al. (2011), “Noneosinophilic asthma in children: relation with airway remodelling”, European Respiratory Journal, 38 (3), pp. 575-583.

    8. Taussig L.M., Wright A.L., Holberg C.J., et al. (2003), “Tucson children’s respiratory study: 1980 to present”, Journal of Allergy and Clinical Immunology, 111 (4), pp. 661-675.

    9. Amin P., Levin L., Epstein T., et al. (2014), “Optimum predictors of childhood asthma: persistent wheeze or the Asthma Predictive Index?”, The journal of allergy and clinical immunology. In practice, 2 (6), pp. 709-715.

    10. Global Initiative for Asthma (2010), Global Strategy for Asthma Management and Prevention. GINA report, pp.

    CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

      • Hen trẻ em có đặc điểm bệnh học là gì?
      • Tắc nghẽn luồng khí cố định và tăng đáp ứng đường thở
      • Tắc nghẽn luồng khí không cố định và tăng đáp ứng đường thở
      • Tắc nghẽn luồng khí cố định và không tăng đáp ứng đường thở
      • Tắc nghẽn luồng khí không cố định và không tăng đáp ứng đường thở
      • Tế bào nào sau đây là tế bào chủ chốt trong sinh lý bệnh miễn dịch của hen?
      • Tế bào trình diện kháng nguyên
      • Tế bào lympho giúp đỡ loại 2
      • Tế bào lympho B
      • Tế bào bạch cầu đa nhân trung tính
      • Yếu tố nào sau đây không dùng để xác định chỉ số dự đoán hen (API) cho trẻ khò khè tái phát nhiều lần?
      • Viêm mũi dị ứng
      • Dị ứng nước hoa
      • Viêm da dị ứng
      • Dị ứng hải sản
      • Một trẻ trai 3 tuổi vào khám vì khò khè nhiều lần. Trong năm qua em khò khè 3 lần. Khò khè khởi phát sau mỗi lần trẻ ho sổ mũi, ngoài các đợt này trẻ khỏe mạnh. Gia đình trẻ không ai bị hen. Ba mẹ thắc mắc về nguy cơ bị hen sau này của con. Là bác sĩ khám trẻ, bạn cần thêm thông tin gì về tiền căn để tiên lượng cho trẻ?
      • Viêm da cơ địa của trẻ
      • Tiếp xúc khói thuốc lá của trẻ
      • Nổi mề đay khi ăn hải sản
      • Uống sữa công thức trước 6 tháng
      • Một trẻ trai 38 tháng tuổi vào khám vì khò khè 6 lần. Khò khè lần đầu lúc 12 tháng tuổi. Khò khè khởi phát sau mỗi lần trẻ cảm lạnh, ngoài các đợt này trẻ khỏe mạnh. Gia đình trẻ không ai bị hen. Ba mẹ thắc mắc về nguy cơ bị hen sau này của con. Là bác sĩ khám trẻ, thái độ xử trí lúc này của bạn là gì?
      • Hỏi thêm tiền căn dị ứng của trẻ
      • Hỏi tình trạng tiếp xúc khói thuốc lá của trẻ
      • Chỉ định đo IOS để đánh giá tình trạng tắc nghẽn hô hấp
      • Chỉ định test dãn phế quản để chẩn đoán hen và tiên lượng.
      • Trẻ trai 4 tuổi đến khám vì khò khè. Trẻ ho, khò khè 1 tháng nay điều trị nhiều nơi không hết. Trẻ khò khè nhiều hơn sau chạy chơi và nửa đêm về sáng. Tiền căn bị chàm da lúc 12 tháng, viêm tiểu phế quản lúc 6 tháng và 15 tháng. Mẹ của trẻ bị viêm mũi dị ứng. Khám ghi nhận trẻ khò khè. Để chẩn đoán hen trên trẻ này, cần làm gì?
      • Làm xét nghiệm dị ứng
      • Đo dao động xung ký
      • Chụp X-quang ngực tìm dấu hiệu ứ khí
      • Phun khí dung salbutamol và khám lại.
      • Trẻ gái 3 tuổi đến khám vì khó thở. Bệnh 3 ngày, ngày 1-2: sốt nhẹ, ho, sổ mũi; ngày 3: khò khè, khó thở. Tiền căn: từ khi trẻ 18 tháng tuổi, trẻ bị khò khè tái đi tái lại 4 – 5 lần sau mỗi lần ho, sổ mũi; được chẩn đoán viêm mũi dị ứng từ lúc 2 tuổi. Mẹ của trẻ bị hen. Ngoài các đợt khò khè, trẻ chơi bình thường và ngủ ngon. Khám thấy trẻ than mệt, thở co lõm ngực 46 lần/phút, phổi nghe ran ngáy, ran rít 2 bên, SpO2=94%. Chẩn đoán phù hợp nhất là gì?
      • Hen ngắt quãng
      • Hen cơn nhẹ
      • Hen cơn trung bình
      • Hen cơn nặng
      • Trẻ trai 4 tuổi đến khám vì khó thở. Bệnh 3 ngày, ngày 1-2: sốt nhẹ, ho, sổ mũi; ngày 3: khò khè, khó thở. Tiền căn: bị chàm da lúc 3 tháng; từ khi trẻ 12 tháng tuổi, trẻ bị khò khè tái đi tái lại 4 – 5 lần sau mỗi lần ho, sổ mũi. Ngoài các đợt khò khè, trẻ chơi bình thường và ngủ ngon. Khám thấy trẻ than mệt, thở co lõm ngực nặng 46 lần/phút, phổi nghe ít ran rít 2 bên, SpO2=88%. Xử trí lúc này là gì?
      • Phun khí dung combivent qua oxy + chích hydrocortisone
      • Phun khí dung combivent qua oxy + uống prednisone
      • Phun khí dung ventolin qua oxy + chích hydrocortisone
      • Phun khí dung ventolin qua oxy + uống prednisone
      • Trẻ trai 7 tuổi đến khám vì khó thở. Hôm nay sau khi đi đá bóng về thì em than tức ngực và khó thở. Tiền căn: em thỉnh thoảng bị viêm phế quản, uống thuốc ở phòng khám tư vài ngày thì hết; trẻ không dị ứng. Gia đình không ai hen. Khám thấy trẻ trả lời được câu ngắn, thở co kéo gian sườn 42 lần/phút, phổi nghe ran ngáy, ran rít 2 bên, SpO2=96%. Xử trí lúc này là gì?
      • Phun khí dung salbutamol 3 lần cách 20 phút rồi đánh giá lại
      • Phun khí dung combivent 3 lần cách 20 phút rồi đánh giá lại
      • Phun khí dung salbutamol 1 lần và nhập viện
      • Phun khí dung combivent 1 lần và nhập viện.
      • Trẻ trai 8 tuổi đến khám vì khó thở. 2 ngày nay em ho nhiều, khò khè, khó thở. Em đã xịt ventolin MDI 4 nhát x 2 lần (sáng – chiều) mà không thấy giảm.Tiền căn: lúc 5 tuổi em nhập khoa hồi sức thở máy vì hen. Sau đó, em xịt Flixitide được 2 chai thì tự ngưng thuốc, không tái khám theo dõi hen. Gia đình không ai hen. Khám thấy trẻ trả lời được câu ngắn, thở co kéo gian sườn 42 lần/phút, phổi nghe ran ngáy, ran rít 2 bên, SpO2=94%. Xử trí lúc này là gì?
      • Phun khí dung salbutamol 3 lần cách 20 phút rồi đánh giá lại
      • Phun khí dung combivent 3 lần cách 20 phút rồi đánh giá lại
      • Phun khí dung salbutamol 1 lần và nhập viện
      • Phun khí dung combivent 1 lần và nhập viện.
      • Tiêu chuẩn chẩn đoán hen cho trẻ <5 tuổi, nhận định nào sau đây SAI:
      • Khò khè tái đi tái lại
      • Giới hạn đường dẫn khí cố định
      • Đáp ứng test dãn phế quản
      • Loại trừ nguyên nhân khò khè khác
      • Một bé trai 4 tuổi đã được chẩn đoán hen, đang điều trị phòng ngừa bằng Flixotide, sáng nay bé thở mệt, khò khè tăng, thích ngồi thở, co lõm ngực nhịp thở 46 lần/phút, phổi ran ngáy rít 2 bên, SpO2=93%. Chẩn đoán nào sau đây phù hợp nhất?
      • Hen cơn nhẹ
      • Hen cơn trung bình
      • Hen cơn nặng
      • Không thể phân độ hen
      • Một bé trai 7 tuổi nhập viện vì cơn hen, yếu tố để tiên lượng nguy cơ vào cơn hen nặng, NGOẠI TRỪ:
      • Có dùng kháng sinh mạnh kéo dài
      • Không tuân thủ điều trị phòng ngừa
      • Nhập cấp cứu vì cơn hen trong năm trước
      • Có đặt nội khí quản trước đó vì cơn hen nguy kịch.
      • Yếu tố nào sau đây giúp tiên lượng trẻ bị hen dai dẳng sau 6 tuổi?
      • Sanh non nhẹ cân
      • Tiếp xúc khói thuốc lá
      • Ông nội bị hen
      • Ba bị hen
      • Điều nào sau đây KHÔNG phù hợp kiểu hình hen khởi phát do nhiều yếu tố?
      • Khởi phát sau nhiễm siêu vi hô hấp trên
      • Ho, khò khè tăng về đêm hay gần sáng
      • Khò khè khi tiếp xúc với khói thuốc lá
      • Giữa các đợt khò khè trẻ hoàn toàn bình thường
      • Trẻ 4 tuổi đến khám vì khò khè tái đi tái lại cách mỗi 3-4 tháng từ khi trẻ được 12 tháng. Cần hỏi thêm gì về tiền căn của trẻ để tiên lượng nguy cơ hen sau 6 tuổi?
      • Sanh non
      • Dị ứng hải sản
      • Ba hoặc mẹ bị hen
      • Tiếp xúc khói thuốc lá
      • Salbutamol có tác dụng dãn phế quản thông qua cơ chế nào?
      • Ức chế cholinergic receptor
      • Kích thích cholinergic receptor
      • Ức chế Adenylcyclase
      • Tăng sản xuất AMP vòng
      • Chỉ định dùng thuốc ngừa cơn hen ở trẻ em < 5 tuổi theo GINA 2016, NGOẠI TRỪ:
      • Khò khè 4 lần trong năm qua
      • Khò khè <3 lần sau nhiễm siêu vi hô hấp nhưng cơn nặng
      • Triệu chứng nghi ngờ hen và cần dùng salbutamol thường xuyên
      • Triệu chứng điển hình hen và khò khè >3 lần và không kiểm soát bằng các phương pháp không dùng thuốc ngừa cơn hen
      • Yếu tố nào sau đây KHÔNG tiên lượng nặng ở trẻ nhập viện vì hen?
      • Mới ngưng uống prednisone
      • Đã từng vào cơn hen cần thở máy
      • Từng nhập viện vì cơn hen trung bình
      • Chưa có bản kế hoạch xử trí hen
      • Một bé trai 38 tháng đến khám vì ho và khò khè tái đi tái lại nhiều lần, gia đình không ai bị hen, triệu chứng tăng về đêm và gần sáng, yếu tố nào sau đây quan trọng nhất để góp phần chẩn đoán hen?
      • Nhà có người hút thuốc lá
      • Có đáp ứng với salbutamol
      • Có chơi thú nhồi bông
      • Nổi mề đay khi ăn hải sản.

    Đáp án: 1B 2B 3D 4A 5A 6D 7C 8A 9C 10D

    11B 12B 13A 14D 15D 16C 17D 18A 19C 20D.

    1. ucAPI: University of Cincinmati Asthma Predictive Index; LR: Likehood Ratio.
    2. FEV1/FVC: forced expiratory volume in the first second/forced volume capacity